Đình Quán Giá (còn gọi là đình Yên Sở) thuộc làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, thờ danh tướng Lý Phục Man, một vị tướng của vua Lý Nam Đế, đã có công lao to lớn với Nhà nước Vạn Xuân - Nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc.
Đình Quán Giá nhìn từ bên ngoài
Theo truyền thuyết, đình được xây dựng lần đầu tiên vào thời
Lý Thái Tổ (1010 - 1026). Đình thờ Lý Phục Man, một danh tướng của Lý Bí, sống ở
thế kỷ thứ VI, quê ông ở làng Cổ Sở (huyện Hoài Đức), không rõ họ tên thật.
Tương truyền, ông giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung
Hoa) xâm chiếm nước ta, lập nhiều chiến công.
Nhà Tiền Lý (544-555) thành lập, ông được cử trông coi vùng
đất phía Nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chăm pa. Sau đó, ông kết hôn với công
chúa Lý Nương, vua ban cho ông họ Lý và chức thiếu úy, gọi là tướng quân Lý Phục
Man. Ông trở về quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm.
Nhà Lương lại đưa quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Ông chỉ
huy quân sĩ đánh giặc và hi sinh ở chiến trường. Thương nhớ và biết ơn ông,
nhân dân ở nhiều nơi như Yên Sở (Hoài Đức), Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… dựng đền, đình
thờ Lý Phục Man.
Năm 1947, giặc Pháp đã đốt phá gần hết Quán Giá, chỉ còn lại
hai tam quan, ba bức tường và hậu cung. Sau này, trên nền cũ, nhân dân địa
phương đã dựng lại cả ba nhà đại đình, trung đình và thượng điện, tuy có nhỏ
hơn trước song vẫn bảo đảm sự thờ cúng trang nghiêm.
Tòa thượng điện vẫn còn bức tường hồi xây từ thời Nguyễn có
các ô hình trang trí và cột trụ phía trước có đắp nghê trên đỉnh cột như một sự
kiểm soát người vào quán lễ thánh.
Bên cạnh khu đền chính, phía hồi phải có nhà bia và nhà ở của
tuần canh (thời xưa), phía hồi trái có dãy nhà để ngựa và nhà bếp phục vụ cho
sinh hoạt lễ hội. Lại thêm vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ ở đằng sau, tạo thành
một cảnh quan cổ kính, trang nhã.
Kiến trúc tòa Thượng điện
Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở
nên một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng. Những
cây xanh trồng từ xưa đã tạo thành khu rừng Giá (tức rừng Cấm) bao quanh các
công trình và làm nền cho các sinh hoạt lễ hội càng thêm nổi bật màu sắc rực rỡ.
Ngôi đình hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời
Nguyễn, phần chính bao gồm ba tòa nhà: đại đình, trung đình và thượng điện, nằm
trong khuôn viên khá lớn. Từ cổng nghi môn du khách đi qua sân trước đến một
tam quan hoành tráng.
Hai bên sân trong là nhà tả, hữu mạc rất dài, mỗi dãy nhà
ngang đó chia thành 11 gian dành cho những nhóm người dự hội. Nhà ngang cũng là
nơi để các bậc chức sắc, cao niên trong xã gặp nhau bàn bạc vào dịp diễn ra các
lễ hội hoặc sự kiện lớn.
Tổ hợp nhà ngang nơi gặp gỡ diễn ra các sự kiện chính trong
sinh hoạt làng, xã
Riêng về hai tam quan, cái ngoài cách cái trong 20 mét, được
các nhà nghiên cứu coi là trường hợp duy nhất trong cấu trúc đình đền ở nước
ta. Trên tam quan thứ hai có gắn 49 mảnh đất nung được trang trí. Ở hai bức tường
liền với hai cột trụ lớn có những viên gạch rất đặc biệt.
Tường phía đông có 23 viên, tường phía tây có 26 viên. Đó là
những viên gạch nung, vuông, có đường chỉ viền xung quanh, giữa là những hình nổi,
không hình nào giống hình nào, tạo thành một bức tranh sống động.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì coi đó là những cảnh
sinh hoạt: người đang dong trâu cày ruộng, cô gái tắm ở ao sen, người cưỡi voi,
người cưỡi ngựa, người gánh củi, hai người đánh cờ, người bơi thuyền đánh cá, mấy
chú bé chăn trâu đùa nghịch… Các nhà nghiên cứu Phật giáo thì lại coi đó là những
tích trong Phật thoại: cảnh hươu và mặt trời (hay hoa) là minh họa cảnh Phật
Thích ca thuyết pháp lần đầu ở Lộc Uyển, cảnh ao sen có người tắm là miêu tả cảnh
Phật tắm trước khi lên ngồi dưới gốc cây bồ đề, cảnh voi và hai người ngã vật
là cảnh voi điên ở Rajagrha…
Năm tấm bia đá niên đại thuộc các năm 1620, 1671, 1681, 1728
và 1803
Bên
trong hậu cung có tượng Lý Phục Man đặt giữa tượng hai bà Phương Dung và Ả
Nương cùng bốn pho tượng các thị nữ, hộ sĩ đứng hầu.
