Đình Phúc Hòa xã Hán Đà, Huyên Yên Bình, tỉnh Yên Bái thờ bốn vị thánh có công giúp nước đánh giặc vào thời kỳ vua Hùng Duệ Vương là Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Minh Quý Đại Vương, Án Sát Phò Mã Phạm Hoằng.
Đình Phúc Hòa (福和) là tên gọi theo vùng đất (có nghĩa
là vùng đất hiền hòa, làm phúc cho muôn đời con cháu),thuộc thôn Phúc Hòa, xã
Hán Sài, tổng Đại Thân, huyện Tây Quan, tỉnh Sơn Tây. Nay là thôn Phúc Hòa, xã
Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Di tích đình Phúc Hoà cách Uỷ ban nhân dân xã Hán Đà 2km về
phía tây, cách thành phố Yên Bái 35 km về hướng đông nam. Để đến di tích ta có
thể đi bằng nhiều đường khác nhau, nhưng thuận tiện nhất là đi đường bộ: Từ
trung tâm thành phố Yên Bái theo đường quốc lộ 37 hướng Yên Bái-Hà Nội khoảng
30km là tới ngã ba Cát Lem rẽ trái theo đường quốc lộ 37 khoảng 3 km là đến thôn Phúc Hòa 1, sau đó rẽ phải
theo đường liên thôn là tới đình Phúc Hòa.
Sơ lược lịch sử di tích:
- Đình Phúc Hòa xưa thuộc thôn Phúc Chân (福真), xã
Hán Sài, huyện Tây Quan (西關), phủ Đoan Hùng, xứ Tuyên Quang sau thuộc Phúc Hòa (福和) , tổng
Đại Thân(大親),
phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu
thế kỷ XIX, đình được nhân dân xây dựng để tưởng nhớ công ơn của Phò mã Phạm Hoằng
(Phò mã Vua Hùng Duệ Vương thứ 18).
Khởi nguồn đình có tên là đình Phúc Chân sau đổi thành đình
Phúc Hòa. Đình được làm đơn sơ, cột gỗ, lợp cọ, rộng 3 gian. Sau này để xứng
đáng với công lao của các vị Thành hoàng, đình được nhân dân trong làng góp
công dựng thành ngôi đình lớn khang trang, bề thế hơn, đúng với kiến trúc của
đình Việt cổ.
Đình gồm 5 gian hình chữ Nhất (一) làm bằng gỗ lim, lợp
ngói. Hậu cung là nơi thờ 4 vị thần: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương,
Minh Quý Đại Vương, Án Sát Phò Mã Phạm Hoằng.
Gian kế tiếp là gian khánh lễ được lát ván là nơi đặt lễ;
hai gian bên cạnh cũng được lát ván làm nơi tụ họp của các cụ trong làng; gian
cuối cùng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ hội.
- Do chiến tranh ác
liệt, đình không có ai trông coi rồi bị cháy. Đến năm 1947, dân làng đóng góp
làm lại đình xuống thấp hơn so với nền đình cũ khoảng 20m, thu hẹp lại còn 2
gian, có một gian hậu cung để thờ. Năm 1965, do không có người trông coi, quản
lý đình xuống cấp, dột nát và bị đổ.
Các nhân vật được thờ tự:
- Đình Phúc Hòa xã Hán Đà, Huyên Yên Bình thờ bốn vị thánh
có công giúp nước đánh giặc vào thời kỳ vua Hùng Duệ Vương là Tản Viên Sơn
Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Minh Quý Đại Vương, Án Sát Phò Mã Phạm Hoằng.
- Theo tư liệu Hán-Nôm: Do bà Trương Thị Thủy, bà Hoàng Thúy
Ngà và ông Hoàng Giáp thuộc Viện nghiên cứu Hán-Nôm dịch tháng 7 năm 2010 về
Đình-Chùa Phúc Hòa tổng Đại Thân, phủ Đoan Hùng-tỉnh Phú Thọ:
“Ghi chép ngọc phả về Đài Vàng Quý Minh Đại Vương”:
Nước Việt xưa, trời Nam mở vận, thánh tổ xây dựng cơ đồ, 18
đời truyền nối, trải hơn 2000 năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, đều lấy
hiệu là Hùng Vương, ngọc bạch xa thư, núi sông thống nhất. Thực là tổ của Bách
Việt ta.
