Phú Thọ là tên của ngôi đình thuộc làng Phú Thọ (làng Lai), xã Hà Lai (Hà Trung), thờ phụng thành hoàng làng là danh tướng Cao Các thời vua An Dương Vương.
Làng Phú Thọ nằm ở chân núi, trước mặt là cánh đồng chiêm
trũng. Điều kiện tự nhiên, núi đồi và ruộng đồng nơi đây không chỉ nuôi sống
con người trong những lúc mất mùa đói kém hay chở che khi giặc giã hoành hành,
mà còn tạo ra cảnh quan thơ mộng, bình yên cho làng.
Đình Phú Thọ cần sớm được trùng tu, tôn tạo để phát huy giá
trị.
Từ làng Phú Thọ ra đến Quốc lộ 1A và trung tâm huyện chỉ chừng
vài km. Đình Phú Thọ ở phía trước làng, sát với đường trục chính của xã nên việc
đến thăm di tích rất dễ dàng, thuận lợi. Vị thần hoàng được thờ ở đình Phú Thọ
là Cao Các thượng đẳng thần. Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục”, Cao Các thượng
đẳng thần còn được thờ ở nhiều nơi như: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc...
Tích xưa truyền lại rằng, trên bầu trời xuất hiện một đám mây
đỏ. Người ta nhìn thấy trong đám mây đó có một người mặc áo vàng hiện ra, tay cầm
một cái nỏ và nói rằng: “Ta là Cao Các, tướng của An Dương Vương. Ta thường
dùng nỏ thần này để đánh giặc thành công. Thượng đế cho ta làm đô thống tướng
cai quản núi sông”.
Các sử sách xưa viết về thời vua Thục Phán - An Dương Vương
có chép chuyện về tướng Cao Lỗ là người có công chế ra nỏ thần để giúp An Dương
Vương đánh thắng kẻ thù. Không biết có phải Cao Lỗ là vị thần Cao Các không,
nhưng với vị thần Cao Các mà các sách này nêu là một nhân vật lịch sử của thời
Thục Phán - An Dương Vương dựng nước Âu Lạc đã sử dụng nỏ thần để đánh thắng
quân Tần xâm lược (sau vì nỏ thần “vô ý trao tay giặc” mà nước Âu Lạc mới bị diệt
vong), dù có thật hay theo truyền thuyết thì cũng rất giá trị và ý nghĩa.
Việc dân làng Phú Thọ xưa chọn thần Cao Các để thờ làm thành
hoàng là một bằng chứng vô cùng sinh động để nói rằng, các bậc tiền nhân của
làng đã luôn tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng trong thời kỳ dựng nước đầu
tiên. Hình tượng của vị thần này đã in dấu vào tâm thức, tình cảm của biết bao
thế hệ cư dân làng Phú Thọ một cách sâu nặng và thiêng liêng.
Với niềm tin vào vị thần được “Thượng đế cho cai quản núi
sông”, trong suốt quá trình lịch sử tụ cư và sinh sống, người dân làng Phú Thọ
đã đến đình cầu cúng vị thần thiêng liêng - Cao Các thượng đẳng thần, để mong
thần ban xuống cho muôn dân được bình yên, không hạn hán, lụt lội và giặc giã
càn quấy.
Xưa kia và ngay cả ngày nay, Nhân dân các làng vẫn còn truyền
nhau câu ca: “Trống làng Lai, họp làng Kênh” (có nghĩa đình làng Lai (làng Phú
Thọ) khai trống thì đình làng Kênh mới được khai hội). Vì vậy, khi rước kiệu,
bao giờ cũng phải xuất phát từ đình làng Lai rồi mới về đình làng Kênh.
Mỗi năm, tại đình làng Lai và đình làng Kênh đều có 4 kỳ hội
giống nhau: Từ ngày 11-12 tháng Giêng là lễ cầu phúc, đây là kỳ lễ hội lớn nhất
trong năm; từ ngày 12 - 13 tháng 6 tế lễ thần hoàng Cao Các; ngày 1-12 lễ hội
bánh dày; ngày 24-12 lễ hội bánh chưng.
Còn ngày kỵ chính là ngày 4 tháng Giêng. Riêng rằm tháng tám
cũng tổ chức cúng tế linh đình. Trong các kỳ lễ hội và kỵ giỗ, dân làng đều tổ
chức tế nam. Sau khi tế xong, làng tổ chức hát bội cả ngày đêm ở sân đình.
