Đình Mõ được xây dựng từ những năm 1675 dưới triều vua Lê Gia Tông với 3 gian nhà tranh thờ thần Cao Sơn - Cao Các; "Thượng tướng quân, dực bảo trung hưng linh phù gia tăng thượng đẳng thần" Phan Ngọc Đệ; "Công đức Huyền trí Dực bảo Trung hưng, Trung đẳng Tôn thần" Nguyễn Hữu Chỉ.
Đình Mõ được nhân dân xây dựng trên đất có tên gọi là Kẻ Mõ,
nay là làng Đức Hậu, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, để làm nơi hội
họp và sinh hoạt văn hóa của dân làng, nên nhân dân thường gọi là đình Mõ.
Địa danh di tích qua các triều đại phong kiến đến nay có
thay đổi nhưng tên gọi và địa điểm xây dựng vẫn không thay đổi, cụ thể là:
- Thời Nguyễn, Đình
Mõ thuộc địa phận xã làng Đức Hậu, xã Giai Lạc, huyện Đông Thành, phủ Diễn
Châu, trấn Nghệ An.
- Sau Cách mạng tháng
Tám năm 1945, xã Giai Lạc được chia thành 03 xã Phúc Thành, Hậu Thành và Đồng
Thành, Đình Mõ thuộc xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Từ thành phố Vinh, theo hướng Vinh - Hà Nội, du khách đi
theo Quốc lộ 1A, đến ngã ba Cầu Bùng, huyện Diễn Châu thì sẽ rẽ tay trái đi
theo đường tỉnh lộ 538, đến km 12, thuộc Thị trấn Yên Thành, du khách tiếp tục
rẽ tay phải theo đường huyện lộ liên xã qua xã Văn Thành và Phúc Thành là đến
xã Hậu Thành và là địa điểm của di tích.
Nhân vật lịch sử và những sự kiện diễn ra tại Đình Mõ
Đình Mõ được xây dựng từ những năm 1675 dưới triều vua Lê
Gia Tông với 3 gian nhà tranh thờ thần Cao Sơn - Cao Các; "Thượng tướng
quân, dực bảo trung hưng linh phù gia tăng thượng đẳng thần" Phan Ngọc Đệ;
"Công đức huyền trí dực bảo trung hưng, trung đẳng tôn thần" Nguyễn Hữu Chỉ. Đến năm 1884, đình được nâng
cấp thành 3 tòa nhà bằng gỗ, gồm Hạ điện, Trung điện và Thượng điện.
Trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ
huy của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã, Đình Mõ đã được chọn làm đại bản doanh
và trung tâm hoạt động của nghĩa quân.
Nguyễn Xuân Ôn là một thủ lĩnh trong phong trào Cần vương,
ông sinh ngày 23 tháng 3 năm Ất Dậu, tức ngày 10 tháng 5 năm 1825, tại làng Quần
Phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành - nay thuộc xã Diễn Thái,
huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đỗ Tiến sỹ năm 1871, ra làm quan cho nhà Nguyễn
dưới triều Tự Đức.
Ông là một vị quan công bằng, thẳng thắn, yêu nước, thương
dân. Trong lúc làm quan cho nhà Nguyễn ông đã nhiều lần dâng sớ phản đối chủ
trương nghị hòa và trình bày những phương thức chọn lựa người hiền tài, chấn chỉnh
võ sĩ, lập đồn điền, khuyến khích việc cày cấy, bớt chi tiêu xa xỉ... nhưng bị
triều đình làm ngơ và bị cách chức nên ông đã xin về quê tập hợp quần chúng khởi
nghĩa chống thực dân Pháp.
Ông và Lê Doãn Nhã là linh hồn của phong trào Cần Vương chống
Pháp ở các huyện phía Bắc Nghệ Tĩnh, ông chọn Yên Thành làm căn cứ địa và được
nhân dân Yên Thành hưởng ứng và hết lòng ủng hộ. Ông mất năm 1889, thọ 64 tuổi.
Bài vị của ông được thờ trong nhiều di tích trên địa bàn huyện
Yên Thành. Tại thành phố Vinh, ở địa phận phường Hưng Bình, có một con đường
dài 917m mang tên Nguyễn Xuân Ôn. Và tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng có
một ngôi đền thờ ông và một ngôi trường mang tên ông - Trường THPT Nguyễn Xuân
Ôn.