Khi đó, cơ đồ đất nước truyền đến đời thứ 18, thuộc thời
Hùng Duệ Vương, ở động Lăng Sương, huyện Gia Hưng, phủ Hưng Hóa, đạo Sơn Tây có
nhà họ Nguyễn, tên là Ban, bà vợ họ là Tạng tên là Hoan, là nhà tích đức hành
thiện, nhưng chưa có con nối dõi. Khi đó, Nguyễn công đã 60 tuổi, bà vợ đã 50,
ông bà chưa từng làm phương hại đến ai, không bao giờ tơ hào phần lợi cho mình,
luôn khởi tâm là điều tốt lành.
Ông có người anh trai tên là Nguyễn Cao Hạnh, là anh trai ruột,
ngoài 70 tuổi mà cũng không có con. Một hôm, nhân ngày giỗ của tổ tiên, anh em
cùng than rằng: “Tội bất hiếu, không có con là tội lớn, nếu như sau này chết
đi, biết có ai là người hương khói cho tổ tiên, cha mẹ. Nếu có thể tán tài để cầu
được con nỗi dõi, thì cũng xin được theo”.
Thế là bèn đem tiền của phát cho người nghèo. Đến tết mùa
xuân thái hòa, khắp nơi hoa nở, người người vui vẻ anh em rủ nhau lên núi Nghĩa
Lĩnh chơi, khi trở về xuống chân núi, bỗng thấy trên núi có một cụ già tóc bạc,
đeo một bầu rượu, cầm một chiếc la bàn, hai anh em (tức Nguyễn Hạnh và Nguyễn
Ban) nhìn và nói rằng: “Phải chăng đó là tiên lão bồng lai thần linh Tản Lĩnh,
chứ không phải người thường. Nhà ta tích thiện thấu tới lòng trời, nay trời
xanh giáng tiên ông báo cho biết là nhà chúng ta tích thiện là đúng, không phải
nghi ngại gì nữa”.
Nói xong, hai ông liền đi đến trước mặt tiên ông nói: “Nay
may gặp được tiên ông, nghìn năm hi vọng, nay đã được gặp, nay đường đột khiếm
nhã xin thưa, anh em nhà chúng tôi đức mỏng, đến nay tuổi đã cao mà muộn về đường
con cháu. Nay gặp tiên ông ở đây như mây mờ gặp ánh sáng, thấy hình dáng của
tiên ông khác người thường, ắt là có phép thuật thần thánh, một lòng xin tiên
ông mở rộng tâm đức, thương xót tới chúng tôi. Vạn lần xin nhờ vào sức của tiên
ông”.
Cụ già nói: “Ta không phải thần, không phải thánh, là người
nhàn hạ, thích thú tiêu giao non nước, xem xét phong thủy họa phúc thế gian, là
người tạo phúc không có ý gì khác. Nay bọn ngươi gặp ta ở đây, là đức lớn của
nhà các ngươi, ta thấy trên núi Thu Tịch có thể đất rất quý, nếu an táng ở đất
đó, không quá 100 ngày sau sẽ sinh ra thánh tử. Các ngươi hãy thu thập hài cốt
tiền nhân, bí mật mang tới táng tại đó, chớ để lộ”.
Hai ông nghe thấy thế, rất vui mừng, muốn hành lễ bái tạ thì
cụ già đã biến mất. Hai ông trở về nhà, thu hài cốt của cha mẹ an táng tại đó.
Xong việc, lập đàn hành lễ cầu đảo trời đất thần linh, xin sớm được ứng điều
lành, được ban phúc lành, đội ơn mưa móc, trông cậy vào sự giúp đỡ của Trời, Thần.
Khấn xong, đêm hôm đó ông Ban mông lung thiếp đi, bỗng thấy một tướng thần cưỡi
hổ đen, hai tay ôm hai đứa trẻ từ phía ngoài đi đến chỗ ông Ban nằm, nói: “Nhà
ngươi tích thiện, trời đã thấu hiểu, nên ban cho hai đứa con, sau này tất có
tài giúp nước, an dân”. Nói xong, thần tướng bay lên không trung.
