Đình cổ Phù Thụy (xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) vừa được nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia, thờ phụng 2 vị nữ thần thành hoàng làng thời An Dương Vương và triều đại Nhị vua Hai Bà Trưng.
Ngày 7/11/2020, Sở VH-TT&DL Hà Nam cho biết, Bộ trưởng Bộ
VH-TT&DL vừa cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia với Đình Phù Thụy (xã Thi
Sơn).
Đây là 1 trong 15 di tích vừa được xếp hạng Quốc gia dịp
này, tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh... và là di tích duy nhất trên địa bàn Hà
Nam.
Một góc Đình Phù Thụy ngày nay.
Đình Phù Thụy là nơi thờ hai vị nữ thần thành hoàng làng:
Dương cảnh thành hoàng Lý Bà công chúa và Ngọc phả nữ tướng tiền nhiệm Đại
vương thái trưởng công chúa Công thần triều Trưng Nữ Vương.
Ngôi đền được xây dựng khoảng trên dưới 2.000 năm nay, có bề
dày lịch sử, văn hóa đặc sắc. Đến nay, các thế hệ người dân Kim Sơn luôn cẩn thận
lưu giữ các văn bản, sắc phong qua các triều đại về hai nữ thành hoàng làng
này.
Đình Phù Thụy nơi thờ kính 2 nữ thần với bề dày lịch sử, tín
ngưỡng độc đáo
Theo lịch huyền sử truyền lại, nữ Thành hoàng làng Dương,
Đương cảnh thành hoàng Lý Bà công chúa, tên húy Quang Nương, tên dân gian thường
gọi Lý Bà, sinh năm 245 trước Công nguyên.
Sinh thời, bà được An Dương Vương nạp vào cung và sắc phong Cung
phi thứ 8, Lý Bà Công chúa... Trong cung hơn 10 năm, cung phi Lý Bà không có
con nên được vua lập một cung ở Phù Viên, cho phép bà Lý rời cung trở về bản
quán quê nhà.
Tại đây, bà thường xuất tiền của Vua cho để hỗ trợ người già
yếu, bày cho dân nghề buôn bán... khiến khu vực này dần phát triển, no đủ, người
dân hiểu sâu hơn thuần phong mỹ tục, thường ca ngợi công đức của bà.
Bà qua đời năm 209 trước Công nguyên, hưởng thọ 36 tuổi, được
Vua An Dương Vương cho an táng và xây miếu thờ phụng quê nhà. Trải qua các triều
đại Đinh, Lê, Lý và Trần khi các nhà vua mở sáng cơ đồ Hồng Lạc, bà đều âm phù
giúp nước cứu dân nên được tặng phong nhiều mỹ tự.
Vua Lê Anh Tông (trị vì 1556 đến năm 1573) thụy phong bà giữ
nguyên chức vị Đương cảnh thành hoàng Lý Bà công chúa, trung đẳng thần...
Tại Đình Phù Thụy, dân làng thờ kính Thượng đẳng thần Nữ tướng
Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa. Bà có tên húy Cao Dung, hiệu Thái
Trưởng, tên thường gọi Bà Dung, sinh năm 15 sau công nguyên. Bà là chị em kết
nghĩa với nhị chúa Mê Linh Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Năm 40 sau Công nguyên, bà Trưng Trắc tấn phong bà Dung làm
Quyền nhiệm Đại vương rồi chia nhau chỉ huy quân tiến đánh Tô Định, khiến quân
này tháo chạy về nước Tàu. Nữ chúa Trưng Trắc lên ngôi, hiệu Trưng Vương và sắc
phong nữ tướng Cao Dung làm Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa, cho hưởng
lộc ấp 1 vạn hộ dân.
1 năm sau (41 sau công nguyên), nhà Hán thấy bà Trưng Trắc
xưng vương lên đem 30 vạn quân Hán sang xâm chiếm nước ta. Trưng Vương lệnh cho
Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa đem 2 vạn quân lên Lạng Sơn ứng chiến.
Trưng Vương sau đó cũng kéo hết binh lính đến kháng cự với Mã Viện. Quân ta
đánh nhau với quân địch hơn 1 năm thì yếu thế nên phải rút lui về Cẩm Khê.
Đền thờ nữ tướng Cao Dung tại Phù Thụy
Tại Cẩm Khê, năm 43 sau công nguyên, sau một thời gian dài bị
quân địch vây hãm, quân sĩ ta hy sinh gần hết, còn lại chưa đầy 3 phần 10,
lương thảo cạn kiệt và không được quân cứu viện. Nhị vua Trưng Nữ Vương và nữ
tướng Cao Dung đánh một trận sinh tử với giặc và anh dũng hi sinh.
Đền thờ Nữ tướng Quyền nhiệm Đại Vương Thái Trưởng công chúa
được các triều đại sau này cho xây dựng tại Cung cũ nơi bà ở tại Phù Thụy. Từ
đó đến nay trải qua khoảng 2.000 năm, ngôi đền đã được dân làng Phù Thụy nhiều
lần trùng tu.
Các sắc phong do các triều đại thụy phong cho nhị Thánh Mẫu
Đương cảnh Thần hoàng làng vẫn được các thế hệ người dân Phù Thụy lưu giữ cẩn
thận
Theo lãnh đạo UBND xã Thi Sơn, đình Phù Thụy được xếp hạng
di tích Quốc Gia là vinh dự lớn cho người dân địa phương, thể hiện đạo lý thờ
kính tiền nhân, các vị hoàng làng, giáo dục các thế hệ con cháu noi gương, nỗ lực
phấn đấu học tập, xây dựng quê hương, đất nước.
Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân
địa phương, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Phù Thụy còn
là căn cứ cách mạng và nuôi giấu chiến sỹ cách mạng. Hiện nay, đình làng Phù Thụy
là nơi hội họp của cán bộ, nhân dân trong làng, là nơi tổ chức các dịp hội
làng, chúc thọ và các sự kiện trọng đại của làng.
Đình làng Phù Thụy là di tích được khởi dựng từ thời Hậu Lê,
đến năm 1906, dưới thời vua Thành Thái được tu bổ lớn nhưng vẫn giữ gần như
nguyên vẹn dáng vẻ, phong cách kiến trúc của thời Hậu Lê.
Trải qua tác động của thời gian, mưa nắng, chiến tranh, một
số hạng mục đã bị xuống cấp, đặc biệt là hậu cung đình. Năm 2008, bằng nguồn xã
hội hóa, cán bộ, nhân dân địa phương đã tu bổ lại hậu cung để tạo sự khang
trang, vững chãi cho ngôi đình.
Đình có mặt bằng hình chữ Nhị. Tòa đệ nhất gồm 5 gian, kiểu
bít đốc giật cấp cánh bảng vuông, mái lợp ngói Nam, dưới lót ngói chiếu. Hai đầu
nóc đắp con kìm hình đầu rồng miệng mở rộng, răng to nhọn ngậm chặt bờ nóc,
đuôi uốn cong đặt lên đầu vuông. Bộ khung chịu lực của đình gồm 6 vì, mỗi vì 4
hàng chân cột.
Vì nóc có kết cấu kiểu biến thể giá chiêng, vì nách có kết cấu
không đồng nhất. Các vì nách gian bên và gian hồi tạo kẻ cổ ngỗng. 4 vì nách
gian giữa được tạo tác cầu kỳ, mỗi vì nách gồm 4 con rường chồng khít lên nhau,
2 mặt trang trí đề tài “Tứ linh” rất sinh động, riêng con rường trên cùng được
tạo tác thành hình con rồng vững chãi, chắc khỏe. Hậu cung gồm 3 gian được xây
theo kiểu tường hồi bít đốc.
Đình làng Phù Thụy là di sản kiến trúc nghệ thuật từ thời Hậu
Lê. Trải qua quá trình tồn tại kéo dài hàng thế kỷ, đến nay, đình làng Phù Thụy
là nơi bảo lưu đậm nét phong cách kiến trúc, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.
Đồng thời, đình làng thờ hai vị thành hoàng làng có công với
dân, với nước, là niềm tự hào của nhân dân làng Phù Thụy. Bởi vậy, người dân
Phù Thụy bao đời nay vẫn luôn tự nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng, bảo tồn
đình làng.
Không chỉ là một công trình mang đậm nét kiến trúc cổ truyền
của dân tộc, giá trị văn hóa của di tích còn thể hiện ở các đề tài trang trí tại
đình, tuy không quá cầu kỳ nhưng đều thể hiện tính đặc trưng, rõ nét của niên đại
khởi dựng.
Đầu tiên phải kể đến các mảng chạm lá lật cách điệu trên mặt
các con rường, xà và bảy ở tòa đệ nhị. Toàn bộ trang trí ở tòa này có tính thống
nhất với cùng một đề tài và kỹ thuật đục, chạm.
Các mảng chạm này đã đạt tới trình độ mẫu mực về kỹ thuật, mỹ
thuật. Bên cạnh những giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc,
đình làng Phù Thụy hiện nay còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ
thuật, đặc biệt là 7 sắc phong của các triều đại, kiệu bát cống, kiệu long
đình, ngai thờ thành hoàng, bát bửu, đỉnh hương đồng, hạc gỗ, câu đối, đại tự…
Sự phong phú của đồ thờ ở đình góp phần làm nổi bật giá trị kiến trúc và giá trị
lịch sử của đình. Đồng thời, thể hiện ý thức gìn giữ, trân quý di tích của bao
thế hệ người dân nơi đây.
Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân địa
phương, bà con xa quê, với ý thức giữ gìn di sản văn hóa của ông cha để lại,
dân làng đã thành tâm công đức, đóng góp công sức, tiền của tu bổ di tích, tôn
tạo cảnh quan để di tích ngày càng khang trang mà vẫn giữ nguyên vẹn phong cách
kiến trúc cổ truyền của dân tộc.
Phát huy truyền thống văn hóa, ý thức giữ gìn bản sắc văn
hóa dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người dân làng Phù Thụy
nói riêng, xã Thi Sơn nói chung luôn trân trọng giữ gìn và phát huy tốt các giá
trị văn hóa vật thể và phi vật thể bằng các việc làm cụ thể, như: Thành lập ban
khánh tiết, trùng tu công trình kiến trúc, trồng cây, tạo cảnh quan đẹp, phục dựng
lại lễ hội cổ truyền phục vụ khách tham quan. Song song với việc bảo tồn, tôn tạo,
ban quản lý còn tích cực sưu tầm, tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn của ngành
chuyên môn và những giá trị văn hóa đặc sắc của di tích, qua đó giúp nhân dân địa
phương có nhận thức sâu sắc đầy đủ về trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ, tạo
điều kiện thuận lợi cho việc phát huy giá trị của di tích trong xây dựng nông
thôn mới kiểu mẫu và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Ngoài di tích quốc gia đình Phù Thụy, trên địa bàn tỉnh Hà
Nam có hơn 70 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, hàng trăm di tích cấp tỉnh.