Trong phong trào Cần Vương, ngoài cụ Nguyễn Xuân Ôn còn có cụ
Phó bảng Lê Doãn Nhã, người bạn đồng hương, một cộng tác đắc lực của Nguyễn
Xuân Ôn trong cuộc khởi nghĩa.
Lê Doãn Nhã sinh năm 1837 tại làng Tràng Sơn, xã Quan Trường,
tổng Quan Trung, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đậu Phó bảng trong kì thi Hội
năm 1871 cùng với Nguyễn Xuân Ôn và được triều đình nhà Nguyễn bố trí làm quan ở
Hải Dương, Huế, sau đó về làm Sơn phòng sứ ở Nghệ An. Lê Doãn Nhã nổi tiếng là
vị quan có tài, liêm khiết và là người biết thương dân, luôn giúp đỡ dân nghèo
như bỏ kiến, bớt gạo cứu dân, giảm bớt sưu thuế cho nhân dân... và được nhân
dân ca ngợi hết lòng.
Với lòng căm thù giặc Pháp cao độ, hưởng ứng chiếu Cần
Vương, ông đã cùng một số nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa, là Phó tướng cho Nguyễn
Xuân Ôn, nghĩa quân của ông đã tổ chức đánh Pháp ở vùng bắc sông Lam từ năm
1885 đến năm 1887. Trong trận đánh tại làng Đồng Nhân, khi chủ tướng Nguyễn Xuân
Ôn bị thương, ông vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Năm 1888, ông bị thực dân Pháp bắt và bị sát hại. Khi ông hi
sinh, con cháu và nhân dân thương tiếc và lập đền thờ ông trên nền nhà cũ của bố
mẹ ông trong dòng họ Lê thuộc làng Tràng Sơn - xã Sơn Thành ngày nay. Từ đó,
nhân dân thường gọi là Đền thờ Lê Doãn Nhã. Hiện nay, ở xã Sơn Thành cũng có một
ngôi trường mang tên ông đó là trường THPT Lê Doãn Nhã.
Năm 1887, thực dân Pháp đánh vào làng, mở cuộc tiến công đại
bản doanh của nghĩa quân nên Đình Mõ đã bị thiêu rụi thành tro bụi. Mãi đến năm
1912, làng Đức Hậu mới huy động bà con đóng góp sức người, sức của để xây dựng
lại đình. Ngày 26 tháng 3 năm 1913, ngôi đình mới được hoàn thành và tồn tại đến
ngày nay.
Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch "Diệt
giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm", đình Mõ đã mở lớp bình dân học vụ đầu
tiên trong vùng.
Bên cạnh đó, đình Mõ còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh
như cầu phúc, cầu tài, cầu yên của địa phương. Hàng năm, đình Mõ tổ chức 2 kỳ lễ
tế, đó là lễ Tiểu Điển 15 tháng 3 và Đại Điển 15 tháng 11. Lễ tế được diễn ra với
các nghi thức: Ngày 14 tháng 11 là ngày phụng nghinh, bài vị của các vị thần được
rước rất uy nghi, đi đầu là hàng cờ xéo, tiếp đến là kiệu sơn son thếp vàng, lọng
che trên đặt bài vị các vị thần được thờ tại đình Mõ, đi hai bên là hai hàng
người mặc áo đỏ, tiếp đến là vị tế chủ đội mũ cánh chuồn, đi hia mặc áo thụng
the, chiêng trống xập xình theo nhịp bước, sau cùng là dân làng.
Sau khi các vị thần được an tọa theo ngôi thứ, tối 14 tháng
11 tổ chức lễ yết, ngày 15 tháng 11 là ngày chính tế, hầu hết trong làng đều
làm cỗ tam sinh đem ra đình cúng. Trong những ngày này, làng còn tổ chức các
trò chơi như chọi gà, đánh đu, đánh vật, cờ người...
