Đình Ngòi, xã Sủ Ngòi, thành phố Hoà Bình, thờ phụng tam vị thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh, thành hoàng làng, thần bản thổ và sơn thần, thổ địa của làng.
Đi trên đê Quỳnh Lâm nhìn xuống làng Ngòi xưa từ xa xa đã thấy
mái đình Ngòi thấp thoáng. Tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, tường xây
bao quanh, đình làng Ngòi được phục dựng lại uy nghiêm, bề thế.
Đình được phục dựng ngay tại vị trí của đình làng Ngòi xưa
(nay là xóm 2). Do đình cũ xuống cấp nên hầu như toàn bộ kiến trúc gỗ của đình
đều bị hư hỏng, mối mọt còn sử dụng lại được 8 cột cái. Trước đây, gần như tất
cả các xóm của xã đều có đình của xóm, song trải qua thời gian, chiến tranh chỉ
còn duy nhất đình Ngòi giữ được đến hôm nay.
Theo các cụ cao niên trong làng truyền lại, đình Ngòi có từ
khá lâu. Đáp ứng nhu cầu về thờ cúng thần
linh để dân khang vật thịnh. Đã có làng thì phải có nơi để gửi gắm tâm linh,
sinh hoạt văn hoá cộng đồng, từ đó đình Ngòi ra đời, khi ấy làng Ngòi chỉ 37
nóc nhà, Đình Ngòi gắn liền với đời sống người dân, là nơi hoạt động văn hoá
tâm linh của làng.
Đình Ngòi, xã Sủ Ngòi (thành phố Hoà Bình) được phục dựng năm 2013 đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Đình thờ tam vị thượng đẳng thần Tản Viên Sơn Thánh, ngoài
ra còn thờ thành hoàng làng, bản thổ và sơn thần, thổ địa. Đình cũng là nơi diễn
ra các lễ hội của làng, trong đó, lễ Khai hạ là lễ hội lớn nhất được tổ chức
vào ngày 7/8 tháng giêng hàng năm.
Ngoài ra còn có lễ xuống đồng tổ chức vào ngày 5/2, lễ cấy
thần nông vào ngày mồng 3 hoặc 5/6, lễ tết trung thu ngày 15/8, lễ cơm mới ngày
15/10. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các hoạt động mang tính nghi lễ,
rước kiệu còn diễn ra nhiều trò chơi như chơi đu, chọi gà, đánh đáo, đánh rồi…
thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Tuy nhiên, lễ hội đình Ngòi được diễn ra lần cuối cùng vào
khoảng năm 1952, 1953. Những năm 30 của thế kỷ trước, đình Ngòi đã được trùng
tu nâng cấp, song trải qua thời gian, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt lại bị ảnh
hưởng của cuộc chiến tranh tàn phá nên đã xuống cấp hư hỏng nặng, nay đình được
phục dựng nhân dân rất vui mừng, phấn khởi.
Đặc biệt, vài chục năm mai một, ngày 5/2 (tức ngày 9 tháng
giêng năm Đinh Dậu, lễ hội đình Ngòi được phục dựng đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm
linh của nhân dân.
Đình Ngòi, xã Sủ Ngòi (thành phố Hoà Bình) được phục dựng
năm 2013 đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 200 đình, đền,
chùa, miếu, trong đó có 46 đình. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế có đến 80%
đình chỉ còn lại nền móng cần phục dựng lại.
Khoảng 10 đình được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 20 đình
đưa vào danh mục kiểm kê. Đình Ngòi là một trong số ít đình được phục dựng gần
như nguyên bản, ngoài ra còn có đình Xàm, xã Phú Lai (Yên Thuỷ), đình Cổi, xã
Bình Chân (Lạc Sơn) … Trước kia, hầu hết các làng, xóm Mường ở tỉnh đều có
đình.
Đình là biểu trưng tinh thần của làng xã. Tuỳ mỗi nơi, vùng
mà đình thờ các vị thần khác nhau, trong đó đa phần thờ Tam vị Tản Viên Sơn
thánh, Quốc mẫu hoàng bà, thờ Thành hoàng làng, các nhân thần hào kiệt có công
cứu nước, cứu dân được muôn phương thờ cúng, nhân thần người địa phương có công
với làng với xóm được nhân dân địa phương thờ cúng.
Kiến trúc đình cũng có sự khác nhau, ở những huyện giáp với
đồng bằng như Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ kết cấu gần giống với đình dưới
xuôi, có kiến trúc cầu kỳ, trạm trổ tinh vi.
Ngược lại đình Mường được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống
của người dân địa phương, không trang trí hoa văn cầu kỳ, thường là những ngôi
nhà sàn nhỏ. Ngoài ra, nhiều đình được xây dựng có sự giao thoa giữa đình Kinh
và đình Mường. Bên cạnh đó, những đình được phục dựng lại quy mô cũng không đồ
sộ như đình dưới xuôi, chủ yếu là xây gian nhỏ để thờ.
Đình làng ở tỉnh Hòa Bình gắn liền với lễ hội, là nơi diễn
ra hội làng, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Khác với vùng đồng bằng,
đình làng là nơi hội họp bàn việc làng xã. Với người Mường dưới chế độ lang, đạo
việc làng, việc nước chủ yếu làm ở nhà lang, còn đình làng là nơi tổ chức lễ hội
làng, là nơi tưởng nhớ, thờ cúng các vị thần, thành hoàng làng, những người có
công với nước, với dân.
Với mỗi người, đình là nơi linh thiêng nên đều có ý thức
trân trọng, khi đi qua hay vào đình đều một lòng thành kính, không sỗ sàng.
Cùng với đền, chùa, miếu, đình là những thiết chế văn hoá cổ truyền không thể
tách rời trong tâm thức, đời sống tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Việc khôi phục lại những ngôi đình đã bị mai một là nhu cầu
và mong muốn của nhân dân để đình làng - biểu tượng văn hoá, tín ngưỡng, tâm
linh quan trọng được lưu giữ trường tồn.