Đình Phù Lão thờ Cao Sơn Đại Vương – Quý Minh Đại Vương được nhiều triều đại sắc phong thượng đẳng thần, được xếp vào bậc Phúc thần trừ gian, diệt ác bảo vệ cho dân lành. Đồng thời đình còn thờ Đào tướng công và Quý Thị phu nhân là người địa phương đỗ đạt làm quan, bỏ tiền cung tiến xây đình công đức cho làng.
Đình Phù Lão ở làng Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh
Bắc Giang. Mặc dù qua bao năm tháng chiến tranh giặc giã, nắng mưa tàn phá, sự
xuống cấp bởi thời gian qua nhiều lần tu bổ, đình Phù Lão vẫn giữ nguyên được
cho mình những nét cơ bản của ngôi đình cổ Việt Nam, nhất là về mảng kiến trúc
nghệ thuật.
Đình Phù Lão được khởi dựng vào năm 1688, thời Vua Lê Chính
Hoà thứ 15. Đình Phù Lão được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 1.500m2 ở ngay
đầu làng, nhìn về phía Đông Nam thờ Đức Cao Sơn - Quý Minh là các danh tướng thời
Hùng Vương có công dẹp giặc giữ nước, đây là các danh tướng được nhiều nơi ở
khu vực phía Đông Bắc Bắc Bộ lập đền thờ tôn vinh người có công với làng với nước.
Các ngài được nhiều triều đại sắc phong thượng đẳng thần, được
xếp vào bậc Phúc thần trừ gian, diệt ác bảo vệ cho dân lành. Đồng thời đình còn
thờ Đào tướng công và Quý Thị phu nhân là người địa phương đỗ đạt làm quan, bỏ
tiền cung tiến xây đình công đức cho làng.
Từ
nguyên sơ đình Phù Lão có kiến trúc theo lối chữ nhất (-), chỉ có toà
đại đình dài 13m, rộng 12m; sau này mới nối thêm phía sau 2 gian hậu
cung.
Đình Phù Lão toạ lạc trên một dải đất cao, thoáng, đẹp ở
phía đầu làng, lưng đình xây ra phía ngoài, mặt đình quay về phía xóm làng, ẩn
mình dưới bóng đa xanh mát, soi mình xuống bến nước trong veo.
Trước cửa đình có một ao rộng hình nửa bầu dục, sân đình rộng,
bằng phẳng. Nhà tiền tế mới được xây dựng gồm ba gian nhỏ, phía sân sau tiền tế
có một tấm bia bốn mặt, dựng năm Chính Hòa thứ 15 (1694), do tiến sĩ họ Hoàng
soạn, nói về công lao đóng góp xây đình của bà Đào Thị Hiền. Đình có bốn tàu
mái cao, rộng, mái được lợp bằng ngói mũi bài.
Tòa đại đình gồm bảy gian, dài 23m, rộng 12m, với 8 vì kèo 6
hàng cột, 48 cột. Các vì kèo kết cấu theo lối chồng rường giá chiêng, kết hợp kẻ
moi ở bốn góc. Bốn cột giữa có bốn bức cốn chạy dài gần cả gian tạo nên bốn mảng
trang trí lớn.
Bốn mặt đình còn dấu vết lát ván và có cửa bức bàn bao
quanh; các gian đều có sàn. Trừ cột, rui và hoành, các cấu kiện kiến trúc gỗ khác
như đầu dư, cốn, ván nong, kẻ, đấu trụ... đều được chạm trổ nhiều hình phản ánh
các mặt sinh hoạt làng xã.
