Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục chặn đánh lực lượng Trần Bá Tiên tại hồ Điển Triệt (đầm Vạc, Vĩnh Yên).
Đình Phùng Thôn thờ vị Thành hoàng làng tên là Phùng Thanh
Hoà, danh tướng tham gia khởi nghĩa Lý Nam Đế. Thần phả chép rằng ông là Hữu tướng
quân cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục chặn đánh lực lượng Trần Bá Tiên tại
hồ Điển Triệt (đầm Vạc, Vĩnh Yên).
Ông đã chọn đất Phùng Thôn lập cung sở, đóng đồn binh chuẩn
bị lực lượng để giúp Lý Bí đánh giặc. Tôn vinh người có công, nhân dân lập đền
thờ, suy tôn Phùng Thanh Hoà làm thần hoàng.
Tên thường gọi là đình Phùng Thôn nằm ở thôn Phùng, tục gọi
là làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất cách trung tâm TT Hà Nội khoảng
25km, cách huyện lỵ Thạch Thât 6 km.
Đình Phùng Thôn là một công trình văn hoá ở một làng nông
nghiệp, cửa đình trông về hướng Nam, hướng của thánh thiện tụ phúc, tụ lộc.
Đình kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm hai toà nhà Đại bái và Hậu cung.
Hậu cung 1 gian 2 dĩ, các vì kèo gỗ chạm khắc nổi hình tứ
linh, tứ quý mang phong cách thế kỷ XIX.
Nhà Đại bái được xây dựng từ lâu đời đã mai một, qua nhiều lần
trùng tu và sửa chữa lớn vào năm 1936. Cấu trúc mặt bằng của ngôi chùa nhà gồm
3 gian 2, với 4 lá mái, đao góc cong đắp đầu rồng.
Di vật thời Lê ở đình có cỗ
kiệu bát cống, đôi hạc chạm nổi trên các bức bàn cửa khám thờ cao 80 cm làm kiểu
bức bàn chạm nổi hoa văn, nhiều ngói mũi hài lợp ở mái trước Hậu cung. Di vật
thời Nguyễn khá phong phú gồm ngai thờ, hương án, hoành phi, câu đối…
Trong đình có nhiều câu đối ghi công lao vị Thành hoàng
làng:
Phiên âm Hán:
Phụ Tiền Lý, kiến độc
lập kỳ, thống nhất sơn hà tôn đế quốc.
Chuẩn Phùng Thôn, vi
phụng tự sở, thiên thu miếu mạo phúc cư dân.
Dịch nghĩa:
Giúp nhà Tiền Lý xây
nền độc lập, non sông thu về một mối, tôn làm vương đế.
Chọn Phùng Thôn làm
nơi thờ phụng, ngàn năm miếu điện để phúc cho dân
Hàng năm làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng giêng âm lịch
để tưởng nhớ đức thánh Phùng Thanh Hoà đã một lòng vì nước vì dân.
Việt Nam, với đặc trưng lịch sử là sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ nền độc lập, trong những trang vàng của mình sản sinh ra rất nhiều nhân vật
lịch sử hiển hách.
Phùng Thanh Hòa là một danh nhân lịch sử như vậy. Ông là một
ẩn số. Thử phép thống kê điểm trên các tài liệu được coi là chính sử/ chính thống
nổi tiếng, như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Khâm Định Việt sử
thông giám cương mục, Đại Nam thực lục,… thì tần suất xuất hiện danh tướng
Phùng Thanh Hòa chỉ mang lại con số rất nhỏ.
Tuy nhiên, vị thế của Phùng Thanh Hòa lại được xác lập trong
kho tàng dân gian và lịch sử địa phương (cụ thể là xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất,
Thành phố Hà Nội). Bởi vậy, đặt ra một định đề thú vị, đó chính là minh định danh
nhân Phùng Thanh Hòa. Ông là ai? Vị trí của ông trong lịch sử ra sao? Thành tựu
nào ông để lại?
Bởi vậy, nghiên cứu nhân vật lịch sử Phùng Thanh Hòa không
có nghĩa đi vào ngõ cụt nếu thiếu sử liệu. Thay vì đi vào sử sách, Phùng Thanh
Hòa đã đi vào dân gian. Trên thực tế, những manh mối đầu tiên của Phùng Thanh
Hòa lại đến từ thần phả đình Phùng Thôn (làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất) được
soạn vào khoảng thế kỷ XVII: “Đại vương họ Phùng, húy là Thanh Hòa, sinh ngày
12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8/12/528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương
nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức,
hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần
phù hộ sinh ra Ngài”. Căn cứ vào đoạn chép thần phả nói trên, thì Phùng Xá
không phải là nơi xuất thân của Phùng Thanh Hòa.
