Đình làng Nhân Trạch theo thần phả lưu giữ, đình làng thờ
hai vị là Nguyên soái Đào Kỳ và vợ là bà Phương Dung thời Trưng Vương, đã có
công âm phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, sau này lên ngôi vua. Khi
lên ngôi vua Đinh phong thần cho hai vị và cho lập am thờ vào năm niên hiệu
Thái Bình (968- 979), đến năm Thiên Phúc (980- 988) nhà Tiền Lê xây lại theo hướng
Đông Nam.
Thời nhà Lý đình được xoay lại theo hướng Tây. Năm Dương Hòa
thứ 3 Đinh Sửu 1637, đình được làm mới sau 6 năm xây dựng, đến năm Quý Mùi 1643
làm xong. Năm tháng trôi qua đình Nhân Trạch cũng xuống cấp, sau 232 năm được
trùng tu lần thứ nhất vào năm Tự Đức thứ 28 Ất Hợi 1875...
Sự xuất hiện của Đào Kỳ và Phương Dung ở nơi đây càng khẳng
định Đào Kỳ Phương Dung không chỉ ở bên Đông Anh mà cả khu sông Đáy, chính là tể
Tướng Lữ Gia nhà Triệu và là cha của Ả Lã Nàng Đê. Khu Phú Lương, Phú Lãm xưa
là xã Phú Lương khá nhiều di tích thời Trưng Vương như Đình Văn Nội, Miếu Voi
Phục và Phủ Chúa Ba ở Thượng Mạo thuộc Phú Lương, Đình Miếu Thanh Lãm ở Phú
Lãm, Bà Chúa Lính ở Huyền Kỳ ... rồi Ả Lã bên Yên Nghĩa. Cũng có thể thấy rằng
đây là một trung tâm từ thời nhà Triệu. Bà Chúa Ba ở cùng Phú Lương cũng là vị
có liên quan đến nhị vua Hai Bà Trưng.
Tháng 3 năm 1957, phó chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (sau là Chủ
tịch nước) đã về nói chuyện, động viên nhân dân thôn Nhân Trạch, xã Phú Cường
(nay là phường Phú Lương), người căn dặn nhân dân toàn xã phải ra sức chống hạn
để đảm bảo sản xuất.
Những năm 1966 đến 1968 trong cuộc chiến trang phá hoại của
đế quốc Mỹ, Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng và bộ phận Tham mưu do Thiếu
tướng Vương Thừa Vũ - sư đoàn trưởng đầu tiên của sư đoàn Quân Tiên Phong- sư
đoàn 308 về làm việc tại đình làng từ năm 1969 đến 1973; cũng trong thời gian
này khoa Ngoại Bệnh viện 103 về sơ tán tại đây, đã cứu chữa cho nhiều chiến sĩ
bị thương từ các chiến trường từ miền Nam, miền Trung, miền Bắc gửi về điều trị.
Tháng 2 năm 1986, đình Nhân Trạch được Bộ Văn hóa thông tin
Quyết định công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Hà Tây, và Thành phố Hà Đông
(nay là quận Hà Đông), UBND phường Phú Lương. Tháng 4 năm 2008, đình Nhân Trạch
được trùng tu lần thứ hai. Như vậy sau 133 năm kể từ ngày trùng tu lần thứ nhất,
lần thứ hai này ngôi đình lại được trở lại nguyên vẹn như dáng vóc ban đầu mà
biết bao đời nay người dân trong làng đã gìn giữ.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế thế ông cha đã
để lại, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của ngôi đình cổ. Ngày nay những người
dân của thôn Nhân Trạch (Tổ 6,7,8,9) vẫn luôn luôn tự hào vì bề dày truyền thống
yêu lao động sản xuất, yêu chuộng hòa bình và ý chí cách mạng kiên cường, bất
khuất, mỗi người dân vẫn không ngừng vun đắp để công trình mãi trường tồn với
thời gian, đẹp mãi với không gian và thực sự đi vào tâm thức mỗi người dân Nhân
Trạch nói riêng và nhân dân phường Phú Lương nói chung.
Đình Nhân Trạch cũng là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống
cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí cách mạng cho thế hệ
trẻ một cách rất thiết thực và bổ ích, là nơi mà mỗi người dân thôn Nhân Trạch
dù đi xa tận phương trời nào cũng da diết nhớ về.