Đình Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên thờ phụng các vị Bảo Công tức Lữ Gia, Lang Công tức tướng Nguyễn Danh Lang, thánh địa lý Cao Biền, thánh thánh Tả Ao Tiên sinh, phu nhân Lữ Gia là Lâu Nương, phu nhân Cao Biền là Lự Nương, Lã Nương.
Thần tích địa phương tương truyền Lữ Gia sinh ra ở huyện Lôi
Dương quận Cửu Chân (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá), có cha là hào trưởng
Lữ Tạo người lương thiện, phúc hậu làm nghề lang y; mẹ là người tài sắc, công
dung tên là Trương Thị Vĩ, con gái hào trưởng Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay).
Tại quận Cửu Chân có tên họ Hàn hung nghịch, tàn bạo vốn là
hào trưởng, thấy Lữ Gia chí khí hơn người nên muốn thu nạp làm tay chân. Gia
không chịu khuất phục nên gã thâm thù, cho tay chân đến cướp phá, hành hung gia
quyến. Biết không thể sống được nên cả gia quyến đã bỏ quê tìm kế an thân.
Khi đến Nam Trì (nay thuộc xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh
Hưng Yên) thấy khu đất nơi ngã ba sông đất đai tươi tốt, dân cư thuần hậu nên
đã lưu tạm ở đây hành nghề lang y. Ở Nam Trì, Lữ Gia kết nghĩa anh em với Nguyễn
Danh Lang (Lang Công).
Nguyễn Danh Lang làm tướng ba đời vua Triệu nước Nam Việt.
Khi Nguyễn Danh Lang mất, Lữ Gia truyền cho dân làng lập đền thờ. Khi Lữ Gia bị
quân Tây Hán chém đầu có truyền cho quân sĩ quê Nam Trì đưa xác ông về Nam Trì
an táng và thờ cùng Lang Công. Đền thờ lúc sơ khởi nằm trên đất làng Nam Trì hiện
nay nhưng không rõ địa điểm cụ thể.
Thời Đường, Cao Biền sang Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu, kết
nghĩa anh em với hai vị thần Lang Công (Nguyễn Danh Lang), Bảo Công (Lữ Gia),
cưới hai bà phu nhân Lự Nương, Lữ Nương quê đây và dựng lại đền thờ Lang Công,
Bảo Công.
Khi Cao Biền mất, dân làng thờ cùng hai vị trước. Phía tây đền
là phủ thờ Lâu nương công chúa (phu nhân của Lữ Gia) và hai bà phu nhân của Cao
Vương. Thời Hậu Lê, Thánh địa lý Tả Ao (Vũ Đức Huyền) chọn đất, chuyển làng, dựng
lại chùa, đền nên sau khi Tả Ao mất, dân làng thờ cùng với ba vị trước.
Lăng mộ Thừa tướng Lữ Gia và tướng Nguyễn Danh Lang hiện ở
xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Theo tư liệu lịch sử thì thôn Nam Trì trước kia là trang Nam
Trì (tên chữ 南池 nghĩa là ao phía nam, ao Vua,...) thuộc tổng Thổ
Hoàng, huyện Thiên Thi, bộ Giao Chỉ (một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời
Hùng Vương).
Thời Tây Hán thuộc huyện Chu Diên quận Giao Chỉ. Thời nhà
Lương thuộc quận Võ Bình đến thời Tùy thì bỏ và đến thời Đường thuộc châu Diên.
Thời loạn 12 sứ quân, thuộc xứ Đằng Châu.
Thời Lý thuộc châu Khoái, thời Trần thuộc Khoái lộ. Thời
Minh thuộc Khoái châu. Thời Lê Thái tổ thuộc Nam đạo, thời Lê Thánh Tông thuộc
Sơn Nam thừa tuyên.
Thời Mạc lại thuộc Hải Dương, thời Lê trung hưng thuộc phủ
Khoái Châu, xứ Sơn Nam thượng, thời nhà Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam.
Năm 1831, thời Minh Mạng, trang Nam Trì gọi là xã Nam Trì
thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên.
Thời Pháp thuộc cho đến nay, trang Nam Trì gọi là thôn Nam
Trì thuộc xã Đặng Lễ (có thời kỳ gọi là xã Phan Chu Trinh), huyện Ân Thi, tỉnh
Hưng Yên. Năm 1970 tỉnh Hưng Yên nhập với tỉnh Hải Dương nên thuộc tỉnh Hải
Hưng và năm 1997 lại tách ra nên thuộc tỉnh Hưng Yên.
Thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, nhà Tây Hán chiếm Nam Việt,
trang Nam Trì có đền thờ hai vị Thần là anh em kết nghĩa là Tướng Nguyễn Danh
Lang Lang Công (sinh tại Nam Trì), Thừa tướng Lữ Gia (ngụ tại Nam Trì). Thế kỷ
thứ 9, thời Đường Ý Tông, Thánh địa lý Cao Biền sang Giao Châu tiễu trừ giặc
Nam Chiếu, qua Nam Trì đóng đồn tại đền thờ, dựng hành cung, kết nghĩa anh em với
hai vị Thần, cưới hai phu nhân Lữ Lương, Lự Lương ở Ngọc Khê, Nam Trì, giúp dân
sửa miếu, lập đền Nam Trì nên khi hóa dân làng đã thờ cùng hai vị tướng.
Xưa trong đền có bức đại tự nói về việc ba vị Thần kết nghĩa
đào nguyên. Cuối thế kỷ 15, thời Lê sơ, Thánh địa lý Tả Ao - Vũ Đức Huyền về
Nam Trì lập lại làng, nên khi hoá dân làng coi như Thần Hoàng làng và thờ cùng
với ba vị trước. Từ xưa đến nay vẫn thờ như vậy và các vị được sắp đặt ngôi vị:
sinh, ngụ, phụ chầu theo thứ tự: Lang Công, Bảo Công (trung tâm), Tả Ao (bên tả),
Cao Biền (bên hữu). Lễ hội hàng năm gọi là lễ hội Bảo, Lang, Biền hay lễ hội
Nam Trì có lễ rước ba vị Thần kết nghĩa anh em (2 làng Đới Khê, Bảo Tàng cũng
thờ) về gò đình Ba Xã để tế lễ, hội họp. Đền Nam Trì còn thờ Lâu nương Công
chúa (phu nhân của Thừa tướng Lữ Gia) và hai vị phu nhân của Cao Biền là Phạm A
Lự, Phạm Lự nương (Bản chữ Hán TT-TS FQ 40 18/X11, 11 - Trung tâm Khoa học Xã hội
Việt Nam).
Thời phong kiến có nhiều người đỗ đạt, khoa bảng như: Tiến
sĩ Đinh Tú, đỗ Tiến sĩ năm 1544 được ghi ở Văn Miếu Quốc Tử giám - Hà Nội và
Văn miếu Xích Đằng - Hưng Yên và bổ nhiệm làm quan Hiến Sát xứ Hải Dương, được
phong tước Phù Nham bá.
Hậu duệ của cụ Đinh Tú là Đinh Văn Tả là một danh tướng thời
Lê - Trịnh. Khi Quận công Đinh Văn Tả được phong tước, phong Thần, chúa Trịnh
có ban cho bổng lộc để về xây lại đình tại quê gốc Nam Trì (đình Nam Trì trước
kia có thờ cả thanh gươm, sắc của họ Đinh. Năm 1953 bị bom Pháp phá hỏng, gần
đây mới dựng lại).
Lễ hội Nam Trì hay lễ hội Bảo, Lang, Biền là lễ hội chung của
ba làng Nam Trì, Đới Khê và Bảo Tàng. Lễ hội tổ chức vào ngày 9 tháng 3 âm lịch
hàng năm. Lễ gồm tế Thần và rước Thần. Tế Thần là các buổi cúng lễ ca ngợi công
đức, dâng hiến lễ vật lên các vị Thần. Rước Thần là rước các vị Thần về đình Ba
Xã. Đình Ba Xã xưa kia là Nhà hội đồng của hai vị Bảo, Lang và Hành cung của
Cao Vương lúc sinh thời (nay là mộ hai vị thần Lang Công, Bảo Công) ở cuối làng
để ba anh em vị thần thờ ở hai thôn (Bảo Tàng, Đới Khê) tụ hội.
Hội là ca hát 10 ngày, đánh cờ, đấu vật. Ngoài ra, còn có rất
nhiều nơi thờ Lữ Gia như ở Hà Tây cũ, Hà Nội, Nam Định và nhất là huyện Lập Thạch,
tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ hội Nam Trì là lễ
hội tế Thần có từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên của trang Nam Trì (nay là làng
Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên, dân gian gọi là Lễ hội Bảo,
Lang, Biền. Bảo, Lang, Biền là ba vị Thượng đẳng Phúc thần Dực bảo trung hưng Bản
cảnh Thành hoàng Đại vương thờ tại đền Nam Trì.