Đình Quan Đình tọa lạc tại thôn Hảo Quan, xã Đồng Lạc (Nam Sách). Quan Đình thời xưa là một vùng đất có tên trang Lan Đình, sau đó đến thời phong kiến đổi thành làng Bạch Lật, xã Quan Đình, tổng Lạc Nghiệp, phủ Nam Sách.
Hai vị đại vương thời nhị vua Hai Bà Trưng
Sự tích truyền lại rằng, hai vị đại vương là anh em ruột,
con ông Đào Trung và bà Tạ Thị Phương, quê tại Ái Châu, phủ Thiệu Thiên, huyện
Thạch Hà. Hai ngài cùng sinh một bọc ngày 12 tháng 8 (âm lịch). Cha mẹ đặt tên
cho con thứ nhất là Nguyễn Công Thành, người con thứ hai là Nguyễn Đắc Chí.
Lớn lên, cả hai đều thông minh, tài trí hơn người. Một hôm,
hai ngài đến quận Giao Chỉ (Hải Dương ngày nay) thấy một tòa tiểu miếu ở rìa đường
đi, chữ đề là “Thượng đẳng tối linh từ”, hằng ngày có nhiều người đến lễ bái.
Thấy vậy, các ngài cũng vào làm lễ khấn mong địa thần chỉ bảo
cho nơi quý địa được đời đời vinh hiển. Lễ xong, các ngài liền ngủ ngay cạnh miếu,
quả nhiên thấy một thần uy về báo mộng cho biết hãy chọn trang Lan Đình, khu Bạch
Lật, huyện Thanh Lâm làm nơi quý địa.
Các ngài bèn theo lời trong mộng liền tìm đến trang Lan Đình
(nay thuộc thôn Hảo Quan, xã Đồng Lạc) làm nơi an cư lạc nghiệp. Sau này, các
ngài đem di cốt tổ tiên cùng cha mẹ đến táng ở các huyệt khu đất ấy.
Thời bấy giờ, nước ta bị nhà Đông Hán đô hộ, quan thái thú
quận Giao Chỉ là Tô Định đề ra chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột người Việt
hà khắc. Các lạc tướng liên kết với nhau để chống lại nhà Hán. Bà Trưng Trắc kết
hôn với con trai Lạc tướng ở Chu Diên là Thi Sách, hai nhà cùng có chí hướng chống
Hán. Khoảng năm 39-40, nhằm trấn áp người Việt chống lại, Thái thú Tô Định giết
Thi Sách.
Chúa Bà Trưng Trắc, chúa Trưng Nhị cùng các Lạc tướng càng
căm thù, khởi nghĩa, dấy binh đánh đuổi giặc Tô để báo thù cho chồng, rửa hận
cho nước. Hai ngài đến xin làm tướng cùng Hai Bà Trưng đánh giặc. Sau khi dẹp
yên giặc, chúa bà Trưng Trắc lên ngôi vua xưng là Trưng Nữ vương. Ông Nguyễn
Công Thành được phong là Phó tướng Binh Khôi tướng quân, Nguyễn Đắc Chí được
phong là Tả bật Điêu Bát tướng quân
Sau đó, hai ngài về khu Bạch Lật, trang Lan Đình để thăm viếng
mộ phần rồi đặt tiệc đãi dân trang. Khi ấy, tự nhiên trời đất tối sầm, mưa gió ầm
ầm, bất chợt các ngài hóa về trời chỉ còn khăn áo để lại (ngày 24 tháng 7).
Nhân dân lấy làm lạ bèn tâu lên vua Trưng Nữ vương. Vua thấy các ngài có công lớn
nên ban cho dân 800 quan tiền lập miếu ngay chỗ các ngài để áo khăn lại và
phong làm Phúc thần, nhân dân bản trang hương hỏa thờ cúng.
Cây duối cổ thụ khoảng 500 năm tuổi cạnh đình
Thượng đẳng thần Nguyễn Công Vàng
Theo tư liệu “Thần tích - Thần sắc” và sự tích lưu truyền tại
địa phương, Thượng đẳng thần Nguyễn Công Vàng sinh ngày 12 tháng giêng vào triều
Trần tại xã Hạ Đỗ, huyện Trà Hương, phủ Kinh Môn (nay thuộc thôn Hạ Đỗ, xã Hồng
Phong, huyện An Dương, TP Hải Phòng) trong một gia đình danh gia vọng tộc.
