Đình - miếu Tráng Vũ (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) thờ một trong Tứ vị Thánh bất tử là Chử Đồng Tử cùng Nhị vị Phu nhân (Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa thời vua Hùng Vương Thứ 18).
Căn cứ vào thần sắc lưu giữ tại di tích và truyền miệng của
các cụ cao niên trong thôn, đình - miếu Tráng Vũ (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh
Hưng Yên) thờ một trong Tứ vị Thánh bất tử là Chử Đồng Tử cùng Nhị vị Phu nhân
(Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa thời vua Hùng Vương Thứ 18). Đình
Tráng Vũ được khởi dựng vào thời Lê và được trùng tu một số cấu kiện của Ống muống
và Hậu cung thời Nguyễn. Miếu Tráng Vũ được khởi dựng từ sớm, trùng tu thời
Nguyễn.
Đình Tráng Vũ
Đình có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công (工)
gồm các tòa Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Toàn bộ cấu kiện kiến trúc được làm
bằng gỗ tương đối vững chắc, được chạm khắc hoa văn với chủ đề dân gian; mặt tiền
hướng Tây ghé Nam.
Đại bái gồm 3 gian 2 chái, kết cấu kiểu bốn mái truyền thống
đặc trưng thời Lê với các đầu đao cong hình đầu rồng cách điệu. Mái Đại bái được
lợp bằng ngói mũi hài (còn gọi là ngói ta hay ngói vẩy rồng), bằng đất nung, gối
so le, chồng lên nhau.
Hệ thống vì chính của Đại bái được liên kết kiểu vì kèo trụ
trốn đơn giản. Trụ tạo tác hình vuông, phía trên ăn mộng vào thượng lương, phía
dưới được đặt lên đấu vuông và gối vào câu đầu. Hai bên trụ chính là hai trụ phụ
nhỏ hơn, phần trên ăn mộng vào hoành, phần dưới gối trên câu đầu. Nối giữ các
trụ là thanh kẻ ngang. Câu đầu được bào trơn không trang trí hoa văn dạ câu đầu
làm giật cấp soi gờ chỉ. Phía dưới bốn góc câu đầu đặt các đầu dư tạo tác hình
đầu rồng khác nhau ăn mộng vào cột cái. Có thể nói, tòa đại bái là nơi tập
chung các mảng chạm khắc công phu tỉ mỷ, mang đậm nét kiến trúc thời Lê.
Ống muống: Nối với Đại bái và Hậu cung là hai gian Ống muống,
là nơi đặt ban thờ công đồng, thờ những người có công với làng với nước. Bộ vì
chính của gian này được kết cấu kiểu giá chiêng con nhị. Trên các con rường được
chạm kiểu bong kênh hình rồng rất chân thực, thể hiện sự khéo léo, tài hoa của
các nghệ nhân đương thời. Hai bên nối giữa cột quân và cột chính của gian ống
muống được liên kết bằng hệ thống xà, nằm giữa khoảng cách hai đoạn xà là bức cốn
mặt trước chạm tích tùng lộc và long cuốn thủy. Phía trên xà là hai con rường cụt
chạm hình rồng.
Toàn bộ các môtíp chạm khắc của Ống muống mang đậm phong
cách kiến trúc thời Nguyễn với chủ yếu là đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng)
và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Rồng chạm khắc ở đây với vẻ dữ dằn, sừng dài
nhiều nhánh, mặt quỷ, miệng rộng kéo dài, mũi sư tử, chân cá sấu, năm móng chim
ưng, bờm tóc xõa tự do với đuôi cuộn xoắn.
Hậu cung: 3 gian sau bức tường ngăn với Ống muống. Mặt trước
của bức tường, mở ra hai cửa đi vào Hậu cung được đắp vẽ hình tượng lưỡng long
chầu nguyệt phía trên, bên dưới là hình ảnh phượng hàm thư, ở giữa ghi chữ Hán.
Các bộ vì Hậu cung làm kiểu vì kèo quá giang đơn giản không trang trí hoa văn.
Gian trung tâm đặt ban thờ và ngai thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử
cùng Nhị vị phu nhân.
Toàn bộ kết cấu kiến trúc của đình Tráng Vũ ngày nay vẫn được
bảo lưu gần như nguyên trạng so với ban đầu. Từng hạng mục công trình được kết
cấu đa dạng. Các mảng chạm khắc tuy không nhiều song gắn kết, hài hòa trong tổng
thể công trình kiến trúc. Đề tài chạm khắc ít, nhưng chủ đạo là linh vật rồng,
song với sự sáng tạo của các nghệ nhân đương thời thì các con rồng ở đây không
bị trùng lặp mà mỗi con đều thể thiện sức mạnh, sự vươn lên thống trị thiên
nhiên cũng như mong ước có được cuốc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Miếu Tráng Vũ
Nằm về phía Đông Nam của thôn, miếu Tráng Vũ cách đình khoảng
700m, được dựng trong khuôn viên thoáng rộng với rất nhiều cây cổ thụ hàng trăm
năm tuổi.