Ông Ban tỉnh giấc, biết là nằm mộng, tất có điềm lành, ông
trời không phụ, phúc địa hưng thịnh. Hai vợ chồng cùng nhau loan phượng yến
oanh, cầm sách hoan ca. Từ đó, bà có thai 11 tháng, đến ngày 20 tháng 7 sinh ra
hai người con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú, giống như đứa trẻ trong giấc mộng,
thân thể to lớn, tay chân chắc khỏe. Người cha rất vui vì đã làm điều phúc, ông
trời đã ban cho hai con nên đặt tên người anh là Sùng, em là Hiển.
Năm đó, người anh của ông Ban là Nguyễn Hạnh cũng sinh được
một con trai, sắc mặt khôi ngô, tướng mạo cao lớn, Nguyễn Hạnh đặt tên là Tuấn.
Ba anh em họ tư chất lẫm liệt phi thường, có khí phách anh hùng. Đến năm 12 tuổi,
tìm thầy học đạo, học được vài năm, văn chương thông suốt, võ lược tinh thông.
Phàm trên từ thiên văn, dưới đến địa lý không gì là không biết, không vật gì là
không hiểu. Người đương thời, thường nói nhà đó có phúc gì mà sinh ra những người
con văn võ kim toàn, tài giỏi như vậy.
Than ôi! Biến đổi khôn lường, họa vô đơn chí, năm ba ông tuổi
16 thì cha mẹ đều qua đời. Ba ông gào khóc trời đất, làm lễ chọn nơi cát địa an
táng, gia đường hương khói thờ phụng ba năm, gia tài đều hết.
Từ đó sớm tối sống trong cảnh thiếu thốn, kiếm củi sinh
nhai, nhưng vẫn an bần lạc đạo nuôi chí lớn. Một hôm, ba ông đều than rằng: “Bần
tiện như vậy, không thể sống được, sao có thể tồn tại được, bèn cùng nhau đi đến
núi thiêng Tản Lĩnh làm con nuôi của Ma thị Cao sơn Thần nữ, ngày ngày được
nuôi dưỡng bằng rau thái, rau tần.
Sau được ban cây gậy thần của Thái Bạch Thần Tinh và sách của
Long Đình Thủy Đế, cứu được họa, tạo phúc thế gian, báo đáp công ơn của mẹ
nuôi. Ma thị cho là hiếu tử, bèn lập trúc thư giao ruộng đất, khe suối, kỷ vật
núi rừng cho Tuấn công. Từ đó bèn đổi hiệu là Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh
chia đất cho anh em, Sùng công ở Non sơn, hiệu là Tả Khiên thần, Hiển công ở
Lãng sơn, hiệu là Hữu Khiên thần.
Lại nói, cùng thời bấy giờ ở châu Thượng Hồng, xứ Hải Dương
có người dùng thi thư để xử thế, lấy hiếu đễ để trị gia, họ Phạm tên là Huyên,
bà vợ họ Đinh tên là Lưỡng. Hai vợ chồng tích đức hành thiện, phát chẩn cứu
nghèo, chưa từng làm hại đến ai, không tơ hào đến chút lợi cho bản thân. Phàm
những việc tốt cho mọi người, tạo phúc cho họ không gì là không hết sức làm.
Năm ngoài 40 tuổi sinh được một người con trai, văn võ kiêm
toàn, học vấn uyên bác, Phạm công đặt tên là Hoằng. Năm Hoằng 20 tuổi, cha mẹ đều
qua đời, ông hành lễ an táng chưa được 3 năm, lúc đó có người tên là Trương bụng
dạ lang sói, ngày đêm tụ tập, cướp bóc, hại người.
Thấy Hoằng công là người anh tài mưu trí, muốn ông theo hầu,
Hoằng công than rằng: “Cha mẹ ta tích thiện hành nhân, vất vả sinh ra ta, nay
ta theo bọn ngươi không phải là người có lòng trung lương, trí sáng suốt. Nếu
ta theo bọn ngươi thì phúc nhà ta sẽ bị trôi sạch, còn nếu không theo, thì họa
sẽ nhanh chóng đến. Ta đi tìm đất thiện, nơi đây không thuận hòa”.
