Đình Ngô Nội, thôn Ngô Xá, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng thành hoàng làng là đức thánh Quý Minh Đại vương, một trong Tam Thánh Tản Viên phò giúp vua Hùng Duệ Vương đánh nhà Thục xâm lược.
Đình Ngô Nội hiện nay tọa lạc trên khuôn viên đất rộng khoảng
4.000m2, thuộc thôn Ngô Xá, xưa thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ
Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong).
Đình Ngô Nội. Ảnh Google Internet.
Theo các nguồn tài liệu hiện còn lưu giữ tại địa phương,
đình Ngô Nội được khởi dựng rất sớm, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, thờ đức
thánh Quý Minh đại vương (Nguyễn Cẩn), người có công đánh giặc Thục bảo vệ đất
nước dưới thời vua Hùng Duệ Vương.
ĐìnhNgô Nội có mặt chính quay theo hướng Tây Nam, bố cục mặt
bằng kiến trúc theo kiểu “Tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”, bao gồm các hạng mục kiến
trúc chính như: Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu… Tòa Đại đình 5 gian
2 chái, phía sau là phần Hậu cung 2 gian tạo thành mặt bằng hình chữ đinh “丁”. Tòa Đại đình được trùng tu sửa
chữa nhiều lần, trên 2 câu đầu ở gian giữa còn khắc dòng chữ Hán “Hoàng triều
Duy Tân vạn vạn niên chi tứ, tuế tại Canh Tuất” và “tam nguyệt, cốc nhật, lương
thời trùng tu thượng lương đại cát lợi”, nghĩa là: tòa Đại đình được trùng tu lớn
và đặt thượng lương vào giờ tốt, ngày đẹp, tháng 3 năm Canh Tuất triều vua Duy
Tân 4 (1910).
Đến nay, về cơ bản tòa Đại đình vẫn giữ nguyên kiến trúc sau
lần đại tu này. Bộ khung tòa Đại đình được làm bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo theo
kiểu “chồng rường, giá chiêng”, các bộ vì đều được bào soi kỹ lưỡng và chạm khắc
tinh xảo, trên các con chồng, cốn, đầu dư trang trí đề tài tứ linh “long, lân,
quy, phượng” vân mây, đao lửa, hoa lá cách điệu… bằng nghệ thuật chạm lộng, chạm
kênh bong, chạm thủng rất điêu luyện.
Đặc biệt trên bức cốn phía bên phải gian giữa còn mảng chạm
miêu tả đôi trai gái hẹn hò “tự tình” bên giếng nước đầu đình giữa đêm trăng
sáng, thấp thoáng xa xa còn có một chàng trai thổi sáo ý muốn trêu ghẹo đôi
trai gái này.
Đây là một chủ đề mới lạ, một đặc trưng rõ nét nhất về văn
hóa dân gian, thể hiện sự phát triển vượt bậc trong nghệ thuật điêu khắc đình
làng, đồng thời còn thể hiện ước vọng tự do hạnh phúc của người dân trong bối cảnh
xã hội đương thời. Đường nét trang trí chạm khắc mập mạp, chắc khỏe trên bức cốn
mang đậm nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê - Mạc thế kỷ XVI - XVII.
Tồn tại song song với ngôi đình cổ còn một hệ thống tài liệu,
di vật cổ giá trị, đa số có niên đại tạo tác dưới hai triều Lê - Nguyễn tiêu biểu
như: 53 đạo sắc phong thần (đạo phong sớm nhất năm 1555 muộn nhất năm 1924); 01
bản thần phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn ngày 10
tháng 3 năm Hồng Phúc thứ 2 (1573); bản xã Ngô Xá phụng sao lại vào năm 1931;
02 quyển Hương ước soạn năm 1911; 01 cuốn Điền bạ xã Ngân Cầu, 01 cuốn kê các
giáp trong tổng, 01 cuốn Vi lệ soạn năm Mậu Dần, 06 bức đại tự, 19 đôi câu đối…
Trong đó, đáng chú ý nhất là bức đại tự khắc 3 chữ “Trung
nghĩa dân” do vua Lê Hiển Tông ban tặng vào ngày 17 tháng 12 năm Cảnh Hưng 5
(1744) ca ngợi nhân dân Ngô Nội đã một lòng bền gan, quyết chí đánh dẹp giặc cướp
bảo vệ xóm làng. Ngoài ra, còn nhiều đồ thờ tự giá trị khác như: ngai thờ, sập
thờ, hạc gỗ, bát bửu, hương án, mõ cá, kiệu long đình, kiệu bành, quán tẩy, mâm
bồng, nồi hương gốm sứ…
Với những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật điêu khắc Đình
làng Ngô Nội được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số
51/2001/QĐ-BVHTT ngày 27 tháng 01 năm 2001.
Nguồn: baotangbacninh.vn