Đình Phú Dư xưa thuộc tổng Quỳnh Bội huyện Gia Định, nay thuộc thôn Phú Dư xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng thần Lã Nam - Lạc thị Thủy thần. Phú Dư- Quỳnh Phú là vùng đất cổ có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời.
Trải ngàn năm lịch sử, những dấu tích về vùng đất cổ kính vẫn
còn đậm đặc ở vùng đất này, đó là những truyền thuyết, địa danh, phong tục tập
quán, đặc biệt là tín ngưỡng thờ những vị thần từ thuở dựng làng lập nước của
dân tộc Việt Nam.
Căn cứ vào văn bia “Tu hậu Thần hậu Phật bi ký” dựng năm
Chính Hoà thứ 7 (1686), do Thám hoa Nguyễn Văn Thực soạn văn (ông người làng Đại
Bái, cùng huyện, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh) thì vào thế kỷ 17 Phú Dư
là một xã thuộc tổng Quỳnh Bội, lúc này làng đã có đình, chùa.
Đình làng Phú Dư - Gia hội đình, xã Phú Dư, huyện Gia Bình, được khởi dựng từ thời Lê (1619-1643). Tài liệu văn bia cũng trùng hợp với truyền kể của nhân dân địa
phương, các cụ cao niên trong làng đều cho hay, đình Phú Dư được xây dựng vào
khoảng thời Lê Trung Hưng (TK 17), đến thời Nguyễn (năm Tân Dậu- 1921) được tu
bổ tôn tạo lớn, gồm đại đình hình chữ đinh 7 gian 2 chái, mái ngói đao cong, bộ
khung gỗ lim to lớn, trang trí chạm khắc tinh xảo nghệ thuật.
Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Đến nay, ngôi đình đã gắn bó mật thiết với quá trình phát triển của đời sống dân cư và các phong tục tập quán cổ truyền của một làng Việt cổ.
Cổng chính được xây mới trên nền đất xưa.
Toàn bộ tòa Đại Đình.
Nằm ở vị trí đầu làng, giáp trục đường Tỉnh lộ 284, đình nằm trên diện tích đất hơn 1000 m2 gồm các công trình: Đại đình và Hậu cung.
Mái đình lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nhật”.
Hai đầu nóc đắp đôi kìm mái mặt rồng.
Tòa Đại đình có kiến trúc kiểu 4 mái đao cong. Hệ khung chịu lực bằng gỗ, gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái 2 dĩ. Mỗi bộ vì có 6 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ chồng rường, kẻ hiên”. Mái đình lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nhật”, hai đầu nóc đắp đôi kìm mái mặt rồng. Toàn bộ 4 bờ dải và bờ chảy chạy từ trên xuống đều gắn hoa chanh, phía dưới góc đao được cuốn lại bởi những chi tiết đắp nổi lá lật tách thành 2 mũi hình lưỡi đao thanh thoát, nhẹ nhàng.
Bên trong Đại đình và Hậu cung.
Hậu cung có kiến trúc nối liền và vuông góc với Đại đình. Hậu cung gồm 3 bộ vì tạo thành 2 gian. Mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường, hạ chồng rường bảy hiên”.
Tượng đức thánh, hương án, khám thờ, bộ bát biểu cổ được đặt trong Hậu cung.
Đôi Sấu đá được đặt trong khuôn viên đình.
4 bia đá cổ: "Thần phật chi bi", "Hương công bi ký", "Thạch kiều bi ký", "Phụng thạch bi sự tích".
Trước đại đình hai bên là toà dải vũ, mỗi toà 7 gian, cổng
nghi môn 3 vòm với hai tầng mái chồng diêm, đắp vẽ tinh xảo nghệ thuật, là một
trong những ngôi đình đẹp nổi tiếng trong vùng. Tiếc rằng trong kháng chiến chống
Pháp, thực hiện việc tiêu thổ, ngày 12 tháng 12 năm 1949 đình Phú Dư được hạ giải
nhằm không cho địch có chỗ lập đồn, bốt.
Hoà bình lập lại khu đất đình, chùa được dùng để xây dựng hội
trường hợp tác xã. Năm 2002 đình Phú Dư được chính quyền và nhân dân phục dựng
trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ truyền thống.
Hiện đình Phú Dư có kết cấu kiểu chuôi vồ. Tiền đình 5 gian
2 chái, 4 mái đao cong, bộ khung làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Hậu cung
nối với gian giữa tiền đình, gồm 1 gian, 1 dĩ, bộ khung gỗ lim bào trơn đóng
bén. Trong hậu cung, tượng Thành Hoàng làng được đặt trang trọng nơi cao nhất.
Tượng được tạc trong tư thế ngồi trong ngai với khuôn mặt
vuông vức, phúc hậu, mắt sáng, râu dài, tai chảy, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc
áo gấm, chân đi hia; hai tay để trên đầu gối, tay phải cầm biển gỗ, tay trái úp
xuống đầu gối.
Cả ngai và tượng là một khối gỗ liền nhau (pho tượng cổ có
niên đại thời Nguyễn, tuy nhiên tháng 5 năm 2011 đã bị kẻ gian lấy trộm, tượng
hiện nay mới được dân làng phục chế theo mẫu của pho tượng cổ).
Hiện đình Phú Dư còn bảo lưu được một số tài liệu cổ vật như
sau: bia đá tứ diện “Thần Phật chi bi” dựng vào năm Chính Hoà thứ 7 (1686), nội
dung ghi khắc về việc lập hậu đình, hậu chùa, bia “Hưng Công bi ký” (chữ đã bị mờ), bia “Thạch kiều bi ký”
(chữ đã mờ), cây hương đá thời Lê, 2 con sấu đá thời Lê, 1 con chó đá thời Nguyễn
và một số đồ thờ tự mới bổ sung làm cho ngôi đình thêm khang trang tố hảo.