Nói xong, thu dọn đồ đoàn, một gánh giang sơn, bốn phương
tìm phong cảnh, đi đến thôn Phúc Chân (nay đổi là xã Phúc Hòa) xã Hán Sài, huyện
Tây Quan, phủ Đoan Hùng, xứ Tuyên Quang, thấy sông núi hữu tình, trước thì nước
sông bao quanh, sau thì núi đồi chầu phục, ngọn ngọn như tinh tú chầu về, bèn lập
một gian nhà nhỏ ở thôn Phúc Chân làm nơi tá túc.
Ở được mấy tháng nghe tin núi Tản Viên, trời tạo đất dựng,
linh thiêng vời vợi, khí tượng vạn nghìn, u mang khôn lường. Trong núi có ba
anh em Sơn Thánh, thần tiên biến hóa bèn đến đó. Sơn Thánh thấy Hoằng công
thông minh hơn người, đức độ nhân từ, bèn nói với Tả hữu Khiên thần.
Hiển công nói: “Người này là long thần được nước, không lâu
nữa sẽ giúp chúng ta, ta nên quý mến coi trọng anh ta”. Hiển công bèn mời đến
nhà, mở tiệc khoản đãi rất hậu. Từ đó tương thân tương ái, như anh em ruột thịt.
Lại nói, cơ đồ họ Hùng đã hết, Duệ Vương sinh được 20 người
con trai, 6 người con gái đều về cõi tiên cả. Duy có 2 người con gái, người thứ
nhất tên là Tiên Dung công chúa đã gả cho Chử Đồng Tử, còn con gái thứ 2 tên là
Ngọc Hoa công chúa, sắc nước hương trời, hoa ghen nguyệt thẹn, chưa đến kỳ định
hôn, vua bèn dựng lầu ở cửa thành Việt Trì, chiếu truyền cho nhân dân trong
thiên hạ, người nào thông minh tài trí, đức độ anh hùng, có thể gả con gái và
nhường ngôi cho.
Ngày hôm đó, thuyền bè trên sông, trước lầu xa giá, nghe thấy
chiếu thiên tử, Trạng nguyên 4 biển, đều đến để so tài, mà vẫn chưa tìm được
người toàn tài. Khi đó, Sơn Thánh cùng ông Sùng, ông Hiển, ông Hoằng đến sau.
Vua ngồi xem thi tài, thấy Sơn Thánh có nhiều tài thông thiên triệt địa, cạn
sông, dời núi, là người tài bậc nhất thiên hạ, bèn gọi Công chúa xuống và gả
cho. S
ơn Thánh đón công chúa về núi Tản Viên. Các ông Sùng, ông Hiển,
ông Hoằng ở lại giúp Vua. Vua rất quý trọng các ông, phong Sùng công là Đô Đài
Đại phu, Hiển công là Đài Vàng Đại phu, Hoằng công là Thiếu Khanh.
Từ đó, đất nước thanh bình, nhân dân ấm no, hương khói không
ngừng.
Lại nói, khi đó giặc Hoa Liêu dẫn 50 vạn quân chia các đạo
Tuyên Quang, Hưng Hóa tiến đánh, thư từ biên thùy báo cấp, 1 ngày 5 lần, Vua muốn
cử ông Sùng, ông Hiển, ông Hoằng cầm quân tiến đánh.
Ông Hoằng nói rằng: “Bọn giặc này ô hợp như bầy thú, thần
xin mấy vạn lính hùng mạnh, không quá 10 ngày sẽ đánh tan bọn giặc này, sao phải
khiến Bệ hạ và hai anh phải phiền lòng”. Vua nghe nói mà than rằng: “Các bậc
anh hùng tài đều ở nước ta, cần phải lo sợ gì”. Lập tức ban cho Hoằng công làm
Án sát các đạo Tuyên Quang, Hưng Hóa, thống lãnh ba quân, đánh giặc Hoa Liêu.
