Đình Phúc Long, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang thờ phụng lục vị đương cảnh Thành hoàng là Sứ Cung Đại vương, Phương Dung công chúa, Quý Minh đại vương, Quảng Tế đại vương, Thánh Đức đại vương, Tướng Gia đại vương, 8 vị thần âm phù cho dân cho nước và Nhuệ Quận công.
Phúc Long là một làng cổ, nằm gần chân núi Nham Biền với bề
dày truyền thống lịch sử văn hóa. Vùng đất này có cư dân sinh sống từ mấy nghìn
năm trước và còn để lại dấu tích qua các gò mộ thời Hán thuộc, trên các cánh đồng
làng. Trải mấy nghìn năm, người dân nơi đây luôn sống hòa thuận, đoàn kết.
Sinh hoạt làng xã được quy ước theo từng giáp, từng xóm. Sau
này, trong kỷ nguyên độc lập, người dân Phúc Long còn sáng tạo ra nhiều công
trình kiến trúc, xây dựng mà nay đã trở thành di sản văn hóa cần được quan tâm
bảo tồn, tiêu biểu nhất là ngôi đình Phúc Long, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh
Bắc Giang.
Đình Phúc Long có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được trùng tu,
tôn tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX),
cùng các giai đoạn sau này.
Căn cứ nội dung văn bia niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876) hiện
còn lưu giữ trong đình cho biết: đình Phúc Long thờ 6 vị đại vương và một vị
Anh Hoa công chúa có công lớn với dân với nước đó là: Đương cảnh thành hoàng Sứ
cung, Đương cảnh thành hoàng Phương Dung công chúa, Đương cảnh thành hoàng Quý
Minh đại vương, Đương cảnh thành hoàng Quảng Tế đại vương, Đương cảnh thành
hoàng Thánh Đức đại vương, Đương cảnh thành hoàng Tướng Gia đại vương…; Đình
còn thờ 8 vị thần âm phù linh ứng, giúp dân đánh giặc giúp nước, bảo vệ cho dân
làng trong quá trình xây dựng, phát triển làng xã.
Ngoài ra nhân dân Phúc Long còn thờ phối hưởng Nhuệ Quận
công, người bản quán, một võ quan thời Lê - Trịnh đã có công giúp dân tu sửa
đình làng. Nhớ ơn ông, dân làng đã tạc bia khắc ghi công đức của ông và thờ
quan tướng công làm Hậu thần, hàng năm cúng tế ông và ngày giỗ 10 tháng 7, gọi
là giỗ đức cụ.
Ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và tổ chức
các tiết lệ, lễ hội hàng năm của dân làng. Trong năm, làng tổ chức một số tiết
lệ chính: Ngày 15 tháng Giêng là ngày dân làng làm lễ cầu mát tại đình với ước
mong dân an vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Mùng 5 tháng 5 là
tiết hạ điền, dân làng làm lễ tế vua Thần Nông ở đình.
Mùng 10 tháng 7 ngày giỗ Đức Cụ (tức Nhuệ Quận công Lê tướng
công). Ngày 15 tháng 8 là ngày vào đám, dân làng tổ chức tế lễ, mở hội thu hút
đông đảo nhân dân trong vùng tham gia.
Trải qua thời gian, đình Phúc Long hiện còn bảo lưu nhiều
tài liệu, hiện vật cùng với những mảng trang trí nghệ thuật có giá trị, tiêu biểu
là hệ thống các mảng chạm khắc tinh xảo trên các cấu kiện kiến trúc gỗ với nhiều
đề tài phong phú và đa dạng. Điều này đã minh chứng cho lịch sử hình thành và
phát triển của di tích đình Phúc Long cũng như truyền thống văn hóa vùng đất
này từ xưa đến nay.
Hiện nay, đình Phúc Long tọa lạc trên địa thế đẹp, nằm ở
trung tâm thôn Phúc Long, mặt nhìn về hướng Tây Nam. Xung quanh di tích là khu
dân cư trù mật, trường học, nhà văn hóa truyền thống đã góp phần tạo nên cảnh
quan cổ kính giữa một làng quê trù phú yên bình. Xa xa là dãy núi Nham Biền mờ
xanh hùng vĩ như án ngữ bảo vệ cho mạch đất nơi đây.
