Đình Nhu Thượng, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng thờ phụng thờ 5 vị Thành hoàng: Quý Minh Đại vương, danh tướng Mai Kỳ Sơn và chị là Công chúa Mai Thị Cầu, Hưng đạo Đai vương Trần Quốc Tuấn và danh tướng Phạm Tử Nghi.
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng theo các tuyến đường phố
khác nhau, du khách đi về thị trấn An Dương, sau đi tiếp theo quốc lộ 353 về
phía Kiến An, đến Cầu Đen, rẽ vào bên phải đường, từ đây hỏi thăm về xã Quốc Tuấn,
rồi hỏi về đình Nhu Thượng, chúng ta sẽ được người dân tận tình chỉ dẫn về di
tích. Có thể đi đường khác về trung tâm quận Kiến An sau đó qua cầu Kiến An, tiếp
tục theo quốc lộ 353 đến Cầu Đen và hỏi về xã Quốc Tuấn và về di tích đình Nhu
Thượng.
Làng Kiều Thượng thờ 5 vị Thành hoàng: Quý Minh Đại vương,
danh tướng Mai Kỳ Sơn và chị là Công chúa Mai Thị Cầu, Hưng Đạo Đại vương Trần
Quốc Tuấn và danh tướng Phạm Tử Nghi.
Vùng đất và con người Kiều Thượng hình thành muộn nhất vào
Thế kỷ thứ VII, bởi năm 722, trong cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế, tại Nhu Thượng
đã có hai chị em bà Mai Thị Cầu và ông Mai Kỳ Sơn con vua Hắc Đế đã cùng người
dân địa phương, chống quân xâm lược nhà Đường.
Thuở ban đầu có tên Điều Yêu Thượng, xã thuộc huyện An
Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Dưới triều Nguyễn, đổi thành Kiều Yêu Thượng,
sau đổi tiếp là Kiều Thượng và còn gọi là Nhu Thượng (năm 1901 các địa phương
có địa danh điều đổi thành kiều).
Kiều Thượng (嬌 上),theo
Hán tự có nghĩa là quê hương đẹp và ở phía trên. Kiều Thượng thời Nguyễn thuộc
tổng Kiều Yêu, huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương, đến năm 1906 thuộc
huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An ( xem thêm phần lịch sử địa phương
trong nội dung di tích đình Nhu Kiều, đình chùa Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn, trong
sách).
Đến khai hoang mở ấp lúc ban đầu ở làng Kiều Thượng có các
dòng họ: Nguyễn Tiến, Nguyễn Đình, Hoàng, Trần, Lê…Tuy nhiên do loạn lạc binh lửa,
nên phần lớn các dòng họ phú ý, gia phả đã bị thất lạc, do vậy không rõ dòng họ
phát tích di cư từ đâu đến và đến nay thực sự có bao nhiêu thế hệ.
Sau năm 1945, thành lập xã Quốc Tuấn, Kiều Thượng là một
thôn của xã Quốc Tuấn. Quốc Tuấn, họ tên đầy đủ là Trần Quốc Tuấn, ông được người
dân Kiều Thượng thờ làm Thành hoàng, thân thế sự nghiệp của Ngài sẽ được viết ở
phần Thành hoàng thờ tại đình Kiều Thượng phía dưới.
Trước đây làng Kiều Thượng có 1 đình, 1 chùa, chùa có tên chữ
là Phúc Độ (福渡). Theo thần tích
ngôi chùa do bà Mai Thị Cầu hưng công xây dựng cho dân làng. Kiều Thượng có 1
Văn chỉ và 1 miếu, miếu thờ Ngài Phạm Tử Nghi. Nhưng hiện nay văn chỉ không
còn, miếu thờ Phạm Tử Nghi chỉ còn nền đất. Kiều Thượng là quê hương đẹp, thanh
bình, nằm trong “Lục Kiều, bát trang”, nghĩa là 6 làng có tên Kiều của huyện An
Dương và 8 xã có tên là Trang của huyện An Lão, rất nổi danh đẹp nơi thôn dã thời
xưa.
Đình Nhu Thượng
Người dân Kiều Thượng chủ yếu sống bằng nghề canh nông và
đánh bắt thủy sản trên sông, đầm, hồ lớn. Trải qua thời gian trên một thiên
niên kỷ, người dân Kiều Thượng đã hun đúc lên tinh thần yêu quê hương, đất nước.
