Đình Quán La là theo tên địa danh, tên cổ còn gọi là Quán Già La, quán Khai Nguyên, quán Chùa Hang. Đình thuộc thôn Quán La, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Đình thờ vị thần tướng có công với dân vùng này nhưng không còn thần phả để nêu tên.
Đình Quán La tọa lạc trên gò Thất Diệu, trung tâm làng Quán
La. Đình gồm ba gian thờ dọc, hai gian tiền tế và một gian mật cung. Qua cách
xây dựng và bài trí thì thấy đình làng thờ vị thần tướng có công với dân vùng
này.
Hiện dân làng không giữ được thần tích. Tại các thư viện
cũng không có thần tích về Quán La nên không thể khảo cứu rõ ràng về lịch sử thần.
Dựa theo Tây Hồ chí thì có thể đây là vị sơn thần đã được dân Quán La
phụng thờ vào cuối thời Trần.
Trong sách “Tây Hồ Chí” có ghi, quán nằm trên đỉnh của
gò Thất Diệu. Quán thờ Huyền Nguyên Đại Đế. Vào niên hiệu Khai Nguyên đời Đường,
Thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán làm đô hộ Giao Châu thấy đất đai bằng phẳng, sông
Già La chảy quanh, phong cảnh đẹp đẽ nên xây quán và đề biển là quán Khai
Nguyên, ý muốn biểu dương công sức nhà Đường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi
theo tên cũ là quán Già La.
Đến thời Lý thì quán này vẫn còn. Các vua Lý vẫn thường ra
du ngoạn, lại thấy ở dưới chân núi có hang sâu và dài, sai người xây bậc gọi là
động Thông Thiên. Đến thời Hậu Lê thì địa danh này được đổi thành Quán La.
Tuy nhiên, hồ sơ này chỉ đề cập đến công trình đình Quán La
đang tồn tại hiện nay là do các vua Lý lập nên, không nhắc gì tới xuất xứ, lai
lịch của công trình đang nằm dưới nền đình.
Đình Quán La đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá cấp
quốc gia từ năm 1984. Trong hồ sơ đệ trình Bộ Văn hoá – Thông tin có đề cập đến
một “cái hang” ở dưới nền đình, gọi là động Thông Thiên.
Hiện trong 18 đạo sắc còn lưu giữ tại đình, do các triều đại
phong kiến phong cho thành hoàng làng Quán La Xã có nhiều đạo sắc phong rất
quý: sắc năm Thịnh Đức 1 (1653) đời Lê Thần Tông, sắc Cảnh Trị 7 (1670) đời Lê
Huyền Tôn, Đức Nguyên (1674), Vĩnh Thịnh 1 (1705)... Như vậy chỉ với những sắc
phong đã cho chúng ta biết lịch sử của ngôi đền là rất cổ, nó phải ra đời sớm
hơn những ngày phong sắc cho thần hoàng làng mà chúng ta đã kể ở trên. Các sắc
phong hiện lưu giữ trong đình cho biết làng phụng thờ vị Thành hoàng có hậu duệ
như sau:
“Sắc chỉ Hà Nội tỉnh,
Từ Liêm huyện, Quán La xã tòng tiền phụng sự bản cảnh Thành hoàng, Linh phù tuấn
lương, Duệ trang chi thần, tiết kinh ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức
tam thập thất niên, chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu
đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn hứu y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh,
nhi thân tự điển. Khâm tai.
Tự Đức tam thập tam
niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.
Sắc cho xã Quán La, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội từ xưa đã phụng
sự bản cảnh Thành hoàng Linh phù tuấn lương, Duệ trang chi thần. Từng được ban
cấp sắc phong, cho phép phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31, đúng vào lúc trẫm ngũ tuần
đại khánh tiết, đã ban bảo chiếu ân lớn. Lễ trọng thăng bậc, đặc biệt cho phép
phụng thờ như xưa để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng.
Hãy nhận.
Ngày 24 tháng 11 năm Tự
Đức thứ 33 (1880).
