Đình Nghĩa Khê thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, thờ phụng tướng Lý Công Quang, có công đánh giặc Chiêm Thành triều đại vua Lý Thánh Tông.
Đình Nghĩa Khê, thờ phụng danh tướng Lý Công Quang triều vua
Lý Thánh Tông
Toạ lạc trên mảnh đất bằng phẳng, rộng rãi, đình Nghĩa Khê
là điểm sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá lâu đời của nhân dân địa phương. Đình nằm
tại thôn Nghĩa Khê nên nhân dân địa phương lấy tên thôn, đặt tên cho đình.
Đức ông Lý Công Quang quê ở Thái Nguyên, là con một gia đình
hào trưởng nổi tiếng trong vùng. Một hôm, ngài du ngoạn đến trang Nghĩa Khê thấy
phong cảnh đẹp, thế đất rồng chầu hổ phục bèn xin ở lại sinh sống. Vốn tính
lương thiện, thương người, tinh thông địa lý, lại giỏi võ nghệ nên ngài được
nhân dân địa phương quý trọng và nể phục.
Khi giặc Chiêm Thành xâm lược nước ta, vua Lý Thánh Tông
thân chinh dẫn 3 vạn quân theo hướng nam tiến đánh. Sau một trận giao chiến với
quân giặc bất phân thắng bại, nhà vua hạ lệnh đóng doanh trại tại cửa biển Thái
Bình, rồi sau đó lui về đóng đồn tại huyện Thanh Lâm. Tại đây, nhà vua tuyển chọn
binh sĩ, tập hợp lương thảo và có hịch truyền đi để cầu hiền tài ra giúp nước.
Lý Công Quang nghe tin đến tuyển thí, vua thấy ngài có tài
văn võ liền vui mừng phong cho chức Trung Đô tể thái úy đại tướng quân. Quang
công dẫn 3 vạn quân tiến thẳng đến nơi đồn giặc đóng, giáp chiến một trận, quân
giặc bị đánh bại, chết nhiều vô kể, số sống sót bỏ chạy về nước.
Thắng trận trở về, Quang công được vua ban thưởng 100 cân bạc,
300 quan tiền và tấn phong chức Quản Đô Đốc trấn đại nguyên soái tướng quân.
Quang công xin vua trở về nghĩa quán (tức trang Nghĩa Khê) mở tiệc khao thưởng
quân dân, bái vọng tiên đường, ban cho nhân dân 500 quan tiền tỏ tình cảm báo
nghĩa. Sau đó, Quang công thăm quanh trang ấp, đến nơi nội địa, xứ Tỉnh Điền
thì bỗng nhiên hóa.
Vua Lý Thánh Tông nghe tin vô cùng thương xót, liền sai sứ
thần mang sắc phong về trang Nghĩa Khê, phong làm phúc thần, thưởng cho nhân
dân 800 quan tiền để lập đền thờ cúng.
Cùng với sự phát triển của làng xã, đình Nghĩa Khê được xây
dựng từ khá sớm, nhưng không có tài liệu xác định là năm nào. Theo ý kiến của
những cụ cao tuổi trong làng thì xa xưa đình Nghĩa Khê chỉ có 3 gian nhà gỗ tạp
bào trơn đóng bén, sau này mới nâng cấp thành gỗ lim, kiến trúc kiểu chữ đinh
(J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung cổ kính.
Đến năm 1968, đình bị hạ giải để lấy nguyên vật liệu xây dựng
các công trình phúc lợi của địa phương.
Bài trí thờ tự tại gian trung tâm đại bái đình
Năm 2010, theo nguyện vọng của nhân dân, được sự cho phép của
cấp có thẩm quyền, chính quyền địa phương đã khôi phục lại đình trên nền đất cũ
với quy mô lớn gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt
thép sơn màu giả gỗ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng chung. Hiện nay, đình
Nghĩa Khê là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân địa phương.
Hằng năm vào ngày 12.4 âm lịch, nhân dân thôn Nghĩa Khê tổ
chức rước bộ thánh. Đoàn rước có 1 kiệu long đình, 1 kiệu bát cống đặt ngai và
bài vị thờ đức thành hoàng... theo nhịp trống khẩu của ông thủ hiệu. Lộ trình
rước khởi hành từ đình đến nghè Nghĩa Dương, sau đó đến nhà Nghè (nơi đây được
coi là khu vực đất ở của Lý Công Quang xưa) làm lễ dâng hương, rồi đến miếu
Nghĩa Khê và trở về đình tổ chức tế.
Đội tế thường có từ 12-14 người, chủ tế do phó lý đảm nhiệm.
Lễ vật gồm xôi, gà, hương, hoa, oản, quả, rượu. Thời gian tế diễn ra từ 2-3
canh giờ. Đến tối, làng tổ chức hát chèo tại sân đình. Thực hiện chèo hát là những
đào kép người địa phương. Vào những năm “phong đăng, hòa cốc” làng mới cho mời
đào kép các làng bên tham gia.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, lễ hội làng Nghĩa Khê được tổ
chức rất trọng thể, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong vùng cùng tham
gia.
Ngày nay, để phù hợp với điều kiện của địa phương, lễ hội
truyền thống của đình được tổ chức vào ngày 20 tháng giêng. Lễ rước tổ chức 3
năm một lần vào các năm chẵn, những năm lẻ tổ chức dâng hương, thực hiện các
nghi lễ theo lệ cũ truyền lại. Tham dự lễ tế không chỉ có đội tế nam mà còn có
cả đội dâng hương nữ. Phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như chọi
gà, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng... thu hút đông đảo con em quê hương trở về
tham gia.
Di tích đình Nghĩa Khê là một trong những dấu ấn lịch sử đặc
biệt phản ánh quá trình đánh đuổi quân Chiêm Thành ra khỏi bờ cõi thời vua Lý
Thánh Tông. Bảo tồn di tích đình Nghĩa Khê góp phần giáo dục truyền thống yêu
nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 25.1.2014, đình Nghĩa Khê được UBND tỉnh Hải Dương xếp
hạng di tích lịch sử - văn hóa.
NHẬT HỮU
Nguồn: Báo Hải Dương