Đình Mõ được những người xây dựng chọn một địa hình tốt, một
vị thế có thể nói là đẹp về mọi mặt. Mặt đình quay về hướng Nam, lưng dựa vào
núi, trước mặt là dòng suối đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Xưa, vùng đất này là một rừng cây rậm rạp, có nhiều khe suối
như dòng khe Lân từ trên cao đổ xuống tụ lại trước cổng đình tạo thành một vùng
khí thiêng. Núi Tháp Sơn tuy không cao nhưng nổi tiếng trong vùng, núi có nhiều
loài cây cổ thụ như lim, gõ, chò chỉ xen lẫn các lùm tre, trúc, thảo mộc... Núi
cũng là môi trường sinh sống tốt cho các loài chim như cò, diệc, các loài động
vật khác... Trải qua hàng trăm năm cùng nhiều biến cố lịch sử, rừng cây cổ thụ
vẫn còn, nhà nước đã có dự án đầu tư bảo tồn rừng nguyên sinh trên núi Tháp.
Toàn bộ di tích đình Mõ được bố trí trong khuôn viên rộng
4294m2, gồm các công trình kiến trúc là nhà Bái đường, nhà Hậu cung, nhà Tả vu
và Hữu vu.
Nhà Bái đường có chiều dài là 15,6m, chiều rộng là 7,9m, mái
lợp ngói âm dương. Trên bờ giải và bờ nóc đắp phù điêu hình lưỡng long chầu
nguyệt - một hình ảnh quen thuộc được trang trí trong các di tích. Ở giữa là mặt
trăng đang tỏa sáng, hai bên là hai con rồng có đầy đủ dầu, thân, đuôi đang
quay về phía mặt trăng.
Ở đầu nóc và các đầu đao được đắp 4 con nghê trong tư thế chầu,
đầu ngẩng cao như lao về phía trước. Nhà được làm chủ yếu bằng gỗ lim, gồm có 3
gian, 2 hồi, 6 vì, trong đó có 4 vì chính và 2 vì hồi, 8 cột cái cao 3,9m với
đường kính 38cm, 16 cột quân cao 2,8m có đường kính 35cm.
Hệ thống cột nâng đỡ phần mái và các bộ phận khác của nhà.
Các cột được đặt trên các tảng đá xanh hình vuông có kích thước 550cm x 550cm,
cao 7cm. Hai bên đầu hồi có 2 cửa sổ chớp, mặt trước có 14 cánh cửa và 1 cửa
nách, cửa đóng trên chớp dưới pano, thềm nhà lát gạch Cẩm Trang.
Tòa Bái đường kết cấu theo kiểu tam oai, với kỹ thuật lắp
ghép mộng truyền thống và hệ thống hàng cột dọc ngang như vậy đã làm cho nhà
Bái đường thêm vững chắc và thoáng đãng. Tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân được
thể hiện rõ nét trong nghệ thuật chạm khắc bong kênh 2 mặt trên từng bộ phận cấu
trúc chính như xà, nghé, kẻ, đấu.
Tại đây các nghệ nhân xưa đã tận dụng toàn bộ mặt phẳng để tạo
nên những tác phẩm điêu khắc có giá trị thẩm mỹ cao với các đề tài trang trí
truyền thống mang đậm nét dân gian như tứ linh, tứ quý và hình dơi. Các mảng đề
tài được thể hiện một cách tỷ mỷ, sinh động và được bố trí một cách đăng đối,
các đường nét chạm khắc vừa khỏe khoắn, vừa mềm mại, uyển chuyển.
Đặc biệt là trên xà nách mặt trước và mặt sau chạm hình con
dơi với tư thế xòe cánh đang bám vào thân kẻ, nó làm tăng thêm sức hấp dẫn, sống
động. Dơi trong quan niệm dân gian được xem là biểu tượng cho sự tốt lành và
may mắn.
Ngoài ra, nghệ thuật điêu khắc ấy còn được thể hiện rõ nét
trên các kẻ, mỗi kẻ trang trí một đề tài, một nội dung khác nhau. Trên kẻ vì một
trang trí long, ly, quy, phượng; trên kẻ vì 2 trang trí lưỡng long chầu nguyệt;
trên vì 3 trang trí long, ly, quy, phượng, phượng hàm thư, rồng chầu phượng
múa; trên kẻ vì 4 chạm rùa nấp bóng hồ sen và hoa lá cách điệu.