Nói tới đình Phù Lão thì nét nổi bật nhất không phải là ở sự
to lớn, bề thế mà là ở những mảng điêu khắc gỗ cực kỳ đẹp, độc đáo. Ngôi đình
này có tới 4 hiệp thợ cùng chung sức đua tài, mỗi hiệp thợ phụ trách một góc
đao, có một kiểu tạo dựng riêng, vậy mà khi ghép mộng tất cả lại vừa khít các mộng,
kích cỡ đều ăn khớp đâu vào đấy, có hiệp thì nghiêng về tạo dựng, phô diễn những
khối tròn, có hiệp nghiêng về tỉa tót các mảng chạm khắc công phu với những vật
rõ ràng, có hiệp lại giữ nguyên nét đục thô ráp mà quyến rũ.
Trên mỗi bức hoành phi, cây cột hay thượng lương đều có những
bức chạm khắc tuyệt đẹp với những ý nghĩa sâu xa như: bỡn cợt với quyền lực
phong kiến, thờ sinh thực khí (đôi trai gái cưỡi trên râu Rồng), ca ngợi những
cái đẹp của tạo hoá hoặc các chú Tễu ngô nghê ở các cột cái đã làm lu mờ những
giá trị của nền đạo đức phong kiến đương thời đang bước vào thời kỳ suy vong.
Ở các câu đầu, thượng lương, đầu kẻ, chân bảy đều chạm khắc
rất tinh xảo. Thông qua các bức điêu khắc của ngôi đình cũng nói nên sự nghiệp
công quả, dòng chảy lịch sử đều do đại chúng sinh và do nhân dân quyết định.
Các bẩy đều trang trí hình rồng, nhưng bẩy ở gian giữa có chạm
nhiều cảnh sinh hoạt dân gian, có những cảnh mà các nhà nghiên cứu chưa thể
đoán ra được. Có cảnh múa hát của nam và nữ hoặc biểu diễn xiếc, có hình người
cưỡi rồng, hình người múa võ.
Trên ván ở đầu bẩy có chạm hình thiếu nữ không có xiêm y
trên râu rồng, làn tóc dài uốn từ sau lên trước, cảnh trai gái tỏ tình, âu yếm,
cảnh ổ rồng có rồng mẹ và các rồng con, thể hiện một cách chân thực sinh động.
Tất cả tạo cho đình Phù Lão một vẻ đẹp riêng, chính sự đa dạng về kiểu thức kiến
trúc ấy đã tạo nên giá trị hiếm có của di tích.
Phía
trước, bên trái đình Phù Lão còn có một tấm bia tứ diện, cao hơn 1m ghi
công bà Đào Thị Hiền đã đóng góp tiền của xây dựng đình. Tấm bia này
cũng là minh chứng cho năm xây dựng đình. Đình là nơi thờ thánh Cao Sơn -
Quý Minh, ngoài ra còn thờ hai vợ chồng ông Hậu là những người có công
tạo dựng ngôi đình.
Trên
của võng chính giữa đình là 4 chữ Thánh Cung Vạn Tuế, tạm
dịch: Đức Thánh Muôn Tuổi. Giá trị điêu khắc nghệ thuật của đình được
thể hiện ở các kết cấu kiến trúc như tai cột, kẻ, bẩy, cốn, diệp… với
những hình ảnh chạm khắc sinh động. Theo đánh giá của các nhà nghiên
cứu, chạm khắc ở đình Phù Lão là chạm theo lối chạm lộng, có nghĩa là
phải chạm thủng sâu bên trong gỗ để làm các hình nổi hẳn lên theo lối
tượng tròn. Lối chạm này rất khó, phải có những dụng cụ chuyên dùng mới
kênh bong được, và người thợ chạm phải hiểu phép chạm đối với từng hình,
từng chủ đề trên cấu kiện kiến trúc.
Vào
đình Phù Lão, ta có thể thấy trên các kẻ là những bức chạm nổi hình ảnh
mang đậm nghệ thuật tạo hình dân gian thể hiện sinh hoạt của các
tầng lớp như quan lại, sỹ, nông, công, thương và có nhiều linh
thú như: Long Ly Quy Phượng và các con giống như nghê, lân, ngựa,
rắn, tắc kè, thạch sùng.
