Đình Nội thuộc thôn Nội Hạc, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhưng trên chính giữa bờ nóc của Đại đình đắp nổi tên gọi khác là Tiên Đình. Đình thờ phụng thần Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương thời Hùng Vương thứ 18.
Đình Nội được xây dựng từ thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh
(1705-1719) trên gò đất nổi thuộc cánh đồng trung tâm làng. Đình do dân 3 giáp:
Tây, Mỹ, Trong của Làng Nội xây dựng nên dân gọi là Đình Nội.
Đình Nội được xây dựng ở một gò đất cao thuộc đất giáp Trong
giữa làng Lý và làng Nội hiện nay. Khi đình xây xong, các tiên chỉ của 3 giáp đặt
tên là "Tiên Đình", được viết bằng chữ Hán rồi xây biển trên bờ nóc
cho khắc đắp nổi để ai cũng nhìn thấy.
Thông thường ở các nơi, cứ khi làm xong đình thì dân cho khắc
bia ghi chép việc xây dựng đình để lại cho đời sau biết việc tiền nhân đã làm.
Thế nhưng ở làng Nội xưa các cụ lại không làm thế mà căn cứ những ai đóng góp
gì thì cho thợ mộc đục ngay lên gỗ ấy - bất di bất dịch - Thế là đình Nội có một
bản lai lịch rõ tới từng chi tiết mà không đình nào có được.
Đình Nội làm nên để thờ Thánh Cao Sơn – Quý Minh, khoảng thế
kỷ XIX trong vùng có giặc Cờ Đen – quân Cờ Đen kéo về quấy phá tàn sát nhiều
làng, xã ở Yên Thế. Làng Nội bị chúng đánh phá, dân làng chống lại không nổi
nhưng cũng hạ được nhiều tướng Tàu ở ngay cạnh đình. Dân làng nội bị bắt đi, bị
mất tích..làng xóm tiêu điều sơ xác. Ngôi đình không bị tàn phá nhưng đã chứng
kiến những sự kiện tàn sát đó. Tình hình đó kéo dài đến cuối thế kỷ XIX dân
làng không hiểu cho rằng tại hướng đình nên trong làng lục đục mất đoàn kết.
Đến khi Hoàng Hoa Thám đứng lên cầm quân chống pháp, có quan
hệ mật thiết với làng Nội, nghĩa quân thường qua lại nơi đây họp bàn với các Cụ
Đốc Tuân (làng Lý), Chánh Hạch (Làng Nội), Tổng Lò (Văn Miếu)…biết chuyện hướng
đình, Đề Thám với uy tín của mình đứng ra xoay lại hướng đình cho làng Nội.
Đình Nội là một trong những ngôi đình lớn của huyện, hiện vẫn
giữ được kết cấu và kiến trúc cổ xưa.
Hội đình được tổ chức trong hai ngày 10-11 tháng giêng, thu
hút nhiều khách thập phương. Trong các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu,
đầu vật, nhưng đáng chú ý nhất là trò chơi cướp cầu: “ Đình Nội có hội cướp cầu/
tháng giêng mười một đâu đâu cũng về”.
Đinh Nội đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc Gia theo Quyết định số 28-VH/QĐ
ngày 12/01/1988 của Bộ Văn Hóa. Năm 2012, Đình Nội nằm trong danh sách di tích
cấp Quốc gia đặc biệt: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày
10/05/2012 của Thủ tướng Chính Phủ.
Những dấu vết còn lại ở Đình Nội cho thấy, khi khởi dựng
đình chỉ có một tòa Đại đình ba gian hai chái. Trong quá trình tồn tại, đình được
bổ sung thêm một số công trình khác như Nghi môn và Tả – Hữu vu, đến năm 1993
thì dỡ bỏ khám thờ và xây ba gian hậu cung nối với Đại đình. Tuy nhiên, sau Đó
Nghi Môn, Hữu vu đã bị bỏ dở. Nay chỉ còn lại Tả vu và cụm công trình chính Đại
đình – hậu cung nối nhau thành hình “chữ đinh”
Tả vu có ba gian, dài 6,52m – rộng 4,32m; vốn có kết cấu bốn
hàng chân cột, nhưng sau đó hai hàng cột cái và cột quân bị cắt đi theo kết cấu
trốn cột.