Về bài trí nội thất, gian giữa nhà Bái đường đặt 1 hương án
sơn son thếp vàng. Trên hương án đặt: 2 mâm chè, một mâm kích thước 59cm x 34cm
x18cm, mâm còn lại kích thước là 34cm x 20cm x 18cm; 1 bát hương bằng sứ; 2 nạm
rượu bằng sứ; 2 cọc nến, 2 bình hoa.
Phía trước hương án đặt một lư hương lớn đúc bằng xi măng, vôi
vữa đặt trên một bệ cao 60cm. Trên xà thượng gian giữa khắc năm xây dựng đình
là năm 1912 - năm Quý Sửu và bên dưới treo một bức đại tự ghi dòng chữ "Đức
lưu quang" - nghĩa là “Đức lưu truyền mãi mãi”, bên dưới bức đại tự là bức
cửa võng bằng vải thêu rồng và dòng chữ "Thánh cung vạn tuế" - nghĩa
là “Cung phụng thần thánh muôn đời”.
Hai gian bên phải được bài trí đơn giản. Gian bên trái đặt
trống chiêng, gian phải đặt giá bát bửu.
Từ nhà Bái đường sang nhà Hậu cung du khách phải đi qua một
một khoảng sân lộ thiên có chiều dài là 10,8m và chiều rộng là 2m, được láng bằng
xi măng có một đường rảnh để thoát nước mỗi khi có mưa. Nhà Hậu cung xây tường
bít đốc, bờ giải thẳng, bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt uy nghi, mái lợp
ngói âm dương, trước nhà có 2 cột hiên với hai câu đối bằng chữ Hán màu đen.
Câu đối mặt trước là:
“Lân
khê thủy tú thiên thu tại
Tháp linh
thanh sơn vạn đại như".
Nghĩa là:
“Dòng nước đẹp
ngàn năm vẫn thế
Cây xanh
núi Tháp nghìn năm vẫn linh thiêng”.
Câu đối mặt
trong là:
"Phúc
giáng đại đình giai thụ phú
Dân quy đức
hậu lạc đồng dân".
Nghĩa là:
“Phúc lớn
giáng xuống đình mọi người dân đều được hưởng
Dân quy tụ về
đình mọi người đều chung vui”.
Nhà Hậu cung có 3 gian 4 vì kèo, nền nhà lát gạch cẩm trang,
khung làm bằng gỗ lim. Cửa nhà Hậu cung có 9 cánh bằng gỗ de sơn đỏ, các đầu kẻ
phía trước và phía sau chạm khắc đơn giản hơn nhà bái đường với các đề tài
trang trí là rồng vờn và hoa lá cách điệu. Kết cấu vì kèo theo kiểu thượng
xông, hạ kẻ và có 8 cột, 4 cột trụ.
Gian giữa nhà Hậu cung đặt 1 bàn thờ được sơn đỏ, mặt trước
trang trí hổ phù, rồng chầu và hoa lá cách điệu. Bàn thờ gồm 3 cấp, cấp 1 có
chiều rộng là 2,4m, chiều dài là 75cm, chiều cao là 1,4m. Giữa bàn thờ là một
long ngai đặt bài vị thờ thần Cao Sơn - Cao Các - những vị thần có công với nước
với dân.
Trong các đình, đền, chùa, thần Cao Sơn luôn được thờ cùng
thần Cao Các. Đức ông Cao Các là người làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Thanh
Đô. Ông sinh ngày 6 tháng 1 năm 938. Mẹ là Lê Thị Điềm, bố là Cao Trạch. Cao
Các thông minh và có sức khỏe phi thường, dung mạo lại hơn người nên được mọi
người trong làng gọi là “thần đồng”. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước hỗn
loạn, sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân,đức ông
Cao Các quyết tâm tìm và đầu quân phò tá (vua) Đinh Bộ Lĩnh.
Vua thấy ông có tư chất thông minh, chính trực, giỏi võ nghệ
nên đã phong chức Giám nghị đại phu và giao cho đi dẹp loạn. Với tài thao lược
và dùng binh, ông đã góp công lớn trong việc giúp vua Đinh dẹp yên được loạn 12
sứ quân, thu non sông về một mối.
