Đình Phú Đôi, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội thờ phụng Thành hoàng làng là Nam Giang Đại vương, hoàng tử thứ 41 của Lạc Long Quân và Âu Cơ triều đại Hùng Vương, được cử trấn giữ quận Nam Giang.
Làng Phú Đôi trước là trang Đống Nhuyễn (thường gọi là làng
Nhọn), dân cư chủ yếu làm nông nghiệp. Phú Đôi là một ngôi làng Việt cổ, người
dân sinh sống quần cư từ thời Hùng Vương dựng nước. Đình làng hiện thờ phụng
Nam Giang Đại vương, vị thần có công chia ruộng đất canh tác cho dân, giúp
trang Đống Nhuyễn mở mang hương quán, làm ăn ấm no thịnh vượng.
Đình Phú Đôi thờ phụng thần Nam Giang Đại Vương, hoàng tử thứ
41 của Lạc Long Quân và Âu Cơ được cử trấn giữ quận Nam Giang, nên được gọi là
Nam Giang Vương. Khi Vương trấn giữ Nam Giang, ngài đi xem xét phong cảnh thiên
hạ, đến trang Đống Nhuyễn thuộc huyện Phù Vân (huyện Phú Xuyên xưa là huyện Phù
Vân) thấy một thế đất tốt đã xây một hành cung ở đây.
Thần tích còn cho biết, ngài hoá ngày mồng 10/3 ở Động Đình,
thọ 103 tuổi. Cũng có câu chuyện kể, phụ lão trang Đống Nhuyễn đến kinh đô nhận
sắc phong của triều đình về thờ phụng. Hùng Vương sai viết sắc phong ngài là
Nam Giang Vương, lại ban thêm 6 chữ mỹ tự và 3 quan tiền, đồng thời cho dự vào
điển lễ của Nhà nước. 23 ngôi đền được phép thờ Nam Giang Vương. Ngài trở thành
một vị tối linh cổ thần, tức thời Lạc Long đã có sắc phong ...Trải qua các triều
đại, Nam Giang Vương - thành hoàng làng Phú Đôi, nhận được 13 đạo sắc phong hiện
còn lưu giữ.
Đình làng Phú Đôi có hình chuôi vồ, gồm phần đại bái và hậu
cung. Hậu cung có cấu trúc theo kiểu chữ “đinh”. Hai bên tả môn và hữu môn hình
vòm, đầu hồi bít đốc. Trước hiên có cột trụ đá hệ thống khuôn bức bàn theo lối
cổ, đặc biệt, phong cách nghệ thuật điêu khắc trên gỗ mang dấu ấn thời Nguyễn.
Ngoài ra, đình còn có bốn bức cốn trên hai bộ vì mang đề tài
“Quần long - Độc long - Tứ linh - Long ngư hí thủy” được đục chạm kênh bong nghệ
thuật, mang đậm nét thô mộc, tự nhiên của vùng chiêm trũng Phú Đôi.
Tấm hoành phi nền gấm ở gian chính đục bong hoa văn chữ triện
Hán tự: “Đại đức xuyên lưu”, nghĩa là “Đức lớn được lưu truyền mãi”. Hai câu đối
có nội dung độc đáo “Đất phúc theo dòng trời thịnh, biết bao đời rồng phượng về
đây, cùng ôm ấp chốn này che chở/ Hòa khí thấm đượm mưa lành, cửa thánh bao đời,
tiếng thơm truyền muôn thuở, lẫy lừng khí tiết thanh cao” và “Trước tiền đường,
mây lành bao phủ, non sông huy hoàng tráng lệ/ Dưới muôn vàn sao sáng trời cao,
mũ áo chỉnh tề lễ nhạc an hưởng dài lâu”.
Trong đình còn có bộ kiệu bát cống được chạm rất tinh vi, bộ
bát bửu xà mâu, đôi quán tẩm hình rồng tre, chóe sứ, bát hương, lọng, giá
văn... có niên đại thời Lê. Ngoài ra, 12 đạo sắc phong trong đình là những tư
liệu vô cùng quý hiếm, nổi bật là bản sắc phong năm 1753 niên hiệu Cảnh Hưng có
nội dung sắc cho dân trang Đống Nhuyễn, huyện Phù Lưu, thành Thăng Long thờ phụng
Nam Giang Đại vương.
Hằng năm, dân làng Phú Đôi tổ chức lễ hội truyền
thống vào ngày hóa của Nam Giang Đại vương (mùng 10/3 âm lịch) để tưởng niệm
công ơn của ngài. Đình làng Phú Đôi được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ
thuật năm 1997.