Nghi môn đình Phúc Long được xây dựng theo kiểu trụ biểu với
1 cửa chính 2 cửa phụ. Các trụ biểu có tiết diện hình vuông, thân trụ biểu đắp
câu đối chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đình và người được thờ trong đình. Qua
Nghi môn là đến khuôn viên đình gồm sân và phần nội tự. Sân đình được lát bằng
gạch nem tách vuông đỏ. Phần sân nối với đình qua bậc tam cấp bằng đá xanh.
Xung quanh sân đều được bó vỉa gọn gàng. Đứng từ đây có thể bao quát toàn bộ
không gian cảnh quan của di tích.
Đình Phúc Long có bình đồ kiến trúc hình chữ Nhị, gồm 2 hạng
mục: Tòa Đại đình và Hậu cung.
Tòa Đại đình được tạo bởi 3 gian 2 chái, mái đình thoải rộng
với 4 đầu đao cong vút, bốn góc đao uốn cong như những ngọn sóng hướng đuổi
theo chú nghê đang cưỡi vân mây, chân đạp sóng nước trên bờ guột mái đình, hình
ảnh trong phong thủy mang ý nghĩa để phòng ngừa hỏa hoạn.
Chính giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai
bên đầu bờ nóc đắp nổi hình đầu kìm với đuôi cong vút ngậm vào bờ nóc. Tại đoạn
khúc nguỷnh đắp nổi hình hai chú nghê đang chầu vào trung tâm cửa đình như kiểm
soát người hành lễ. Tất cả tổ hợp trang trí đều mang phong cách kiến trúc truyền
thống và tạo cho dáng vẻ bên ngoài ngôi đình thêm phần uy linh, cổ kính.
Các gian hồi tòa Đại đình được xây theo kiểu thức tường lửng,
phía trên tường lắp hệ thống chấn song gỗ. Hệ thống tường lửng đều được xây gạch
chỉ bắt mạch để mộc trang trí các ô thoáng hình chữ Thọ cách điệu tạo sự thông
thoáng cho bên trong toàn bộ nội tự.
Ba gian giữa tòa Đại đình được xây thụt vào tạo hàng hiên nhỏ
phía trước, gian chính giữa lắp cửa thượng song hạ bản, hai gian 2 bên lắp 2 cửa
phụ; nền lát gạch gốm Hạ Long. Kết cấu chịu lực bên trong tòa Đại đình đều được
làm bằng gỗ lim chắc khỏe với 8 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột, tất cả 48 cột gỗ
lim chịu lực cho toàn bộ ngôi đình.
Hệ mái được tạo bởi 4 vì, liên kết với nhau bởi xà ngang, xà
dọc, các khoảng hoành, kẻ tạo vì mái. Vì gian giữa phía bên phải tòa Đại đình
liên kết theo kiểu thức con chồng đấu kê, trụ giá chiêng. Ba vì còn lại liên kết
theo kiểu thức chồng rường, đấu kê.
Tại gian trung tâm tòa Đại đình, tính từ phần xà nách hướng
lên trên tạo thành 1 gian thờ là Thượng cung (hay còn gọi là Giường hành) gắn kết
với nhau bằng các ván ghép, phía trước lắp hệ thống mành tre tạo không gian
linh thiêng cho nơi thờ tự. Bên trong Thượng cung là nơi đặt ngai thờ, sập thờ
cùng các đồ thờ tự khác như quả cầu gỗ, bát hương…
Hậu cung đình Phúc Long gồm 1 gian. Tường xây gạch, ngoài phủ
vữa, quét vôi. Mái lợp ngói mũi. Bờ nóc gắn gạch chỉ ngoài phủ vữa. Kết cấu chịu
lực bên trong Hậu cung được tạo bởi 1 gian, liên kết bởi 2 vì. Các vì nóc tòa Hậu
cung được liên kết theo kiểu con chồng trụ giá chiêng, vì nóc kiểu kẻ ngồi.
