Đình Phương Thượng thuộc xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đình nằm trên một mảnh đất cổ địa linh nhân kiệt, có truyền thống yêu nước từ ngàn đời nay. Đình Phương Thượng thờ ông Nguyễn Phúc Tính, một vị tướng tài ba dũng cảm, đã cầm quân phò Nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc.
Trong cuốn “ Thần Phả” đình Phương Thượng có ghi lại: vị tướng
tên là Nguyễn Phúc Tính sinh ngày 6 tháng giêng năm Tân Dậu ( năm 10 tr. CN);
Hóa ngày 10 tháng 11 năm Quý Mão ( năm 43 sau CN).
Thân phụ là Nguyễn Công, thân mẫu là Trương Thị Tần; quê ở bộ
Võ Ninh quận Cửu Chân . Tục truyền, ông là con cầu tự ở núi Thiên Kiện vì vậy
ngày nay trong đình Phương Thượng vẫn còn một bức Đại tự đề “ Thiên Kiện giáng
thần” tức là vị thần giáng sinh từ núi Thiên Kiện.
Năm 15 tuổi, Phúc Tính theo sư thầy trên núi học đạo, học võ
và trở thành một con người văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, Phúc Tính đến nhà cậu
ruột là Trương Công Hành, hiệu là Thi Sách – làm quan Phủ Doãn Phủ Lý Nhân, là
chồng của chúa bà Trưng Trắc – để học thêm văn võ.
Nhưng chẳng bao lâu, Thi Sách bị tướng nhà Hán là Tô Định ám
hại, Nguyễn Phúc Tính phải tìm đường lánh nạn. Ông mang mối thù nhà, nợ nước ra
đi đến Trang Đường Giang ( thuộc xã Lê Hồ, Kim Bảng ngày nay).
Thấy nơi đây phong cảnh đẹp, dân cư thuần hậu, ông quyết định
ở lại mở trường dạy học ( vị trí tại trường Tiểu học A Lê Hồ bây giờ ). Ông dạy
dân cách làm ruộng , chăm tằm, đồng thời chiêu tập binh sĩ, tập luyện võ nghệ
chờ thời cơ khởi nghĩa.
Mùa xuân năm Canh Tý,
vì nợ nước thù nhà, Hai Bà Trưng khởi binh đánh giặc. Nguyễn Phúc Tính cầm quân
tràn về Phong Châu cùng Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Phúc Tính được phong chức
“ Tham tán trung quân”. Dưới cờ khởi nghĩa của Nhị vua Hai Bà Trưng, quân ta với
lòng căm thù giặc sâu sắc đã nhất tề nổi dậy đánh bại quân Hán. Chúa bà Trưng
Trắc lên ngôi xưng là Trưng Nữ Vương, Nguyễn Phúc Tính được phong Đại Vương.
Sau đó Nguyễn Phúc Tính về Võ Ninh tế cậu, yết kiến tổ đường
rồi ông trở lại Đường Giang mở tiệc ăn mừng ( 15/8/40). Ông ở lại Đường Giang dạy
học, chăm sóc nhân dân, dạy dân cấy lúa, chăm tằm, dệt vải…
Ba năm sau, nhà Hán
sai Mã Viện tiếp tục đem quân sang xâm lấn nước ta, Trưng Vương cùng Phúc Tính
Đại Vương đem quân kháng cự nhưng thế giặc mạnh, quân ta phải rút lui về vùng
Hát Giang, Cẩm Khê phòng thủ. Giặc bao vây bốn phía, cùng đường, Nhị vua Hai Bà
Trưng phải nhảy xuống sông Hát tự vẫn để khỏi rơi vào tay giặc. Phúc Tính Đại
Vương đã phá vòng vây chạy về Đường Giang, nhưng ông bị trọng thương, về đến đầu
làng thì hy sinh. Đó là ngày 10 tháng 11 năm Quý Mão (năm 43 sau.CN).
Truyền thuyết ở địa phương còn kể rằng: Phúc Tính Đại Vương
bị trọng thương đầu sắp rời khỏi cổ nhưng một tay giữ đầu vẫn phóng ngựa về
làng. Đến gò Voi Phục thì yên nghỉ vĩnh viễn tại đây. Sau khi ông mất, nhân dân
Đường Giang lập đền thờ ông để bốn mùa hương khói, tưởng niệm người có công dạy
chữ, chữa bệnh và dạy dân việc nông tang; tưởng niệm một vị anh hùng có công
đánh đuổi quân xâm lược Hán giành độc lập cho dân tộc.
Nhân dân địa phương thờ ông Phúc Tính như một vị Thành Hoàng.