Thế nhưng ông lại được người dân tôn thờ là Thành hoàng làng
nơi đây, đồng thời, tên gọi Phùng Xá xuất phát từ Phùng Gia Trang (trang của họ
Phùng) và tên gọi này chỉ xuất hiện kể từ khi Phùng Thanh Hòa lui về đây lập
nghiệp, bởi trước đó nơi đây có tên gọi là An Hoa Trang, thuộc Câu Lậu, Giao
Châu.
Đoạn trích thần phả sau đây đặc biệt quan trọng, góp phần
làm sáng tỏ vị trí sự nghiệp của ông: “Ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần, Đại vương
(tức Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa) dẫn quân đến Liên Trang, hợp binh cùng nhà
vua (Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn)) đóng tại hồ Điển Triệt, ra sức sửa sang và đóng
nhiều thuyền chiến dàn kín mặt hồ, làm cho quân Lương thấy mà khiếp sợ...” Thần
phả đã xác nhận Phùng Thanh Hòa là một anh hùng lịch sử thế kỷ VI, cũng như đi
đến một kết luận quan trọng hơn: Sự nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp dựng
nước và bảo vệ nước Vạn Xuân của vua Lý Nam Đế.
Lễ hội làng Bùng vẫn được duy trì để tưởng nhớ công ơn giúp
nước, giúp dân của Phùng Thanh Hòa.
Nếu coi năm 544 là dấu mốc thành lập nhà nước Vạn Xuân, thì
sự nghiệp của Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn
thứ nhất, là giai đoạn Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi thứ
sử Giao Châu lúc đó là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư vào năm 541 và chiếm thành Long Biên.
Tiêu Tư vốn vơ vét bóc lột một cách hà khắc tàn bạo, dân chúng không khỏi lầm
than.
Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) là một hào trưởng tài kiêm văn võ nhận
được sự ủng hộ của các thủ lĩnh địa phương, và quy tụ dưới trướng của ông là những
quan tướng tài đức như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc.
Đầu năm 542, nhà Lương ép Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng cất quân
sang đánh nhưng thất bại tan tác ở Hợp Phố, thiệt hại đến sáu, bảy phần quân. Ở
phía Nam, thì Lâm Ấp cũng cướp quận Nhật Nam vào mùa hạ năm 543, khiến Đức ngài
Lý Bí (Lý Bôn) phải cử Phạm Tu phá tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức.
Cho tới năm 544, khi những mối hiểm họa từ phía Bắc lẫn phía
Nam đã tạm thời được dẹp yên, đức ngài Đức ngài Lý Bí (Lý Bôn) ( quyết định lên ngôi xưng Đế và xác lập nhà nước
Vạn Xuân, lập trăm quan, bổ nhiệm Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu
ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Họ là những nhân vật chủ chốt trong giai đoạn
đầu tiên của Lý Nam Đế.
Sang đến giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 545, khi nhà
Lương cho Dương Thiêu là thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên làm tư mã, tập hợp
quân đội ở châu Quảng và định nhập với quân của thứ sử Định Châu là Tiêu Bột để
tiến đánh Giao Châu. Trần Bá Tiên thúc quân đi trước đánh bại quân binh vua Lý
Nam Đế ở Chu Diên, rồi lui về cửa sông Tô Lịch thì thua tiếp, các danh tướng Triệu
Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu tử trận.
Chính ở giai đoạn hai này, cùng với Triệu Quang Phục, thì
vai trò của Phùng Thanh Hòa mới nổi lên sáng rõ. Trước tình cảnh các công thần
dày dạn kinh nghiệm lần lượt hy sinh, Lý Nam Đế đặt niềm tin vào những vị tướng
trẻ dũng cảm là Triệu Quang Phục (lúc này 21 tuổi) và Phùng Thanh Hòa (lúc này
18 tuổi).
Đại tướng quân Triệu Quang Phục được sắc phong là Tả tướng
quân, Phùng Thanh Hòa được sắc phong là Hữu tướng quân. Cho dù tuổi đời còn rất
trẻ, Phùng Thanh Hòa đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng, tham gia hợp quân
với Triệu Quang Phục tả xung hữu đột giải vây cứu vua Lý Nam Đế ở hồ Điển Triệt,
nhờ đó vua thoát vòng vây rút về động Khuất Lão.
