Đình Ngọc Mạch, làng Ngọc Mạch, xã Xuân Phương, quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội thờ phụng Thành hoàng là Lã Nam Đế Đại Vương tức Lý Nhã Lang, con của Hậu Lý Nam Đế. Ông đã giúp Lý Phật Tử khôi phục và thống nhất đất nước.
Trên khoảng đất rộng, cao ráo ngay vùng ven Hà Nội, thuộc quận
Nam Từ Liêm đang có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, đình Ngọc Mạch - di tích lịch
sử văn hóa quốc gia - tọa lạc như để níu giữ những khoảnh khắc yên bình, vĩnh cửu
của trăm năm, ngàn năm...
Bước qua cổng đình, thả bước chân bên bờ ao nhỏ, mọi ồn ào bụi
bặm luôn gây ức chế cho con người mỗi ngày thường chợt lùi khuất tận tít tắp,
chỉ còn xao động đâu đây dấu tích người xưa.
Đình làng Ngọc Mạch, dưới thời Lê vốn thuộc tổng Hương Canh,
Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Vào thời Nguyễn, Ngọc Mạch lại nằm trong
ba thôn của Phương Canh, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.
Căn cứ vào cuốn thần phả của đình hiện còn và những truyền
thuyết dân gian được người dân địa phương lưu giữ, thì đình Ngọc Mạch thờ vị thần
Thành hoàng là Lã Nam Đế Đại Vương, con của Hậu Lý Nam Đế. Ông là người đã đã
giúp Lý Phật Tử khôi phục và thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, đình còn thờ vị phúc thần Thái phó Lãng Trung hầu
Nguyễn Duy Thưởng - một nhân vật lịch sử đã có nhiều ân đức đối với nhân dân địa
phương, cùng hai vị công chúa là Hoàng hậu thánh đế quốc mẫu tối linh công chúa
cùng Phi nhân Phương Dung tối linh công chúa.
Các cụ cao niên đang làm lễ trong ngày hội làng, hội đình
(9-10 tháng 2 âm lịch)
Về lai lịch vị phúc thần của làng, tấm bia "Phúc Thần
bi ký" hiện còn trong đình cho biết: "Tướng công tức Thái phó Lãng
Trung hầu phụng sự nhiều triều vua bàn mưu trong cung cấm nổi danh một thời.
Trong yên triều đình, ngoài bình giặc giã. Đến đâu cũng lấy đức làm đầu, chính
sự nổi tiếng tốt đẹp còn lắng đọng trong lòng người.
Tuy nhiên đối với dân ấp ta sở dĩ nhớ mãi công ơn của tướng
công là vị tướng công phụng chỉ săn sóc vệ binh đối thúc việc đắp thổ thành dân
đội ơn che chở được nghỉ gánh vác sống yên nơi xóm làng hưởng ơn sâu. Sau ngài
đi qua ấp ta thấy ngôi chùa lâu ngày bị hủy hoại nên dấy lòng bồ đề đem tiền của
xây sửa lại. Sự việc chưa hoàn thành thì tướng công đã vội chầu trời. Dân trong
xã cảm hoài không dứt bèn đồng tâm bầu tướng công làm phúc thần của làng và thờ
trong đình"...
Một di tích có giá trị cả về cảnh quan kiến trúc lẫn dấu ấn
lịch sử lại cách trung tâm Hà Nội chỉ một đoạn đường ngắn. Ngọc Mạch giờ đã từ
xã lên phường, đình có số nhà, thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm mới
thành lập.
Đình Ngọc Mạch là một kiến trúc khá hoàn hảo gồm phương
đình, đại bái, hậu cung, tả vu, hữu vu.
Phương đình có mặt bằng vuông, hai tầng tám mái, đề tài chạm
khắc ở đây chủ yếu là tứ linh, tứ quý. Sau là đại bái rộng năm gian, hai dĩ. Về
kết cấu của đại bái vẫn tuân thủ các quy ước như các công trình kiến trúc truyền
thốngđương thời, riêng đề tài chạm khắc trên các bức cốn khá độc đáo với những
cảnh như người cưỡi mây đánh đàn, người cưỡi ngựa đánh đàn, người đi cầy, cảnh
văn võ bá quan, uống rượu, thuyền bè, sông núi, long mã. Đề tài tứ linh, tứ quý
ít xuất hiện. Các bức chạm được thể hiện khá sinh động tạo nên sự độc đáo ít thấy
ở những ngôi đình khác.