Kết cấu bộ khung gỗ Tả Vu khá đồng nhất: Vì nóc được làm kiểu
chồng rường, vì nách làm kiểu kẻ ngồi. Liên kết hiên dùng bẩy.
Đại đình gồm năm gian hai chái, dài 23,46m – rộng 12,35m, dựng
trên 6 hàng chân cột ( cột cái có đường kính trung bình 0,52m, cột quân có đường
kình 0,45m, cột hiên có đường kính 0,35m). Các chân cột được kê trên đá tảng
vuông, đã bị dỡ bỏ trong kháng chiến chống Pháp. Hiện trên thân các cột còn các
lỗ mộng cao thấp khác nhau của sàn gỗ trước đây. Hiện nền đình được lát bằng gạch
vuông Bát Tràng.
Các vì nóc chính của Đại đìnhkết cấu chồng rương giá chiêng
với lòng giá chiêng khá cao. Vì lừng làm kiểu vì kèo – cọc báng. Các vì nách được
làm kiểu chồng rường, giữa các con rường không nong ván, đầu các con rường chạm
hình văn xoắn, đao mác. Liên kết mái hiên kẻ truyền, đầu dư các kẻ được chạm khắc
trang trí.
Trước đây, xung quanh đại đình được lắp đặt các bộ cửa
thoáng “ chấn song con tiện” ở hàng cột hiên, trong giai đoạn kháng chiến chống
Mỹ đã bị dỡ bỏ và xây tường bao xung quanh làm kho chứa lương thực.
Mái đại đình kết cấu một tầng bốn mái, lớp ngói di loại nhỏ,
bờ nóc gắn gạch hoa chanh, các tượng con giống trang trí gắn ở đàu bờ nóc, đầu
dao mới được đắp lại bằng ci măng, vôi vữa.
Kết cấu khung gỗ Đại Đình
Nét đặc sắc của đình Nội là nghệ thuất chạm khắc trên những
cấu kiện gỗ tòa Đại đình. Các chủ đề chạm khắc rất phong phú, tập trung chủ đạo
vào hình tượng rồng, chiếm tỷ lệ lớn vượt trội so với những hình tượng khác
khác. Rồng được chạm khắc đơn lẻ trên con rường, hoặc rồng mẹ rồng con trên các
xà nách, ván nong… với những khung cảnh khác nhau, ngoài ra còn có cá hóa rồng.
Trên các ván nong vì nách chạm hình hoa lá hóa rồng.
Hình tượng con người đời thường cũng được chạm trên ván nong
vì nách gian giữa như phù điều hai người đang ôm vật không rõ ràng do bị mối mọt,
chú phỗng dạng tượng tròn trên một đầu bẩy thuộc gian giữa, dáng người tròn, bụng
phệ, đầu đội mái ngói. Trên một đầu kẻ hiên trước có chạm người thổi sao cưỡi
trên lưng phượng.
Vì nách gian giữa
Đình Nội bảo tồn được nhiều mảng chạm khắc điệu nghệ của thế
kỷ 18, phong cách chạm khắc trang trí cho thấy, khi khởi dựng đình chỉ có tòa Đại
đình hình “chữ nhất”, sau đó mới được bổ sung thêm Hậu cung ở phía sau thành kiểu
“chữ đinh”.
Vì nách và Kẻ hiên trước của Gian chính điện
Vì nách sau của Gian bên tả
Kết cấu khung gỗ Đại Đình
Vì nách Gian chính điện
Trong Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế (1884 – 1913), đình Nội là
một trong những điểm mà các tướng lĩnh Đề, Đốc cùng Nghĩa quân Yên Yên thường
lui tới họp bàn với các cụ Đốc Tuân (làng Lý); Chánh Hoạch (làng Nội), Tống Lò
(Văn Miếu).
Năm 1988 Đình Nội được
công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia. Ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ
tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Đình Nội là Di tích quốc
gia đặc biệt.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Tân Yên