Bên trong Hậu cung gồm 1 gian đặt đồ thờ tự các vị Thành
Hoàng làng với đầy đủ loại hình: Ngai thờ và bài vị, bát hương... và các đồ thờ
khác. Các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ, không chạm khắc cầu kỳ.
Ngoài hai hạng mục trên, thì đình Phúc Long còn có tòa Tả vu
và Hữu vu được xây dựng năm 2021 gồm 3 gian với 4 vì, các vì liên kết giống
nhau theo kiểu thức chồng rường giá chiêng. Các cấu kiện đều được làm bằng gỗ
lim chắc khỏe.
Đình Phúc Long có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật
được thể hiện thông qua các mảng trang trí, chạm khắc trên các cấu kiện kiến
trúc tiêu biểu như: trên đầu dư, đầu bảy, ở các bức cốn, cửa võng, ở các yếm cột
(hay còn gọi là các cốn tai cột).
Bao quát tổng thể kiến trúc có tới 12 đầu dư chạm khắc đầu rồng,
12 yếm cột, 13 bức cốn chạm khắc nhiều đề tài ở các vì, 5 kẻ… tất cả đều được
chạm khắc, trang trí với nhiều đồ án khác nhau.
Có thể nhận thấy, sự khác biệt với nhiều ngôi đình là toàn bộ
khung gỗ của đình Phúc Long đều để trần, không sơn son thếp vàng, mà mộc mạc
nhưng vẫn phô diễn được sự tinh tế, tài khéo của các nghệ nhân xưa. Các kết cấu
kiến trúc và nội dung chạm khắc đã thể hiện tài năng của hai hiệp thợ tham gia
xây dựng đình.
Theo các cụ cao niên cho biết làng xưa chia làm hai giáp:
Phía Đông thuộc giáp Đông, phía Tây thuộc giáp Nam và giáp Đoài. Khi xây dựng
đình thì đồng nghĩa với việc hai giáp sẽ cử những hiệp thợ của giáp tham gia
xây dựng đình. Như vậy, theo phân công của các giáp, một hiệp dựng các vì phía
Đông và một hiệp lại dựng các vì phía Tây.
Do đó, phong cách chạm
khắc trên các cấu kiện kiến trúc đã bộc lộ hai phong cách hoàn toàn khác nhau.
Hai vì phía Đông (bên trái tòa Đại Đình) có nét thô phác, trơn tru, phóng
khoáng. Ngược lại, hai vì phía Tây (bên phải tòa Đại đình) lại tinh tế, tỉa
tót, đường nét chau chuốt, mềm mại.
Song tất cả vừa hoà quện lại thống nhất, vừa phong phú đa dạng,
lại phản ánh giá trị kiến trúc chạm khắc thời Lê. Các hình trang trí phổ biến
là chạm nổi, chạm kênh bong các hình "tứ linh", "tứ quý" với
các biến thể rồng, nghê, phượng, mặt hổ phù, long hoá, ly hoá… vô cùng phong
phú. Tất cả được thể hiện trên những bức chạm khắc kiến trúc ở các vì nách, cửa
võng, các yếm tai cột tạo nên bức tranh tổng thể hoàn chỉnh đặc sắc.
Trên các con chồng của hệ thống vì nách được chạm nổi nhiều
đề tài phong phú như vân mây, kỷ hà... Ngoài ra, trên các bức cốn tại các vì tạo
điểm nhấn bằng các mảng chạm với chủ đề trọng tâm là rồng.
Rồng được phác họa ở nhiều tư thế, vị trí khác nhau, ẩn hiện
trên các bức cốn ở vì nách... Mỗi bức cốn tại vì nách đều khắc họa một bức chạm
về chủ đề rồng, song không hề lặp lại giống nhau.
