Đình Ngọc Lũ thờ phụng tam vị thành hoàng là Câu Mang Đại vương, Độc Cước Đại vương, Thiên Quan Đại vương, riêng Câu Mang Đại vương vốn là hoàng tử thứ 6 của vua Hùng Nghị Vương.
Xã Ngọc Lũ (Bình Lục) là một vùng địa linh với hệ thống
đình, chùa, miếu, phủ có giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Trong đó, tiêu biểu
nhất là ngôi đình cổ có quy mô, kiến trúc bề thế. Ngôi đình cũng gắn liền với bảo
vật quốc gia, biểu trưng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ một thời - Trống đồng
Ngọc Lũ.
Xã Ngọc Lũ xưa thuộc vùng Kim Lũ - Chạ Chủ. Đến thời vua Gia
Long được đổi tên thành Ngọc Lũ. Trải qua hàng nghìn năm, Ngọc Lũ dần phát triển
trở thành vùng đất có dân cư sinh sống đông đúc và là vùng chăn nuôi trọng điểm.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, người dân nơi đây
còn chăm lo bồi đắp đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh. Hệ thống đình,
chùa, miếu, phủ ở xã vì thế luôn được bảo tồn, tôn tạo, là điểm sinh hoạt văn
hóa cộng đồng, kết nối các thế hệ người dân Ngọc Lũ.
Trong quần thể di tích đó, đình Ngọc Lũ xưa vốn là một công
trình khá bề thế, quy mô lớn nhất nhì vùng. Thời kỳ kháng chiến, người dân
trong xã đã phải tháo dỡ hai tòa đình để giặc Pháp không có chỗ đóng đồn bốt. Đến
năm 1999 và năm 2014, nhân dân đã tự huy động lần lượt phục dựng nguyên mẫu
ngôi đình.
Theo đó, đình nằm ngay trung tâm xã, tọa lạc trên khuôn viên
rộng 2,5ha, có thiết kế hình chữ đinh gồm 17 gian, chia thành 3 tòa chính là: đại
đình, trung đình và hậu cung. Toàn bộ mái 3 tòa đình đều lợp ngói nam với các đầu
đao cong vút, được chạm trổ các bộ long, nghê, rường chầu về mặt nguyệt. Đình
Ngọc Lũ thờ phụng Câu Mang Đại vương, Độc Cước Đại vương, Thiên Quan Đại vương,
riêng Câu Mang Đại vương vốn là hoàng tử thứ 6 của vua Hùng Nghị Vương thứ
17.
Nguyên xưa ngài là con của Đệ tam Quý Phi vua Nghị Vương họ
Hồng Bàng (tức Hùng Nghị Vương, vua Hùng thứ 17). Đêm ngủ Quý Phi nằm mộng thấy
một con rắn dài hơn 10 trượng trên mây sa xuống bụng, bừng giấc tỉnh dậy, Quý
Phi nghĩ là yêu quái, bèn mang sự lạ tâu với Vua Nghị Vương.
Cùng hôm đấy Vua Nghị Vương mơ thấy Quan Sứ thần trên trời
xuống, tay cầm long trượng, đưa cho vua một tờ thiên trướng, trong trướng viết
"玉皇勅旨水官之子,符国護民, “ nghĩa là Ngọc Hoàng lệnh cho vị Thủy
thần xuống làm quan nhằm giúp đất nước thịnh vượng, nhân dân được che chở, Ngài
Sứ thần còn dặn, việc đó là việc lành chớ cho là quái dị mà làm hại thiện nhân.
Vua bừng tỉnh, cho là điểm tốt, sau Đệ tam Quý Phi mang thai
đến ngày mồng 8 tháng 8, khi sinh trời có nhiều dị tượng. Hoàng tử khi mới sinh
ra đã có tài hô mưa gọi gió, đi trên mặt nước như trên đất bằng. Năm ngài 13 tuổi,
văn võ song toàn, thông minh dũng lược.
Lúc bấy giờ, dịch bệnh xảy ra liên miên, tật dịch khắp miền,
cướp bóc nổi lên, Vua Nghị Vương mới triệu ngài phong làm Câu Mang Bộ Súy tuần
thú thiên hạ, ngài đi đến đâu thì dịch bệnh đạo tặc ở địa phương đó đều yên ổn,
dân sự được minh thiếp cả.
Sau vua Nghị Vương mất
truyền ngôi cho Duệ Vương nối ngôi làm vua Hùng thứ 18, vua Duệ Vương già
lão truyền ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh nhưng đức thánh Tản Viên không nhận. Khi
có giặc Thục nổi lên vua phong cho ngài làm Đê Sát Thủy Đạo tướng quân đi đánh
giặc Thục, bình được giặc rồi, về triều tâu vua.
Sau lại có giặc Ba - La - man nổi lên, ngài lại được vua triệu
đi đánh giặc, khi thắng giặc hành quân về đến cửa Hải Môn vào ngày 20 tháng 6 bỗng
mây đen vần vũ, ngài hóa xà tượng dài hơn 10 trượng đi xuống biển biến mất.
Quân quan đem sự lạ về tâu vua, vua thương tiếc mà phong cho ngài làm Thượng Đẳng
Phúc Thần, chuẩn cho nhân dân thờ phụng, xuân thu tế lễ, hương hỏa vô cùng. Có
đôi câu đối thờ như sau:
青旗令播東交水
赤子恩酬北屬初
Dịch:
Thanh kỳ lệnh bá đông giao thủy
Xích tử ân thù bắc thuộc sơ
Lịch triều phong tặng, quốc từ gia tự, phụng sự khói hương.
