Đình Mỹ Xá, thôn Mỹ Xá, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương thờ phụng Tam vị Thành hoàng làng có công giúp vua triều Tiền Lý đánh giặc Ai Lao từ thế kỷ thứ 6 là: Phổ Hữu, Phổ Phẩm và Phổ Chung.
Đình Mỹ Xá là nơi nhân dân bản địa phụng thờ Thành Hoàng
làng. Mỹ Xá là một làng nhỏ, hình thành từ lâu đời, vào thời Trần mảnh đất này
là trang Hồng Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Vào cuối thế kỷ 19,
đầu thế kỷ 20, Hồng Xá được đổi thành Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ngày
nay, thôn Mỹ Xá là một trong ba thôn Mỹ Xá, Ngọc Lặc, Phạm Xá thuộc xã Ngọc
Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Thần tích
Căn cứ vào thần tích do Hàn lâm viện Nguyễn Bính phụng soạn
vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần tri điện hùng lĩnh
thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao vào năm Vĩnh Hựu tam niên (1737), sao lại vào
năm Thành Thái 5 (1893); căn cứ vào hệ thống sắc phong, bia ký, câu đối và các
tài liệu liên quan cho biết: Đình Mỹ Xá thờ 3 vị Thành Hoàng làng có công giúp
vua Lý đánh giặc Ai Lao từ thế kỷ thứ 6 là Phổ Hữu, Phổ Phẩm và Phổ Chung.
Lịch sử của tam vị Thành hoàng được ghi lại như sau:
Cha của tam vị Thành Hoàng làng quê gốc ở châu Kim Lan, huyện
Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Là một tù trưởng
họ Phổ, tên Quảng, tự là Tầm Vũ. Gia đình vốn truyền thi lễ, hào phú anh hùng,
dung nạp hào kiệt bốn phương. Đến đời Tầm Vũ thì gặp hỏa hoạn, tai ương, nên của
cải, gia đình khánh kiệt, không còn kế sinh nhai. Tầm Vũ liền chu du thiên hạ,
xem nơi nào có ruộng đất bỏ hoang thì khai phá, làm công kiếm ăn.
Năm đó, Tầm Vũ đến trang Hồng Xá, huyện Tứ Kỳ, gặp một gia
đình giàu có họ Phạm, tên Trung, có tâm đức, nên đưa Tầm Vũ về ở cùng, hàng
ngày giúp Phạm Trung làm ruộng. Ở trang Đông Quan, huyện Gia Lộc, phủ Hạ Hồng
có một thôn nữ tên Loan, con nhà phú ông, đã ngoài 30 tuổi mà chưa có chồng, tỏ
ý ưng thuận Tầm Vũ.
Hai vợ chồng lấy nghề bán chè lam làm nghề chính của mình.
Sau đó, họ sinh hạ được hai cậu con trai cùng một lượt, người con cả đặt tên là
Hữu, người thứ hai tên là Phẩm. Ba năm sau, Loan nương lại sinh người con trai
thứ ba, đặt tên là Chung. Tầm Vũ không may gặp trời mưa lạnh đột ngột qua đời.
Thời gian sau, Loan nương cũng phiền não lâm bệnh và mất theo.
Vào cuối triều Tiền Lý, nước ta có giặc Ai Lao đến xâm lược,
vua vô cùng lo lắng, bèn mở trường thi tuyển chọn người tài. Ba anh em đều
trúng tuyển, xin tiến quân về bản trang lập đồn sở, được vua đồng ý. Sau khi lập
cung sở, Phổ Phẩm trang điểm y phục giả làm con gái, nhan sắc xinh đẹp. Tướng
giặc trông thấy đem lòng si mê, bỏ cả chỉ huy binh ngũ. Nhân cơ hội đó, Phổ Hữu
và Phổ Chung dẫn quân theo đường thuỷ tiến đánh, quân giặc trở tay không kịp,
quân tướng bị giết không kể xiết, số sống sót tháo chạy về nước. Quê hương trở
lại thanh bình.