Đình Phú Dư hiện không còn giữ được bản thần tích, thần sắc
gốc ghi chép về lại lịch công trạng của Thành Hoàng làng. Căn cứ vào bàn thần
tích, thần sắc của làng Phú Dư kê khai năm 1938 và truyền kể của nhân dân địa
phương, đình Phú Dư thờ “Lã Nam Để Đế vương” cùng với một số làng lân cận.
Để tìm hiểu rõ hơn về người được thờ ở đình Phú Dư, chúng
tôi đã mở rộng địa bàn nghiên cứu sang một số làng khác trong vùng. Qua tìm hiểu
nghiên cứu các tài liệu ở các địa phương này thì thấy rằng Phú Dư là một trong
rất nhiều làng (xã) trong vùng cùng có tín ngưỡng thờ thần Lã Nam như: Quảng Bố
(làng Vó), Quảng Nạp (Nắp Ngòi), Hiệu Bố (Nắp Chanh), Thanh Gia (Nắp Dừa), Lĩnh
Mai (Nắp Chợ), Phú Thọ (Làng Cao), Đỗ Xá (Đọ Bắc).
Đặc biệt tại làng Phú Thọ (nằm cạnh làng Phú Dư, nay thuộc
xã Quảng Phú, huyện Lương Tài) còn lưu giữ được tấm bia đá (theo các nhà nghiên
cứu thì được dựng vào khoảng thời Lê) ở đền Tân Trăn cho biết rõ về sự tích của
thần Lã Nam như sau:
Tại xã Phúc Thọ, huyện Thiện Tài. phủ thuận An, có một khu đất,
là xứ Giang biên (bến sông), bốn bề cỏ cây tươi tốt. Trong xứ đó, có một cái gò
trong xoe, gọi tên là Ngọc Hoàn (hòn ngọc). Về thời Hùng Vương thứ chín, tháng
hai năm Bính Thìn (20.1.305 TCN) ở xứ Ngọc Hoàn, đêm đến thường thấy sáng đỏ
chói lọi, ban ngày thường thấy giống thuồng luồng ba ba xuất hiện từng đàn.
Thấy thế, người trong làng sợ hãi, xem bói, người ta đoán rằng:
“Nơi này tất có Thuỷ thần hiển ứng”. Vào khoảng giờ thìn, ngày thìn tháng ấy
(29.1.365 TCN) có một cụ trong làng, tuổi ngoài 80, nằm ngủ say, chợt thấy Thần
hiện ra người bảo rằng: “Ngày mồng 8 tháng 4 năm nay Ngọc Hoàng hạ sắc cho Thủy
quốc linh thần (thần dưới miền nước) quyền giữ phương này trông coi nhân dân.
Miếu Thần ở xứ Ngọc Hoàn Trăn Tân (bến Trăn, cho nên gọi là
đền Trăn Tân), dân thôn này cứ chỗ đá nồi lên, gấp kín dựng miếu mà thờ”. Cụ
già sợ hãi hỏi rằng: “Thật như lời ông, dám xin ông cho biết tên hèm”. Thần trả
lời: “Quốc ngọc thiên tử Lã Nam Để Đế Vương vằng vẫy tràng đại vương”.
Cụ già tỉnh dậy, bèn đem chuyện trong mộng bảo người làng viết
duệ hiệu thần, lập miếu thờ. Miếu ấy càng ngày càng linh ứng, cả vùng sợ hãi.
Các làng lân cận, người và súc vật không được yên ổn, đều đến miếu ấy cầu cúng,
hễ cầu là thấy ứng nghiệm. Làng nào cũng có lời với làng xin hiệu duệ về thờ vọng.
Đến đời Sĩ Vương (187-226 SCN) cai trị, đền này càng thấy
linh ứng. (Sỹ Vương) gọi (Nhân dân) hỏi sự tích (thần) phong cho làm trung đẳng
linh thần. Rồi đến triều Lý Anh Tông nối ngôi, ngọn cờ thần lại trở lại thuận
theo (triều đình), giúp việc bình thổ phỉ có công, lại được gia phong tên hèm
(thưởng phong cho làm Lã Nam để đế vị (vẫy) lang quân đại vương), thưởng phong
là thượng đẳng linh thần và gia ban lễ tiết xuân để tế thần.
Nay vì bia cổ, trải nhiều đời, nét chữ mòn mất. Nhưng xin
sao rõ bia cổ, cùng với việc gia phong, gia ban cùng khắc lại nên hòn đá cũ để
người sau xem mãi.
Theo truyền thống, hội đình Phú Dư được tổ chức vào ngày mồng
8 tháng 4 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của Thần đối
với dân làng. Xưa hội được tổ chức rất lớn trong 3 ngày, từ ngày mồng 7 đền
ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, những nghi thức tế rước được
tổ chức rất trang nghiêm, trong đó bao giờ cũng có tục rước kiệu sang đền Tân
Trăn để tế lễ trước khi mở hội tại đình. Song song với các nghi lễ tế Thánh còn
là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: hát tuồng, chèo, ả đào, cờ người,
đu cây, đập niêu…..thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Đình Phú Dư được UBND
tỉnh Bắc Ninh cộng nhận xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2004, quyết định
số 2173/QĐ-CT, ngày 20 tháng 12 năm 2004