Tinh thần đó đã có từ cuộc kháng chiến anh hùng chống kẻ thù xâm lược nhà Đường,
thế kỷ VIII, do Ngài Bạch Đế và Công
chúa Mai Thị Cầu lãnh đạo.
Truyền thống quý giá trên đã được người dân Kiều Thượng kế
thừa, phát huy cho đến ngày nay. Trong những cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân Kiều Thượng đã đóng góp
nhiều thành tích to lớn, đã góp phần xây dựng xã Quốc Tuấn được nhà nước tặng
thưởng danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tổng kết trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của
dân tộc, làng Nhu Thượng có 3 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 23 liệt sĩ, 10
thương binh.
Làng Kiều Thượng thờ 5 vị Thành hoàng: Qúy Minh Đại vương, danh
tướng Mai Kỳ Sơn và chị là Công chúa Mai Thị Cầu, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc
Tuấn và danh tướng Phạm Tử Nghi.
Căn cứ vào thần tích, thần sắc, bia ký chép ngọc phả, hiện
lưu giữ tại đình Kiều Thượng, thân thế sự nghiệp của các vị Thành hoàng được
tóm lược như sau:
Vị Thành hoàng thứ nhất.
Ngài Qúy Minh Đại
Vương. Ông là vị tướng tâm phúc của vua Hùng Duệ Vương ( vua Hùng thứ 18). Ông
có nhiều công lao với dân với nước, Ngài đã từng mang quân đi đánh giặc qua
vùng đất Kiều Thượng, Kiều Hạ, Nhu Kiều…và đã để lại ân huệ cho người dân nơi
đây, nên ông đã được người dân trong vùng, trong đó có người dân làng Kiều Thượng
tôn vinh, tri ân thờ Ngài làm Thành hoàng ( xem thêm Thành hoàng thờ tại di
tích đình làng Kiều Hạ, Nhu Kiều, Tri Yếu trong sách).
Tại đình còn lưu giữ đạo sắc phong của vua Khải Định năm thứ
9 (1924), phong cho Ngài Qúy Minh là “ Trung lượng, Linh diệu, Địch cát, Khác
tĩnh, Dực bảo, Trung hưng, Thượng Đẳng thần”
Vị Thành hoàng thứ 2
Ngài Mai Thị Cầu, bà
là con của vua Mai Hắc Đế và bà Đinh Thị Sơ. Thân mẫu mơ được thần cho chén ngọc,
nhân đó mà đặt tên bà là Cầu Nương (球-
Ngọc Cầu). Bà Cầu lấy chồng người họ Phạm tại làng Kiều Yêu Thượng, 24 tuổi bà
góa chồng. Từ đó bà dốc lòng nhân từ, cứu giúp mọi người dân nghèo khó. Người
dân làng Nhu Kiều, Kiều Thượng được bà giúp đỡ chu cấp ruộng đất, xin vua cha
cho miễn trừ sưu thuế và mọi lao dịch, phu tạp.
Trong cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược nhà Đường, bà
đã hết sức giúp đỡ em trai là danh tướng Mai Kỳ Sơn. Sau khi nghe tin Mai Kỳ
Sơn hy sinh trên chiến trường, bà đã tự tận nơi cây cầu đầu làng, để không vào
tay giặc.
Sau khi mất, bà đã hiển thánh trong lòng người dân, được người
dân Kiều Thượng, Nhu Kiều phụng thờ là Thành hoàng. Tại đình Nhu Thượng còn lưu
giữ đạo sắc phong của vua Khải Định thứ 10 (1925), ban phong cho Bà Mai Thị Cầu
là “…Kiều Nương Công chúa tôn thần…gia tặng Trai tĩnh, Trung đẳng thần…”.
Vị Thành hoàng thứ 3
Ngài Mai Kỳ Sơn, ông
là em ruột Công chúa Mai Thị Cầu. Ông, bà Mai Hắc Đế đi cầu tự ở núi Kỳ, nên
sau này sinh ra ông và đặt tên là Kỳ Sơn. Năm 18 tuổi ông lấy vợ người họ Hoàng
làng Nhu Kiều. Mai Hắc Đế đại định thiên hạ đã phong cho Mai Kỳ Sơn làm Thái tử.