Về kiến trúc nghệ thuật, các công trình của đình được định vị
một cách hợp lý và hài hòa trong một tổng thể không gian chung thống nhất.
Trong đình hiện còn nhiều mảng chạm khắc trang trí có giá trị thẩm mỹ cao. Hệ
thống mảng chạm khắc của đình sử dụng nhiều đề tài phong phú sinh động.
Ngoài những đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý. Các mảng
chạm trong đình còn sử dụng những đề tài mang đậm tính nho giáo như tích truyện
Tam Quốc chí, vua Nghiêu đi cày... Đây là nét độc đáo của các mảng chạm trang
trí trong đình. Các mảng chạm này được thể hiện bằng một trình độ kĩ thuật tinh
xảo điêu luyện nhờ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa.
Đôi câu đối ghi (Bản dịch):
Giữ xã tắc cứu sinh linh, nhiều đời bao phong ghi sử sách
Cầu an khang mong hòa cốc, trước đình hiển hiện sáng thanh
danh.
Cảnh quan đình Ngọc Mạch có nhiều cây cổ thụ hòa với mái đao
cong vút của kiến trúc tạo nên một vẻ đẹp đơn sơ, cổ kính. Đình Ngọc Mạch còn
giữ được nhiều đồ vật quý như cửa võng, kiệu bát cống thế kỷ XVIII, nhang án,
ngai thờ, bộ bát bửu thế kỷ XIX.
Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như hai cuốn thần
phả năm 1844 ghi chép về sự tích Lã Nam Đế. 25 đạo sắc phong của các triều vua
phong kiến phong tặng cho vị thần thành hoàng của làng. Một tấm bia đá
"Phúc thần bi ký". Đây là loại bia dẹt được làm từ khối đá xanh nhạt
hạt mịn có kích thước cao 115cm, rộng 60cm, dày 18cm. Một bức đại tự, hai bức
hoành phi, 9 câu đối gỗ sơn son thiếp vàng, tất cả được làm dưới thời Nguyễn. Nội
dung ca ngợi công đức sự nghiệp thần thành hoàng làng và lòng ngưỡng vọng của
dân làng đối với thần.
Đình được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc,
nghệ thuật ngày 22-4-1992.
Trải qua nhiều thời kỳ biến động của thời gian, chắc chắn
đình Ngọc Mạch không còn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ như lần khởi dựng đầu tiên
và các hạng mục xây dựng cũng lần lượt phải trùng tu sửa chữa lớn, nhưng lòng
tôn kính của người dân nơi đây đối với các vị được thờ phụng thì không hề thay
đổi. Đình đã, đang và sẽ luôn là nơi phụng thờ tôn nghiêm của làng, dù vật đổi
sao dời, cuộc sống có thay da đổi thịt tới đâu.
Bởi vậy, ngày hội làng, ngày hội của đình diễn ra vào mùng 9
và 10 - 2 âm lịch hằng năm với nhiều nghi lễ quan trọng, cùng các trò chơi dân
gian, hoạt động văn hóa cha truyền con nối, luôn được cư dân làng xưa phường
nay và các du khách xa gần háo hức đón đợi, chung tay tổ chức, thưởng ngoạn,
như một nỗi niềm gửi gắm tới các bậc tiền nhân...
Kết chạ ở Miêu Nha - Ngọc Mạch
Miêu Nha - Ngọc Mạch kết đồng
Tình ông nghĩa cháu, mặn nồng bao năm.
(Ca dao)
Miêu Nha (Kẻ Ngà) xã Tây Mỗ, thờ Lý Bí, còn Ngọc Mạch (Kẻ Ngọc)
xã Xuân Phương, thờ Lý Nhã Lang, con trai của Lý Phật Tử, cháu của vua Lý Bí.
Hai làng từ xa xưa vẫn có tục rước kiệu sang thăm nhau vào dịp hội xuân.
