Đình Sàn (còn gọi là đình Phương Lạn), nay thuộc làng Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, thờ phụng thánh Cao Sơn-Quý Minh và Minh Giang Đô thống triều đại Hùng Vương thứ 18.
Đình Sàn là một trong những ngôi đình cổ có niên đại sớm ở
vùng Kinh Bắc xưa. Đình Sàn nằm trên sườn phía đông nam của dải đồi thấp, gần
quốc lộ 31 đoạn gần đến dốc Sàn. Từ rất xa, người ta đã có thể nhìn thấy một
vùng cây cối sum suê vượt trội hẳn lên trước làng Phương Lạn, thấp thoáng mái
đình sải rộng với 4 đao cong vút, cùng với chùa Sàn đã tạo thành một quần thể
kiến trúc cổ kính, đẹp đồ sộ nhất vùng này.
Đình Sàn thờ Thánh Cao Sơn-Quý Minh và Minh Giang Đô thống,
đều là những vị tướng của Vua Hùng, đã có công đánh giặc giữ nước, trừ tai diệt
họa và đã được các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban sắc phong thần.
Hiện nay, trong hai hòm sắc của đình Sàn còn lưu giữ được
nhiều đạo sắc phong với các niên hiệu như: Tự Đức lục niên; Tự Đức thập niên; Tự
Đức tam thập Tam niên; Khải Định cửu niên; Duy Tân tam niên…
Qua cổng đình, bên phải là chùa Sàn, đi thẳng vào là Tòa Đại
đình 3 gian 2 dĩ, 2 chái bề thế, uy nghiêm với 4 đầu đao cong vút. Bờ nóc đắp
"Lưỡng, long chầu nguyệt", hai đầu có Kìm, bờ dải đắp nổi nghê chầu,
phượng múa, sinh động vô cùng.
Tất cả bờ nóc, bờ dải đều gắn hoa chanh, chạy suốt, tôn thêm
vẻ đẹp uy nghiêm, to lớn, vượt trội hẳn lên, nhưng vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát bởi
sự kết hợp hài hòa đến tinh xảo các đường ngang, nét thẳng với các đường cong
vút lên mềm mại, sinh động.
Thời ấy, làng có hai giáp đông và tây. Mỗi giáp có trách nhiệm cung cấp vật liệu để xây dựng một phía đình. Làng mời hai hiệp thợ đến cùng thi công theo một chuẩn mực thống nhất nhưng độc lập hai phía.
Hiệp thợ nào cũng cố gắng chau chuốt, thể hiện tay nghề, tài nghệ của mình nên các bộ phận được tạo ra thực sự là những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật tinh xảo, độc đáo.
Đình Sàn làm kiểu chữ Công (I) gồm ba gian dải muống nối liền
với ba gian hậu cung và ba gian hậu cung cũng có đao chầu kẻ góc rất đẹp, khiến
cho toàn bộ ngôi đình đồ sộ này vượt trội hơn hẳn các ngôi đình khác ở Lục Nam.
Với kiểu kết cấu: Thượng con chồng, giá chiêng, hạ con chồng-
cốn, kẻ trường chắc khỏe, đẹp. Đặc biệt, đây là đình thời Lê còn khá nguyên vẹn,
nhưng khung cột cái cao vượt hẳn lên và cột quân thấp hẳn xuống tạo cho lòng
đình cao rộng mà rất thoáng đạt. Với kết cấu "Tứ hàng chân" này của hệ
thống khung cột đã tạo cho mái đình có độ dốc nước lớn, mái xoải rộng làm cho
ngôi đình vừa bền, chắc, vững vàng, đồ sộ, bên trong lại cao thoáng và rộng rãi
mà vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát.
Trang trí kiến trúc của đình, cho đến nay đã gần 300 năm
trôi qua, nhưng các mảng phù điêu vẫn còn khá nguyên vẹn kiểu thức của ngày khởi
tạo: cốn trước, cốn sau, cốn hai bên thuận, hai trái dày đặc, mang phong cách mỹ
thuật chạm lộng tinh xảo thời Lê với các đề tài phong phú như: "Cửu long
tranh châu", "Long ổ",
"Long vân dạ hội", "Long hí cầu"… Xen vào đó là nhiều
cô tiên xiêm áo tha thướt, với nhiều kiểu múa, lượn sinh động vô cùng.
