Đình làng Ngăm Lương thuộc thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm, huyện
Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là ngôi đình cổ, thờ 3 vị Thủy thần, danh tướng triều đại Đinh Tiên Hoàng là Đô Công, Chất Công và Đinh Công.
Thôn Ngăm Lương thuộc xã Lãng Ngâm vốn là một làng cổ thuộc
vùng đất trũng ven sông Đuống. Ở vùng đất này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được
di chỉ với các di vật có niên đại thuộc văn hóa Đông Sơn (khoảng 3000 năm). Bề
dày lịch sử văn hiến của làng cổ Ngăm Lương đã được kết tinh và phản ánh ở ngôi
đình làng.
Thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (xưa có tên Ngâm Điền) nằm liền
kề dãy núi Thiên Thai, là nơi gặp gỡ giao thoa của nhiều mạch địa - văn hoá
chuyển tiếp. Trên địa bàn có sông Đuống ôm vòng phía Tây và Tây Bắc. Đi liền với
đó là tuyến giao thông đường bộ cổ, nay là đê sông Đuống.
Tuyến sông và con đường cổ ấy làm thành mạch nối Đông - Tây
liên kết giữa lưu vực sông Thái Bình và sông Hồng. Lãng Ngâm cũng nằm bên bờ
phía Tây của khu vực Lục Đầu Giang, nơi kết thúc mạch núi cao, đồi thấp phía Bắc;
nơi đổ về của những sông Thương, sông Cầu, sông Lục Đầu, để mở ra đồng bằng và
xuôi về biển Đông.
Những tuyến sông đó là những huyết mạch giao thông quan trọng
trong chuyển lưu cư dân Việt cổ cùng với những yếu tố kinh tế, lịch sử, văn hóa
của đất nước về với Lãng Ngâm; và từ đây - cũng chính nhờ những huyết mạch đặc
biệt này - nó tiếp tục tỏa ra, hội nhập cùng đất nước trên mọi lĩnh vực.
Điều đó đã cho vùng quê Ngăm Lương - Lãng Ngâm - ngay từ thời
cổ - đã là nơi vừa được chứng kiến, vừa trực tiếp góp phần sáng tạo nhiều trang
sử văn hóa đặc sắc của quê hương, đất nước.
Giới khảo cổ đã tìm thấy từ lòng đất Lãng Ngâm những bằng chứng
về nơi mật tập đông đúc con người từ xa tắp mấy nghìn năm về trước. Đó là những
công cụ sản xuất bằng đá; những vật dụng sinh hoạt bằng gốm; đồ trang sức bằng
đá, gốm, đồng... rồi những dụng cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí bằng đồng…
Điều này đã phản ánh về những giai đoạn phát triển của văn minh Việt cổ được chồng
lớp qua thời gian.
Nó chứng tỏ từ rất sớm, nơi đây đã có con người đến sinh cơ
lập nghiệp, lâu dần tạo thành những cộng đồng làng xóm đông vui, được cố kết mở
rộng. Cũng từ đó, các công trình kiến trúc văn hóa được ra đời để làm nơi sinh
hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Đó là những nghè miếu cổ sơ; đền Ba, chùa Phổ Thành linh ứng;
và đặc biệt là ngôi đình - như mái nhà chung, trái tim làng - tồn tại qua nắng
mưa bao năm tháng thời gian. Tất cả đã in sâu trong tâm trí, trở thành di sản,
là niềm tự hào của người làng Ngăm.
Thôn Tiêu Xá, xã Gia Lương, huyện Gia Bình xưa nằm ngay chân
núi Thiên Thai, Thời 12 sứ quân nhà Đinh có gia đình hai vợ chồng sinh ra 3 anh
em trai là Đô Công (Thái Bảo đại vương), Chất Công (Hoàng Bảo đại vương) và
Đinh Công (Hắc Đế đại vương) giỏi nghề sông nước.
Khi Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp thứ sử châu Vũ
Ninh, cả ba anh em đã theo giúp, lập được nhiều công trạng. Khi vua Đinh lên
ngôi hoàng đế, lập nước Đại Cồ Việt, các tướng được giao cai quản khu vực núi
Thiên Thai, khi hóa được ba thôn (Tiêu, Tràng, Tía) chia ra lập đền thờ.