Thái tử Mai Kỳ Sơn đã xin vua cho hai xã Kiều Thượng, Nhu Kiều làm thang mộc ấp
và cho dân làng 10 lạng vàng để người dân làm công quỹ.
Vùng đất Nhu Kiều, Kiều Thượng có địa thế hiểm yếu, bốn xung
quanh đều là đầm hồ, kênh rạch, bao la uẩn khúc. Mai Kỳ Sơn đã xây dựng vùng đất
này thành căn cứ kháng chiến chống lại nhà Đường. Trong thần tích chép: “ Quân
Đường nhiều lần đánh phá, nhưng đều bị phục binh của Mai Kỳ Sơn đánh cho tan
tác.
Thanh thế của Kỳ Sơn ngày càng lớn. Dân các vùng Đông Đạo,
Nam Đạo (Hải Dương, Nam Định cũ) đều hưởng ứng nhiệt liệt”. Năm 725 Mai Kỳ Sơn
xưng Đế, nhân dân gọi ông là Bạch Đầu Đế, tức là Vua Đầu Bạc. Truyền thuyết ghi
trong thần tích, Mai Kỳ Sơn khi mới sinh ra tóc đã bạc trắng. Quân Đường rất
nhiều lần giao chiến nhưng không diệt được nghĩa quân của Mai Kỳ Sơn.
Quân Đường đã dùng mưu kế gian xảo hòa hoãn, rồi bất ngờ
đánh úp đồn trại của Bạch Đầu Đế. Sau nhiều trận giao chiến ác liệt, Mai Kỳ Sơn
đã bị trúng tên tẩm thuốc độc của kẻ thù, ông đã anh dũng hy sinh.
Đình Nhu Thượng hiện còn bảo tồn, lưu giữ đạo sắc phong của
vua Khải Định năm thứ 2 (1917), phong cho Ngài Mai Kỳ Sơn: “…Bạch Đế tôn thần,
gia tặng Dực bảo, Trung hưng tôn thần…”
Hai chị em Mai Thị Cầu, và Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn hy sinh,
người dân vô cùng thương tiếc đã lập miếu, dựng đình để phụng thờ, đó là Miếu
Đôi, Miếu Một, đình Nhu Thượng, đình Kiều Thượng.
Truyền ngôn của địa phương còn kể rằng, sinh thời Bà Mai Thị
Cầu đã cho xây dựng hai ngôi chùa “Phúc Khảo”, “Phúc Độ” ở Nhu Thượng và Kiều
Thượng để dân làng thờ Phật. Bà còn dặn lại dân làng, không nên xây dựng lăng,
miếu to lớn làm gì để phí công sức, gạo tiền. Lời dặn trên của bà với dân làng
thể hiện đạo đức, phẩm chất cao đẹp của chị em bà mãi mãi được khắc ghi trong
tâm thức của người dân địa phương.
Vị Thành hoàng thứ 4
Ngài Hưng Đạo Đại
vương Trần Quốc Tuấn. Ông là Anh hùng dân tộc, một vị tướng kiệt xuất được liệt
vào trong 10 vị tướng giỏi, nổi danh nhất thế giới. Trần Quốc Tuấn là linh hồn
trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2, thứ 3 của
dân tộc ta vào Thế kỷ XIII.
Ông là vị Đại Vương, trung thần, tài, đức vẹn toàn, trung
quân, ái quốc tiêu biểu cho các thời đại trong lịch sử Việt Nam. Ngài được người
dân Việt Nam coi như bậc cha, bởi vậy dân gian có câu ca: “ Tháng tám giỗ cha,
tháng ba giỗ mẹ”, cha ở đây chính là Trần Quốc Tuấn, vì ông mất ngày 20 tháng 8
âm lịch.
Lễ hội tưởng niệm ngày mất của ông, hội lễ diễn ra hàng
tháng tại đền Kiếp Bạc. Ngài Trần Quốc Tuấn hiển thánh và là vị thánh tối linh
thiêng, nên được rất nhiều nơi dựng đền, miếu, phủ, điện phụng thờ, kể cả trong
các điện tư gia của các gia đình. Kiều Thượng cũng như nhiều địa phương khác đã
tôn Trần Quốc Tuấn phụng thờ làm Thành hoàng.