Trên cốn tai cột là nhiều mảng phù điêu lộng lẫy, 4 tai cột
cái 4 góc đình có gắn mỗi bên một đôi ngựa gỗ yên cương đầy đủ, các con chồng
hoành điêu khắc "Long Mã lạc thư" và "Phượng hoàng ngậm
thư" rất đẹp.
Cả những kẻ trường dài suốt như vậy cũng chạm lộng dày đặc họa
tiết, với nhiều đề tài, hoa lá, chim muông, rồng, nghê, tiên múa… Bức cửa võng
"cửu trùng" lại là biểu trưng xuất sắc nhất của nghệ thuật chạm khắc,
sơn son thếp vàng thời Nguyễn.
Với 4 chữ lồng "Thánh cung vạn tuế". Trên gian giữa
và suốt mái trước cửa đình đều là thiết trần, lòng giếng sơn son chạm nổi
"Tứ linh", "Tứ quý", "Long Mã", "Lạc
thư" và hoa văn kỷ hà kéo suốt qua dải muống vào đến hậu cung. Khám thờ
trong hậu cung sáng lòa, rực rỡ bởi 2 long đình sơn son thếp vàng, 2 ngai thờ,
trong có hai pho tượng thần lộng lẫy, bài vị sơn thếp thời Lê cùng kiệu bát cống
và rất nhiều đồ thờ khác…
Vào ngày lễ hội mồng 10 tháng giêng, dân giáp đông và giáp tây sắm sửa hai cỗ lễ để thờ thánh Cao Sơn-Quý Minh. Các gia đình, họ tộc tập trung con cháu tề tựu ra đình làm lễ. Cỗ nhà cũng giống cỗ làng nhưng nhỏ hơn và những năm gần đây còn có thêm cỗ của các đội, các thôn.
Đoàn rước mâm cao, cỗ đầy của làng, của thôn xóm, đến các gia đình, dòng họ nối tiếp nhau trong sắc xuân rực rỡ, đủ thấy sự no ấm, vui tươi của vùng đất địa linh nhân kiệt.
Ngày 10 mới là chính lễ nhưng hội đã tưng bừng từ mồng 8. Nhiều trò chơi dân gian được tái hiện sinh động như: đu tiên, leo cầu kiều bắt vịt, đập niêu, hay tổ tôm điếm, cờ người, cướp cầu, đánh nai, đánh khăng, chơi quay, đấu vật...
Trò chơi mang bản sắc riêng của quê hương Phương Lạn là trò đu tiên với nét đẹp độc đáo, vui khỏe, lành mạnh chỉ diễn ra mỗi khi làng vào hội. Cây đu dựng cạnh đình hoặc trong xóm gồm 4 cây tre đực già cỡ lớn. Bốn cây tre già ưng ý dài chừng 5 - 6 m được chọn, chôn cách nhau chừng 3 – 4 mét và dùng thừng néo ngọn lại với nhau.
Trên đỉnh néo đặt một đoạn tre đực già làm đòn gánh và tay đu. Hai người đu, đứng quay mặt vào nhau, nhún người, đẩy đu lên cao dần. Cặp đôi vút lên độ cao chừng 4-5 mét, vượt qua néo, gọi là “giật nọc”. Từ trên cao, cảnh làng quê thanh bình trải rộng theo tầm mắt, niềm vui thăng hoa, người chơi không nhún nữa mà để cho đu từ từ dừng lại, kết thúc một vòng chơi bay bổng, thấp.
Ngày xuân như bất tận, không khí lễ hội tràn ngập nơi làng quê thanh bình và kéo đến tận giêng hai như câu ca “Chùa Sàn hai bẩy tháng hai, ai không đi hội cũng hoài tiếng thanh”.
Con cháu làng Sàn dù đi làm ăn đâu xa, những ngày này cũng về làng dự hội như một dịp báo đáp với tổ tiên. Giữa trăm ngàn bận rộn đời thường, nét văn hóa đẹp đẽ bình dị ở ngôi làng cổ như một vĩ thanh trong bản nhạc kết nối tình làng nghĩa xóm.
Năm 1994, đình Sàn được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử-Văn
hoá kiến Trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Nguồn: Du lịch Bắc Giang