Giặc Ân sang xâm lược nước ta. Phù Đổng thiên vương đứng dậy giúp nước. Cương Chính cùng hai vị thuỷ thần là: Oai Linh Công và Tam Tế Công được lệnh cùng đi đánh giặc Ân. Giặc tan, các vị đều được triều đình phong thưởng và khi mất được nhân dân lập đền, đình thờ ở trang Chúc Sơn.
Làng Chúc Sơn có hai ngôi đình cùng xây dựng, cách nhau khoảng 300 – 400m.
Xưa, hai ngôi đình này vốn của làng Chúc Sơn, nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ. Làng Chúc Sơn xưa có 4 giáp: Giáp Đông Nội và Đoài Nội xây dựng đình Nội, giáp Đông Xá và Đoài Xá xây dựng đình Xá. Hai đình thờ chung ba vị thành hoàng thời Hùng Vương thứ 6.
Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương và hồ sơ di tích hiện lưu tại Bộ Văn hoá Thông tin thì sự tích các vị thần như sau: Ngày xưa ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây có vợ chồng ông Hàn Nguyên và Bà Lê Thị Ngọc làm nghề bốc thuốc chữa bệnh. Ông bà vốn hiền lành, chuyên làm điều thiện.
Một hôm, ông bà nằm mơ có thần báo mộng sinh ra con trai sẽ rạng rỡ cửa nhà, nổi danh thiên hạ. Quả nhiên năm sau, ông bà sinh ra một mụn con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Cương Chính. Lên 10 tuổi cha mất, Cương Chính theo mẹ về huyện Chương Đức (Chương Mỹ ngày nay) kiếm sống và được quan huyện Chương Đức tên Trương Tuấn đùm bọc, nuôi cho ăn học.
Bấy giờ ở đạo Thái Nguyên, Tuyên Quang… giặc giã nổi lên cướp phá. Cương Chính tự nguyện tòng chinh và được vua Hùng giao cho cầm quân đánh giặc. Giặc tan, ông được vua thưởng cho rất hậu. Ông về trang Chúc Sơn dạy dân cày ruộng, trồng dâu, chăn tằm dệt vải.
Ba năm sau, giặc Ân sang xâm lược nước ta. Phù Đổng thiên vương đứng dậy giúp nước. Cương Chính cùng hai vị thuỷ thần là: Oai Linh Công và Tam Tế Công được lệnh cùng đi đánh giặc Ân. Giặc tan, các vị đều được triều đình phong thưởng và khi mất được nhân dân lập đền, đình thờ ở trang Chúc Sơn.
Đình Nội, đình Xá là những công trình kiến trúc tín ngưỡng ở quy mô không lớn lắm và đều được khởi dựng vào thời Lê. Bia hậu đình niên hiệu Vĩnh Khánh thứ nhất 1729 tháng 8 ngày 16 âm lịch đã chứng minh điều đó.
Đến thời Nguyễn, đời vua Minh Mệnh, các công trình này lại được nhân dân địa phương đứng ra tu sửa. Hiện nay công trình mang dáng dấp, kiểu thức kiến trúc thời Nguyễn. Nội thất hai ngôi đình này còn một số hiện vật thời Lê.
Với kiến trúc kiểu chữ “đinh”, đình Nội, đình Xá có kích thước và kiểu dáng khá giống nhau. Kết cấu thường là bốn hàng chân gỗ và vì nóc kiểu chồng rường. Các cột (không to lắm) thường được cổ nhân làm bằng gỗ tứ thiết. Dưới các cột đều kê đá tảng - loại đá xanh 29cm x 29cm, dày 16 cm.
Các bức cốn được làm theo kiểu các rường cụt chồng lên nhau, chạm nổi hoa văn hoa lá, mây nước cách điệu. Phía trong các cửa vào Hậu cung chạm nổi “tứ linh” (long, ly, quy, phương). Nhìn chung nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc khá công phu, chất liệu gỗ quý, cho đến nay còn tương đối bền chắc.
Những năm được mùa, dân làng tổ chức hội từ ngày 12 đến ngày 15 tháng giêng, diễn ra nhiều hoạt động văn hoá làng truyền thống, thể thao, ca hát vui chơi giải trí.
Hai ngôi đình: đình Nội và đình Xá là cơ sở cách mạng. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng và Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã về đây ở và làm việc. Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận cấp bằng di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 1371 QĐ ngày 3 - 8 - 1991.