Sau chiến thắng, ba anh em dẫn binh về triều bái yết, vua mở
tiệc lớn chúc mừng, ban thưởng trọng hậu. Bái yết xong, khi về tới quê hương bản
quán, cả ba anh em đột ngột qua đời. Nhân dân hành biểu dâng lên vua. Vua vô
cùng thương xót, liền sai sứ thần phụng sắc chỉ và ban cho dân 900 quan tiền,
cho phép dân bản trang hương đăng phụng thờ mãi mãi.
Đồng thời, truyền cho dân lập miếu thờ, khen phong mỹ tự: Phổ
Hữu được phong là “Dũng cảm anh nghị Đại vương”, Phổ Phẩm được phong là “Thục nữ
thuần hỗ Đại vương”, Phổ Chung được phong là “Anh linh cư thị Đại vương”.
Di tích
Đình Mỹ Xá được nhân dân địa phương xây dựng từ rất sớm, đại
trùng tu vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), Khải Định lục niên (1921). Di
tích có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung.
Đại bái có chiều dài 18,65m, chiều rộng 8,95m, là một toà
nhà đẹp, chắc chắn và khá hoàn thiện, gồm 4 vì kèo chính, kết cấu kiểu “giá
chiêng” truyền thống. Tại các vì kèo chính có một số bức chạm trên các đầu dư,
xà nách, các con thuận, đầu bẩy... theo đề tài tứ linh, lá lật, sen cúc và hoa
lá cách điệu, đạt trình độ nghệ thuật cao. Mái lợp ngói vảy cá, bờ nóc, bờ cánh
tạo dáng mềm mại. Đầu đao cong vút với các phù điêu “rồng chầu phượng mớm” khá
sinh động, ngoài ra còn có các phù điêu “lưỡng long chầu nguyệt” trên bờ nóc, bờ
cánh.
Hậu cung đình Mỹ Xá nối liền với toà đại bái bằng gian cổ dải.
Hậu cung dài 7,3m, rộng 6,8m gồm 4 vì kèo, có các bức chạm “lưỡng long chầu hổ
phù”, “long mã chầu rồng” được sơn son thếp vàng, thể hiện sự tài hoa của nghệ
nhân xưa.
Đình Mỹ Xá là công trình có quy mô kiến trúc đồng bộ từ toà
đại bái đến toà hậu cung. Di tích còn lưu giữ nhiều cổ vật có chất liệu gốm,
đá, gỗ, đồng; đặc biệt là các tài liệu Hán Nôm cổ quý giá, như 7 đạo sắc phong
từ thời Tự Đức 6 (1858) đến thời Khải Định 9 (1924), 1 quyển thần tích được
tuân theo các bản cũ sao lại vào năm 1893. Đây là các văn bản quan trọng trong
việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của các vị Thành Hoàng làng và cuộc đấu
tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ 6.
Lễ hội
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân làng Mỹ Xá tổ
chức 4 kỳ lễ tế, lễ hội trong năm:
- Lễ kỷ niệm ngày sinh của Phổ Hữu và Phổ Phẩm, đây là kỳ lễ
lớn nhất trong năm, kéo dài từ ngày 12 đến ngày 21 tháng Giêng, trong đó ngày
13 tháng Giêng là ngày trọng hội.
- Ngày 12 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ cha của ba vị Thành
Hoàng là Phổ Quảng, tự Tầm Vũ
- Ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch là ngày khánh hạ, ăn mừng chiến
thắng
- Ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch là lễ kỷ niệm ngày sinh của
Phổ Chung.
Vào các dịp lễ hội, ngoài phần tế lễ trang nghiêm, tại đình
làng Mỹ Xá còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đánh cờ người, bịt
mắt bắt dê, đi cầu thùm, tổ tôm điếm... Các buổi tối có hát tuồng, chèo sân
đình...
Sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh và phát triển kinh tế, từ năm
2000, lễ hội tại di tích đình Mỹ Xá lại được tổ chức và duy trì theo truyền thống
thường niên. Tuy thời gian và hình thức được rút gọn, nhằm phù hợp với đời sống
mới, nhưng lễ hội đình làng Mỹ Xá vẫn thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham
gia.