Vị Thành hoàng thứ 5
Ngài Phạm Tử Nghi, ông người làng Niệm Nghĩa, huyện An
Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Bởi vậy người dân thường gọi ông là Đức
Thánh Niệm. Ông là danh tướng Nhà Mạc, Thế kỷ XVI, ông có nhiều công lao với
dân với nước. Đặc biệt ông là vị thánh rất linh thiêng trong tâm thức dân gian.
Theo tín ngưỡng của người dân, Ngài thường hiển linh phù
giúp cho người dân ở các nơi cửa sông, cửa biển, nơi có những bến sông, bến đò
và phù hộ cho những người dân làm ăn trên sông nước. Kiều Thượng là địa phương
có bến đò, người dân gần sông và làm ăn liên quan trên sông nước, nên đã tôn vinh,
phụng thờ Ngài Phạm Tử Nghi làm Thành hoàng làng (xem thêm Thành hoàng thờ tại
đình Nhu Kiều, Vĩnh Khê, Quỳnh Hoàng trong sách). Di tích đình Nhu Thượng còn
lưu giữ được đạo sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1924), ban phong gia tặng
cho Phạm Tử Nghi: “…Hoằng hiệp Thượng đẳng thần…”
Đình Nhu Thượng tương truyền được khởi dựng vào Thế kỷ XVII,
dấu tích hiện nay vẫn còn trên nền đình, tường xây bao che của đình còn khá nhiều
những viên gạch của thời Lê- Mạc, thời Hậu Lê, Thế kỷ XVI đến XVII. Thuở ban đầu
đình Nhu Thượng làm gần với ngôi chùa làng ở gần bờ sông, sau được di chuyển
vào vị trí hiện nay.
Đình Nhu Thượng nằm trên một khu đất rộng cao ráo, thoáng
mát, đình nhìn về hướng Tây ghé Nam. Trước đình là khu cánh đồng kéo dài đến
dòng sông Lạch Tray. Trước đình Nhu Thượng xa xa vọng về núi Thiên Văn hùng vĩ
và nhìn thấy toàn cảnh của khu di tích lịch sử, thắng cảnh núi Tượng Sơn của
huyện An Lão.
Đình Nhu Thượng làm hoàn toàn bằng vật liệu truyền thống, có
kiến trúc mặt bằng kiểu chữ nhị, gồm tòa tiền tế 5 gian và tòa hậu cung 1 gian,
cũng là cung cấm.
Theo các vị cao niên của làng, ngôi đình Nhu Thượng hiện nay
nằm trên đất sinh phần của bà Mai Thị Cầu, gần Lạch Mòi ( gần bờ sông Lạch Tray
ngày nay). Năm Tân Dậu, triều vua Tự Đức thứ 14 (1861), có nạn giặc Cờ Đen ( dư
đảng của Lưu Vĩnh Phúc từ Quảng Đông, Phúc Kiến sang cư trú ở Bắc bộ theo hiệp
ước ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và nhà Thanh), ngôi đình ở ven sông, nên
thường xuyên bị quân Cờ Đen quấy rối, cướp phá, vì vậy dân làng đã chuyển về vị
trí hiện nay.
Ban đầu khi di chuyển dân làng dựng lại hậu cung, sau đó 20
năm sau, vào mùa xuân năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881), dân làng dựng
5 gian đại bái nối tiếp với tòa hậu cung, vật liệu tận dụng nguồn gỗ của ngôi
đình cũ như: cột cái, đầu dư và một số cấu kiện kiến trúc khác.
Từ trục đường thôn Kiều Thượng là gặp nghi môn của ngôi
đình, nghi môn xây theo kiểu cột đồng trụ. Trên cột trụ nghi môn đắp nổi đôi
câu đối chữ Hán:
姊弟弌門扶越地
英靈萬古鎮南天
Phiên âm:
Tỷ, đệ nhất môn, phù Việt địa
Anh linh vạn cổ trấn Nam thiên.
Nghĩa là:
Chị, em một nhà phù nước Việt
Linh thiêng còn mãi đất trời Nam.
