Đình Mỹ Giang, xã Thượng Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội thờ phụng Thành hoàng làng là danh tướng Đỗ Năng Tế cùng tam vị phu nhân Tạ Thị Cẩn Nương, Đặng Xuân Nương, Lý Thanh Nương triều đại Nhị vua Hai Bà Trưng.
Theo Thần phả, sự tích Thành hoàng làng Mỹ Giang như sau: Thời
Đông Hán, ở xứ Nam Sơn, phủ Khoái Châu, Hưng Yên có một nhà hào phú họ Đỗ. Ông
là người phúc hậu, nhân từ được nhân dân
kính trọng. Ông kết hôn với bà Trần Thị Dực, nhưng chẳng bao lâu bà bị trọng bệnh
rồi mất.
Trong làng có một hào trưởng họ Cao là người độc ác, tham
lam tàn bạo, chuyên bày mưu thâm kế hiểm hại người. Thấy Đỗ Công mất vợ, hắn
đánh tiếng gả em gái cho ông, nhưng thực chất là để chiếm gia tài. Đỗ Công biết
vậy nên từ chối. Không đạt được mục đích, họ Cao liền vu oan giá họa khiến cho
Đỗ Công khuynh gia bại sản mà sinh bệnh. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, khi tỉnh
khi mê, lúc khóc lúc cười, thuốc thang chữa mãi mà không khỏi.
Hồi ấy ở xã Thượng Hiệp, xứ Sơn Tây, có một lương y hiệu Hòa
Đường tiên sinh rất giỏi nghề thuốc, chữa được nhiều bệnh lạ, danh thơm lừng lẫy.
Người nhà họ Đỗ biết tiếng liền đón về chữa bệnh cho Đỗ Công. Sau một tháng thì
bệnh tình Đỗ Công khỏi hẳn. Từ đấy, ông giao lại nhà cửa cho người thân, theo
Hòa Đường tiên sinh học thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi.
Ở xã Khánh Hợp (Mỹ Giang) có người họ Nguyễn vốn dòng thế
gia cự phiệt bị bệnh nặng liền mời Đỗ Công chữa trị. Quả nhiên khỏi bệnh. Vợ chồng
Nguyễn Công chỉ sinh được một người con gái, tài sắc vẹn toàn, nết na, hiếu hạnh.
Để đền đáp công ơn chữa khỏi bệnh cho mình, ông bà liền đem con gái gả cho Đỗ
Công.
Từ đó, Đỗ Công ở hẳn bên ngoại chuyên tâm làm thuốc, cứu
nhân độ thế, được người dân quanh vùng quý trọng. Tuy nhiên, Đỗ Công tuổi đã lục
tuần mà con cái vẫn chưa có. Ông bà ngày đêm cầu trời khấn Phật, mong được toại
nguyện. Một hôm hai ông bà rủ nhau đến chùa Thiên Thai (?) làm lễ cầu tự.
Đến nơi đã quá nửa đêm, ông bà đành nghỉ ở Tam Quan chùa.
Trong khi ngủ, bà mơ màng thấy sân chùa có một cây tùng rất to, cao ngút trời,
bà liền trèo lên bẻ trộm một cành tùng. Khi bà xuống tới đất, chợt có một ông
già mình tiên, cốt hạc, râu tóc bạc phơ, mặc áo vàng, thắt đai vàng, đầu đội mũ
hoa, tiến lại gần bà và đọc to bốn câu thơ:
Thiên thượng hữu thanh tùng,
Kim phó gửi Đỗ Công.
Trượng phu danh bất hủ,
Hậu tất hữu thành công.
Dịch nghĩa:
Trên trời có cây tùng xanh,
Nay giao phó cho Đỗ Công.
Bậc trượng phu tiếng tăm bất hủ,
Về sau nhất định sẽ thành công.
Đọc xong, cụ già theo đường mây bay lên không trung biến mất.
Tỉnh dậy, bà kể lại cho chồng nghe, Đỗ Công trong lòng vui mừng. Quả nhiên, từ
đó bà đã mang thai. Đúng mười ba tháng, vào giờ Ngọ, ngày mùng 6 tháng 3 năm Canh Dần bà sinh hạ một cậu con trai
khôi ngô, tuấn tú. Chưa đầy một năm đã biết nói, lên 5 tuổi đã phong tư dĩnh ngộ,
diện mạo kỳ khôi, mặt vuông, trên đầu có ngũ nhạc triều thiên. Ông bà mừng rỡ đặt
tên là Đỗ Năng Tế.
Năm lên tám tuổi, Đỗ Năng Tế được cha mẹ cho đến học Tạ Tiên
sinh tại trường hàng xã. Tạ Tiên sinh quê ở Hoan Châu, đến dạy học và lấy vợ là
Đào Thị Tuyết ở Khánh Hợp. Một hôm bà nằm mơ thấy chim phượng bay vào phòng rồi
từ đấy có thai. Mãn nguyệt tới kỳ, bà sinh ra một người con gái và đặt tên là Tạ
Thị Cẩn (Cẩn Nương).
