Đình Nam Hương được xây dựng từ thời Lê, thờ các vị thần tiêu biểu của Thăng Long xưa như thần Long Đỗ, thần Cao Sơn, Linh Lang; ngoài ra, đình còn thờ công chúa Hà Duy và Kha Duy Tĩnh Bảo Xương Đại vương.
Trước đây, đình toạ lạc trên một khu khuôn viên rộng; trải
qua nhiều biến cố lịch sử, đình bị thu hẹp, phần dưới của ngôi đình là nơi làm
việc của Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm và có một hộ dân cư trú.
Đây là hiện tượng tương đối đặc biệt so với các di tích khác
ở quanh hồ Hoàn Kiếm bởi ý nghĩa lịch sử của các nhân vật được thờ ở đây đã làm
tôn vinh giá trị cho di tích, làm linh thiêng thêm cho một nơi thờ tự vốn khiêm
tốn về mặt diện tích và kiến trúc.
Khu di tích đình Nam Hương có diện tích là 441,5m2 được xây
dựng theo hướng Đông, gồm hai tầng
Đứng trên hành lang của đình Nam Hương, phóng tầm mắt ra xa
có thể nhìn thấy hồ Hoàn Kiếm với đài Nghiên tháp Bút, cầu Thê Húc, Tháp Rùa…
Lui dần về phía trước ngôi đình là bia và Nhà kỷ niệm Nguyễn Du, tượng đài vua
Lê.
Ngôi đình ra đời cũng đã trải qua những thay đổi, trước đây
đình được xây ở dưới đất với quy mô khá lớn về phía khách sạn Phú Gia. Sau này,
đến khi thực dân Pháp xâm lược, đình Nam Hương bị thực dân Pháp lấy đất, tiếp đến
bị tàn phá không rõ năm nào, song có lẽ vào cuối thế kỷ 19.
Về sau, tại nơi này, nhà nước bảo hộ Pháp đã xây lại ngôi
đình cho thôn Tự Pháp. Ngôi đình được xây ở tầng 2, phía dưới là cửa hàng. Như
vậy, lần theo dấu vết lịch sử, có thể đoán định niên đại xây dựng của ngôi đình
hiện nay vào khoảng thế kỷ 19.
Đình Nam Hương nằm phía sau khu tưởng niệm vua Lê, ngay sát
bên bờ hồ Hoàn Kiếm
Đến năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, ngôi đình lại được
tôn tạo thêm tầng 2. Nếu so với diện tích ngôi đình ở dưới đất có tới trên
200m2, thì nay bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa.
Phần dưới của ngôi đình đã từng là nơi làm việc của cơ quan
Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm, là cửa hàng ảnh cùng một gia đình dân ở. Ủy
ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu giải tỏa các hộ dân trong không gian
di tích để trùng tu, bảo tồn.
Khu du tích đình Nam Hương có diện tích là 441,5m2 được xây
dựng theo hướng Đông, gồm hai tầng. Tầng 1 được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, tầng
2 theo lối hình chữ “nhị”, phía ngoài là Tiền tế, phía trong là Hậu cung. Trải
qua thời gian, ngôi đình đã bị chuyển dời, bị tàn phá của chiến tranh, song nơi
đây vẫn còn bảo lưu được một khối lượng di vật khá phong phú và có giá trị nhiều
mặt về lịch sử, kiến trúc – nghệ thuật.
Bia đá ghi lịch sử của đình
Hiện nay, đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá
trị mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 17, 18 như: 19 đạo sắc phong của các triều
vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho 5 vị Thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu
chân quỳ dạ cá rất đẹp và quý hiếm do một đôi lân cõng; 5 long ngai, 1 chóe sứ
và nhiều đồ thờ tự khác.
Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, ở đình vẫn làm lễ vào ngày sinh,
ngày hóa của các vị thần và rước kiệu với ngai, bài vị của công chúa Hà Duy từ
đình sang đến Ngọc Sơn. Đặc biệt, vào ngày 25 tháng Chạp tại đình có tổ chức Lễ
sắp ấn. Đây là lễ phong tước cho thần và cho các quan, khác biệt so với các di
tích xung quanh. Cứ mỗi năm một lần làm lễ rước, trước là tưởng niệm, sau là một
hình thức tưởng vọng.
Đình Nam Hương từ lâu đã trở thành một trung tâm sinh hoạt
văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương trên địa bàn phường Hàng Trống, nhân
dân Thủ đô Hà Nội và của du khách thập phương đến với Thủ đô.
Xác định vị trí đặc biệt của đình Nam Hương gắn với tượng
đài Vua Lê nằm trong quần thể khu vực hồ Hoàn Kiếm là di tích cấp quốc gia đặc
biệt, quận Hoàn Kiếm đã tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng, trả lại công
viên của ngôi đình và tiến hành tu bổ tôn tạo.
Sau 12 tháng triển khai thực hiện, di tích đã hoàn thành tu
bổ tôn tạo đúng theo kiến trúc truyền thống, đáp ứng được yêu cầu bảo tồn, phát
huy giá trị di tích và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.