Làng Miêu Nha thờ vị anh hùng dân tộc Lý Bí (Lý Nam Đế). Đây
là nơi Lý Bí hành quân qua (theo đường Cầu Giấy, Kẻ Vòng, Nhân Mỹ tới Cầu Ngà,
đến Đồng Múa rồi về Ruộng Chợ là điểm hội quân). Đến ngày 12 tháng giêng, Lý Bí
rời khỏi Miêu Nha nên dân làng cũng lấy ngày ấy làm lễ hội. Tại đình còn tấm
bia đá niên hiệu Chính Hòa năm thứ 3 (1682). Có thể đây là năm khởi dựng đình
(theo truyền thuyết thì sau khi Lý Nam Đế mất được dân làng lập đền thờ).
Đình xây dựng trên nền cao 0,6m, đi vào có 4 cột đồng trụ.
Tiền tế có ba gian, hai dĩ. Các bộ vì nóc chạm trổ tỉ mỉ. Trên các con rường là
hình lá thân to tạo thành hình hổ phù. Trên các cột xà có hoành phi, câu đối và
hai cuốn thư ghi bài châm (*) ca ngợi công đức Thành hoàng. Đại đình năm gian,
hai dĩ, được nối liền bằng một ống muống hình giỏ cua. Đại đình xây tường ba mặt,
mặt trước để trống, các vì kèo có chạm trổ, bức cốn gian giữa chạm rồng chầu -
hổ phù, nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII - XVIII. Trong đình có khám thờ sơn
son - thếp vàng chạm long, ly, quy, phượng.
Miếu xây dựng muộn hơn, khoảng đầu thế kỷ XX. Miếu hình chữ
Nhị, cách đình hơn 200m, gồm tiền tế và hậu cung, phía trước có ao bán nguyệt,
tường đá bao quanh. Nhà tiền tế ba gian, hậu cung ba gian, kiến trúc không có
gì đặc biệt. Trong miếu là một số bàn thờ nhỏ đặt long ngai, bài vị và một số tự
khí khác.
Những di vật trong đình và miếu có: bia đá, 27 đạo sắc
phong, sớm nhất là năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730); một cuốn Ngọc phảvề Lý Nam Đế,
hương án, sập gỗ chân quỳ; kiệu bát cống và hai kiệu long đình chạm khắc thời
Lê; một đôi ngựa gỗ; năm hoành phi; hai cuốn thư khảm trai và 15 đôi câu đối ca
ngợi công đức của vua và vẻ đẹp quê hương. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin
xếp hạng ngày 21-1-1989.
Bản thần tích lưu ở đình Ngọc Mạch kể:
Vương họ Lý tên húy là Lang người ấp Thái Bình (nay thuộc xã
Tiền Phong huyện Phổ Yên - Thái Nguyên), là con của Hậu Lý NamĐế. Mẹ là phu
nhân người đất Châu Chàng được Nam Đế yêu thương. Bà nằm mộng thấy mình nuốt một
viên ngọc trắng, từ đó mang thai. Vào dịp về thăm cha mẹ đẻ thì sinh ra Vương tại
quê nhà. Kịp khi lớn lên, Vương có dung mạo hùng vĩ, trí dũng tuyệt vời. Lúc ấy,
Lý Nam Đế bị quân Lương đánh thua chạy về động Khuất Liêu. Biết mình tuổi cao sức
yếu khó có thể kéo dài cuộc chiến đấu, Lý Nam Đế bèn trao lại quyền giữ nước điều
binh cho tướng của mình là Triệu Quang Phục. Quang Phục sau khi đánh đuổi được
quân Lương liền chiếm ngôi báu tự xưng là Triệu Việt Vương.
Lại nói, anh trai của Tiền Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo khi trước
bị quân Lương đánh thua phải chạy vào động Dã Năng, gần Ai Lao. Sau Thiên Bảo tự
lập làm Vua, xưng là Đào Lang Vương. Thiên Bảo mất, quân lính suy tôn Phật Tử
lên thay. Sau khi lên ngôi, Phật Tử có chí muốn khôi phục lại cơ đồ bèn điều động
binh sĩ lấy Vương làm tướng tiên phong đem quân xuống phía đông đánh nhau với
Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình.