Năm 968, sau khi vua Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, danh tướng Cao
Các được giao trấn thủ vùng đất An Ninh. Ông thấy đây có phong cảnh hữu tình,
dân cư ôn hòa nên ông quyết định cho quân sĩ lập quân. Tại đây, ông thường
xuyên tổ chức tập luyện võ nghệ cho binh sĩ, vùa tăng cường công tác phòng thủ
vừa hướng dẫn cho nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, chữa bệnh cho dân nghèo và tập
luyện võ nghệ cho binh sĩ, giúp triều đình bảo vệ đất nước.
Khi giặc Chiêm Thành đem quân sang quấy nhiễu vùng biên
cương nước ta, 1 lần nữa, vua Đinh lại triệu Cao Các về triều và giao cho ông
thống lĩnh 5 vạn tinh binh đi đánh giặc. Cao Các đã giành thắng lợi vẻ vang,
đánh đuổi được quân giặc ra khỏi bờ cõi.
Ghi nhận công lao của ông, vua Đinh đã phong thưởng và giữ lại
làm quan nhưng ông đã xin về quê sống cuộc sống an nhàn ở vùng đất An Ninh cho
đến khi qua đời. Sau khi ông mất, triều đình nhà Đinh đã cho lập miếu thờ. Đến
đời vua Lý Thái Tổ, ông được truy phong “Mỹ hiệu Đại vương”. Các triều tiếp
theo gia phong cho ông là “Thượng thượng đẳng
tối linh tôn thần”.
Theo truyền thuyết người dân Nghệ An, thần Cao Sơn tên thật
là Cao Hiển. Ông sinh ngày 20 tháng 8 năm Bính Ngọ tại Quảng Tây, Trung Quốc. Từ
nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, thuộc làu kinh sử. Năm 15 tuổi, mồ côi cha mẹ.
Năm 22 tuổi niên hiệu Tống Hưng Ninh đỗ tiến sĩ, được vua Tống tặng thưởng và
giữ lại triều đình làm Thừa tướng.
Năm 30 tuổi, ông được phong làm Thừa tướng kiêm Nguyên soái
Đại tướng quân và được triều đình cử sang quan Án sứ nước Nam. Ông nhận chức ở
trấn Nghệ An. Trên đường đi ngang qua trang Phúc Bội, huyện Lương Giang, có xứ
Bến Tiên, thấy thế đất ở núi Đại Liễu tốt, ông liền cho lập cung đài gọi là Bến
Tiền. Từ đấy, mỗi khi dân có bệnh tật đến đó làm lễ đều khỏi bệnh.
Ông mất năm 103 tuổi, mộ táng tại núi Đại Liễu. Cao Sơn là một
vị quan có lòng khoan dung độ lượng, hết lòng giúp dân chữa bệnh, lao động sản
xuất. Sau khi ông mất, vua Tống phong làm An Nam Quốc Vương và giao cho nhân
dân An Nam lập đền thờ ông (Từ điển văn hóa - nxb Văn hóa xã hội).
Bàn thờ cấp thứ 2 có
chiều dài là 2,4m, chiều rộng là 1,6m, chiều cao là 1,05m. Trên bàn thờ đặt bản
chúc văn trang trí hình cá chép hóa rồng. Hai bên chúc văn đặt 2 bình sứ cổ
dùng để ủ rượu dùng cho ngày tế lễ. Cấp thứ 3, cấp thấp nhất có kích thước là
2m x 1,6m x 90cm.
Trên bàn thờ đặt 1 mâm chè, phía trước đặt 1 lư hương bằng đồng,
hai bên là 2 cọc sáp sơn đỏ. Trên xà hạ của gian giữa Hậu cung treo 1 bức đại tự
bằng gỗ sơn son thếp vàng và được viết 3 chữ Hán "Đức quy dân" với ý
là “phải quay về với cái đức”.
Gian bên phải đặt 1 bàn thờ 2 cấp bằng gỗ lim, xung quanh được
sơn đỏ, mặt trên sơn màu đen, phía sau tường vẽ bức cửa võng viết 3 chữ Hán lớn
theo kiểu chữ chân phương "Kính như tại" - nghĩa là “Tôn kính như khi
còn sống”. Bàn thờ cấp 1 đặt long ngai bài vị Thượng tướng quân Phan Ngọc Đệ.