Người anh cả Thái Bảo Đại vương thờ đền Thượng, ông thứ hai Hoàng
Bảo Đại vương thờ ở đền Trung và ông thứ ba Hắc Đế Đại vương được thờ ở đền Hạ;
riêng đình Ngăm Lương là nơi thờ chung của cả ba anh em Tam vị Đại vương, được
tôn vinh là những vị thủy thần.
Đình Ngăm Lương
Nằm ở vị trí đầu làng, nhìn về phía Đông Nam, đình làng Ngăm
Lương ở vào thế phong thuỷ đẹp. Tiền đường phía trước có hồ nước tụ thuỷ, đường
làng uốn quanh, xa là đồng quê màu mỡ. Hai bên là làng mạc, ruộng đồng. Sau
lưng đình là đê đại hà và dòng sông Đuống như dải nhiễu bao bọc.
Cũng có lẽ làng và đình nằm bên sông,mà người xưa khi dựng
đình đã tôn thờ 3 vị Thủy thần làm thành hoàng. Các vị thuỷ thần vốn được coi
là các nhân vật có vai trò quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy đời sống
sinh hoạt và sản xuất của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ thuở sơ khai. Hiện
nay sự tích của các ngài ở địa phương đã bị thất lạc từ lâu, do vậy không rõ
công trạng của các ngài như thế nào.
Nhưng trong đình vẫn còn lưu giữ các văn tự chữ Hán ghi tên
hiệu của các ngài là: Đệ nhất Ngũ lục hiển ứng biên linh tôn thần, Đệ nhị Trung
thiên anh nghị hùng lược tôn thần, và Đệ tam Chàng nhị thông duệ mẫn đạt tôn thần.
Theo người làng truyền lại, ngôi đền có tên đền Ba, nằm phía
Tây làng mới chính là đình Ngăm Lương thuở ban đầu, khi người dân tới đây dựng
làng, mở xóm. Sau khi làng quê hưng thịnh, dựng đình ở vị trí hiện nay. Công
trình đình cũ này trở thành đền Ba - đặt thờ tổ nghề dâu tằm - vốn khi xưa là
nghề chính của người làng bên cạnh nghề nông.
Đình làng Ngăm Lương có quy mô khá bề thế, ẩn chứa nhiều giá
trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và kiến trúc - nghệ thuật. Đặc biệt,
trên lĩnh vực kiến trúc - nghệ thuật, đây là một trong những đại diện cuối
cùng, xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc đình làng Bắc Bộ trong ba thế kỉ vàng của
văn hóa dân gian. Cũng vì thế, đình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh xếp hạng
là di tích Lịch sử - Văn hóa vào năm 2009.
Theo dòng niên đại hiện còn ghi lại trên câu đầu đình làng
Ngăm Lương cho biết, ngôi đình được tu tạo vào ngày đẹp đầu mùa hạ năm Giáp Thân
- thời Lê (khoảng năm 1764). Tổng thể công trình khi ấy gồm: Cổng đình, Tam
quan được xây kiểu chồng diêm 8 mái, hai bên có 2 vũ sĩ, voi và đắp vẽ tứ linh
tứ quý.
Bên trong là hai Dải vũ, mỗi bên 4 gian. Tiếp đến là Đại
đình và Hậu cung. Trải qua thời gian và chiến tranh, một số công trình như Tam
quan, Dải vũ của khu di tích đã bị dỡ bỏ. Năm 1962 sàn gỗ ở Đại đình cũng bị dỡ
bỏ để làm bàn ghế. Sau này, người làng tu sửa ngoại viên, xây tường dựng cổng,
làm lại tam quan; gom góp những sàn ván sót lại đủ ghép cho sàn một bên chái
đình.
