Đình Nam Quất khởi dựng năm 1682. Thờ phụng Lạc tướng Chu Thịnh, được xếp hạng Di tích quốc gia (1996) thuộc thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Nam Triều là một xã nông nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên vốn
của tỉnh Hà Tây cũ, từ ngày 1-8-2008 sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Xã
có diện tích 5,88 km², dân số năm 1999 là 5.507 người, mật độ dân số đạt 937
người/km². Xã nằm về phía nam trung tâm thủ đô, cách BĐX Bờ Hồ khoảng 37
km. Phía đông giáp xã Hồng Thái, phía tây giáp thị trấn Phú Xuyên, phía nam
giáp xã Phúc Tiến, phía bắc giáp xã Nam Phong.
Đình Nam Quất: sân trước. Ảnh ©NCCông 2021
Ngoài dòng sông Hồng mênh mông ở phía đông, dọc theo
xã Nam Triều về phía tây có đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và con
đường quốc lộ QL1A với tuyến đường sắt Bắc Nam cùng nhiều tuyến xe
bus chạy qua nên giao thông rất thuận tiện. Xã bao gồm hai làng cổ là
Nam Quất và Phong Triều, làng nào cũng có di tích đình, chùa, đền,
miếu. Đặc biệt tại làng Nam Quất còn có Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch
bắt tù đày.
Đình Nam Quất khởi dựng năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính
Hoà thứ ba (1682), thời Lê Trung hưng. Đến thời nhà Nguyễn, đình được
đại trùng tu dưới triều vua Thành Thái thứ 6 (1894) và định hình từ
đó đến nay.
Trong hậu cung đình có thờ bài vị thành hoàng làng là
Lạc tướng Chu Thịnh. Tương truyền ngài đã cùng với người cậu ruột là
Lạc hầu Hoàng Độ có nhiều công lao thời Hùng Vương và từng lập hành
cung tại thôn này. Ngài cùng cậu ruột là Hoàng Độ đã lập nhiều chiến công ở đạo
Sơn Nam, vua Hùng phong Hoàng Độ chức Lạc Hầu và Chu Thịnh chức Lạc Tướng. Theo
thần tích ở đình Ngọc Động, Duy Tiên, Hà Nam có nhắc đến Hoàng Độ, thời gian
quãng trước và sát khi đánh giặc Ân.
Hai ngài sau khi hoá đã được dân làng lập miếu thờ.
Phía đông bắc đình là ngôi miếu đó và ngôi chùa thôn
Nam Quất. Cả ba di tích nằm ven một con đường lát đá xanh với nhiều
cổ thụ rất đẹp toả bóng trên các ao nước xung quanh.
Năm 1996, đình, chùa và miếu thôn Nam Quất được Bộ Văn
hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Đình thôn Nam Quất nằm trên một khu đất cao, mặt nhìn
về phía tây nam ra cổng qua sân. Cửa chính có một bức bình phong đắp
cuốn thư bằng đá mới được bổ sung. Nghi môn mở ra con đường làng, bên
hữu đình là một ao lớn ở phía tây. Tượng cặp ngựa hồng bạch được
dựng ở ngoài sân, ngay bên cạnh hai cửa phụ.
Đình Nam Quất: phù điêu. Ảnh ©NCCông 2021
Đình Nam Quất là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính có
3 ngôi nhà: Đình Hạ, đình Thượng và Hậu cung. Về niên đại: Đình Thượng được xây
dựng vào thời Lê Trung Hưng, đình Hạ được xây dựng vào thời Nguyễn sớm và Hậu
cung được xây dựng vào thời Nguyễn muộn. Đây là di tích có giá trị kiến trúc,
nghệ thuật đẹp ở huyện Phú Xuyên.
Trung Cung và Hậu Cung đình Nam Quất
Đình Hạ làm theo kiến trúc thời Nguyễn, có 4 vì kèo kiểu giá
chiêng, cốn, bẩy, Những bức cốn đục chạm bong khá tinh xảo với các điển tích: Tứ
linh, tứ quý. Lối chạm nông, khắc trũng, chạm chìm, bong lọng tạo nên những tác
phẩm nghệ thuật có thẩm mỹ cao.