Theo Gia phả họ Phan tại làng Đức Hậu, xã Hậu Thành thì ông
Phan Ngọc Đệ sinh năm 1477, tại làng Đức Tân, xã Giai Lạc, tổng Quan Hóa, Trấn
Nghệ An, nay là làng Đức hậu, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành. Cha ông là Phan
Phúc Lân, làm thầy thuốc và thầy địa lý.
Thuở nhỏ, ông đã là một người thông minh và cương trực. Năm
25 tuổi thi đậu Cử nhân. Sinh ra và lớn lên giữa lúc nhà Lê suy yếu, nhiều quan
lại vì lợi ích cá nhân đã phân chia bè phái chống lại triều đình.
Nhân cơ hội ấy, Mạc Đăng Dung đã dựa vào một số quan tướng lật
đổ nhà Lê lập ra nhà Mạc. Để bảo vệ uy quyền của vương triều, nhà Lê đã huy động
lực lượng trong nước để đánh dẹp nhà Mạc. Do có sức khỏe và giỏi văn võ nên
Phan Ngọc Đệ đã xin đi lính, tham gia quân đội nhà Lê.
Trong những năm phục vụ triều đình, Phan Ngọc Đệ đã cùng vua
nếm mật nằm gai trên chiến trường Cao Bằng, Lạng Sơn... Khôn khéo và gan dạ lại
tài giỏi võ nghệ, ông là một trong những tướng tiên phong ngoài trận Mạc, lập
nhiều chiến công. Đặc biệt là trong trận đánh tại Cao Bằng do ông cầm quân đã
thu được nhiều vũ khí và quân lương của địch.
Do tuổi cao sức yếu, ông đã trở về quê sinh sống và mất tại
làng Đức Hậu. Để tưởng nhớ một võ quan có công dẹp loạn bảo vệ đất nước, nhân
dân làng Đức Hậu đã rước linh vị của ông về thờ tại đình Mõ.
Do có công lao lớn và được nhân dân làng Đức Hậu khai báo,
Phan Ngọc Đệ đã được vua Thành Thái năm thứ 15 phong sắc là: "Thượng tướng
quân, dực bảo trung hưng linh phù gia tăng thượng đẳng thần".
Trở lại với bàn thờ cấp 1 của gian phải, phía trước long
ngai đặt đài trản, 1 mâm cỗ bồng bằng sứ. Trên bàn thờ cấp 2 đặt 1 mâm chè bằng
gỗ sơn đỏ. Phía trước mâm chè là bát hương bằng sứ.
Gian bên trái cũng đặt một bàn thờ 2 cấp. Cũng như bàn thờ
bên gian phải, bàn thờ bên gian trái được sơn đỏ xung quanh, mặt bàn màu đen.
Bàn thờ cấp 1 đặt long ngai bài vị của Nguyễn Hữu Chỉ. Phía trước long ngai đặt
1 mâm cỗ bồng, đài trản và 1 bát hương.
Theo thần phả tại đình Mõ do lý trưởng Cửu Kiêm sao lại năm
Thành Thái - năm 1894, Nguyễn Hữu Chỉ người ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1425, gặp lúc loạn lạc, vợ chồng ông vào Nghệ An ẩn náu. Mảnh đất đầu tiên
ông đặt chân đến là đất Kẻ Gỗ - nay là làng Ngọc Thành, xã Vĩnh Thành, huyện
Yên Thành.
Năm 1428, ông cùng con trai thứ 6 là Nguyễn Hữu Bòi từ Kẻ Lấu
đến xứ Tháp Sơn khai phá đất đai chiêu dân lập làng. Xứ Tháp Sơn bấy giờ là
vùng đất cây cối um tùm, thành rừng, thành bãi, có khe, có suối.
