Đình, chùa Mỹ Ả cổ kính tọa lạc tại làng Mỹ Ả, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, có nhiều người đỗ khoa bảng. Đình Mỹ Ả, thờ phụng Cao Vương, húy Cao Biền, Tiết độ sứ Tĩnh Hải Quân trấn giữ Giao Châu.
Mỹ Ả là một làng cổ, vốn có tên là Hoa Ả, năm 1941, kiêng
huý là Hoa đổi là Mỹ Ả; trước năm 1945 là xã Mỹ Ả, tổng Nam Phù Liệt, huyện
Thanh Trì.
Chùa Mỹ Ả được xây dựng rất sớm, trải qua lịch sử và thời
gian, ngôi chùa cổ đã không còn nữa. Chùa Mỹ Ả hiện nay tuy không còn giữ được
quy mô kiến trúc nghệ thuật như ngày đầu khởi dựng, nhưng di tích vẫn còn bảo
lưu được khá nguyên vẹn hình thức kết cấu kiến trúc tôn giáo thời Nguyễn thể hiện
qua mặt bằng và kết cấu bộ khung gỗ.
Hệ thống các di vật gỗ chạm của di tích chùa Mỹ Ả rất phong
phú như: hoành phi, câu đối, khám thờ... đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp của kiến
trúc. Các đề tài được diễn tả chủ yếu là “tứ linh”, “tứ quý” thể hiện sự khát vọng
của con người đối với thiên nhiên, sự cảm hoá đối với thiên nhiên của cư dân
nông nghiệp.
Đình Mỹ Ả là một trong những di tích lịch sử - văn hoá có
giá trị của huyện Thanh Trì được ra đời để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư
dân làng xã.
Đình làng Mỹ Ả thờ Cao Biền (821 - 887) người Hán theo
đạo Lão và có gốc quý tộc ở U châu, nay là Bắc Kinh là quan đô hộ nhà
Đường (Trung Quốc) thế kỷ IX. Cao Biền tự là Thiên Lý, người Bột Hải (Trực Lệ),
làm chức Thị Lang rồi được vua Đường phong Chính Nam tướng quân sang cai trị
Giao Châu (864 - 875) vốn là cháu nội Nam Bình quận vương Cao Sùng Văn, đời đời
giữ chức cấm binh.
Cao Biền lúc nhỏ có khả năng khác thường: bắc 1 mũi tên làm
2 con chim rơi xuống... Lớn lên, Cao Biền học giỏi, thông thạo thiên văn địa
lý, có lòng nhân ái khoan hoà.
Đầu triều vua Đường Ý Tông, ông dẫn 5000 lính đến vây
toà thành Giao Chỉ, năm 866 đánh bại quân Nam Chiếu trong thành và giết
vị tù trưởng bản địa Chu Đạo Cổ, được làm Tiết độ sứ đầu tiên tại trị sở
Tĩnh Hải quân.
Vua Ý Tông cử Cao Biền đi trấn giữ Giao Châu, phá tan quân
Nam Chiếu. Cao Biền cho đắp thành Đại La. Cao Biền lưu ở trấn được 7 năm, giảm
sưu thuế, yêu dân... nên trong nước đều kính trọng, tôn là Cao Vương.
Vợ ông là Lã Thị Nga truyền nghề dệt lụa, sau khi mất được
thờ ở ngôi miếu làng Vạn Phúc (Hà Đông) và đình làng ấy. Cao Biền đã
phong vị thần bản địa Long Đỗ làm thành hoàng Đại La, cho sửa đền Chèm
và miếu Nam Trì, lập đền Vũ Ninh thờ Cao Lỗ và khai thông lại đường thuỷ
bộ đến Lĩnh Nam (Quảng Đông).
Ông trở về nhận chức ở Sơn Đông. Đầu đời Đường Hy
Tông, ông được trọng dụng; sau mất dần quyền uy do làm giàu nhờ chức
vận tải muối-sắt, tin dùng thầy phù thuỷ, không chống được loạn
Hoàng Sào. Năm 887 ông cùng nam giới trong gia tộc bị giết hết và chôn
chung.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi
tên thành Thăng Long, phong thần Long Đỗ làm Quốc đô Định bang Thành hoàng đại
vương và Cao Biền làm Cao Vương.
Khi mất, ở nước Nam có nhiều nơi lập đền thờ, riêng ở tỉnh Bắc
Ninh có hơn 100 nơi thờ Cao Biền. Làng Kim Lan (huyện Gia Lâm) và làng Mỹ Ả
(huyện Thanh Trì) thờ Cao Biền là Thành hoàng làng.
Nhận xét đánh giá về thân thế sự nghiệp của ông, nhiều tư liệu
lịch sử xưa và nay cho rằng: Trải các đời Lê, Lý đến nay, bờ cõi nước ta ngày một
mở rộng, văn võ tướng tài nối nhau xuất hiện.
Nước Đại Nam sánh vai Bắc triều đã hàng ngàn năm. Nhưng điều
còn mãi đến vạn năm sau, suy đến cùng việc phát minh ra môn địa lý phong thuỷ kỳ
diệu là để tham cứu tạo hoá, chung đúc ra các bậc anh tài thì bắt đầu từ đô hộ
Cao vương, ngài tinh thông địa lý phong thuỷ, tính toán địa mạch, công đức một
thời dẹp giặc cứu dân...
Đình, chùa Mỹ Ả đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp
hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2006.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01