Hiện nay, miếu vẫn mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn
với kết cấu kiểu chữ Công (工) gồm Tiền tế, Ống muống và Hậu
cung; mặt tiền hướng Tây ghé Nam.
Tiền tế 3 gian 2 dĩ, mái lợp ngói ta, đường bờ nóc xây gờ nổi,
trang trí hoa chanh. Hai đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bám vào. Đường bờ giải chạy
thẳng nhưng gấp khúc ở giữa, nơi đây đặt con sô đứng đầu quay xuống theo hướng
miếu. Cuối đường bờ guột là đầu đao đắp hình rồng mớm phượng rất mềm mại và
thanh thoát.
Các bộ vì Tiền tế được kết cấu như sau: hai bộ vì gian trung
tâm làm kiểu giá chiêng đơn giản, kên trên quá giang chạy thẳng áp vào tường đã
tạo lên không gian thông thoáng cho ngôi miếu; hai bộ vì gian hồi được kết cấu
kiểu chồng rường kê trên đấu vuông. Các con rường không trang trí hoa văn.
Ống muống là một gian kiến trúc đơn giản, nối với Tiền tế,
nơi đặt ban thờ công đồng, trên treo cửa võng chạm thủng tích lưỡng long chầu
nhật, tứ linh.
Hậu cung là 3 gian theo kiểu tường hồi bít đốc, phía trước nối
với gian Ống muống mở ra hai cửa cạnh. Hậu cung lợp ngói ta, đường bờ nóc xây gờ
nổi, hai đầu bờ làm dạng đầu đinh, đường bờ giải đắp gờ. Bờ giải mái sau xây dật
cấp. Kết cấu các bộ vì tòa này được liên kết theo kiểu giá chiêng đơn giản và
được kê lên đấu vuông. Toàn bộ các liên kết vì được bào trơn đóng bén không
trang trí hoa văn. Tại gian trung tâm Hậu cung đặt ban thờ Đức thánh Chử Đồng Tử
cùng nhị vị phu nhân. Điều đặc biệt là ở miếu chỉ thờ tượng của Chử Đồng Tử và
Tiên Dung công chúa còn bên thờ Tây Sa công chúa chỉ có ngai.
Tượng Chử Đồng Tử đặt ở giữa, được làm bằng gỗ, tạc trong tư
thế ngồi trên ngai, hai tay đặt lên đùi, mặc áo, trước bụng trang trí lưỡng
long chầu nguyệt và thủy ba, đầu đội mũ, khuôn mặt nghiêm nghị, hai bên mép để
râu. Tượng sơn son, cao 123 cm, rộng vai 41cm. Ngai cao 88cm, dài 67cm, rộng
60cm, đế vuông, thân làm kiểu trấn song con tiện chạm long vân. Tay ngai hình đầu
rồng nhìn thẳng, miệng rộng, mắt lồi, nhe lanh, thè lưỡi... Phía bên trái tượng
Chử Đồng Tử là tượng Tiên Dung công chúa được tạc bằng gỗ, trong tư thế ngồi
trên ngai.
Tượng cao123cm, rộng vai 40cm, mặc áo có họa tiết hoa văn rồng phượng,
hai tay đặt lên đùi, tay phải cầm chiếu quạt, đầu đội mũ, khuôn mặt tròn phúc hậu,
mắt nhìn về phía trước. Ngai cao 99cm, dài 69cm, rộng 64cm, đế vuông, thân làm
kiểu trấn song con tiện chạm long vân, tay ngai hình đầu rồng ngẩng cao, miệng
rồng ngậm ngọc. Nhìn chung, thông qua quá trình nghiên cứu về phong cách, kỹ tuật
tạo tác tượng và nghệ thuật chạm khắc trên ngai có thể thấy rằng hai pho tượng
và ngai có niên đại vào khoảng thời hậu Lê.
Ngoài ra, phía bên phải tượng Đồng
Tử là ngai và bài vị được sơn thếp vàng, thờ Tây Sa công chúa. Ngai được làm bằng
gỗ, đế kiểu châm quỳ dạ cá mặt hổ phù, thân ngai kiểu trấn song con tiện, tay
hình đầu rồng, phía sau chạm tứ linh. Bài vị đế chạm hổ phù, đường diềm thân
trang trí rồng cách điệu, đao lửa, chám bài vị hình mặt nhật. Trên thân bài vị
để trơn không ghi thần vị.
<iframe width="720" height="385" src="https://www.youtube.com/embed/Qb93aH8K7Nk" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>
Với những giá trị trên, Đình, miếu Tráng Vũ, xã Đồng Than,
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp
hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 49/QĐ-BVHTTDL
ngày 07/01/2020.
Nguồn: Cục di sản Văn hóa