Vào dịp tết đến, xuân về, đình Phú Thọ trở thành trung tâm
sinh hoạt văn hóa tinh thần vô cùng sinh động của cả làng. Cũng trong dịp này,
các nam thanh, nữ tú, từng tốp hàn huyên trò chuyện hoặc hát đối đáp với nhau một
cách ân tình. Rồi sau những lần gặp gỡ ấy, nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng.
Cũng từ ngôi đình này, khi hồi trống cất lên, dân làng với mọi
thành phần đã tề tựu đông đủ để bàn việc nước, việc làng. Thời kỳ Cần Vương chống
Pháp, đình Phú Thọ là nơi tập trung nghĩa quân, quân lương và các vật liệu để
xây dựng chiến lũy đánh giặc ở căn cứ Ba Đình (Nga Sơn), là kho chứa vũ khí của
bộ đội. Đình đã từng bị thực dân Pháp đốt năm 1886 sau khi căn cứ Ba Đình thất
thủ.
Đến năm 1909, dân làng mới trùng tu phục hồi lại ngôi đình.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đình còn là kho quân nhu của bộ đội và là
nơi khám, chữa bệnh của bệnh viện huyện.
Đình Phú Thọ được xây dựng trên một thân đất cao, lấy thế
núi để dựa lưng, mặt nhìn ra hướng Đông Nam. Đây là ngôi đình có cấu trúc hài
hòa giữa không gian và kết cấu.
Đình gồm 3 gian 2 chái, được các nghệ nhân xưa làm theo kiểu
kiến trúc thời Nguyễn, không cầu kỳ nhưng trông rất cổ kính và vững chãi. 2 vì
gỗ ở 2 gian hồi và các con rường được chạm kiểu đầu rồng, còn lại tất cả các cấu
kiện gỗ khác ở cả 4 vì được soi chỉ và không có chạm khắc gì.
Trải qua mưa nắng, chiến tranh và biến cố lịch sử, ngôi đình
không còn nguyên vẹn như xưa. Tất cả các bức chạm khắc gỗ ở các ô trống ở vì
hiên đều không còn. Phần mái rui mè, đòn tay đều đã được thay thế bằng luồng.
Phần mái trước xưa kia là hai lớp mái, bây giờ là một lớp mái... Hiện nay tại
đình Phú Thọ chỉ còn lưu giữ được một số hiện vật như: Bát hương sứ, cây đèn gỗ,
ngai thờ, hương án, đại tự, câu đối...
Là một di tích rất có giá trị về nhiều phương diện, vì vậy
đình Phú Thọ đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định
số 4109/QĐ-UBND ngày 25-12-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Những năm
qua, đình Phú Thọ đã được Nhân dân tu bổ để làm địa điểm sinh hoạt của làng văn
hóa.
Tuy nhiên, kinh phí còn rất khó khăn hạn hẹp nên chưa thể
làm cho đình trở lại được diện mạo như xưa. Trong khi đó, hiện trạng ngôi đình
đang có nhiều biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các vì gỗ đã có nhiều
chỗ bị mối mọt và gãy mục, phần tường hồi cũng long áo, nội thất còn thiếu nhiều,
bề mặt trước của đình có nguy cơ biến dạng...
Đình Phú Thọ là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống
tình yêu quê hương, đất nước của dân cư trong làng. Từ trong sâu thẳm tâm thức
người làng Phú Thọ xưa cho tới nay, Cao Các thượng đẳng thần là vị thần tối
linh đã giúp dân làng Phú Thọ đứng vững và phát triển không ngừng trên vùng đất
này.
Từ một anh hùng chống quân xâm lược, Cao Các đã được phong
làm một anh hùng văn hóa - tức vị thần cai quản nhiều vùng núi sông rộng lớn ở
Hà Trung và xứ Thanh xưa. Cho đến bây giờ, ý nghĩa về nhân vật thờ vẫn còn
nguyên giá trị và ngôi đình xứng đáng được coi là một kiến trúc cổ thời Nguyễn.
Nhưng tự hào thôi chưa đủ, người dân nơi đây rất mong muốn
di tích sớm được trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị, xứng đáng với công lao
to lớn của các vị anh hùng, các bậc tiền nhân, tiền bối đã cống hiến hết mình
vì đại nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nguyễn Ngọc