Vương đem quân xông trận chỉ nhìn thấy Triệu Việt Vương đứng
trước trận đầu đội mũ đâu mâu. Hai bên giáp chiến, quân của Vương thua chạy phải
rút lui. Vương đoán là Triệu Việt Vương có thuật lạ, bèn sai người đến cầu hòa.
Triệu Việt Vương bằng lòng cầu hòa bèn cắt ranh giới là bãi Quần Thần (nay là
hai làng Thượng Cát và Hạ Cát huyện Từ Liêm - Hà Nội).
Lại nói Triệu Việt Vương có người con gái nhan sắc xinh đẹp,
kén chọn mãi chưa đi lấy chồng là Cảo Nương. Vương bèn đến cầu hôn với Triệu
Vương. Triệu Vương bằng lòng cho Vương ở rể. Vương tuy sống trong cảnh yêu
thương nhưng chí khôi phục xã tắc vẫn không thay đổi, nhân đó nói với Cảo Nương
rằng: “Vương phụ có phép thần gì vậy?”, Cảo Nương bèn lấy trộm móng rồng của
cha đưa cho Vương xem. Vương ngầm tráo đổi móng rồng đó đưa về cho cha là Lý Phật
Tử. Phật Tử được móng thần bèn đem quân đánh úp Triệu Việt Vương lấy lại nước.
Phật Tử xưng hiệu là Hậu Lý Nam Đế.
Đến cuối đời Lý, Vương ngầm trở về quê mẹ và đổi từ họ Lý
thành họ Lã, theo họ mẹ. Một hôm ra tắm ở bến sông, bỗng Vương bắt được một con
cá xanh, đem về nhà mổ ra thấy có thanh thần đao. Từ đó Vương có tài phi thăng
biến hóa tùy theo ý muốn.
Vào ngày 18-10 trời trong đất sáng, Vương cùng mẹ cưỡi xe đi
chơi ở giữa khu gò lớn bên cạnh nơi đất cũ, bỗng thấy một đóa mây trắng từ giữa
gò vụt bay ra, Vương rút thanh đao thần ném sang bên bờ bắc con sông. Vương và
mẹ vụt biến mất. Nơi hóa đó ở trong Cấm Lăng nay vẫn còn.
Từ đấy, uy thanh vang dội nhiều lần hiển ứng, bản xã nhân đó
mà lập đền thờ. Đến năm Thiên Phúc đời vua Lê Đại Hành (980), nhân khảo khóa
bách thần, thấy ngài hiển ứng, bèn gia phong là “Phụ Dực uy dũng Phi hiển Chiêu
cảm”và thăng làm Thượng đẳng Thần. Từ đó về sau, các triều đại đều có sắc
phong.
Theo tục lệ, ngày 10 tháng giêng, đại diện quan viên Ngọc Mạch
mang mâm trầu cau đặt trên hương án có tàn lọng che khênh sang đình Miêu Nha.
Ngày 12 tháng giêng, đoàn rước gồm hơn 200 người với sư tử, rồng, cờ, tàn, tán,
lọng, kiệu, long đình, bát âm, bát bửu... sang Miêu Nha, ngựa gỗ được kéo đi
cùng.
Cách đình Miêu Nha khoảng 500m, sư tử, rồng múa vờn cùng tiếng
trống dập dồn. Đoàn rước kiệu của Miêu Nha ra đón nhập cuộc rồi rước lên miếu,
sau quay về đình. Chiếu hoa được trải để mời khách. Nhạc bát âm rộn ràng, trống
giao hảo của hai làng hòa nhịp. Lúc đến “Tiền chủ hậu khách”, lúc về “Tiền
khách hậu chủ”, khi tế lễ, cỗ ngày hội có con lợn 50kg và một mâm xôi trắng nếp
hoa vàng. Văn tế trước ban thờ đọc: “Mong cho nước thịnh, dân an, dân hai làng
bình an vô sự, làm ăn phát đạt...”.
Vào tháng sau, ngày 10-2 và 12-2, làng Miêu Nha lại đưa lễ
và rước kiệu sang Ngọc Mạch. Sân đình Ngọc Mạch còn tưng bừng hơn vì có tới 18
đoàn đại biểu cùng thờ Lý Lang ở Sơn Tây về dự. Trò hội có kéo co, chọi gà, đá
bóng...
Phạm Nghĩa