Hiện tại, khi làng xóm quần tụ, nhà cửa khang trang; ngôi
đình vốn to lớn, bề thế so với nhà dân ngày trước giờ có phần giảm bớt đồ sộ;
nhưng giá trị tâm linh, giá trị lịch sử -
văn hóa lại càng được nhân lên qua thời gian. Với công trình đình Ngăm
Lương, vẻ đẹp kiến trúc qua bao thế kỷ vẫn hiện tồn qua kết cấu kiến trúc xưa vẫn
được giữ nguyên. Đại đình gồm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, có kích thước dài
21m, rộng 11m, thực sự là một công trình kiến trúc mang đầy đủ vẻ đẹp đặc trưng
của đình làng xứ Bắc.
Kiến trúc đình làng Ngăm Lương cũng mang kiểu thức như bao
ngôi đình làng Bắc bộ. Hệ thống cột gỗ lim lớn nhỏ vững chắc, cấu trúc vì kiểu
chồng rường, trụ giá chiêng, ngang 6 hàng cột, dọc dựng 4 hàng. Hệ thống cột vững
vàng này đã nâng bổng mái đình xoè rộng lợp ngói mũi, chở che không gian nội
đình linh thiêng, với bao tác phẩm chạm khắc có giá trị nghệ thuật, thấm đẫm
tâm hồn, tình cảm của những người thợ - nghệ sỹ dân gian dựng đình.
Ở các cột cái thuộc hai hàng ngang trước và sau của ba gian
chính đình đều có tai cột. Đó là người thợ đã xẻ đầu cột thành khung mộng rộng,
rồi đưa phiến gỗ xuống xòe ra hai bên đầu cột, dưới là tay đỡ, trên gắn chốt
lên đỡ xà thượng. Nhờ lối cấu trúc này, các tai cột luôn trong tư thế ổn định.
Chính các tai cột này đã được người thợ biến thành những tác phẩm nghệ thuật với
các kỹ thuật chạm nổi, chạm lộng các mảng đề tài phong phú, mang hơi thở rộn
ràng của cuộc sống.
Giống như mọi ngôi đình làng nói chung, đình làng xứ Bắc nói
riêng, với chức năng ngôi nhà công cộng của làng - đình Ngăm Lương là nơi thờ
Thành hoàng; đồng thời cũng là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, là nơi hội
họp của làng xóm, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hoá cộng đồng... từ khi xuất hiện
đến tận bây giờ.
Do vậy, đây là không gian kiến trúc mở cho các nghệ sĩ đưa
cuộc sống sinh hoạt của con người, thế giới tự nhiên vào trong đình. Người nghệ
sĩ dân gian có thể thoải mái thể hiện tình cảm và những khát vọng, cách nhìn, sự
nắm bắt thực tại của mình thành nội dung đề tài, cũng như bày tỏ sự tài khéo của
kỹ thuật chạm khắc trên các vị trí kiến trúc của ngôi đình. Tại đây, hầu hết
các đầu dư, cốn tai cột, ván nong, cửa võng... đều được các nghệ sỹ dân gian
trang trí bằng các bức chạm khắc với khá nhiều đề tài, dáng vẻ.
Ngoài những hình chạm nổi, chạm kênh bong Rồng, Phượng, Tứ
linh - một mô tip thường gặp ở tất cả các ngôi đình làng nói chung; thì vẫn có
những bức chạm thấy xuất hiện con người, muông thú... Điều này đã đem lại cảm
giác gần gũi, sống động với thế giới thực tại từ chốn đình chung linh thiêng.
Đó là hình cô tiên cưỡi rồng, những con thú bốn chân luồn lách trong mây mác rồng
ổ, rồng mẹ con... cho thấy tinh thần dân chủ, cởi mở, tinh thần dân gian rõ rệt.
Như thế, trong vẻ đẹp của quá khứ còn đến hôm nay qua hình ảnh
ngôi đình làng Ngăm, dường như bao giờ chúng ta cũng tìm được những bài học giá
trị về nghệ thuật, nhân sinh, có sức tác động tới tư tưởng, tình cảm của con
người thời hiện đại. Bởi đó là sự kết tinh bởi mồ hôi, công sức, trí tuệ, và cả
tâm tư, tình cảm của cộng đồng làng xóm đã xây dựng nên; cũng như bày tỏ tình cảm
của những nghệ sỹ dân gian qua các tác phẩm chạm khắc gần gũi và sinh động với
đời sống cộng đồng.