Công (Hoằng) bái tạ, dẫn binh thẳng tiến, thế hùng mạnh, đại
chiến một trận, chém được mấy trăm đầu giặc, bắt được tướng giặc mang về. Vua
ban thưởng cho ông, gả Hồng Hoa công chúa là cháu họ cho Hoằng Công, phong là
phò Mã.
Một hôm, Hoằng công nhớ đến thôn Phúc Hòa, xã Hán Sài, bèn
cùng với ông Hiển làm sớ tâu xin ăn lộc ở thôn Phúc Chân, xã Hán Sài. Vua ban
cho xã Hán Sài được miễn sưu sai tạp dịch. Nhân dân xã Hán Sài từ già đến trẻ đều
vui mừng, lễ làm đón Hiển Công, Hoằng công và Hồng Hoa công chúa về xã, lập
hành cung trên đất thôn Phúc Chân để các vị ở.
Bấy giờ vua tại vị được 150 năm, Thục vương (là dòng dõi
Hùng gia chủ bộ Ai trác) nghe tin Vua đã nhiều tuổi mà 20 người con trai đã về
cõi tiên, không có người kế vị, bèn phát động tinh binh trăm vạn, ngựa khỏe
3000 con chia làm 3 đạo tiến vào.
Một đạo theo đường Thập Sách, Tối Quỳnh, Quật Sơn, 1 đạo
theo đường biển Hoan Châu, Hội Thống, thủy bộ tiến, âm thanh chấn động. Duệ
Vương lo lắng bèn triệu Sơn Thánh đến hỏi kế sách, Sơn Thánh tâu rằng: “Hơn 2000
năm đến nay, bậc vua thánh hiền nghĩa đức hậu, thấm khắp lòng người, mà nay nước
giàu binh mạnh, uy đức Bệ hạ vượt ra ngoài bốn biển, bọn người Thục không tự biết
mình, dám cơ hội làm loạn, ý đó đã rõ. Nay tình thế không ổn, thần nguyện hết
lòng phò thánh giá, cùng chọn tướng tài, thiên hạ sẽ được bình yên”.
Duệ Vương lấy làm vừa ý, thế là Sơn Thánh thảo hịch sai Hiển
công, Hoằng công dẫn 10 vạn binh tiến đến Hoan Châu, chặn các đường thủy, bộ của
quân giặc. Sơn Thánh cùng các tướng và 30 vạn hùng binh chia làm các đạo. Hiển
công, Hoằng công ở cung Phúc Chân, nghe thấy hịch bèn tập hợp hơn 100 đinh
tráng xã Hán Sài làm gia thần lãnh quân tướng ngay ngày hôm đó thuyền bè chỉnh
tề quân lính tinh nhuệ thủy bộ cùng tiến, quân đi ầm ầm nghìn dặm tiến thẳng đến
Hoan Châu, đánh nhau với quân giặc một trận, chém được vô số quân giặc.
Quân Thục thua to, chạy toán loạn. Sơn Thánh cùng các tướng
hợp lực, đánh tan quân Thục đến mảnh giáp cũng không còn. Sơn thánh truyền cho
các tướng cùng hội bàn, dâng tấu báo tin vui. Vua ban chiếu triệu hồi, gia
phong tướng sĩ, ban phong Sơn Thánh là Nhạc Phủ kiêm Thượng đẳng thần, phong Hiển
công là Đài vàng Quý Minh Đại Vương, Hoằng công là Phò Mã án sát Đại Vương.
Hai ông bái tạ, rước sắc về cung tại thôn Phúc Chân hành lễ
khánh giá. Ngày hôm đó, nhân dân xã Hán Sài cùng hành lễ đón mừng. Từ đó, hai
ông ngày tháng tiêu giao, cùng nhân dân địa phương hưởng thái bình an lạc. Một
hôm, hai ông cùng Hồng Hoa công chúa cùng ngự ở hành cung chính điện xung quanh
có người đứng hầu, bỗng thấy cầu vồng hồng như tấm lụa đỏ, từ trên trời bay thẳng
xuống trước cung.
