Đình Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, Huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội có từ thời Lê trung hưng. Thờ nhị vị Thành hoàng là vua Lý Nam Đế và danh tướng Phạm Tu.
Xã Ngọc Mỹ thuộc huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. Xã nằm
cách sông Đáy 5 km về phía tây và cách sông Tích 5 km về phía đông. Xã có tổng
diện tích đất tự nhiên 5,56 km², dân số năm 2014 là 11.767 người với 2.846 hộ sống
tập trung ở 2 thôn Ngọc Than và Phú Mỹ.
Sân đình Ngọc Than. Photo ©NCCông 2022
Lược sử
Ngọc Than là một ngôi làng cổ, xưa có tên Thạch Cẩu Trang.
Thời Nguyễn có ông Đặng Trần Chuyên thi đỗ tiến sĩ ân khoa năm Mậu Thân niên hiệu
Tự Đức thứ nhất (1848). Đến đời vua Duy Tân (1907-1916) thôn Ngọc Than đổi
thành xã Ngọc Than, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Sau tháng 8-1945,
chính quyền bỏ huyện An Sơn, đổi phủ Quốc Oai thành huyện Quốc Oai. Cấp xã lại
thành cấp thôn, 2 thôn Ngọc Than và Phú Mỹ sáp nhập thành xã Ngọc Mỹ.
Đình Ngọc Than được khởi dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716),
ban đầu chỉ có toà đại đình. Tuy nhiên một số văn bia còn lại cho thấy đình có
ít nhất từ trước năm 1637. Trong hậu cung đình thờ đức ngài Lý Bí – Vua Lý Nam
Đế (503-548) và võ tướng Phạm Tu (476-545) làm thành hoàng làng. Theo chính sử,
đức ông Lý Bí phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương, dựng nên nhà nước Vạn
Xuân độc lập vào năm 544, tuyên xưng Lý Nam Đế với lão tướng Phạm Tu làm Thái
sư, đứng đầu ban võ.
Phia bên đình Ngọc Than. Photo ©NCCông 2022
Kiến trúc ngôi đình
Đình Ngọc Than được xây vào thời Lê trung hưng và đã trải
qua tôn tạo, sửa chữa nhiều lần, gần đây nhất có đợt đại trùng tu vào năm 2010.
Đình nằm ven đường làng, mặt quay về phía tây bắc. Phía trước có giếng nước,
bia đá, sân, cổng và hồ đình. Cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối
chữ Hán, hai bên cửa chính là cửa phụ với 2 tầng 8 mái giả. Hai dãy nhà tả hữu
mạc 5 gian đối diện nhau qua sân.
Ban đầu chỉ có toà đại đình 5 gian 2 dĩ với kích thước 23m x
8m, bốn bề có hiên và ván bưng. Bốn mái lợp ngói ta, đầu đao uốn cong cong,
trên bờ dải gắn những hình linh thú. Bộ mái dựa trên 6 hàng chân cột gỗ lim, các
bức cốn và đầu dư đều chạm hình rồng mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ
XVII đầu TK XVIII. Hậu cung là gian giữa đại đình được bưng ván. Phía trước có
2 lớp cửa võng, lớp trong làm vào thời Lê và lớp ngoài làm thêm vào thời Nguyễn.
Lưng đình Ngọc Than. Photo ©NCCông 2022
Mặt bằng đình chính hiện nay có hình “chữ Nhị”. Toà tiền tế
5 gian, được làm thêm vào năm 1905 với kích thước 22,3m x 6m, xây tường hồi bít
đốc và 2 mặt trước-sau để trống, mái chảy cũng lợp ngói ta.
Di sản văn hóa lịch sử
Trong đình Ngọc Than còn bảo lưu được cuốn thần phả và các tấm
bia đá cùng nhiều đồ tế khí và cổ vật khác. Đặc biệt quý báu là những bức chạm
khắc gỗ tinh tế và sinh động là tạo tác của nghệ thuật thời Lê trung hưng.
Lễ hội đình làng Ngọc Than được nhân dân và chính quyền địa
phương tổ chức hằng năm từ ngày 06 đến ngày 08 tháng Hai âm lịch, ngày 07 là
chính hội. Sau đám rước kiệu là các cuộc cúng tế trang trọng để dân làng tưởng
nhớ công ơn của vua Lý Nam Đế và Thái sư Phạm Tu. Ngoài ra còn có các trò vui
dân gian và biểu diễn văn nghệ truyền thống.
Chạm khắc ở đình Ngọc Than
Năm 1982 đình thôn Ngọc Than đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là
Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.