Cùng với giá trị kiến trúc và điêu khắc trang trí, hiện
trong đình Ngăm Lương còn lưu giữ được rất nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị
lịch sử, nghiên cứu như: Ngai thờ, bài vị, sập thờ, long đình, hương án, sắc
phong, hoành phi, câu đối, phỗng thờ... và các đồ thờ khác có nhiều giá trị lịch
sử.
Hậu cung đình theo kiểu chuôi vồ, gồm 5 gian kiến trúc vì
theo kiểu kẻ chuyền, xung quanh xây gạch, trục dài 11,5m, rộng 8m. Bên trong Hậu
cung được bài trí 3 ngai thờ bài vị các vị thành hoàng. Phía trước là bát hương, đài, nến, mâm bồng,
đẳng tế... tất cả được đặt trên bệ gạch và bàn vuông, một số hiện vật này có
niên đại thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Đặc biệt đình xưa được các triều đại phong kiến Việt Nam ban
tặng nhiều sắc phong. Trải qua thời gian đã bị thất lạc, đến nay trong đình chỉ
còn lưu giữ được 7 đạo sắc phong. Đạo sớm nhất phong năm Cảnh Hưng 28 (1767), đạo
muộn nhất phong năm Đồng Khánh 2 (1886). Hầu hết đều ghi nhận công đức thành
hoàng làng đã cứu giúp, trừ tai, trừ biến cho dân, để nhân dân được ấm no, hạnh
phúc.
Bên cạnh tính linh và chất thiêng biểu hiện nơi tôn thờ
thành hoàng tại gian giữa - trung tâm đình và hậu cung thì đình Ngăm Lương cũng
là nơi biểu đạt nhiều lối tư duy đậm chất dân gian.
Việc đưa vào bên phải gian ngoài phía hồi Đại đình ban thờ
ông tổ nghề thợ xây là ví dụ. Tượng đặt trong khám trên ban, được tạc trong tư
thế ngồi, cao 40cm, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc trang phục quan văn, mắt nhìn thẳng,
tổng thể tượng được chạm khắc chau chuốt, công phu và đẹp.
Cùng với đó, những răn ngôn cụ thể, dân dã cũng được
đưa vào câu đối trong đình. Ví như răn ngôn con người khi ra chốn đình
chung: Y quan hằng chỉnh túc, đắc bất thắc kỳ nghi/ Thứ vị liệt tôn
ty, đường dĩ hoà vi quý. Ý rõ ràng khuyến cáo mọi người cần nghiêm
chỉnh áo quần, giữ lòng mình thanh thản, không để những tỵ hiềm,
nhỏ mọn xen vào.
Đồng thời, cần tôn trọng thứ bậc trên dưới trong cộng
đồng và giữa chốn đình chung nên lấy hòa khí làm trọng.
Hay như câu đối rất dân dã: Thiên tri, địa tri, ngã tri,
nhĩ tri, hà vị vô tri/ Thiện báo, ác báo, tốc báo, trì báo, chung tu
hữu báo. (Trời, đất, tôi, anh đều biết thì đừng bảo mọi người không
hay/ Hành thiện hay gây ác, nhanh hay chậm, cuối cùng vẫn đều có báo
ứng) chính là tinh thần giáo dục ý thức sống, biết về nghiệp - báo để mỗi người
biết giữ mình, sống có đức nhân, hướng lòng chân thiện.
Đình làng với tư cách là một loại hình di tích kiến kiến
trúc - nghệ thuật mang trên mình đầy đủ
vai trò của một trung tâm tín ngưỡng, hành chính và văn hóa của cả một làng qua
nhiều thời kỳ lịch sử.
Mọi nguồn lực, trí tuệ và tinh hoa văn hóa của một làng xã cổ
truyền được tích tụ trong ngôi đình làng mà ngày nay, chúng ta đều phải có
trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp này. Tìm hiểu về đình
làng Ngăm Lương cũng chính là một trong những ngả đường tìm về cội nguồn, về bản
sắc văn hóa dân tộc.
