Đình Ninh Xá Thượng (còn gọi là đền Voi Đá, Ngựa Đá) thuộc xã Yên Ninh Đền Ninh Xá là nơi thờ Lương Bình Vương, An Nhu Vương và Lão La đại thần Ninh Hữu Hưng, nghệ nhân đục chạm đồ mộc đã truyền nghề cho làng.
Đình Ninh Xá (còn gọi là đền Voi Đá, Ngựa Đá) thuộc xã Yên
Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Nguyên lúc đầu, đây là nơi thờ Lương Bình Vương, An Nhu
Vương (là các con vua Hùng về trấn trị vùng cửa biển Đại An), theo truyền
thuyết đây là những vị con vua Hùng về trấn trị vùng đất Đại An, giúp dân Ninh
Xá khai khẩn, trồng lúa, trồng dâu chăn tằm dệt vải.
Đặc biệt đền Ninh Xá còn thờ Lão La đại thần Ninh Hữu Hưng,
là người có tài đục chạm đồ mộc.; ngôi đền được công nhận di sản Văn hóa cấp
Quốc gia năm 1991
Ban đầu, đây chỉ là một thảo am tại phía tây bờ sông Kim
Ngân (tức sông Sắt) gần cầu Tào hiện nay. Năm 991, theo lệnh vua Lê Đại
Hành, thảo am được tu sửa thành đền nên nó còn được gọi là “đền
nhà vua”. Từ thời nhà Lý, đền còn thờ Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng.
Ninh Hữu Hưng sinh năm 939. Ông được Đinh Tiên Hoàng ban chức:
“Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân” (Vị đại tướng trông coi nghề mộc của
sáu phủ). Trong thời nhà Đinh rồi sau đó là thời Tiền Lê, ông chỉ huy việc xây
dựng Kinh đô Hoa Lư với các cung điện như Bách Bảo Thiên Tuế, Phong Lưu Tử
Hoa, Long Lộc, Trường Xuân. . . cùng nhiều đền, chùa, dinh thự.
Vào ngày 24 tháng 4 năm Tân Mão (tức ngày 9 tháng 6 năm
991), vua Lê Đại Hành khi qua sông Sắt đã cho đậu thuyền rồng lên thăm đền thờ
Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Thấy cảnh hoang sơ, vua cho Ninh Hữu Hưng ở lại
sửa đền và dựng chùa Lê (Phúc Lê Tự). Thấy nơi đây dân cư còn thưa thớt, ông
đưa con cháu, họ hàng và chiêu mộ dân các nơi về đây khai khẩn mở mang trang ấp,
dạy dân nghề mộc, chạm.
Ngày mùng 4 tháng 6 năm Kỷ Mùi niên hiệu Thuận Thiên triều
vua Lý Thái Tổ (1019), ông qua đời hưởng thọ 81 tuổi. Con cháu và người làng
đưa thi hài ông về an táng tại chân núi Xương Bồ. Vua Lý Thái Tổ ban cho ông
tên thụy là Lão La Đại Thần và cho rước bài vị ông thờ trong đền.
Do Lão La Đại Thần được thờ như Thành Hoàng nên đền cũng
chính là đình làng.
Đến năm Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 triều vua
Lê Dụ Tông (1712), đình được dời về vị trí hiện tại. Năm 1849 khởi công xây dựng
toà tiền đường, năm 1894 tu sửa hai toà đệ nhị và tiền đường. Ngôi đền tuy đã
được làm đi sửa lại nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét phong cách cổ
truyền dân tộc.
Đình Ninh Xá hiện nay tọa lạc trên một khu đất có diện
tích 2.390m2 ở phía tây làng, mặt quay về hướng tây. Phía trước cửa
đền có hồ bán nguyệt, hệ thống nghi môn, hòn non bộ được tạo dáng đẹp trang trí
nhiều đề tài: nghê chầu, hổ phù, tứ linh, tứ quý cùng các câu đối nhấn nổi bằng
chữ Hán. Tiếp giáp với nghi môn là một sân lát gạch phẳng phiu xung quanh có tường
xây bao bọc kín đáo.