Đặc biệt còn lưu giữ được 5 tấm bia đá mang niên đại các năm
1620, 1671, 1681, 1728, 1803 và một số tài liệu cổ như thần phả, hương ước, phản
ánh lịch sử của vùng đất này. Đối xứng với nhà bia, ở phía đông là nhà để con
ngựa bằng đồng hun, được đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), ngày nay được sơn trắng.
Lễ hội hằng năm được nhân dân vùng Giá (gồm 3 xã Yên Sở, Đắc
Sở và Tiền Yên) cùng tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Hai đám rước của
Yên Sở và Đắc Sở cùng tiến đến đình làng bên kia rồi mới quay về làng mình.
Ngoài ra cứ 5 năm lại một lần mở hội theo nghi thức đại đám. Trong dân gian từ
lâu đã lưu truyền thành ngữ "Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy".
Đặc biệt, hội Giá có một di sản văn hoá phi vật thể là tích
“nghiềm quân”, diễn tả sự gắn kết của quân dân với tướng công Lý Phục Man. Trước
thập niên 1980, thường chỉ vài ba trăm người diễn tích này. Đến nay, dân số Yên
Sở đông lên thành khoảng một vạn nhân khẩu và trong hội Giá năm 2010 đã có tới
gần 600 thanh thiếu niên và các cụ già tham gia đội hình nghiêm quân rước kiệu.
Trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở thành một địa
chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng của Hà Nội.
Đình được xây dựng theo hình chữ “Công” cổ, có lối kiến trúc của cung
điện nhà vua, rất hiếm có ngôi đình nào có được kiến trúc này. Đình Quán
giá bao gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Từ cổng nghi môn, du khách có thể đi qua sân rộng trước đến một tam quan
hoành tráng. Hai bên sân trong là nhà tả mạc, hữu mạc rất dài, mỗi dãy
nhà ngang đó chia thành 11 gian dành cho những nhóm người dự hội. Nhà
ngang cũng là nơi để các bậc chức sắc, cao niên trong xã gặp nhau bàn
bạc vào dịp diễn ra các lễ hội hoặc sự kiện lớn.
Mái đình có mũi đao đầu rồng, được trang trí các con giống trong Tứ
linh: Long, Lân, Quy, Phượng. “Chất vữa ngày xưa các cụ nghiên cứu cũng
rất bền chắc, thêm mật và muối nên đến ngày nay mới lưu giữ được nhiều
di tích có tuổi đời hàng nghìn năm. Các con giống được đắp từ thời đó
vẫn còn y nguyên như vậy”.
Hai bức tường cổ của Đình Quán Giá vẫn còn được lưu lại, phủ rong rêu và nhiều dấu tích của thời gian.
Hiếm có ngôi đình nào có nhiều câu đối như ở đình Quán Giá. Từ ngoài
nghi môn đã được người dân trang trí hai hàng câu đối bằng mảnh vỡ của
đồ sành sứ cổ. Cổng Tam quan và cả 3 ngôi đền trong đình được trang trí
hơn 90 câu đối cổ kể về vị tướng Lý Phục Man.
Trải qua 1468 năm với 17 lần xây dựng, trùng tu và tôn tạo Quán Giá được trang nghiêm và lộng lẫy như ngày nay. Cây xanh ngày một lớn tạo thành rừng Giá (Rừng Cấm). Tưởng nhớ công lao của Người, hàng năm nhân dân làng Giá mở hội vào đám theo nghi thức Hội lệ và 5 năm một lần mở hội theo nghi thức Đại đám. Hội Giá đã được lưu truyền trong dân gian "Bơi Đăm, Rước Giá, Hội Thày". Đặc biệt Hội Giá có tích nghiềm quân, diễn tả cuộc chiến tranh nhân dân của Tướng công Lý Phục Man năm Nhâm Tuất (542), là nét đẹp văn hoá phi vật thể của quê hương.