Đình Ngăm Lương không những nổi bật với giá trị kiến trúc
điêu khắc, mà còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như: sắc phong, ngai thờ,
hương án và đồ thờ tự khác .Theo truyền khẩu, đình Ngăm Lương thờ ba vị Thành
Hoàng làng là “Thuỷ thần”. Đình còn bảo lưu được các đạo sắc phong có niên đại
như sau: Cảnh Hưng 44 (1783),Cảnh Hưng 28 (1767), Quang Trung 5 (1792), Cảnh Thịnh
4 (1796), Tự Đức 33 (1880), Tự Đức 66 (1853), Đồng Khánh 2 (1886).
Hàng năm cứ đến ngày 7 tháng 2 (âm lịch) đình Ngăm Lương lại
được mở hội.Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò
dân gian giải trí như: ả đào, tuồng, chèo, đu, vật, cờ người, đập niêu, bắt vịt…thu
hút đông đảo nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi
lành mạnh mang đậm bản sắc dân tộc.
Với những giá trị to lớn trên đình Ngăm Lương đã được UBND tỉnh
Bắc Ninh xếp hạng là Di tích “lịch sử - văn hóa” quyết định số 61/QĐ-UBND ngày
15/1/2009.
BẢN NGỌC PHẢ CỦA XÃ TIÊU XÁ, HUYỆN GIA BÌNH, TỈNH BẮC NINH
NGUYỄN HOÀNG YẾN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trong một lần về thăm quê ở thôn Tiêu Xá, xã Gia Lương, huyện
Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tôi được các cụ ở quê cho xem bản ngọc phả của làng.
Đây là những thôn làng cổ, sống thuần nông và hiện nay xã Gia Lương có ba thôn
là thôn Tiêu, thôn Tràng và thôn Tía. Thôn Tiêu nằm ngay chân núi Thiên Thai,
bên cạnh sông Tương.
Cuốn ngọc phả này được một gia đình trong thôn lưu giữ,
nhưng do thời gian đã lâu nên cuốn sách không còn nguyên vẹn, có đôi chỗ đã bị
rách nát. Cuốn ngọc phả được viết bằng chữ Hán, 13 tờ, khổ 24,5cmx14cm, chữ viết
chân phương trên nền giấy dó có nền màu vàng xám, đã ố.
Mở đầu cuốn ngọc phả giới thiệu về các thần được thờ, đó là
ba anh em Thái Bảo Đại vương, Hoàng Bảo Đại vương và Hắc Đế đại vương thời
Đinh. Tiếp đó là bài thơ thất ngôn bát cú ca ngợi công lao các thần.
Từ tờ 1 đến tờ 10, ngọc phả nói về lai lịch và hành trạng của
3 vị đại vương, từ lúc các ngài sinh ra cho đến khi các ngài hóa.
Phần cuối của cuốn thần tích nói về sắc phong thần, các ngày
giỗ của cha mẹ thánh, các ngày thánh sinh thánh hoá, các lễ tiết khi thờ cúng
và các từ kiêng huý, chia ra ba thôn (Tiêu, Tràng, Tía) thờ ba đại vương. Người
anh cả thờ đền thượng, ông thứ hai thờ ở đền trung và ông thứ ba được thờ ở đền
hạ.
Ở tờ 12 có ghi các dòng niên đại:
- Hồng Phúc nguyên niên chính nguyệt sơ thập nhật
Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn.
(Mồng 10 tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên (1572)
Thần Nguyễn Bính, Đông các Đại học sĩ Hàn lâm viện phụng soạn
- Hoàng triều Vĩnh Hựu ngũ niên tam nguyệt sơ cát nhật Quản
giám bách thần Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tuân y tiền triệu
cựu bản phụng tả (Ngày tốt tháng 3 Hoàng triều năm Vĩnh Hựu 5 (1739), thần Nguyễn
Hiền là Quản giám bách thần Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh tuân theo bản cũ của
tiền triều phụng chép.
- Hoàng triều Tự Đức lục niên (Hoàng triều Tự Đức thứ6
[1853]).