Tháng 4 năm Mậu Thìn (548) vua Lý Nam Đế qua đời, Triệu
Quang Phục rút về lập căn cứ tại Dạ Trạch, Hưng Yên, xưng là Triệu Việt Vương
(548-571), trong khi đức ông Phùng Thanh Hòa lui về An Hoa Trang, xứ Đoài để xây
dựng hậu phương. Trước đó, vua Lý Nam Đế đã ủy quyền cho Triệu Quang Phục giữ
việc nước.
An Hoa Trang, nằm trong đại bình đồ Câu Lậu, Giao Châu, sau
này là một bộ phận của vùng văn hóa xứ Đoài, chính là cái nôi, vùng đất bản địa
của người Việt - Mường. Mang địa hình bán sơn địa núi đồi xen kẽ đồng bằng, đồng
chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồ vực lớn cùng mạng lưới hệ thống sông ngòi
dày đặc, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Có lẽ, Phùng Thanh Hòa là người tiếp nối triệt để tinh thần
giữ cho dân chúng thái bình của Lý Nam Đế nhất, giống như tên nước Vạn Xuân với
ý nghĩa khao khát mong cho xã tắc thanh bình, dân tộc độc lập, thịnh vượng đến
muôn đời sau. Ông đã nhìn thấy đây là một vùng đất lý tưởng để an dân lập ấp,
phát triển cơ nghiệp về lâu dài.
Nhưng sẽ không có một hòa bình vĩnh cửu nếu đất nước vẫn phải
chịu mối đe dọa ngoại xâm. Tầm nhìn xa của Phùng Thanh Hòa, là muốn xây dựng một
cơ sở địa phương vững chắc, cố kết và ổn định, để luôn sẵn sàng phối hợp ứng
chiến một khi vấn nạn chiến tranh xảy ra.
Đức ông là nhà phong thủy tinh thông, hiểu rõ từng miền đất, dáng núi, thế
sông. Việc ông chọn dừng chân ở lại An Hoa Trang, mảnh đất địa linh,
nhân kiệt không chỉ để an phận cuối đời mà hẳn còn mưu cầu việc lớn?
Ông còn được người đời suy tôn là Trạng Vật.
Vật ở đây không phải chỉ để
mua vui, giải trí đơn thuần mà còn một môn võ nghệ của nghĩa quân thời
ấy. Bản thân ông là một đô vật hàng đầu, khắp vùng không ai địch nổi,
rất cầu thị, tương ái với mọi người nhưng với kẻ hiểm độc, bất chấp luật
lệ, ra đòn hiểm độc, triệt hạ đối thủ để giành phần thắng thì ông không
tha. Chính vì vậy mà võ đức của ông được truyền tụng, được suy tôn.
An Hoa Trang (sau này được đổi tên là Phùng Gia Trang, rồi
Phùng Xá), vì lý do đó, chính là lựa chọn của Phùng Thanh Hòa, một vùng đất an
bình, có địa thế thuận lợi nằm giữa sông Đáy và sông Tích Giang. Khi đến đây,
ông bắt đầu cho triển khai canh tác trồng trọt, làm thủy lợi, dạy chữ, dạy nghề.
Đến năm Kỷ Tỵ 549, trong khi hoài bão vẫn còn dở dang, ông đột ngột về trời.
Song, danh tướng Phùng Thanh Hòa được lưu giữ trân trọng
trong tâm thức địa phương. Ông, với tư cách vừa là một anh hùng lịch sử, vừa là
Phúc thần của làng, vừa là vị tổ họ Phùng, được ánh xạ vào các hoạt động lễ hội
truyền thống của làng Bùng. Để tưởng nhớ công ơn giúp nước, giúp dân làm nghề
thì người dân nơi đây tổ chức lễ hội làng vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng
năm.
Ngoài phần lễ được tiến hành bởi các hương lão tại đình
làng, thì phần hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động như thi vật, đu,
các trò chơi dân gian. Nhưng đặc biệt nhất trong số đó là hội Vật, được tổ chức
từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.
Phùng Xá vốn nổi tiếng giàu truyền thống với các sới vật,
“Bùng không vật thì lúa chiêm không tốt.” Những lò vật trứ danh ở làng Bùng
luôn phụng thờ Phùng Thanh Hòa như một vị tổ nghề. Bởi đối với người dân, ông
là hiện thân của phẩm chất kiên trung dũng cảm, tinh thần thượng võ, sức khỏe
phi thường.