Đình Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam là
công trình văn hóa nghệ thuật lớn bao gồm các tòa tiền đường, trung đường,
chính tẩm, phía ngoài có hai dãy giải vũ ở phía Đông và phía Tây đình, ngoài
cùng có cột trụ cổng chính và cổng phụ hai bên. Phía trước đình có cây cổ thụ
cùng hồ nước trong mát tạo cảnh quan hấp dẫn cho công trình kiến trúc. Hai cột
trụ ở trước sân đình có đôi câu đối:
“Thiên thu
bất dãn, phù Trưng liệt
Vạn cổ do tồn, kháng Hán
uy”
( Muôn thuở không mòn, công nghiệp phò Trưng oanh liệt
Ngàn thu còn mãi, oai phong chống Hán anh hùng)
Câu đối như nhắc nhở với mọi người, đây là di tích thờ tướng
phò Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán xâm lược từ thế kỷ I.
Tòa tiền đường cao to
đứng sừng sững gồm 5 gian, dài tới 19m60, rộng 9m40. Trong tòa tiền đường có những
cột lim lớn đường kính tới 40cm,những hàng xà vừa to vừa dài được chạm khắc hết
sức công phu.
Sát với tòa tiền đường là tòa trung đường. Tòa trung đường
cũng to cao không kém tòa tiền đường. Các hàng cột cái, cột quân, các hàng câu
đẩu, hàng xà, trụ…đều cho thấy nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, sinh động.
Bên trong tòa trung đường là tòa hậu cung thờ bài vị của
Phúc Tính Đại Vương. Công trình có hai gian dọc. Mặt tiền hậu cung được thiết kế
công phu, thể hiện sự trang trọng của di tích nên từ các ván bưng, các hàng xà,
các mảng mê nách được đục chạm hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt rất uy nghi, họa
tiết phượng múa rất sinh động, hình ảnh các con ly ngộ nghĩnh, các con rùa ẩn
hiện dưới ao sen cho thấy sự điêu luyện của các nghệ nhân xưa.
Ngoài ba công trình tiền đường, trung đường, hậu cung còn có
hai giải vũ ở phía Đông và phía Tây, mỗi dãy có 5 gian cùng với hệ thống trụ cột
đằng trước tạo thuận tiện cho việc chiêu bái của con cháu trong làng và khách
thập phương.
Đình Phương Thượng gồm
tất cả 22 gian, quy cách công trình đồ sộ, phải cần đến một khối lượng gỗ lim,
gạch ngói cổ rất lớn để hoàn thành. Đây cũng là công trình thể hiện tài năng kiến
trúc của nhân dân ta.
Ngoài ra, đình Phương Thượng còn giữ gìn được những đồ thờ
có giá trị nghệ thuật. Những đồ thờ được chạm khắc, trang trí hết sức công phu,
tinh xảo. Những hàng câu đối, bức đại tự thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của hậu
duệ đối với vị anh hùng của dân tộc, vị thần linh của làng.
Đình được trùng tu nhiều lần qua các thời đại vua chúa thời
kì phong kiến, là một di tích lịch sử VH – NT được cấp bằng di tích lịch sử quốc
gia. Đền thờ vị anh hùng Phúc Tính Đại Vương, người có công cùng Hai Bà Trưng
đánh đuổi nhà Hán giành độc lập cho dân tộc.
Đối với nhân dân địa phương, ông cồn là một người tâm huyết
chữa bệnh cho nhân dân, dạy dân học chữ, giúp dân trong việc đồng áng. Bởi vậy
mà xã Lê Hồ có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học, truyền
thống yêu nước.
Ngày nay lớp lớp con cháu vẫn luôn phát huy truyền thống cha
ông, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Biêt ơn vị Thành
Hoàng làng, người dân địa phương truyền
nhau những câu thơ giản dị :
“Ông
Phúc Tính dạy dân học chữ
Dạy
chăm tằm dệt lụa bao năm
Dưới cờ
khởi nghĩa Bà Trưng
Đại
Vương đánh giặc lẫy lừng chiến công
Nay chữ
vàng lung linh di tích
Mái
đình xưa mãi ngát hương thơm
Bước
theo truyền thống cha ông
Ngày nay
ta được sáng danh anh hùng”.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình làng Phương Thượng
vẫn còn khá nguyên vẹn. Nó vẫn mang một dáng vóc thâm trầm và linh thiêng vốn
có. Con cháu dù đi xa vẫn nhớ về đình làng như hồn quê rất đỗi gần gũi , thân
thuộc mà thiêng liêng.