Rồng có thể cuộn tròn trong ổ với các họa tiết râu, đao mác
hoặc có thể ở tư thế hướng chầu về trung tâm đình hay đặc sắc hơn là rồng nhô hẳn
đầu ra khỏi mảng chạm uốn lượn trong tư thế chầu khác nhau. Tất cả các họa tiết
tạo nên sự mềm mại, thanh thoát cho kết cấu kiến trúc nhưng lại tạo sự chắc chắn
và đầy chất thẩm mỹ thể hiện tài năng của các hiệp thợ xưa.
Nghệ thuật chạm khắc còn được thể hiện dày đặc trên cửa võng
đặt tại vị trí 3 gian trung tâm tòa Đại đình. Khác hẳn các bức cửa võng ở một số
ngôi đình khác được sơn son thếp vàng rực rỡ thì cửa võng đình Phúc Long không
đồ sộ, mà uy nghiêm nền nã, thanh thoát với nhiều đồ án, chạm khắc tại vị trí
xà ngang của đình. Mỗi bức cửa võng như một đồ án trang trí mang tính nghệ thuật
cao.
Bức cửa võng gian bên phải tòa Đại đình được chia làm 4 phần:
Phần trên cùng chạm lộng nhiều chủ đề phong phú. Xuyên suốt là hình hoa dây mềm
mại cân xứng hai bên diềm cùng chầu về chính giữa là mặt hổ phù cách điệu; điểm
giữa ở các khúc hoa dây uốn mềm mại là những bông hoa cúc nở xoè tròn chĩnh; mỗi
đoạn hoa dây ở 3 đoạn chạm nổi hình 3 chim phượng ở các tư thế khác nhau. Trên
dải hoa dây tạo điểm nhấn với chủ đề “mã đáo truy phong”.
Gắn kết với bức diềm trên cùng là phần gờ được trang trí
theo hình cánh sen bên trong là bố cục dạ cá cân xứng đăng đối. Phần thứ 2 của
bức cửa võng được chia thành 6 ô hình chữ nhật. Trung tâm giữa các ô chữ nhật
là hình quả trám, xung quanh trang trí các đao mác tua tỏa ẩn lấp trong những
đám mây.
Phần thứ 3, được chia làm 7 ô hình chữ nhật, hai ô ngoài
cùng trang trí hình hoa thị, các ô còn lại được trang trí các chủ đề hoa lá
cách điệu khác nhau như hoa cúc, dây leo…Để tạo cho bức cửa võng thêm gắn kết
giữa các phần trang trí, các nghệ nhân xưa đã khéo léo chạm khắc thêm các chủ đề
hoa dây trên phần gờ ngăn cách các phần của cửa võng vừa tạo sự mềm mại trong bố
cục, vừa phô diễn tài năng của người nghệ nhân.
Phần cuối cùng của cửa võng được bố cục thành 3 ô, các ô được
khắc họa chủ đề trọng tâm là hình rồng chầu mặt Nguyệt, xung quang chạm khắc
vân mây, đao mác tạo nên sự linh thiêng, uy quyền nơi cung cấm. Đáng lưu ý, các
mô tuýp rồng được chạm khắc tại các ô gần như giống nhau nhưng lại rất tinh tế
và công phu, nhìn tổng thể như những bức tranh gấm long lanh, hiện thực.
Ở cửa võng gian bên trái tòa Đại đình cũng được chia làm 4
phần cân đối, hài hòa với bức cửa võng bên phải tòa Đại đình. Phía trên cùng là
phần diềm được chạm các hình hoa dây uốn lượn hình chữ S. Đoạn giữa của dải hoa
dây vẫn được chạm nổi đề tài “Mã đáo truy phong”. Các phần còn lại của bức cửa
võng vẫn chạm khắc giống cửa võng gian bên phải tòa Đại đình.
Ngoài các mảng chạm khắc được thể hiện trên các vì nách, cửa
võng thì trên các yếm tai cột cũng được các nghệ nhân thổi hồn vào những mảng
chạm khắc. Theo thống kê tại tòa Đại đình có tất cả 12 yếm tai cột. Yếm tai cột
tuy không có tác dụng chịu lực, nhưng lại là phần nối giữa cột và xà, nên tạo cảm
giác bề thế và vững chắc cho các cột và kết cấu tòa Đại đình.