Và tờ 13 có dòng ghi: Bản xã yêm một thánh tích tự Trần thời
chí tư bản xã lai tầm đắc kỳ cựu tích ư Sơn Tây tỉnh, Vĩnh Tường phủ, Bạch Hạc
huyện, Cao Xá tổng, Bằng Đắng thôn Công bộ Thượng thư lưu lai thánh tích khán đắc
nghênh hồi bản xã. (Bản xã bị lụt nên mất thánh tích từ thời Trần, đến nay bản
xã tìm được tích cũ này ở thôn Bằng Đắng, tổng Cao Xá, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh
Tường, tỉnh Sơn Tây do Thượng thư bộ Công giữ lại được thánh tích, xem đúng và
rước về bản xã).
Điều này có thể lý giải được vì vùng đất này tương đối thấp
nên những năm trước vẫn thường xảy ra lụt lội nên việc cuốn ngọc phả bị mất là
điều có thể hiểu được.
Như vậy, chúng ta thấy bản ngọc phả này có niên đại từ khá sớm
(năm 1572) và đã trải qua nhiều lần sao chép, lần sao chép cuối cùng được ghi lại
là vào năm Tự Đức 6 (1853). Và bản ngọc phả này cũng ghi rõ rằng do xã này bị lụt
nên thánh tích bị mất, sau đó tìm được một bản ngọc phả khác ở tỉnh Sơn Tây và
được rước về xã.
Sau đó chúng tôi tìm trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam -
Thư mục đề yếu, phần Bổ di I thì có cuốn Bắc Ninh tỉnh, Gia Bình huyện các xã
thần tích, 1 bản viết, 292 trang, khổ 31x21cm, chữ Hán, ký hiệu AE a7/10. Xã
Tiêu Xá: 3 trang, do Nguyễn Bính soạn năm 1572, về sự tích Đô công (Thái Bảo đại
vương), Chất công (Hoàng Bảo đại vương) và Đinh công (Hắc Đế đại vương) thời
Đinh Tiên Hoàng(1).
Có một điều đặc biệt ở cuốn ngọc phả này là ở chỗ cuốn ngọc
phả không chỉ có 1 bản bằng chữ Hán mà nó còn có 1 bản bằng chữ Nôm mà trong
thư mục thần tích của cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, phần Bổ di
I không có. Và đây cũng là một điều may mắn cho người đọc, bởi vì cuốn ngọc phả
bằng chữ Hán do bị rách nát nên có một số chữ Hán bị mất thì ở bản ngọc phả chữ
Nôm có thể bổ sung cho chỗ thiếu này.
Cuốn ngọc phả bằng chữ Nôm có 9 tờ, chữ viết theo lối hành
thảo, tương đối khó đọc, được viết trên nền giấy dó, ngả vàng xám, bị ố và có một
số chỗ bị rách nát. Tuy nhiên, phần chữ của cuốn ngọc phả hầu như còn nguyên vẹn.
Phần đầu của cuốn ngọc phả chữ Nôm là sắc phong thần niên hiệu
Khải Định thứ 9. Sau đó là dịch Nôm lại nội dung của cuốn ngọc phả viết bằng chữ
Hán. Và cuối bản ngọc phả Nôm có ghi dòng niên đại:
Bảo Đại thập tam niên nhị nguyệt nhị thập tứ nhật
Nguyễn Hoa Trung phụng tả
(Ngày 24 tháng 2 niên hiệu Bảo Đại 13 (1938), do Nguyễn Hoa
Trung phụng chép).
Như vậy, so sánh niên đại trên hai bản ngọc phả bằng chữ Hán
và chữ Nôm thì thấy rằng, bản ngọc phả được viết bằng chữ Hán có niên đại sớm
hơn cuốn ngọc phả viết bằng chữ Nôm. Điều này có thể lý giải rằng, có thể người
dân địa phương lo rằng cuốn ngọc phả bằng chữ Hán có thể bị mất mát, nên đã
phiên Nôm lại cuốn ngọc phả ấy để lưu lại đời sau.
Chú thích:
(1) Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu - Bổ
di I, Quyển thượng, tr.344-345, Nxb. KHXH, H. 2002.
Thông báo Hán Nôm học
2003, tr.631-634