Trời đất u ám, mưa gió nổi lên. Trong chốc lát, gió mưa tan
biến, trời đất sáng tỏ, nhưng không thấy Hồng Hoa công chúa đâu, chỉ thấy khăn,
áo còn đó (hôm đó là ngày 19 tháng 7) hai ông viết thần hiệu của Hồng Hoa công
chúa đặt bên phải hành cung để thờ. Lại nói, một hôm khi Vua Duệ Vương định nhường
ngôi cho Sơn Thánh, Sơn Thánh không nhận, xin Vua nhường ngôi vị cho Thục
Vương, Vua nghe theo, triệu Thục Vương đến nhường ngôi cho.
Xong việc, ngày hôm sau Vua cùng Sơn Thánh bay lên trời, hóa
sinh bất diệt. Khi đó, hai ông (Hiển và Hoằng) ở thôn Phúc Chân, nghe tin Vua
nhường ngôi cho Thục Vương, cùng Sơn Thánh hóa, bèn tiếp yến tiệc triệu nhân
dân phụ lão thôn Phúc Chân đến nói: “ta và nhân dân nơi đây có nghĩa sâu nặng,
không phải một ngày, há sao có thể quên. Nay hành cung của ta ở địa phận thôn
này, dân thôn hãy thờ phụng Hồng Hoa công chúa và chúng ta, trăm năm sau cũng
nên thờ phụng chúng ta ở nơi này. Dân nên theo lời ta, chớ có thay đổi”.
Nói xong, hai ông cùng loan giá đi du ngoạn, khi đó có một số
phụ lão và người trong thôn Phúc Chân tùy hành theo hai ông. Một hôm, hai ông đến
giữa đường núi Tản Lĩnh, bỗng gặp xe của Sơn Thánh đang bay, hai ông bái tạ,
Sơn Thánh cười mà tụng rằng:
Một thời hòa mục quân thần
Hà cớ bo bo lẽ thường nhân
Nay triệu chư ngài về tiên cảnh
Trên mây vạn dặm hội quân thần
Tụng xong, trời đất mịt mùng, giữa ban ngày mà như đêm tối,
hai ông biến mất (đó là ngày 13 tháng 10).
Phụ lão và mấy người thôn Phúc Chân theo hai ông đến đấy,
lúc đó thấy hai ông hóa, bèn trở về đem chuyện đó nói với nhân dân, nhân dân
hành lễ viết thần hiệu lập miếu ở hành cung để thờ phụng các ông.
Từ đó về sau, trải qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần được hưởng
hương khói mãi mãi, nước đảo, dân cầu, đều rất linh ứng, có nhiều đời vua phong
mỹ tự, bốn mùa hương khói, vạn đời vô cùng, trường tồn cùng trời đất. Tốt đẹp
thay!
Bản thôn tuân phụng Phò Mã án sát Đại Vương, Đại Vàng Quý
Minh Đại Vương, Thánh Mẫu Hồng Hoa công chúa. Hàng năm, đến ngày 20, 21 tháng 7
là ngày sinh của thần lễ có trâu, bò, lợn, xôi, rượu, bánh mật và ca hát đại tiệc.
Hàng năm đến ngày 19 tháng 7 là ngày hóa của Hồng Hoa công chúa, lễ dùng lợn,
gà, xôi, rượu, chè đậu. Hàng năm đến ngày 13 tháng 10 là ngày hóa của hai vị đại
vương, lập miếu khai sắc, lễ dùng trâu, bò, xôi, rượu đại tiệc. Còn các tháng đều
chọn ngày tốt hành lễ vật tùy theo.”
Các hiện vật trong di tích:
Đình Phúc Hòa: Hiện lưu giữ 3 đạo sắc phong do Viện Hán-Nôm
trao tặng, trong đó có:
* Đạo số 1:
- Phiên âm Hán -Việt:
Sắc chỉ Sơn Tây tỉnh, Ngọc Quan huyện, Hán Đà xã, tòng tiền
phụng sự: Tĩnh trấn quảng hậu hùng tuấn trác vĩ thành hoàng cao sơn thượng đẳng
thần, quang hiển diệu phu chiêu cảm đôn ngưng thành hoàng quý minh chi thần. Tiết
kinh ban cấp sắc tặng chuẩn kì phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên, chính trị
Trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Đặc
chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển. Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.