Càng lớn Cẩn Nương càng xinh đẹp, mắt phượng, mày ngài, mặt
hoa, da phấn, nhan sắc tuyệt trần. Vốn đã thông minh, thiên tư sáng láng lại đượng
học hành tử tế, chẳng bao lâu Cẩn Nương đã giỏi giang võ nghệ, thông thạo văn
chương, ít người sánh kịp, ai ai cũng cho là “Thánh nữ giáng trần”.
Thấy đức ông Đỗ Năng Tế là người kỳ tài xuất chúng, văn võ
song toàn, Tạ Tiên sinh rất quý mến. Khi đức ông Đỗ Năng Tế và Cẩn Nương đến tuổi
cập kê, ông bà liền tác hợp cho hai người nên vợ nên chồng. Thật là trai tài
gái sắc, phải lứa xứng đôi.
Năm Tế Công 21 tuổi, Cẩn Nương 20 tuổi thì tiếng tăm đã lừng
lẫy khắp vùng. Cả hai đều là anh hùng hào kiệt, khoan dung độ lượng, cứu người
nghèo, giúp kẻ khó. Vì vậy, người các nơi kéo đến theo ông rất đông.
Thủa ấy nước ta bị nhà Đông Hán xâm lược, Thái thú Tô Định nổi
tiếng tàn ác. Ở đất Phong Châu, huyện Mê Linh có Hùng Lạc tướng là cha của
Trưng Trắc, Trưng Nhị. Biết đức ông Đỗ Năng Tế là người tài giỏi, Hùng Lạc tướng
bèn truyền hịch chiêu mộ. Đỗ Năng Tế cùng vợ là Cẩn Nương bèn tập hợp trai
tráng đầu quân. Hùng Lạc tướng phong cho
Đỗ Năng Tế là “Tiết cấp trưởng nội các binh sự” và phong cho Cẩn Nương là “Tham
tán quân trung hoằng phu nhân” thống lĩnh các đạo nữ binh.
Khi Lạc tướng tuổi cao, sức yếu bệnh nặng, lúc lâm chung ông
đã ủy thác và phong cho đức ông Đỗ Năng Tế
là “Tiết cấp nhập nội Thái tử quốc chính, trung tín hầu” để giúp thái tử
và Hai Bà Trưng trông nom quốc sự. Vì vậy trong dân gian còn truyền Đỗ Năng Tế
là thầy dạy của Hai Bà Trưng.
Khi Nhị vua Hai Bà Trưng khởi nghĩa, đức ông Đỗ Năng Tế đã
có công rất lớn giúp Nhị Chúa Bà thu phục 65 thành trì, xưng hiệu Trưng Vương,
trị vì đất nước. Nhị vua Hai Bà Trưng phong cho Đỗ Năng Tế là Hộ quốc phục dực
đại vương,
Cẩn Nương là Hoằng tướng trưởng nội các phu nhân, Đặng Xuân
Nương, Lý Thanh Nương (là hai người thiếp của Đỗ Năng Tế) cũng được phong Tả, Hữu
thị nội nữ quân. Được một thời gian, đức ông Đỗ Năng Tế tuổi đã cao nên xin về
nghỉ ngơi tại xã Khánh Hợp.
Nhị vua Hai Bà Trưng lên ngôi được ba năm thì nhà Đông Hán lại
sai Mã Viện sang xâm lược nước ta. Đức ông Đỗ Năng Tế lại cùng ba bà vợ kéo
quân lên giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Nhưng rồi quân Hán quá mạnh, quân ta chống
cự không nổi nên thất trận. Cẩn Nương và Đặng, Lý phu nhân tự tử ở hồ Lãng Bạc
(hồ Tây, Hà Nội).
Lúc bấy giờ ở Khánh Hợp (Mỹ Giang) có một khu đất rộng, cây
cối um tùm, rậm rạp, chim chóc, muông thú về đây trú ngụ rất đông. Dân làng gọi
nơi đây là Quán Rậm.
Đức ông Đỗ Năng Tế bị thương chạy về ẩn náu trong một hang
đá ở Quán Rậm. Biết mình không qua khỏi, ông mời dân làng đến dặn dò và hóa tại
đây. Hôm ấy là ngày 17 tháng 7.
Khi dân làng chuẩn bị khâm liệm cho ông thì đã thấy mối kiến
đùn lên thành một ngôi mộ to. Lúc đó trời đất tối sầm, mưa tầm tã, sấm sét vang
trời. Một lúc sau trời quang mây tạnh, từ ngôi mộ một luồng mây trắng bốc lên
biến thành một đám mây ngũ sắc, rồi đám mây ấy lại biến thành cầu vồng bảy sắc.
Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhớ công ơn của ông vì dân, vì
nước dân làng Mỹ Giang đã lập đền thờ và tôn làm Thành hoàng làng.
Đến thời nhà Lê chống giặc Minh, khi đóng quân ở Khánh Hợp
(Mỹ Giang), mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, Nguyễn Trãi thường đến làm lễ cầu đảo
tại đình thờ đức ông Đỗ Năng Tế.
Sau mỗi lần cầu đảo,
quân ta đều thắng trận, giặc Minh thua to, Nguyễn Trãi đều tâu với vua là Thái
Tổ Cao Hoàng đế sắc phong vạn cổ huyết thực hương hỏa vô cùng, và phong đức ông
Đỗ Năng Tế là Uy linh dũng lược đại vương, Cẩn Nương phu nhân là Phượng Phi
Trinh Thục phu nhân.
Đình Mỹ Giang có mặt bằng hình “chữ Công”, mặt nhìn
hơi chếch về hướng nam qua con đường làng ra ao hình vuông, hiện nay đã
được đắp kè và xây tường bao quanh. Sau cổng nghi môn là sân gạch rồi
đến toà đại bái 3 gian 2 dĩ với đầu đao uốn cong ở 4 góc mái.
Các bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường
giá chiêng, hạ kẻ” và dựa trên 6 hàng cột. Trang trí trong đại bái
tập trung vào các đầu dư, rường cốn, kẻ chuyền với các hình đầu
rồng, mây xoắn, hoa lá... bằng kỹ thuật chạm lộng đa lớp và chạm sâu
nổi khối. Bức cửa võng ở chính điện chạm nổi hai con rồng chầu hổ
phù với hoa văn hình tứ linh, tứ quý và treo bức đại tự đề ba chữ
Hán “Tối Linh Từ”.
Sau đại bái là toà trung đường 5 gian xây tường bao
quanh, có 4 đầu đao uốn cong ở 4 góc mái. Các bộ vì được làm theo
kiểu chồng rường. Các bức cốn bẩy được đục, chạm hoa văn hình tứ
linh, tứ quý in rõ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Toà hậu cung thờ bài vị thành hoàng cũng làm theo
kiểu chồng rường và được trang trí bằng các mảng đục, chạm những
hình hổ phù, rồng cuốn thuỷ, long mã chở mặt trời.
Hiện nay đình Mỹ Giang còn lưu lại được 13 đạo sắc phong, sớm
nhất là năm Chiêu Thống thứ nhất (1786) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9
(1924).
Dân làng ở đây kiêng húy bảy chữ “Tế, Cẩn, Xuân, Khanh, Tín,
Dực, Bản”.
Hội làng được mở từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch.
Trong ba ngày hội dân làng tổ chức tế lễ, rước kiệu từ đình Mỹ Giang ra làm lễ ở
lăng mộ Đỗ Năng Tế (Quán Rậm), sau đó lại rước về đình tế lễ.
Trong những ngày lễ hội nhiều trò diễn dân gian được tổ chức
như: bắt chạch trong chum, đi cầu khỉ, bịt mắt bắt dê, chọi gà, đấu vật… Ở đây
nhân dân còn truyền tụng câu ca:
Mùng bảy thì hội chùa Thầy
Mùng tám đám Hiệp nhớ ngày mà đi.
Xã Tam Hiệp được thành lập năm 1945, ban đầu trực thuộc huyện
Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ (sau lại sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành
tỉnh Hà Tây). Ngày 17-2-1979, xã chuyển về thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.
Xã gồm 5 thôn là: Thượng Hiệp, Đại Điền, Hòa Thôn, Hiệp
Cát, Mỹ Giang, chia thành 8 cụm dân cư. Thôn Thượng Hiệp vốn tên là Khánh Hiệp,
xưa kia từng có đến 2 trong số 7 tiến sĩ Nho học của huyện Phúc Thọ.
Xã Tam Hiệp là một vùng đất Việt cổ ven sông Đáy đã
để lại nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật. Riêng thôn Mỹ Giang có tới
4 di tích được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng quốc gia, bao gồm: đình Mỹ
Giang (1989), chùa Thiệu Long (1989), Quán Ngự (1991), và chùa Kim Hoa
(1998).
Chùa Kim Hoa còn gọi là chùa Tổng, được xây dựng vào khoảng
thời Trần và trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo vào những năm 1579,
1692, 1796… Gần đây, chùa được trùng tu và làm lễ khánh thành vào ngày
27/9/2020.
Nhà chùa bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật
cao như: bệ đá hoa sen hình hộp, chuông đồng, ba pho tượng Tam thế Phật, tượng
Quan Âm toạ sơn và Thích Ca Cửu Long… Trong chùa còn có giếng ngọc tương truyền
rất linh thiêng.
Đình Mỹ Giang được
Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989.