Năm Khải Định thứ 9 nhân mừng thọ bốn mươi, vua tặng phong cho ngài là: Nhiếp
Hòa Tư Nhuận Hi Minhh Phu Thuần Linh Thúy Túy Mục Dực Bảo Trung Hưng Câu Mang
Thượng Đẳng Thần!
Tương truyền, cả 3 vị đều là người nhà trời được phái xuống
để cứu độ chúng sinh, giúp muôn dân tiêu trừ dịch bệnh, dẹp tan phiến quân Đô
Thần. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, các vị liền hóa về trời. Nhân dân đã lập đền
để thờ phụng và tưởng nhớ công lao của các vị. Vì thế, trong lịch sử ghi chép lại,
đình Ngọc Lũ trước kia vốn chỉ là ngôi thờ tự nhỏ.
Đến năm 1888, cụ Chỉ Cơ (tức tiên chỉ của làng) đã đầu tư
công, của để xây dựng ngôi đình trở nên quy mô, bề thế như ngày nay. Kiến trúc
đình được sắp đặt theo lối đăng đối, âm dương giao hòa. Xen kẽ giữa 3 tòa đình
có khoảng sân nhỏ, hay còn gọi là giếng trời giúp không gian trong cả ngôi đình
hoàn toàn mở, thông thoáng, giao hòa, gần gũi với thiên nhiên.
Tuy nhiên, dấu tích của ngôi đình cũ chỉ còn lại duy nhất ở gian
hậu cung. Gian trung đình được xây dựng lại vào năm 1999 nhưng chất liệu và kiến
trúc vẫn giữ nguyên mẫu theo gian trung đình trước.
Riêng tòa đại đình được khởi công xây dựng năm 2014, có tổng
kinh phí xây dựng lên tới 10 tỉ đồng. Mặc dù có sử dụng nhiều chất liệu mới là
bê tông cốt thép nhưng thiết kế công trình vẫn giữ gần như nguyên vẹn phong
cách đình cổ, tạo sự gần gũi, thân quen với các thế hệ người dân.
Đình Ngọc Lũ là nơi diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động văn
hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Giá trị của ngôi đình Ngọc Lũ còn nằm ở các đồ thờ tự quý
như: ngai, khán, án hương và 12 đạo sắc phong của nhiều triều đại. Đặc biệt,
ngôi đình chính là nơi lưu giữ Trống đồng Ngọc Lũ được Thủ tướng Chính phủ công
nhận là Bảo vật quốc gia đợt I năm 2012.
Về cội nguồn trống đồng Ngọc Lũ, theo các cụ cao niên nơi
đây kể lại, vào năm 1893 các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc và một số người
khác đắp đê trấn thủy ở xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là Lý Nhân, Hà Nam) thấy
dưới độ sâu 2 mét của bãi bồi có một chiếc trống đồng, các ông ngay trong đêm ấy
khiêng về đình làng Ngọc Lũ để khi có đình đám cúng tế thì đem ra đánh.
Khoảng 7, 8 năm sau có một họa sĩ người Pháp đến vẽ ký họa
cây đa đình làng, nhìn thấy trống đồng đẹp, liền báo cho công sứ biết. Nhân có
cuộc đấu xảo ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 11 năm 1902, công sứ Hà Nam đã sức cho
Lý dịch làng Ngọc Lũ (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay) mang trống
và nắp thạp lên góp vào đấu xảo.
Sau đó nhà bác cổ Viễn đông, Hà Nội đã mua lại với giá 550 đồng
tiền Đông Dương. Hiện nay trống đồng đang được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt
Nam, vẫn còn tương đối nguyên vẹn, có một lớp patin màu xanh ngả màu xám.
Trống đồng Ngọc Lũ là một trong số ít trống đẹp phát hiện được trên thế giới,
trống cao 63cm đường kính mặt trống 79,3cm đường kính chân 81 cm, trọng lượng
86 kg. Ngày 1 – 2 – 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia công bố Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ công nhận trống đồng Ngọc Lũ Là báu vật quốc gia.
Với lối kiến trúc tinh xảo, đậm nét văn hóa Việt và với sự
góp mặt của nhiều cổ vật văn hóa có giá trị, năm 2006, cùng với ngôi chùa trăm
năm tuổi, đình Ngọc Lũ được công nhận Di tích cấp quốc gia. Đó chính là sự động
viên lớn lao để người dân Ngọc Lũ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong
việc bảo tồn, tôn tạo di tích. Mỗi năm, vào các ngày sinh, ngày hóa của Thành
hoàng làng, nhân dân Ngọc Lũ lại tổ chức các lễ, tiết sóc vọng tưởng nhớ ân đức
các bậc tiền nhân.
Đây cũng là dịp để người dân cùng nhau ôn lại truyền thống lịch
sử quê hương, thắt chặt tình đoàn kết. Trong không gian mang đậm giá trị truyền
thống, mái đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh mà còn là điểm hẹn
văn hóa của người dân trong xóm, ngoài làng. Từ đây, các phong trào văn hóa,
văn nghệ, thể dục thể thao, các quy ước, hương ước xây dựng đời sống văn hóa, nếp
sống văn minh được hình thành và những ước vọng chung tay xây dựng quê hương,
giữ gìn giá trị di tích như được tiếp lửa…
Thanh Hà 24/09/2018
Nguồn Báo Hà Nam điện tử