Ông là con trai cả trong gia đình có 4 anh chị em. Khi lớn
lên, ông có tính bẩm thông minh nổi tiếng, trí dũng vượt trội, nhân dân ai nấy
đều kính phục.
Bấy giờ, giặc Nguyên Mông đến xâm chiếm nước ta, Hưng đạo Đại
vương Trần Quốc Tuấn được nhà vua tin tưởng giao chiêu mộ quân sĩ, tìm người
tài giỏi trong nước cùng ra trận đánh giặc cứu nước. Khi nghe tin triều đình mộ
quân đến xã Hạ Đỗ, ông từ biệt mẹ cha, làng xóm xin đi theo Hưng Đạo vương Trần
Quốc Tuấn xông pha trận mạc.
Chiến đấu dũng cảm, tài trí thông minh, ông giúp quân vương
nhà Trần đại thắng ở Bạch Đằng, bắt sống Ô Mã Nhi, được vua Trần Nhân Tông
phong là Phó Đô Nguyên soái đại tướng quân.
Đến đời vua Trần Anh Tông (hiệu Hưng Long), giặc Ai Lao đem
quân xâm chiếm nước ta, ông được nhà vua cử đi dẹp giặc. Ông chiêu mộ quân sĩ
và xây dựng căn cứ tại trang Lan Đình.
Trận chiến quyết liệt, không may trên đường lui binh về đến
xã Tháp Phan (nay thuộc xã Đồng Lạc), ông bị thương và tử trận ngày 10 tháng 4
năm Bính Ngọ (1306) nhưng lá cờ dấy binh của ngài bay đến trang Lan Đình. Sau
đó, vua nhà Trần cho dân bản trang 400 quan để lập miếu thờ ngài và phong ngài
là Anh vũ Dũng lược Thượng đẳng thần.
Do có công lao với nước nên qua các triều đại, 3 vị thành
hoàng làng được vua triều Nguyễn ban 18 đạo sắc phong vào các năm Tự Đức thứ 6
(1853), 11 (1858), 33 (1880); Đồng Khánh thứ 2 (1887); Duy Tân thứ 3 (1909); Khải
Định thứ 9 (1924). Trải qua sự biến thiên của thời gian, nhiều sắc phong đã bị
mục nát và thất lạc.
Theo tương truyền, đình Quan Đình được khởi dựng từ khá sớm,
tiền thân là ngôi miếu nhỏ làm bằng tranh tre để thờ các vị thành hoàng làng.
Trải qua thời gian, đình bị hư hại. Đến thời hậu Lê (thế kỷ 17), nhân dân xây dựng,
nâng cấp lại miếu thành ngôi đình và được trùng tu khang trang, to đẹp vào thời
Nguyễn.
Năm 1953, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình bị hạ giải
hoàn toàn. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, nhân dân đã dựng một gian đình
nhỏ trên nền đình cũ để thờ cúng các vị thành hoàng. Năm 2000, đình được nâng cấp
thành 3 gian để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tín ngưỡng nhân dân.
Năm 2014, đình được xây mới hoàn toàn theo kiến trúc kiểu chữ
Đinh (J) gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Sân đình lát ngạch bát đỏ, mái
lợp ngói mũi, cửa hậu cung đình làm bằng gỗ kiểu bức bàn, các góc mái đình có đắp
đầu đao hình rồng, trên bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt” tạo nên dáng vẻ
của một ngôi đình làng truyền thống.
Đặc biệt, nơi đây vẫn giữ được cây duối cổ thụ quý khoảng
500 tuổi cạnh đình như “cây sử sống”, chứng kiến sự đổi thay của làng qua bao
thăng trầm lịch sử.
Hằng năm, lễ hội chính của đình diễn ra vào ngày 20 tháng
giêng âm lịch. Đây được xem là tế vọng giỗ vị Thượng đẳng thần Nguyễn Công
Vàng. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn, bao gồm rước thánh (3 năm rước 1 lần),
giao lưu tế thánh giữa ba làng Hảo Quan, Pháp Than (xã Đồng Lạc) và Hạ Đỗ (An
Dương, TP Hải Phòng) cùng nhiều trò chơi dân gian...
Thập Nhất