Đinh Nhật Tân là Di tích lịch sử cấp quốc gia có từ thời nhà Đinh, do tướng quân Lưu Quyền xây dựng để thờ các vị tướng thời Hùng Vương đã âm phù Vua Đinh đánh dẹp loạn 12 sứ quân.
Thời vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ở xã Lưu Xá, huyện
Kim Bảng, phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam có người tên là Lưu Quyền phò giúp vua đánh
sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động. Dẹp xong loạn 12 sứ quân, vua Đinh Bộ Lĩnh lên
ngôi, luận công phong thưởng, tướng Lưu Quyền công lao to lớn được vua phong chức
là Thuỷ tào phán sự, có công xây dựng đình làng nên khi mất Lưu Quyền được dân
làng đưa vào thờ tại đình Nhật Tân.
Đình Nhật Tân, thờ phụng Trung Thành Phổ Tế Đại vương Trường Lệnh và danh tướng Lưu Quyền
Thành Hoàng Trung Thành Phổ Tế Đại vương Trường Lệnh, Ngài
là vị tướng giỏi thời Hùng Duệ Vương.
Theo truyền thuyết của địa phương, căn cứ vào thần phả, sắc
phong cùng các câu đối, đại tự còn lưu giữ ở đình, có thể tóm tắt tiểu sử của vị
thần như sau: Thời Hùng Duệ Vương thứ 18 ở xã Bạch Hạc, thành Phong Châu, phủ
Tam Đới,đạo Tây Sơn có ông Nguyễn Hinh lấy vợ tên là Mai Thị Duyệt, người ở xã
Đa Chất huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam.
Vợ chồng ăn ở lương thiện, tu nhân tích đức. Năm ông Hinh tuổi
ngoài 60, bà Duyệt cũng đã ngoài 50, đường con cái vẫn muộn mằn. Vì thế ông bà
buồn rầu vì cảnh già cô đơn, thường than thân trách phận, nghĩ cảnh về già trăm
tuổi không biết trông cậy vào ai.
Vào một đêm mùa thu trăng trong gió mát, ông bà cùng nhau uống
rượu mong giải được nỗi sầu. Rượu say, bà Duyệt ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Trong cơn mơ màng, bà thấy một ông lão đầu râu tóc bạc từ đâu đi đến, đem đến
cho bà hai người con trai nói rằng: “Đây là của quý trời ban cho nhà bà, vốn
lòng tu nhân tích đức để làm con. Sau này con người sẽ làm hiển vinh của nhà, rạng
danh đất nước, để lại tiếng thơm lưu truyền muôn thủa”.
Nói xong ông già biến mất. Từ đó bà Duyệt mang thai tới 10
tháng. Ngày 20/05 năm Bính Dần bà sinh ra một bọc trong đó có hai người con
trai.
Vui mừng khôn xiết, ông bà liền đặt tên cho con: người anh
là Trường Lệnh, người em là Thạch Khanh. Hai anh em lúc mới sinh mặt mũi phương
phi khôi ngô tuấn tú, dáng vẻ khác người thường. Đến tuổi cha mẹ cho theo thầy
học văn chương, quán triệt võ nghệ tinh thông, trên thông thiên văn, dưới tường
địa lý, điều gì cũng biết. Bạn bè kính phục tôn là thần đồng xuất thế.
(Đình Nhật Tân Kim Bảng thờ Trung Thành Phổ Tế Đại Vương Trường
Lệnh)
Năm 14 tuổi cha mẹ nối nhau qua đời. Hai ông lo tròn đạo hiếu
tìm nơi đất tốt làm lễ an táng cha mẹ. Chịu tang 3 năm, từ đó cảnh nhà lâm vào
túng thiếu. Anh em bữa rau bữa cháo qua ngày.
Năm 19 tuổi gặp khi vua Duệ Vương dựng lầu kén rể cho con
gái là Mị Nương, hai ông cùng về kinh thành đọ sức thi tài với các anh hùng hào
kiệt bốn phương. Thời đó Tản Viên Sơn Thánh là người có tài thông trời suốt đất,
có diệu thuật lấp biển rời non, hô gió gọi mưa. Vì thế vua cho là bậc tài giỏi
nhất trong thiên hạ, nhận lời gả công chúa cho làm vợ.
Vua rất khâm phục trí và tài cao của hai ông sau cuộc thi.
Nên phong Trường Lệnh là hữu đô đài, Thạch Khanh là tả đô đài. Vài năm sau thời
cơ vua Hùng Duệ Vương tuổi cao, sức yếu lại không có con trai kế nghiệp, Thục
Phán bèn huy động quân sỹ, lương thảo chia làm 5 đạo quân tiến đánh thành Phong
Châu, vua phong Tản Viên Sơn Thánh làm Đại Tướng quân, nguyên soái thống lĩnh
thuỷ bộ cùng các tướng lĩnh chia đường đón đánh.
