Đình Ngọc Động có từ rất xưa, là nơi thờ phụng 3 vị danh tướng họ Đào của nhị vua Hai Bà Trưng. Theo gia phả của họ Đào, đó là các đức ngài : Đào Đô Thống; Đào Chiêu Hiển; Đào Tam Lang.
Lược sử địa danh
Năm 1831 huyện Gia Lâm có 10 tổng, trong đó tổng Đa Tốn gồm
9 xã là Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Khoan Tế, Thượng Tốn (còn gọi là Thuận Tốn), Hạ Tốn,
Giang Cao, Xuân Thụy, Gia Cốc và Đào Xuyên.
Từ Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền xóa bỏ cấp tổng,
các xã Đào Xuyên, Khoan Tế, Thuận Tốn lập thành xã Minh Tân; hai thôn Lê Xá, Ngọc
Động vẫn thuộc xã Đa Tốn.
Năm 1947, hai xã Minh Tân và Đa Tốn hợp nhất thành xã Đại
Minh (mở rộng thêm 5 thôn của xã Kiêu Kỵ ngày nay là Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp,
Hoàng Xá, Chu Xá). Đại Minh sau đổi thành Đại Hưng, đến Cải cách ruộng đất lại
tách ra làm xã Đại Hưng (gồm Đào Xuyên, Lê Xá, Ngọc Động, Thuận Tốn, Khoan Tế)
và xã Tân Hưng (gồm Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Báo Đáp, Hoàng Xá, Chu Xá).
Năm 1966, Đại Hưng đổi tên là xã Đa Tốn. Xã này ngày nay nằm
giữa quốc lộ QL5B và tỉnh lộ TL359.
Làng Ngọc Động tên Nôm là làng Lị, có ngôi đình tương truyền
rất cổ, Đình Ngọc Động tương truyền có từ rất xưa, đây là nơi thờ phụng 3 vị
danh tướng họ Đào của nhị vua Hai Bà Trưng. Đình được xếp hạng di tích quốc gia
(1990). Thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Theo
gia phả của họ Đào, đó là các đức ngài : Đào Đô Thống; Đào Chiêu Hiển; Đào Tam
Lang
Những tướng lĩnh đã tham gia đại binh của nhị vua Hai Bà
Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán. Trên bài vị có ghi:
Độ Thống đại vương (sắc phong Tế thế Hộ quốc Hùng tài Trợ thống
đại vương).
Chiêu Hiển đại vương (sắc phong Tế thế Hộ quốc Anh linh Cảm ứng
đại vương).
Tam Lang đại vương (sắc phong Tế thế Hộ quốc Thông minh
Chính trực đại vương).
Xã Đa Tốn văn hiến có tới 7 chùa, 6 đình, 1 miếu, 1 nghè…
Theo trục đường chính qua đường Lê Xá đến đình Ngọc Động ở cuối làng. Những
ngôi đình này đều thờ ba vị thành hoàng: Đào Đô Thống, Đào Chiêu Hiển, Đào Tam
Lang.
Đền thờ ba vị sau những thăng trầm của lịch sử nay không
còn. Hiện trong đình Ngọc Động đặt ba Ngai, thờ ba vị mang mũ võ tướng. Theo
các cụ trong ban di tích, đình Ngọc Động thờ ba vị danh tướng họ Đào từ bao đời nay.
Sau Lê Xá lập làng xin rước các cụ về thờ ở đình. Tam thánh
tướng quân linh thiêng, năm nào dân hai làng cũng mở lễ hội vào ngày 9, 10, 11
tháng hai ta để tưởng nhớ các vị đã tận trung với nước.
Bản thần tích viết rằng:
- Ba anh em Đào Đô Thống, Đào Chiêu Hiển, Đào Tam Lang, cùng sinh một ngày, tướng
mạo khác thường. Lớn lên đều là những người có tài thao lược.
Khi Nhị vua Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa đánh Tô Định trả
thù nhà, nợ nước, cả ba anh em cùng theo vào trong quân, lập rất nhiều công trạng.
Ba vị tướng quân họ Đào được Hai Bà trọng dụng. Đánh đuổi Tô Định, nhị vua Hai
Bà thu lại 65 thành trì, xưng vương.
Nhà Hán sai Mã Viện, một viên tướng hết sức tàn bạo sang đàn
áp, kẻ thù có quân đông, thảm sát dữ dội người dân. Ba vị Đào Đô Thống, Đào
Chiêu Hiển, Đào Tam Lang được giao chặn quân Hán ở phía bắc Hà Nội nay.
Trong một trận đánh sinh tử, kìm chân giặc để đại binh Hai
Bà Trưng đủ thời gian rút về Khê Lũ (Cẩm Khê), ba tướng quân họ Đào bị dồn về
phía sông Nhị Hà. Quân giặc hung hãn tràn lên. Không chịu để sa vào tay giặc, cả
ba vị cùng tuẫn tiết ở bến Bồ Đề, Gia Lâm (nay là quận Long Biên).