Ngôi đình Hạ có 5 gian, hệ thống khung nhà và nghệ thuật chạm
trổ trên gò làm vào thế kỷ XIX. Bộ khung nhà có 24 cột, trong đó hai hàng cột
chính là gỗ, hai hàng cột quân bằng đá xanh đã được cưa gọt tròn như cây gỗ .
Trên thân cột đã trạm khắc nổi “ Long cuốn thủy” và
“ Liên long”… Con rồng được
trang trí uốn quanh cột đá. Các cột đều có tảng kê chân bằng đá đẽo gọt hình
bát giác, lòng các ô chạm chữ Thọ và các đồ vật thờ .
Đình Thượng : Là công trình kiến trúc cổ nhất được làm vào
năm Nhâm Tuất, triều Lê Chính Hòa (1682), Trên thượng lương có dòng chữ ghi: “
Cố Lê Chính Hòa, nhâm tuất mạnh thu đỉnh kiến” (Nghĩa là ngôi đình được làm vào
triều Lê Chính Hòa).
Hai đầu hồi xây tường bằng gạch thất cổ. Bộ cửa bức bàn ở phần
gian chính điện đục chạm cầu kỳ các dạng hoa văn: hồi vân, ly, quy, phượng…Bậu
cửa 5 gian đều làm bằng đá, chiều cao 30cm được trạm nổi hổ phù ngậm chữ thọ,
hoa văn chữ triện và tứ quý (cúc, trúc, thông, mai).
Hệ thống cột mang những dấu tích kiến trúc thời Lê Trung
Hưng đậm nét, Đó là : Trên đỉnh cột đặt những đấu vuông, vát đáy, khớp ngoàm
câu đầu của vì kèo. Trên thân cột còn những lỗ đục để ghép sàn nên thường gọi
là đình sàn thời Lê. Những tảng kê chân cột bằng đá xanh được đục đẽo công phu
hình cổ bồng. Tảng chân cột cao 60cm, số đo chỗ vòng rộng nhất chu vi là 1,50m
Toà đại bái gồm 5 gian cửa bức bàn, 4 mái có đầu
đao uốn cong hình rồng. Trên bờ nóc có gắn tượng lưỡng long chầu
nguyệt và con xô là hình ảnh của long mã. Dưới mái là các bộ vì
kiểu "thượng giá chiêng, hạ chồng rường cốn, bẩy hiên" và
dựa trên kết cấu 4 hàng cột. Các bức cốn được chạm, đục tinh xảo
hình tứ linh và tứ quý.
Toả trung cung cổ nhất, được khởi dựng từ năm 1682,
gồm 5 gian 2 chái, cửa bức bàn chạm hoa văn hồi vân, ly, quy, phượng.
Trung cung nằm song song với toà đại bái và cách nhau một khe nhỏ để
lấy sáng. Gian giữa kết nối với hậu cung thành hình “chữ Đinh”.
Mái lợp ngói ri, trên bờ nóc có đường hoa chanh 4
cánh là đặc trưng kiến trúc thời Lê. Bộ khung dựa trên 24 cột gỗ,
phía dưới vẫn còn các lỗ mộng xưa kia để lắp ván sàn, chân kê đá
tảng cổ bồng. Hậu cung gồm 3 gian, xây tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái
làm theo kiểu “kèo cầu quá giang”, bào trơn đóng bén.
Các bức cốn trong đình Nam Quất được chạm hoa văn với các đề
tài: hổ phù ngậm chữ Thọ, voi phủ phục, voi trong rừng và rồng v.v. đặc trưng
cho nghệ thuật chạm khắc của thế kỷ XVII. Tại hậu cung hiện còn lại 3 bộ
cửa bức bàn được chạm theo lối cửa khám, bên trong bài trí 3 bộ long
ngai bài vị mang dấu ấn của nghệ thuật thời Lê.