Đình Mộ Đạo còn gọi là đình Kếu thuộc thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với đình Bảo Đức và đình Đại Phúc, đình Mộ Đạo là một trong ba ngôi đình thuộc cụm di tích thờ Lý Nam Đế cùng mẹ và vợ ông ở xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên.
Cụm di tích Đình Mộ Đạo, đình Bảo Đức và đình Đại Phúc được
nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1992.
Thần chủ
Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (tức 17/10/503). Từ
nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi
thì cha mất; 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột.
Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy
Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm đèn
sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ
kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương, được Thứ sử Tiêu Tư nhà
Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày
nay). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hà khắc tàn bạo nên mất lòng người.
Do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí bỏ quan, về
quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ. Khi chiêu mộ các hào kiệt
qua sông Cà Lồ thì nhân dân làng Yên Lỗ, làng Mộ Đạo và làng Bảo Đức hăng hái
giúp đỡ ông để trừ bạo ngược.
Sau khi đánh đuổi được quân đô hộ năm 541, Lý Bí lên ngôi
hoàng đế. Ông trọng thưởng cho dân Yên Lỗ, Mộ Đạo, Bảo Đức rất hậu, ban tặng
vàng, lúa cho các bô lão, miễn sưu thuế cho dân, lại cho làng được mở lò đúc tiền
và cho mẹ, vợ ông về đây trông coi vùng đất này. Vợ và con gái út của ông đã
truyền đạt cho nhân dân trong vùng nhiều kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Để tưởng
nhớ đến công lao của Lý Bí, mẹ và vợ ông nên nhân dân đã lập đền thờ ba người.
Theo gia phả và truyện kể trong làng, khi Lý Bí mất, dân
làng tưởng nhớ đến công lao của ông nên lập đền thờ, về sau được chuyển vào thờ
ở đình làm Thành hoàng làng.
Di tích lịch sử
Đình Mộ Đạo quay về hướng Đông, cách đường quốc lộ 2B hơn
500m, cách thị xã Phúc Yên 5km; mọi con đường đến di tích đều thuận lợi.
Đình Mộ Đạo được xây dựng khá sớm. Kiến trúc đình theo kiểu
chữ “Đinh”, mặt bằng đại đình hình chữ nhật có hậu cung. Đình có tường lớn bao
quanh, lối đi vào có tứ trụ được xây bằng gạch vôi, bổ ô trang trí theo đề tài
tứ quý, tứ linh; trên đỉnh trụ có đắp hai con phượng tạo dáng đẹp như ngọn bút
tháp.
Hai bên cổng chính phần giữa hai trụ được đắp nổi hình rồng,
cuốn thư, phần dưới được trang trí hình voi, ngựa… rất sinh động. Cổng trụ mang
những nét tiêu biểu cho mỹ thuật thời Nguyễn vừa trang nghiêm vừa uy quyền và đạt
được trình độ thẩm mỹ cao.
Đại đình gồm ba gian hai dĩ, mái lợp ngói mũi hài, có 4 đầu
đao cong vút. Trên nóc đầu hồi có đắp nổi hình rồng, lân cách điệu đều mang những
nét đặc trưng của thời Nguyễn. Đình Mộ Đạo có hậu cung là phần chuôi vồ ghép với
đại đình. Thành hoàng được thờ ở gian giữa nối với hậu cung. Bàn thờ ở đây được
làm lửng trên các cột.
Về trang trí, đình Mộ Đạo không vượt quá đề tài thường sử dụng
ở thế kỷ trước và sau thế kỷ 19 đó là bộ tứ quý và tứ linh. Những hình rồng được
đắp ở đây đã đạt tới trình độ cao về giá trị thẩm mỹ cũng như kỹ thuật, có sự
uyển chuyển, uốn lượn cực kỳ sinh động.
Đình Mộ Đạo có nhiều tác phẩm điêu khắc trang
trí như kẻ bảy, chạm kẻ bong, đề tài tứ linh với phong cách vượt khỏi bề mặt
hình thành mảng riêng, hình rồng được diễn tả đầu vươn ra ngoài… Đầu dư đình Mộ
Đạo có kệ đỡ, mang phong cách khác nhau đại diện cho các thời kỳ như thời Hậu
Lê, thời Nguyễn. Hai bức chạm cốn nách cơ bản là hình rồng mang phong cách thời
Lê. Ngoài ra còn có các bức chạm ở hậu cung và đại đình đều có giá trị cao về
nghệ thuật. Đình Mộ Đạo là một di tích kiến trúc quý, mang đậm dấu ấn nghệ thuật
của nhiều thời đại.