- Dịch nghĩa:
Sắc phong xã Hán Đà, huyện Ngọc Quan, tỉnh Sơn Tây từ xưa đã
phụng thờ: Tĩnh trấn quảng hậu hùng tuấn trác vĩ thành hoàng cao sơn thượng đẳng
thần, quang hiển diệu phu chiêu cảm đôn ngưng thành hoàng quý minh chi thần, từng
được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Tự Đức năm thứ 31, nhân đại lễ mừng
Trẫm ngũ tuần vậy ban bảo chiếu ân lớn, lễ có nâng bậc. Đặc chuẩn cho phép phụng
thờ như xưa để nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Hãy nhận!
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).
* Đạo số 2:
- Phiên âm Hán - Việt:
Sắc anh hiệp minh khiết tĩnh trinh nhàn uyển hồng anh phu
nhân chi thần. Hướng lai hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Tiết kinh ban cấp tặng
sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến niệm thần hưu, khả gia tặng: dực bảo
trung hưng chi thần, nhưng chuẩn hứa Sơn Tây tỉnh, Ngọc Quan huyện, Hán Đà xã y
cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.
- Dịch nghĩa:
Sắc anh hiệp minh khiết tĩnh trinh nhàn uyển hồng anh phu
nhân chi thần. Thần đã giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng và từng được
ban cấp sắc phong lưu giữ thờ tự. Nay Trẫm nối mệnh lớn – lên ngôi báu, nhớ đến
công lao to lớn của thần. Vậy gia tặng: Dực bảo trung hưng chi thần, cho phép
xã Hán Đà, huyện Ngọc Quan, tỉnh Sơn Tây phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ cho
con dân của ta. Hãy nhận!
Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
+ Đạo số 3:
- Phiên âm Hán-Việt:
Sắc Tĩnh trấn quảng hậu hùng tuấn trác vĩ thành hoàng cao
sơn thượng đẳng thần, quang hiển diệu phu chiêu cảm đôn ngưng thành hoàng quý
minh chi thần. Hướng lai hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Tiết kinh ban cấp tặng
sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến niệm thần hưu, khả gia tặng: dực bảo
trung hưng thượng đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Sơn Tây tỉnh, Ngọc Quan huyện, Hán
Đà xã y cựu phụng sự, thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.
- Dịch nghĩa:
Sắc Tĩnh trấn quảng hậu hùng tuấn trác vĩ thành hoàng cao
sơn thượng đẳng thần, quang hiển diệu phu chiêu cảm đôn ngưng thành hoàng quý
minh chi thần, Thần đã giúp nước che chở cho dân tỏ rõ linh ứng và từng được
ban cấp sắc phong lưu giữ thờ tự. Nay Trẫm nối mệnh lớn – lên ngôi báu, nhớ đến
công lao to lớn của thần. Vậy gia tặng: dực bảo trung hưng thượng đẳng thần,
cho phép xã Hán Đà, huyện Ngọc Quan, tỉnh Sơn Tây phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo
hộ cho con dân của ta. Hãy nhận!
Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
Phong tục Lễ Hội
1. Phong tục:
Tục từ nhiều đời xưa truyền lại trong làng là sinh con không
ai được đặt tên giống tên húy của các vị thánh được thờ phụng là tên : Hoằng,
Hiển, Sùng, Hồng. Kể như loại cây hồng mang làm lễ cũng gọi tên khác từ quả hồng
gọi là quả cậy.
2. Lễ hội:
Xuân thu nhị kỳ đình Phúc Hòa đều tổ chức lễ hội.
Các kỳ cầu chính (tính theo âm lịch): 15/ 1 tổ chức lễ; 19-20/7 lễ chính; 12-13/10 tổ chức lễ; 25/12 tổ chức
lễ.
- Ngày 15/1 và ngày 25/12 đình không tổ chức lễ lớn mà thủ từ
thay mặt dân làng thắp nhang làm lễ ở đình. Ngày 12-13/10, đình cũng tổ chức lễ
lớn nhưng không rước nước và rước kiệu.
