Đình Phương Bảng (Đình làng Ngòi) thuộc xã Song Phương, Huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội có từ thế kỷ XVII thời Lê Trung hưng. Thờ phụng thành hoàng Lý Phục Man triều đại Lý Nam Đế.
Song Phương dưới thời Nguyễn thuộc tổng Đắc Sở, huyện Đan
Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Hiện nay xã gồm thôn Phương Viên, thôn
Phương Bảng cùng trại Ngòi và trại Ba Lương.
Thôn Phương Bảng có tên Nôm là làng Ngòi. Đình làng Ngòi
thờ một vị nhân thần không rõ tên thật. Theo truyền thuyết, ngài là
một vị danh tướng đã lập công lớn giúp Lý Nam Đế đánh thắng quân Lâm
Ấp đến xâm lược nước Vạn Xuân nên được vua gả con gái và đổi tên Lý
Phục Man. Sau khi hoá, ngài được các triều đại ban sắc phong thần và
nhiều làng ở vùng Hoài Đức tôn thờ làm thành hoàng.
Đình Phương Bảng được khởi dựng vào thời Lê trung hưng. Ngôi
đình đã trải qua gần 400 năm với nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Di tích
hiện nay có quy mô bề thế và vẫn còn mang một số đặc trưng của nghệ thuật
kiến trúc thế kỷ XVII.
Đình tọa lạc trên một khu đất rộng ở phía đông của làng, gần ngôi
quán. Nhìn bên ngoài đình Phương Bảng có dáng thấp, mái rộng và độ dốc cao – kiểu
như đình Quang Húc và Tường Phiêu nói trên.
Đình Phương Bảng là một ngôi đình cổ có quy mô bề thế được
khởi dựng vào thời Hậu Lê với kết cấu kiến trúc gồm 5 gian 2 chái theo kiểu chữ
Đinh, đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thế kỷ 17.
Đình nhìn về phía đông nam qua sân rộng, hai bên có
dãy tả, hữu vu. Cổng đình giáp với đường làng, được xây kiểu nghi môn
với 4 trụ biểu có đắp câu đối chữ Hán, hai bên cửa giữa có cửa
phụ. Đại bái gồm 5 gian 2 chái kết nối với hậu cung 2 gian theo hình
“chữ Đinh”.
Cổ nhân không để lại niên đại xây dựng nhưng qua phong cách kiến trúc công trình
này có những nét tương đồng giống đình Tường Phiêu (Phúc Thọ), Quang Húc(Ba
Vì),….là những di tích được xây dựng vào thế kỷ XVII;
Hiện tại đình được xây dựng theo kiểu chứ “Đinh” gồm tòa đại
bái và hậu cung. Qua khảo sát cho thấy phần hậu cung được làm sau vào thời Nguyễn.
Phần kiến trúc ban đầu chỉ có tòa đại bái và ở 4 cột- 2 cột cái 2 cột quân gian
giữa xưa là nơi có bàn thờ để bài trí long ngai bài vị.
Cũng chính vì vậy mà ở gian giữa lối vào hậu cung trên cột
còn vết đục để lắp bàn thờ, cũng chính cửa hậu cung còn nguyên vẹn đầu bẩy
- đó chính là lối kiến trúc cổ truyền “tiền kẻ - hậu bẩy”. Như vậy, ban đầu ngôi đình được xây dựng theo kiểu chữ
“nhất”.
Nền đình cũng rất thấp chỉ có một bậc cao khoảng 20cm so với
sân đình. Đình còn giữ nguyên các đầu đao, hệ thống các con kìm, con xô bằng đất
nung và hệ thống cửa sổ kiểu bức bàn.
Năm 1997, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Phương Bảng
là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Năm 2012, đình Phượng Bảng đã được trùng tu với tổng kinh
phí khoảng 29 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: tu bổ tòa đại đình; phục dựng
hai nhà tả hữu vu; xây sân, vườn, tường rào, nhà vệ sinh và nhà bao che tòa đại
đình; cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa
cháy. Ngoài ra còn cho nâng cao lối đi từ sân trước ăn thông sang ngôi
đền lớn bên cạnh cũng thờ thành hoàng làng và được dân gọi là
“đình quán Phương Bảng”.
Góc bên trái sân đình Phương Bảng được một cây bàng
cổ thụ cao to toả bóng che. Trước thềm, bên cạnh đôi sấu đá có dựng
hai tấm bia đá trên lưng rùa nhưng chữ đã mờ. Sau khi trùng tu, những
cây cột quá khổ làm cho không gian trong toà đại bái dường như bị hẹp
lại.
Cho đến tháng 9-2021, phần trang trí vẫn còn sơ sài
và chỉ có rất ít những dấu vết điêu khắc gỗ của kiến trúc cũ. Tuy
ở tại chính điện có đôi phượng bên cặp bình sứ cổ và treo một bức
hoành phi kiểu cổ nhưng không thấy các cửa võng và câu đối.
Nguồn: 360.hncity