Rồng xuất hiện ở đình Phù Lão sinh động, gần gũi luôn gắn với hình tượng con người.
Tác
phẩm chạm trổ cảnh ái ân ở đình Phù Lão Những nhà điêu khắc vô danh
xuất phát từ nông dân đã đưa vào đình làng những hình ảnh từ
đời sống thực với phong cách độc đáo. Ở đình có nhiều bức chạm
mô tả cuộc sống dân gian. Chỗ thì tả cảnh vui chơi...
Táo
bạo hơn, trên các tác phẩm chạm khắc có cảnh ân ái nồng nàn. Đây
không phải là sự ngẫu nhiên, những hình tượng chạm khắc này
thể hiện lý tưởng, khát vọng của cộng đồng và mang giá trị
phồn thực, cầu mong con người cùng các con vật sinh sôi phát
triển. Tác phẩm chạm trổ cảnh ái ân ở đình Phù Lão
Với những giá trị kiến trúc - nghệ thuật điêu khắc gỗ độc
đáo riêng có ấy, từ năm 1982 đình Phù Lão được Nhà nước công nhận là di tích lịch
sử được xếp hạng cấp quốc gia, sau 2 lần được trùng tu chống xuống cấp, mới đây
nhất là năm 2011, đến nay nhà nước, các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức xã hội, đặc
biệt là tín đồ phật tử khắp nơi đã công đức xây dựng di tích ngày thêm tố hảo,
nhằm lưu giữ các giá trị văn hoá đặc sắc của cha ông cho con cháu muôn đời sau.
Do thờ các danh tướng từ thời Hùng Vương, cứ sau giỗ Tổ, vào
các ngày 14 và 15 tháng 3 Âm lịch, xã Đào Mỹ và nhân dân các thôn Tây Lò, Đông
Thắm và Núi Dứa nơi có di tích tổ chức lễ hội, nhằm tôn vinh các bậc tiền nhân
và là dịp để nhân dân quanh vùng giao lưu văn hoá văn nghệ, thể thao, sinh hoạt
tín ngưỡng tôn giáo, cầu lành cho một năm mới làm ăn phát đạt và con em của địa
phương đi công tác, làm ăn xa có dịp trở lại quê hương trước khi mùa xuân kết
thúc.
Đây cũng là dịp để những người con của địa phương thành đạt
kính cáo với tổ tiên Thành hoàng về sự độ trì của các ngài qua mỗi nẻo đường để
thành đạt trong cuộc sống, đồng thời công quả xây dựng bảo tồn di tích sau mỗi
lần hội lệ.
Lễ hội đình Phù Lão đã đi vào đời sống tinh thần của người dân
trong vùng như một nhu cầu không thể thiếu được trong mỗi dịp tiễn xuân đón hạ.
Mỗi dịp lễ hội các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng dân gian,
được phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống trong giáo dục
các thế hệ con em của địa phương về tinh thần yêu nước, về lòng từ bi hỷ xả đối
với chúng sinh của các bậc tiền nhân.
Đồng thời cũng nhân lên các chân giá trị trong việc bảo tồn
các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể ở một vùng quê còn ẩn chứa trong mình
bề dày truyền thống của lòng yêu quê hương đất nước và các tầng văn hoá, ở một
vùng quê. Đình phù Lão thực sự là một điểm du lịch văn hóa tâm linh không thể bỏ
qua trên địa bàn Lạng Giang.
Trải qua hơn 3 thế kỉ, đình Phù Lão vẫn giữ được nét mộc mạc,
cơ bản về kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình cổ Việt, với những mảng trạm trổ
đặc sắc và rất sống động... Với giá trị là một công trình kiến trúc tiêu biểu,
độc đáo, không chỉ riêng tỉnh Bắc Giang mà cũng hiếm thấy ở các ngôi đình truyền
thống ở miền Bắc Việt Nam.
Nguyễn Văn Tú
Nguồn: Thế
giới Di sản Việt Nam