Dân Đa Tốn kính vọng lòng trung trinh của ba vị tướng quân,
rước về thờ làm thành hoàng, tôn làm thánh. Sách Danh nhân Hà Nội của Vũ Tuấn
Sán chép truyện này có ghi câu đối (dịch):
Quân tướng oai hùng cao tướng lược
Bến Bồ tuẫn tiết, nghĩa cả trung thần
Trong đình Ngọc Động còn 6 câu đối đã phiên âm Hán Việt. Xin chép ra hai câu:
Câu 1: Oan kính nhất thiên vô Mã tướng
Cương thường thiên tại hữu Trưng Vương
Câu 5: Tam thánh nhất tâm thu nguyệt Hàn Giang
Nhị thôn bách tính xuân đài thọ vực nhẹ hồng hưu
Ba danh tướng họ Đào sinh ngày 10 tháng 2. Ngày tuẫn tiết 12
tháng 7. Ngày nay tại Ngọc Động vẫn còn địa danh Vườn quân, bãi tập. Dân hai
làng lấy ngày 10 tháng 2 ta làm chính hội (Hội từ 9, 10, 11 tháng 2)
Thần phả còn ghi trong cả nước Việt có 72 nơi thờ Tam thánh
họ Đào.
Kiến trúc
Đình Ngọc Động tương truyền được xây dựng từ rất lâu đời,
xưa làm theo kiểu "chữ Đinh". Trải qua nhiều cuộc sửa chữa tôn tạo,
hiện nay khuôn viên đình là một khoảnh đất rộng có tường bao kín nằm ở sát bờ
nam sông Nghĩa Trụ. Sau lần đại trùng tu mới đây, phần lớn ngôi đình vẫn giữ
phong cách nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn với mặt bằng đã được mở mang
theo kiểu "nội Công ngoại Quốc".
Sân trước đình Ngọc Động. Panorama ©2015 NCCong
Đình nhìn ra một hồ nước hình vuông ở phía tây-nam. Cổng
nghi môn giáp mặt đường, gồm 4 trụ biểu. Du khách từ cổng đi vòng qua bức bình
phong lớn đắp cuốn thư sẽ vào sân tiền đường, hai bên có 2 nhà giải vũ rộng 3
gian.
Đại đình gồm 3 gian 2 chái, du khách bước lên thềm qua 3 bậc
đá, trước gian giữa có đôi sấu đá.
Hậu cung 3 gian tách riêng có không gian lấy sáng, gian giữa
có một phần nhô theo kiểu 2 tầng 8 mái.
Đại đình, nơi thờ phụng trong đình Ngọc Động
Hông hậu cung giáp với hai sân bên và nhìn sang 2 nhà tả hữu
vu 3 gian. Phía sau là vườn cây và công trình phụ.
Di sản
Trong đình Ngọc Động hiện vẫn giữ được một số vì kèo cũ mang
phong cách nghệ thuật chạm trổ của thời Hậu Lê. Ngoài ra còn có nhiều cổ vật
giá trị như kiệu bát cống, long ngai, bài vị và đồ tế khí... Lễ hội đình làng
được dân sở tại tổ chức hàng năm từ mùng 9 đến ngày 12 tháng Hai âm lịch. Ngày
09-01-1990 Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình là Di tích lịch sử - văn
hoá quốc gia.
Sông Nghĩa Trụ do vua Lê Duy Phường cho đào vào năm 1729; đầu
thời Nguyễn là một con ngòi (khê) như tả trong bài thơ 經義柱橋次原韻 (Kinh Nghĩa Trụ kiều
thứ nguyên vận: Lại qua cầu Nghĩa Trụ hoạ nguyên vần) của Phạm Đình Hổ (1768-1839).
Hiện nay sông chỉ còn 2 đoạn cách xa nhau do bồi lấp. Đoạn đầu
bắt nguồn từ sông Hồng chỗ Xuân Quan chảy qua địa phận Văn Giang, Xuân Cầu, Đồng
Tỉnh rồi đổ vào sông Hoan Ái. Năm 1958 được đào rộng ra, gọi là sông Kim Sơn
trong hệ thuỷ nông Bắc-Hưng-Hải.
Đoạn thứ hai ở phía nam tỉnh Hưng Yên, gọi là sông Cầu Cáp
hoặc sông Điềm Xá, Mai Xá; bắt đầu từ ngã ba thôn Ba Đông chảy qua Cầu Cáp, xã
Đoàn Đào (huyện Phù Cừ), rồi chảy đến thôn Hà Linh, gặp sông Hồ Kiều và chảy thẳng
xuống Mai Xá (huyện Tiên Lữ).