“Đình Ngọc” tên đầy đủ là Đình Ngọc Xuyên, nằm tại tổ dân phố Ngọc Sơn phường Ngọc Xuyên Quận Đồ Sơn thành phố Hải phòng, thờ phụng thần “Điểm Tước” được sắc phong “Thượng Đẳng Thần” và “Lục Vị Tiên Công” trong đó có 2 vị là “Cao Sơn Thần Vương và Tràng Ngọ Thần Vương” ngự tại núi Ngọc.
Đình Ngọc Xuyên có vị trí ở ngay chân núi Rồng, tọa lạc hướng
chính Bắc nơi có con đường chạy qua trung tâm Quận. Đình Ngọc Xuyên nằm trong
quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất Đồ Sơn là Đình Ngọc – Suối Rồng
– Đền Long Sơn – Tháp Tường Long.
Đình Ngọc Xuyên được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ
18, (tên cũ là Ngọc Tuyền) xây dựng để tôn thờ thần “Điểm Tước” đã được các
vương triều trước đây phong sắc “Thượng Đẳng Thần” và thờ “Lục Vị Tiên Công”
trong đó có 2 vị là “Cao Sơn Thần Vương và Tràng Ngọ Thần Vương” ngự tại núi Ngọc.
Trong sách “Đồ Sơn Tổng Thần” có ghi đủ 16 đạo sắc phong từ
năm Đức Long thứ 6 (1743) đời vua Lê Thần Tông. Đến năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743)
đời vua Lê Hiển Tông, Thần điểm tước được gia phong thêm 2 chữ “Hùng Trấn” do
có công coi giữ vùng cửa ngõ quốc gia. Ngày nay tên đầy đủ của Thần là “Hùng Trấn
Điểm Tước Đại Thần Vương Thượng Đẳng Thần”.
Tục truyền có 12 vị tiên công tìm đến Đồ Sơn lập nghiệp. Sáu
vị chuyên sống về nghề nông, thấy đất đai vùng này không trồng trọt được nên bỏ
đi, còn sáu vị chuyên nghề chài lưới thì lại hết sức mừng vui và ở lại.
Khi “Bát vạn chài” ra đời, dân Đồ Sơn muốn tìm một vị linh
thần để tôn vinh làm Thành Hoàng bảo hộ cho dân làng được yên ổn làm ăn. Sáu vị
tiên công họp bàn với các già làng, trưởng họ, các vị chức sắc, chức dịch làm lễ
tế cáo trời đất, dâng sớ nguyện cầu.
Dân làng thống nhất rằng vị thần nào được Ngọc Hoàng thượng
đế cho xuống hưởng lộc dân dâng cúng thì vị thần đó sẽ làm Thành Hoàng đất Đồ
Sơn. Mâm cỗ yến đặt trên sập tế lộ thiên, qua một đêm chỉ thấy lưu lại những dấu
vết “chân chim” (tức Điểm Tước) trên các đồ cúng dâng như sớ cầu dân nguyện.
Từ đó thần Điểm Tước được tôn vinh là thần chủ bán đảo Đồ
Sơn và đình Ngọc Xuyên là một trong những nơi thờ chính.
Đình xưa có 9 nóc, làm bằng gỗ chò chỉ, quế thơm, mái lợp
ngói ta, thiết kế theo kiểu cung đình. Đình Ngọc Xuyên hiện nay là một công
trình kiến trúc có quy mô vừa phải, bố cục hình chữ “Đinh”, Năm 1929 năm Bảo Đại
thứ 4, đình được xây dựng lại theo kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian đại bái,
3 gian hậu cung theo nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Đây là ngôi đình cổ duy
nhất của tổng Đồ Sơn xưa còn lại đến ngày nay.
Tại đình Ngọc Xuyên còn lưu giữ đôi câu đối:
“Ngọc Linh bảo trì sơn hào kiệt
Long Tuyền phát dẫn hải lưu ba”
Tạm dịch là:
núi Ngọc chở che anh hùng hào kiệt;
suối Rồng
chảy ra hòa với sóng biển.
Về nghệ thuật trang trí, trên các đầu kìm, đầu bẩy, các xà kẻ,
rường cuốn là những hình ảnh của tứ linh long, ly, quy, phượng, mây cụm, cỏ cây
hoa lá thiên nhiên... quen thuộc, được chạm khắc tinh xảo. Nội thất đình rực rỡ
ánh sắc kim của kiệu rồng, long khám, ngai, bài vị, hương án, chấp kích, bát bửu,
hoành phi... được chạm trổ trang trí và sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đình Ngọc Xuyên là địa
điểm nhận và tiễn tân binh, nơi giao tiếp cán bộ bí mật, công khai ra vào hoạt
động.
Hàng năm, cứ đến ngày
mùng 9 tháng giêng Đình Ngọc tổ chức lễ khai xuân đầu năm. Đình còn là nơi tổ
chức các hoạt động phục vụ cho Lễ hội chọi trâu truyền thống của quận. Ngày 01
tháng 8 tổ chức Lễ thượng cờ khai hội. Ngày 07 tháng 8 tổ chức lễ Rước nước từ
Đền nghè về Đình. Ngày 08 tháng 8 tổ chức Lễ trình trâu và đêm ngày mùng 8, rạng
ngày mùng 9 làm Lễ xuất trận. Ngày 10 tháng 8 tổ chức Lễ Tạ Thành Hoàng. Ngày
16 tháng 8 tổ chức lễ Tống thần.
Với giá trị đặc biệt
tiêu biểu, Đình Ngọc Xuyên, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn đã được Bộ văn hóa
thể thao và du lịch xếp hạng “ Di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật
Quốc gia” vào năm 2007.