Ông Trường Lệnh cùng Thạch Khanh biểu xin vua cho được đem
quân sỹ đánh dẹp quân Thục ở hai châu lớn: Bố Chính, Minh Lĩnh. Vua chuẩn y.
Hai ông vâng mệnh lĩnh binh tiến đến đồn doanh quân Thục đánh một trận lớn.
Quân Thục thua to, thuyền không còn một chiếc, ngựa không
sót một con. Các loại khác của quân Thục cũng bị Tản Viên Sơn Thánh và các tướng
quân đánh cho tan tác. Quân Thục rút chạy.
Sau ngày chiến thắng, vua xét thưởng công cho tướng sỹ,
phong tước cho hai ông, cho phép xây dựng sinh từ ở quê nội Bạch Hạc. Nghĩ về
quê ngoại, ông Trường lệnh xin vua xây dựng sinh từ ở xã Đa Chất. Vua đồng ý. Từ
đó nội ngoại hai quê Bạch Hạc- Đa Chất được miễn mọi khoản binh lương tạp dịch.
Mấy năm sau giặc Tôn Tinh vào xâm lấn. Vua sai ông Trường Lệnh đem quân đi đánh
dẹp.
Sau chiến thắng trở về vua phong cho ông là Trung thành đại
vương và cho phép ông đi khắp trong thiên hạ tìm nơi lập sinh từ, cả thảy có 72
nơi. Một ngày ông trở về làng Đa Chất tu bổ sinh từ. Công việc hoàn thành ông
liền mở tiệc lớn ăn mừng. Đang lúc ăn uống vui vẻ thì ông bỗng nhiên qua đời(
hôm đó là ngày 15/8)
Nhân dân Đa Chất vô cùng thương tiếc làm lễ an táng ngay tại
nơi sinh từ theo lời dặn trước của ông. Công việc xong xuôi, nhân dân làm biểu
tấu về triều đình. Được tin vua thương xót vị trung thần tài giỏi có nhiều công
lao lớn giúp nước, an dân, ban chiếu phong tặng ông là “Thượng đẳng phúc thần”
Thời vua Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ở xã Lưu Xá, huyện
Kim Bảng, phủ Lý Nhân, đạo Sơn Nam có một người tên là Lưu Quyền theo vua đi
đánh sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động.
Khi đi qua miếu cổ thờ Trung Thành phổ tế đại vương ở xã Đa
Chất, vua Đinh vào đền thờ làm lễ cầu đảo xin được âm phù. Nhân đó, Lưu Quyền
thành tâm cầu xin thần anh linh, phù trợ và hứa sau này chiến thắng quay trở về
đền xin tro hương về làng xây đền phụng thờ.
Dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, luận công
phong thưởng. Lưu Quyền công lao to lớn được vua phong chức là Thuỷ tào phán sự.
Ban phong mỹ tự Trung thành phổ tế đại vương “Đại linh cảm chiếu ứng”.
Sắc chỉ cho phép 72 nơi phụng thờ. Thuỷ tào phán sự Lưu Quyền
biểu tấu xin vua cấp thêm một đạo sắc nữa về xã Lưu Xá cùng nhân dân xây đền thờ
trên khu đất hình chim phượng.
Cửa đền nhìn về phía Tây Nam, đôi câu đối nhấn vữa ở mặt bên
cột đồng trụ còn ghi:
Hưởng thần hữu sở đinh triều khải tự chí kim,
Tụ tộc vi hương lạc tuần hợp quy tự tích
Nghĩa là: Hưởng phúc ở sinh từ của thần, đền thờ được lập
nên từ triều đình vua Đinh đến nay.
Đình Nhật Tân được xây dựng trên một khu đất rộng và thoáng
mát. Trước Đình là một hồ nước hình chữ nhật có diện tích khoảng 3 mẫu ta. Công
trình kiến trúc nghệ thuật Đình thôn Nhật Tân- xã Nhật Tân bề thế, đồ sộ. Trải
qua hàng trăm năm, nhân dân địa phương đã giữ gìn bảo quản ngôi đình tương đối
nguyên vẹn.
Ban thờ trong Đình Nhật Tân
Dựa vào các tư liệu thành văn: thần phả, sắc phong, đại tự,
câu đối... đồ thờ tự, kiến trúc nghệ thuật có thể xác định đình Nhật Tân được
xây dựng hoàn chỉnh vào thời Hậu Lê (Thời Lê Trung Hưng – 1459) và lần trùng tu
gần nhất vào năm thứ 5 niên hiệu Tự Đức(1852).
Hiện nay đình vẫn còn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến
trúc cổ. đặc biệt là số lượng đồ thờ tự, cổ thư hết sức phong phú đa dạng bao gồm
nhiều thể loại, chất liệu khác nhau vừa quý hiếm vừa có giá trị lịch sử- văn
hoá cao tiêu biểu của thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Hội Đình làng Nhật Tân - Kim Bảng - Hà Nam