Bằng những kiến thức đã học và kinh nghiệm thực tiễn, Nguyễn
Hữu chỉ đã bắt đầu dựng lều, lập trại chiêu dân. Ông bổ nhát cuốc đầy tiên khai
phá rừng rậm và động viên nhân dân khai hoang, phát rẫy, tạo tạo ra vùng canh
tác. Ông đặt tên cho làng là Đức Hậu. Chính vì vậy mà trong Gia phả họ Nguyễn ở
làng Đức Hậu, xã Hậu Thành còn để lại bài thơ:
"Kể từ khởi
nghĩa Lam Sơn
Khai cơ lập nghiệp
Tháp Sơn dẫn đầu
Dời chân từ chốn Mõ
Lâu
Ra đi tìm kiếm đất
màu khai sinh
Đến đây phong cảnh hữu
tình
Cùng con thứ sáu gửi
mình vào đây
Kết cùng Phan Ngọc
tháng ngày
Chiêu dân, lập ấp,
tháng ngày thêm vui".
Nguyễn Hữu Chỉ khi còn sống được nhân dân rất kính trọng bởi
tấm lòng đức độ của ông. Ông thường dạy con cháu rằng: "Ở đời lấy việc thiện
làm đầu, lấy trung kính làm gốc". Do tuổi cao sức yếu, ông đã mất vì bệnh
tật. Do có công với làng nên nhân dân tôn vinh ông là thần khai khẩn và lập đền
thờ ở chân núi Tháp, gần mộ táng ông để quanh năm hương khói thờ phụng.
Ông cũng được nhà vua phong sắc là "Công đức Huyền trí
Dực bảo Trung hưng, Trung đẳng tôn thần". Trải qua bao năm tháng chiến
tranh và mưa nắng, đền bị hư hỏng, năm 1913, sau khi đình Mõ xây dựng xong,
nhân dân làng Đức Hậu rước bài vị của ông về đình Mõ để thờ vọng cùng các vị thần
của làng.
Trên bàn thờ cấp 2 đặt 2 mâm chè có kích thước bằng gỗ sơn
màu đỏ.
Phía sau tường của gian này là bức cửa võng trang trí lưỡng
long chầu nguyệt, ở giữa lại viết 3 chữ hán "Đức lưu quang" như ở xà
thượng của gian giữa nhà Bái đường.
Ngoài hai công trình kiến trúc chính là nhà Bái đường và nhà
Hậu cung, trong khuôn viên di tích còn có nhà Tả vu và Hữu vu. Nhà Tả vu có 6
gian, xây tường bít đốc, lợp ngói âm dương, kết cấu kiểu tứ trụ. Hai gian hai
bên xây tường, phía trước có cửa sổ, cửa ra vào theo kiểu cửa pano, hai đầu hồi
nhà có trổ hai cửa chớp, mỗi cửa hai cánh.
Cũng giống nhà Tả vu, nhà Hữu vu có 6 gian, 5 vì, kết cấu kiểu
tứ trụ, chồng giường, hai đầu hồi trổ hai cửa chớp, cửa trước trên chớp, dưới
pano.
Qua tham quan tìm hiểu và được nghe giới thiệu, du khách có
thể nhận thấy, đình Mõ là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị to lớn về lịch
sử, về khoa học và nghệ thuật.
Đó là đình được xây dựng cách đây khoảng hơn 100 năm để làm
nơi sinh hoạt văn hóa và thờ các vị Thành hoàng làng, những người có công với
quê hương đất nước; đình là nơi đóng quân của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã
trong phong trào Cần Vương; trong những năm 1945-1946, đình là nơi tổ chức
giành chính quyền và là địa điểm mở lớp học đầu tiên trong bình dân học vụ, xóa
nạn mù chữ của xã Giai Lạc.
Về giá trị khoa học, đình là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện
vật là tư liệu quý cho mọi người nghiên cứu và học tập. Giá trị nghệ thuật được
thể hiện rõ nét ở kỹ thuật điêu khắc đã đạt đến trình độ tinh xảo, vừa phản ánh
hơi thở cuộc sống lúc bấy giờ, vừa thể hiện khát vọng hướng thiện mai sau.
Với những giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, năm 2006
đình Mõ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận là di tích Lịch sử - Kiến
trúc Quốc gia và trở thành một trong những điểm dừng chân của du khách khi về
du lịch quê lúa Yên Thành./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Yên Thành
Ths Nguyễn Thy Ngà