Tương truyền, Minh Hoa An Quốc Đại vương là con vua Hùng
Vương thứ 17, có công trong việc trị quốc an dân. Đương Thống đại vương còn gọi
là Thống Công, em Sơn Thánh, sống dưới triều Hùng Duệ Vương. Sơn Thánh lấy công
chúa Mị Nương còn Thống Công lấy công chúa Nguyệt Thái. Hai người có nhiều công
lao dưới triều vua Hùng.
Ngôi đình Nam Dư Thượng nằm trên một mảnh đất cao ráo giữa
làng, cách chùa Nghiêm Thắng Tự khoảng 400m ở phía tây và cách sông Hồng khoảng
2km ở phía đông. Trước kia, phần lớn các bộ phận của ngôi đình Nam Dư Thượng
đã bị xuống cấp và hủy hoại. Sang thế kỷ 21, đình đã được đại trùng tu nhưng
vẫn giữ phong cách kiến trúc truyền thống, mặc dù chủ yếu sử dụng vật liệu bê
tông cốt thép.
Hiện nay, cổng đình gồm 4 trụ biểu nhìn về hướng đông, mở
ra ngõ 112 Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Sau cổng là sân gạch dài,
bên tay trái có một cây đa to và bên phải là các bậc thềm rồng dẫn vào cửa
đình. Đại bái gồm 3 gian 2 chái kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ. Trước
đình là một ao sen rộng khoảng 1 sào, giữa ao có tòa Phương đình xây kiểu 2 tầng
8 mái 16 cột, nơi diễn ra nhiều trò vui dân gian trong dịp lễ hội.
Câu đối ở chính điện:
南上屹灵祠鴻貉遺徧傳五嶺
西茶餘勝地清潭舊跡儼三江
Nam Thượng ngật linh từ, Hồng Lạc di biên truyền Ngũ Lĩnh
Tây Trà dư thắng địa, Thanh Đàm cựu tích nghiễm Tam Giang.
Câu đối nói tới những địa danh khá lạ. Ngũ Lĩnh thời Hùng
Vương liệu có phải đây là gốc của tên Lĩnh Nam cho khu vực này?
Tam Giang là vùng đất nào?
Câu khác:
從往從來帝王家亦神僊侣
在上在左今国朝是昔辰宫
Tòng vãng tòng lai, đế vương gia diệc thần tiên lữ
Tại thượng tại tả, kim quốc triều thị tích thần cung.
Trải qua mấy thế kỷ với bao biến cố, trong đình Nam Dư Thượng
hiện vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử như: 1 bộ
bát bửu, 1 hương án, 1 long đình, 2 bức hoành phi, 1 đỉnh đồng, 1 đôi hạc, 2
bát nhang sứ, 4 long ngai, bài vị...
Đặc biệt còn có 2 cỗ kiệu lớn mang phong cách chạm khắc gỗ của
cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Về tư liệu chữ Hán, ngoài các câu đối lại có 1
cuốn thần phả và 16 đạo sắc phong, đạo sớm nhất mang niên đại Cảnh Hưng thứ 44
(năm 1783), muộn nhất là Khải Định thứ 9 (năm 1924).
Tại đình Nam Dư Thượng, theo truyền thống nông nghiệp lâu
đời, nhân dân vẫn tổ chức và tham gia hội làng hàng năm từ ngày 14 đến 15
tháng Hai âm lịch. Trong dịp này, đặc sắc nhất là lễ cấp thuỷ, rước nước lấy từ
sông Hồng về để cầu cho mưa thuận gió hoà và mùa màng bội thu.
Để chuẩn bị cho lễ hội rước nước, cách ngày diễn ra lễ hội
khoảng hai, ba ngày, ban tổ chức lễ hội cùng toàn thể nhân dân Nam Dư Thượng đã
chuẩn bị mọi thứ đầy đủ cho lễ rước nước với một tấm lòng thành kính đặc biệt.
Làng Nam Dư Thượng ở trong đê nên mỗi khi rước kiệu ra sông
lấy nước đều phải đi qua đình làng Thúy Lĩnh, khi đoàn rước qua cửa đình thì dừng
lại, quay long đình vào đình Thúy Lĩnh lễ vọng. Cùng lúc đó, dân làng Thúy Lĩnh
ăn mặc chỉnh tề làm lễ phụng nghênh.
Khi đoàn rước nước ra đến bến sông Hồng, dưới bến đã có nhiều
chiếc thuyền đợi sẵn để chở kiệu nước và các lễ vật đi xuống sông thực hiện
nghi thức cấp thuỷ. Đoàn rước lên thuyền tiến ra sông lên đến đình làng Bát
Tràng (huyện Gia Lâm) thì chào và lễ vọng.
Sau đó, đoàn thuyền quay ra giữa dòng sông. Một cụ già cao
niên đã được lựa chọn cân nhắc theo tiêu chuẩn về tuổi tác, đạo đức gia đình
cũng như sức khoẻ được đại diện dùng gáo đồng múc từng gáo nước đổ vào choé.
Chóe được đặt giữa thuyền trên miệng có phủ một vuông vải điều.
Vào buổi chiều cùng ngày, lễ nhập thuỷ được tiến hành trang
trọng. Lễ tế được các cụ cao niên trong làng tổ chức với tấm lòng thành kính
dâng lên các vị thành hoàng cầu mong cho dân làng một năm no ấm, an bình.
Lễ rước nước là nét độc
đáo đặc trưng không chỉ của Nam Dư Thượng mà cả một vùng ven sông Hồng như Khuyến
Lương, Vĩnh Hưng… của quận Hoàng Mai. Năm 1992, Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ
Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng đình Nam Dư Thượng là Di tích lịch sử
văn hoá Quốc gia.