- Ngày 19-20/7, dân
làng tổ chức rước nước từ giếng ngọc lên đình để làm lễ cúng tế và tổ chức rước
kiệu từ đình ra miếu Bà (Miếu thờ Hồng Hoa công chúa cách đình 2km) sau đó rước
về đình tổ chức các nghi lễ cúng tế Thành hoàng và các Thánh.
Thời gian tổ chức: từ ngày 19 tới hết ngày 20.
Thành phần đoàn rước: gồm trai tân, gái chỉ, đội cờ, đội kiệu
và nhân dân trong thôn.
Lễ vật: Theo quy định của làng đề ra, việc chuẩn bị lễ vật
được luân chuyển cho từng hộ gia đình trong thôn “Cơm lần, canh lượt”. Theo lệ
chung của dân làng mỗi năm đến lượt một hộ gia đình có suất đinh (là những gia
đình có con trai) trong làng nuôi một con lợn đen tuyền, nặng từ 40-50 kg để
dâng lễ cho đình. Ngoài việc nuôi lợn các hộ gia đình khác còn góp gạo nếp, gà
và làm chè kho. Các gia đình có suất đinh chuẩn bị lễ này mỗi năm góp 10 kg gạo
nếp để thổi xôi, gà cúng Thành hoàng. Chè kho làm từ đỗ xanh được các cụ già
trong làng rang, sau đó để các trai thanh niên chưa vợ giã nhuyễn nấu với mật để
cúng tế.
Mỗi năm là một hộ gia đình có suất đinh (tính lần lượt gia
đình trong làng) được giao cho việc nuôi lợn, lợn phải là lợn đen. Việc nuôi lợn
rất cầu kỳ, gia đình phải lựa chọn con khỏe mạnh, khi nuôi cho ăn sạch, ở sạch
và có trọng lượng từ 40 kg trở lên mới được làm vật cúng tế.
* Phần lễ: Bắt đầu từ chiều ngày 19, các gia đình tập trung
dựng lán cạnh đình chuẩn bị lễ vật và rước nước từ giếng ngọc lên đình để làm
thờ cúng và cỗ.
Sáng sớm ngày 20, tổ chức rước kiệu đến miếu Bà (Miếu thờ Hồng
Hoa công chúa). Đi đầu đoàn rước kiệu là 10 nam thanh niên, gồm có 5 người rước
cờ vuông, 5 người rước cờ đuôi nheo. Kế tiếp là đội rước kiệu, trên kiệu có mâm
ngũ quả, hương hoa, thắp 2 ngọn nến. Kiệu do 4 người trai tráng, mặc quần áo
màu đỏ; áo cổ tròn có túi, quần may kiểu lá toạ (quần thắt bằng dây ngoài để cạp
xòa xuống) bằng vải nỉ đỏ, nẹp trắng, đi hài mũi vểnh có thêu, tiếp là đội bát
âm và đi sau là dân làng.
Khi kiệu đến đình thì chủ lễ sẽ làm lễ tế tại đình với các lễ
vật được chuẩn bị trước đó là lợn, gà, xôi, chè kho và nước rước từ giếng ngọc.
Chủ tế cầu bình an, ấm no cho dân làng và tưởng nhớ đến công ơn các vị Thành
hoàng. Khi kết thúc lễ tế, tổ chức khao làng và chỉ có nam giới được tham dự,
tiếp theo diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian.
Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, di tích đình
Phúc Hòa đến nay vẫn còn những ảnh hưởng nhất định về văn hóa-tâm linh đối với
người dân Hán Đà nói riêng và huyện Yên Bình nói chung. Nhân dân luôn coi đình
là nơi tối linh thiêng, là niềm tự hào, hãnh diện với các bậc tiền nhân đã có
công khai khẩn đất hoang lập nên làng, xã và chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê
hương, đất nước.
Đình Phúc Hòa cũng như các đình khác đã trở thành biểu tượng
của nông thôn Việt Nam, đi vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Đình là
nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng cộng đồng; là nơi ghi danh, tưởng nhớ
đến các thành hoàng của làng xã và là nơi bảo tồn, lưu truyền, phát huy những
giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đức Huân- Thanh Hùng- Phòng Văn hóa và Thông tin