Đình Nhu Kiều, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, tương tự như đình Nhu Thượng hay Làng Kiều Thượng thờ các phụng các Thành hoàng: Quý Minh Đại vương, danh tướng Mai Kỳ Sơn và công chúa Mai Thị Cầu, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và danh tướng Phạm Tử Nghi.
Xã Nhu Kiều trước đây có tên là Nhu Điều, huyện An Dương, phủ
Kinh Môn, trấn Hải Dương. Dưới triều Nguyễn, Nhu Điều xã thuộc tổng Điều Yêu,
huyện An Dương, phủ Kinh Môn. Tổng Điều Yêu ( theo phương ngữ điều thường gọi
là đào) có 10 xã: Điều Yêu, Điều Yêu Thượng, Điều Yêu Hạ, Điều Yêu Đông, Điều
Yêu Trung, Nhu Điều, Tri Yếu, Hy Tái, Tiên Sa và Xích Thổ.
Năm 1833 thành lập phủ Kiến Thụy, huyện An Dương trong đó có
xã Nhu Kiều thuộc phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương. Năm 1901 các xã có tên Điều được
đổi thành Kiều, như Điều Yêu thành Kiều Yêu, Nhu Điều đổi thành Nhu Kiều. Năm
1902 thành lập tỉnh Phù Liễn, năm 1906 đổi tên Phù Liễn là tỉnh Kiến An, xã Nhu
Kiều thuộc huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An.
Nhu Kiều là mảnh đất cổ hình thành rất sớm của huyện An Dương,
có thể nơi đây đã có người dân tụ cư làm ăn sinh sống từ thời Hùng Vương. Bởi lẽ
địa phương thờ Thành hoàng là Qúy Minh Đại Vương. Tuy nhiên qua những giai đoạn
thăng trầm của lịch sử, người dân thiên di lúc tụ, lúc hợp, nên đến Thế kỷ thứ
8, người dân ở đây mới tương đối ổn định. Điều đó chứng minh cuộc khởi nghĩa
Mai Thúc Loan, nhân dân Nhu Kiều đã tham gia chống quân xâm lược nhà Đường.
Xa xưa trong dân gian có câu ca: “ Lục Kiều, Bát Trang”,
nghĩa là huyện An Dương có 6 làng Kiều, huyện An Lão có 8 làng Trang, đều là những
vùng quê có cảnh đẹp, trù phú, thanh bình rất nổi tiếng.
Làng Nhu Kiều trước kia có 1 đình, 1 chùa và 4 miếu, bốn miếu
là miếu Nam, miếu Tây, miếu Một và miếu Bến Đò ( miếu nằm ở gần bến đò ngang).
Miếu Nam thờ Ngài Quý Minh Đại Vương, miếu Tây thờ Mai Kỳ Sơn, miếu Một thờ Mai
Thị Cầu, miếu Bến Đò thờ Phạm Tử Nghi.
Ngày nay còn lại miếu Tây, người dân gọi là miếu Đôi, miếu Một
và miếu Bến Đò. Theo các vị cao niên của làng, đầu Thế kỷ XX trở về trước Nhu
Kiều, Kiều Thượng có chung một ngôi đình là đình Nhu Thượng (Kiều Yêu Thượng).
Năm 1926 dân làng Nhu Kiều xây dựng ngôi đình riêng, tức là ngôi đình Nhu Kiều
ngày nay.