Đáng lưu ý là tại hai mặt của từng yếm tai cột, người thợ
xưa đã chạm nổi tạo tác nhiều nhất là các hình đầu rồng, sau đó là đầu nghê, hổ
phù vươn ra tạo thế đỡ vững chãi cho bộ khung.
Các đầu rồng này nhìn tổng thể có vẻ dữ tợn với mắt mở to,
mũi gồ cao, râu chẽ xoè kiểu nan quạt và lượn sóng, chân trước đưa lên vuốt
râu, ẩn hiện xen lẫn trong họa tiết đao mác tua tủa vút lên từ đầu rồng tạo
thành một đồ án có bố cục đăng đối là một trong những mô típ đặc trưng tiêu biểu
thời Lê Trung Hưng. Mỗi yếm tai cột, ngoài đầu rồng nghệ nhân xưa còn chạm xen
lẫn nhiều con vật nhỏ với các tư thế khác nhau.
Ví dụ như yếm cột 2 bên cửa võng bên phải tòa Đại đình. Hai
yếm cột đều chạm hình đầu rồng, phần râu rồng chạm hình người cưỡi nghê, tay
túm đuôi rồng. Tiếp đến là hình ba người đang cưỡi râu rồng như bồng bềnh bay
trên mây.
Hay tại các yếm tai cột dưới bức cửa võng tòa bên trái Đại
đình, chạm hình người cưỡi long mã, hai tay dang rộng như đang điều khiển linh
vật, phía trước là người cưỡi thiên nga, các hình này được xen lẫn ẩn hiện
trong râu rồng. Sau long mã là các linh vật khác cũng như đang tư thế bay lượn,
vờn đùa với nhau…tạo nên đồ án trang trí đa dạng.
Thông qua các chủ đề, dường như người thợ xưa muốn gửi gắm ý
tưởng cách tân táo bạo, đưa hình ảnh của cuộc sống dân dã đời thường vào từng
thớ gỗ nơi linh thiêng. Mặt khác, hình tượng rồng vốn mang biểu tượng uy quyền,
nhưng trong các đồ án trang trí tại các yếm tai cột hình ảnh rồng được người thợ
điêu khắc xưa phác họa sinh động ở nhiều góc độ khác nhau nhưng vẫn rất gần gũi
với đời thường. Đồng thời, qua đó ẩn chứa các cặp phạm trù triết lý âm dương,
cùng những khát vọng cuộc sống no đủ hạnh phúc và chinh phục thiên nhiên của cư
dân nông nghiệp xưa trên vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cuối cùng là các mảng chạm khắc được thể hiện trên các bẩy
hiên được chạm nổi với nhiều đề tài phong phú như: cá chép hóa rồng, lân cưỡi
mây, hoa văn kỷ hà.
Có thể thấy, trải qua các thời kỳ lịch sử, đến nay đình Phúc
Long vẫn bảo lưu được những mảng chạm khắc đặc sắc, tiêu biểu mang phong cách
nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đây sẽ là căn cứ có giá trị quan trọng trong việc
nghiên cứu về lịch sử cũng như truyền thống văn hóa vùng đất, con người nơi
đây.
Thông qua những mảng chạm khắc còn lưu giữ trong đình cho thấy,
đình Phúc Long đại diện cho một trong những ngôi đình có giá trị kiến trúc nghệ
thuật tiêu biểu thời Lê Trung Hưng (TK XVII-XVIII).
Các mảng trang trí, chạm khắc tại đình Phúc Long đã thể hiện
sự phong phú và đa dạng trong nghệ thuật chạm khắc thời kỳ này. Điều đó được thể
hiện thông qua thủ pháp kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, tư duy cách tân của các
nghệ nhân dân gian xưa gửi gắm vào từng mảng trang trí. Ngôi đình xứng đáng là
một trong những biểu tượng văn hóa truyền thống của làng quê Tăng Tiến nói
riêng và huyện Việt Yên nói chung./.
Nguyễn Duyên
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang
Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