Qua sân đình làm bằng bê tông, bước lên hiên đình qua bậc cấp
bằng những viên đá cổ, hiện chỉ còn một bậc do nền sân tôn cao đã lấp đi một số
bậc đá cũ. Đại bái đình Nhu Thượng có kích thước khá to, rộng, nhưng không cao,
vì theo kích thước khuôn mẫu của ngôi đình cổ thời xưa, nên thường thấp.
Đình mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi. Trên Mái đắp trang
trí các đề tài truyền thống, như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt,
khúc nguỷnh đắp con sô, đao mái đắp tổ hợp rồng chầu, phượng vũ. Cửa chính tòa
đại bái gồm 3 gian, cửa đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách, riêng ngưỡng
và lá ngạch cửa bằng đá, trông rất cổ kính.
Tường bao che phía trước và tường hồi của gian hồi đình, trổ
cửa sổ tròn để lấy thêm ánh sáng vào trong ngôi đình. Bộ khung chịu lực của tòa
đại bái, gồm bốn bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột, kết cấu chồng rường giá
chiêng con nhị, vì nách cốn. Phần điêu khắc trang trí được tập trung tại những
bức cốn của hai bộ vì gian trung tâm.
Trên các bức cốn, thể hiện kết hợp các hình thức chạm, bong
kênh, chạm nổi, chạm chìm…phản ánh đề tài tứ linh, như: long cuốn thủy, phượng
mang thư, quy đội lá sen, lân hý cầu, long vân khánh hội…cùng đề tài tứ quý:
trúc, cúc hóa long, mai điểu…Các đầu dư chạm nổi rõ hình đầu rồng, với đủ râu
tóc, mắt, mũi, miệng rồng ngậm ngọc…Trong tám đầu dư của bốn bộ vì, có 5 đầu dư
được chạm khắc đầu rồng mang phong cách thời Nguyễn, ba đầu dư còn lại mang
phong cách điêu khắc thời Hậu Lê, Thế kỷ XVIII. Đây là những cấu kiện điêu khắc
kiến trúc còn lại của ngôi đình dựng thời Hậu Lê. Trên các bảy hiên của đình
cũng được chạm khắc tinh xảo với các đề tài tứ quý sinh động.
Tòa hậu cung đình được làm kiểu chồng diêm nóc các, hai tầng
tám mái, giống như một phương đình to lớn, mái hậu cung, đao cong và được đắp
hình tượng mây tụ mềm mại. Như trên đã nêu, dựng tòa hậu cung vào niên hiệu Tự
Đức thứ 14, năm 1861.
Trên bốn cây cột tứ trụ của cung cấm, đầu cột còn khắc ghi
những người công đức tiền mua cột. Như cây cột hồi phía Nam do ông Nguyễn Chánh
Tường cúng tiến, cây cột hồi phía Bắc do ông Nguyễn Tiến thành cúng tiến, cây cột
hồi phía Đông do ông Quản Văn Ký, con rể của ông Thành cúng tiến.
Theo các cụ cao niên trong bốn cây gỗ tứ trụ cung cấm có một
cây là gỗ chò hoa, thuộc loài gỗ rất quý hiếm. Trên các cấu kiện kiến trúc của
tòa hậu cung chạm khắc mang tính điểm xuyết đề tài lá lật truyền thống. Trên đầu
các cây cột quân, cột góc hầu hết được khắc ghi danh các vị công đức và giá tiền
của cột.
Đình Nhu Thượng còn bảo tồn gìn giữ được khá nhiều các đồ thờ
tự, tư liệu có giá trị về mặt lịch sử văn hóa và mỹ thuật, như: nhang án, bát
biểu, câu đối, đại tự, long đình, sắc phong, bia ký… Trong số bia đá, ngoài bia
hậu thần, có một số bia của Hội Tư văn đặt tại Văn chỉ của làng thời xưa. Các
tư liệu trên đều có niên đại Thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đặc biệt có tấm bia đá hình khối hộp chữ nhật, kích thước
khá lớn: cao 109 cm, rộng 64 cm, dầy 33 cm, bia ghi chép duệ hiệu các vị Thành
hoàng, ngọc phả của hai thần Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn. Bia còn khắc ghi những
quy định các ngày tiết lệ và việc phụng thờ các vị Thành hoàng. Bia đặt trong
cung cấm đình, bia dựng niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1953).