Đình Ninh Xá gồm có ba toà được thiết kế theo kiểu “tiền chữ
nhất, hậu chữ đinh”. Toà chữ nhất gồm 3 gian 2 chái, dáng thấp mái cong, lợp
ngói nam, đại bờ đắp lưỡng long chầu nguyệt. Các đao góc tạo dáng mây tản mang
phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Bốn vì kèo của ba gian giữa được thiết kế theo kiểu thượng
chồng rường hạ kẻ bẩy. Trên các câu đầu, xà thượng, xà hạ, bẩy kẻ đều được
trang trí các đường chỉ nổi, ống tơ, lá lật mềm mại thanh thoát. Đặc biệt hai
vì kèo moi, kẻ góc có sự gia công kỹ thuật vừa mềm mại nhưng vẫn tạo sự vững chắc
cho bốn đầu đao.
Liền sau toà chữ nhất là toà chữ đinh gồm trung đường 3 gian
2 chái và cung cấm 3 gian xây dọc. Toà trung đường có kích thước và kiến trúc
như toà tiền đường. Giao mái bắt vần với toà trung đường là ba gian cung cấm
thiết kế theo kiểu chồng diêm bốn mái lợp ngói nam. Trong tòa chính tẩm các vì
kèo thiết kế theo kiểu chồng rường. Phần chạm khắc tập trung chủ yếu ở các vì
kèo, cửa ra vào toà chính tẩm và đặc biệt mảng chạm ở vì hậu đốc với các đề tài
“long chầu”, “mẫu long giáo tử ” (rồng mẹ dạy rồng con), ly con nép dưới ly mẹ..
Tất cả đều được ẩn hiện trong tầng tầng mây tản, cụm đao mác, lá hoả với kỹ thuật
chạm bong cầu kỳ, tỉ mỉ.
Bên cạnh đình là phủ thờ Đại Lan Công Chúa (nữ tướng của Hai
Bà Trưng). Phủ gồm có ba toà: tiền đường, đệ nhị và chính cung được thiết kế
theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Công trình này đã góp phần bổ sung hỗ
trợ tạo cho di tích một quần thể hoàn chỉnh.
Đình, phủ Ninh Xá hiện còn lưu giữ được 28 đạo sắc phong và
nhiều đồ thờ có giá trị như: cửa võng, nhang án, kiệu long đình, kiệu bát cống,
ngai thờ, đại tự, câu đối… Đặc biệt sập thờ tổ nghề làm kiểu chân quỳ, dạ cá với
vân toả lá hoả vươn cao cùng các băng hoa chanh, sen dẹo. Mặt trước chạm lưỡng
long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Ngọc phả của đền được Tri huyện huyện Đại An, An Giang Bá Lê
Huy Phan viết lại vào năm Tự Đức thứ 22 (1869) do Ngọc phả cũ đã mất khi binh
mã nhà Thanh tàn phá.
Thợ Ninh Xá thường làm các loại đồ thờ và vật trang
trí bằng gỗ như: ngai, ỷ, kiệu, hương án, bát biểu, cửa võng, cuốn thư, hoành
phi, câu đối, sập tủ… đã để lại các tác phẩm chạm khắc công phu với nhiều đề
tài sinh động như rồng vờn, rồng chầu mặt nguyệt, long sào (tổ rồng), mẫu long
giáo tử (rồng mẹ dạy rồng con), bát tiên quá hải, tiên cưỡi rồng…
Hiện nay nghề chạm khắc gỗ ở Ninh Xá do tổ nghề Ninh Hữu
Hưng truyền dạy rất phát đạt. Làng nghề có gần 600 hộ dân hầu hết làm nghề mộc,
chạm khắc gỗ cổ truyền. Xưa và nay, nơi đây có nhiều tay nghề giỏi, đục chạm,
khảm trai tô điểm những nét thần diệu nên được nhiều khách trong nước, nước
ngoài đến đặt hàng mua bán thường xuyên.