Bia thần tích được xem như một thạch thư, còn lại rất quý hiếm
trong các di tích của huyện An Dương cũng như của thành phố Hải Phòng. Đình Nhu
Thượng còn bảo tồn gìn giữ được một cây đèn rất độc đáo.
Cây đèn làm bằng gỗ tốt, cấu trúc có đế đèn, thân đèn, đầu
đèn. Đế đèn hình khối hộp chữ nhật, kích thước cao 14 cm, dài 54 cm, rộng 34cm,
trên đế tạo hình con lân trong tư thế nằm phủ phục.
Thân đèn tạo dáng hình trụ, được lắp thẳng đứng trên lưng
con lân, qua mộng thẳng. Thân đèn, phần cốt là trụ tạo dáng kiểu lão trúc, bao
xung quanh lão trúc được kết hợp chạm bong kênh, chạm lộng, chạm nổi…tạo hình
hai con rồng trong tư thế quấn quyện giao hoan trong những đám mây tản và trong
tư thế bay lên trời.
Đầu cây đèn tạo dáng hình đầu rồng, tóc rồng bay vút dựng
lên cao, miệng rồng phun ra hình chiếc lá lớn, lá dài cong uốn lượn như mây đua
hẳn ra ngoài thân đèn 35 cm, phía ngoài cùng chiếc lá tạo hình dáng lõm vũm như
một muôi lớn. Muôi chính là phần đựng dầu để thắp đèn thờ phụng thánh.
Toàn bộ cây đèn được sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim. Qua nét
hoa văn tạo tác, xác định cây đèn có niên đại tạo tác đầu Thế kỷ XX. Cây đèn là
tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc nhất vô nhị trong các di tích của thành phố Hải
Phòng. Đình Nhu Kiều cùng xã, sau này có làm hai cây đèn, phiên bản của hai cây
đèn của đình Kiều Thượng, nhưng giá trị
nghệ thuật thấp hơn nhiều.
Trước năm 1945, tại đình Nhu Thượng, theo âm lịch người dân
địa phương thường tổ chức các tiết lệ như ngày sinh, ngày hóa của các Đức
thánh, nhưng tiết lệ ngày 3 tháng 2 là lễ hội làng được tổ chức lớn nhất trong
năm. Lễ hội thường diễn ra từ ngày 3 đến ngày 5. Trong lễ hội làng có 9 phe
giáp, mỗi giáp sắm một cỗ, sau đó rước cỗ ra đình để dâng cúng thánh.
Phẩm lễ dâng thánh là những sản phẩm được người dân lao động
sản xuất ra, như: thịt lợn, xôi, bánh dầy, chuối, oản…Trong hội lễ, dân làng tổ
chức lễ rước thánh từ đình ra các miếu, sau đó rước về đình mở hội.
Ngoài phần tế lễ dâng hương, lễ hội còn có những trò chơi
thi đấu, như: đấu vật, tổ tôm điếm, đu tiên, hát chèo sân đình, bịt mắt bắt dê,
đi cầu thùm…Ngày nay người dân địa phương đang kế thừa, phát huy những nét đẹp
văn hóa trong sinh hoạt lễ hội của tiền nhân để lại.
Đình Nhu Thượng là công trình làm bằng vật liệu truyền thống,
có niên đại nối tiếp từ thời Hậu Lê đến giữa Thế kỷ XIX còn lại hy hữu của huyện
An Dương. Di tích đình Nhu Thượng đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia năm 1991.
Ngôi đình thờ các vị Thành hoàng có công với nước với dân,
trong đó có chị em bà Mai Thị Cầu con vua Mai Hắc Đế từ thời chống quân xâm lược
nhà Đường, Thế kỷ VIII. Di tích còn bảo tồn được khá nhiều các cổ vật, di vật
quý hiếm có giá trị về lịch sử và mỹ thuật.
Tuy nhiên hiện nay ngôi đình đang bị xuống cấp nghiêm trọng,
vì vậy cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền để trùng tu, tôn tạo ngôi
đình nhằm bảo tồn công trình kiến trúc nghệ thuật cổ quý giá của huyện An Dương
cũng như của thành phố Hải Phòng.
Nguyễn Thị Sen