Thần có nhiệm vụ hộ quốc bảo dân. Thành hoàng làng Việt Nam
nói chung đều có chức trách như vậy. Trong đình còn treo câu đối để khẳng định
vị thế của thần:
Hãn
hoạn trừ tai nhất phương giai xích tử
Bảo
dân hựu vật vạn cổ tối linh từ.
Tạm dịch:
Ngăn
hoạn trừ tai cả vùng là con cháu
Giúp
dân hộ vật vạn cổ chốn linh từ.
Các bộ phận kiến trúc của đình được bố trí theo chiều sâu,
trong một khuôn rộng rãi và khá hoàn chỉnh, gồm vườn, tam quan, sân: Trước mặt
Tam quan xưa là một không gian thoáng rộng với con đường làng lát gạch chỉ chạy
dài. Khoảng đất từ đường làng vào tới tam quan xưa là một vườn rộng xung quanh
sum suê những tán cây cổ thụ.
Ngay sát con đường phía đông của đình là một cây thị lớn,
có đường kính 1m50, cây này trồng trên một quả núi, thân cây gấp nếp từng múi
trông rất lạ. Thân cây cao, tán rộng, song mỗi năm thị chỉ có được 1, 2 quả.
Tương truyền cây thị có tới mấy trăm năm và dân làng thường
cũng lễ hai nàng hầu của bà Duệ Trang thành hoàng làng ở thân cây thị, thật là
linh thiêng... ngày nay nhân dân đã xây riêng một miếu nhỏ ngay bên gốc thị để
thờ hai bà gọi là miếu Chầu bà.
Bên phía Tây của đình có cây đa cổ thị rễ buông chằng chịt
cũng có tới vài trăm năm. Trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, cây
đa trước của đình còn là địa điểm hoạt động của các chiến sĩ cách mạng.
Khi đất nước hòa bình, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
về thăm Quán La Xã trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Ngày 23/11/1958, đứng
dưới gốc đa cổ thụ trước cửa đình, Bác Hồ căn dặn nhân dân và cán bộ thôn Quán
La xã “Cây cổ thụ này cũng như ngôi đình là nơi di tích lịch sử, kiến trúc nghệ
thuật có giá trị cao, phụ lão và toàn dân Quán La phải giữ gìn bảo vệ cho thật
tốt.
Ngày 23/11/1964 đúng sau 8 năm, Bác Hồ trở lại đây thăm ngôi
đình và nhân dân Quán La. Đến những ngày kháng chiến chống Mỹ, đình chùa Quán
La Xã lại là nơi đóng quân của các đơn vị bảo vệ Thủ đô.
Đại đình: Từ sân bước lên 5 bậc thềm là nền sân trước cửa đại
đình hai bên của thêm lên là hai nghê mình rồng nằm song song đón lối khách
lên, bước qua một bậc cửa ta vào đại đình.
Đình Quán La được xây theo hướng Nam ghé Tây, đầu đốc trở
ra, đây là một đặc điểm riêng của ngôi đình này, với đặc điểm này thấy rất ít ở
Bắc Kỳ mà chỉ phổ biến ở miền Nam. Ở miền Bắc loại đình có đầu đốc quay ra chỉ
có ở Sơn Đông, Nghệ Tĩnh. Đặc biệt tại tòa Đại đình còn 01 đôi câu đối các cụ gọi
là lối viết khoa đẩu rất đặc biệt (ở mặt ngoài là chữ hoa triện nhưng mặt trong
lại là chữ thật), đây là phong cách riêng ở nghệ thuật của ngôi đình này.
Hậu cung đình 01 gian, đây là phần chuôi vồ. Trên bệ thờ ở
giữa là những đồ thờ tự phía ngoài, long ngai, bài vị thờ thần hoàng làng đượt
đặt sâu vào ở vị trí trang trọng nhất trong một khám gian lớn có kính. Phía sau
hậu cung, dưới nền là một hang cổ.
Điều đáng lưu ý là sau đình còn cái hang sâu đã được xây lại
từ thời Lý gọi là Động Thông Thiền. Có thuyết cho đây là hầm luyện đan san của
Đạo quán. Theo đánh giá ban đầu của giáo sư Hà Văn Tấn thì đây có thể là ngôi mộ
táng thời Hán. Thực tế là ở vùng đất Quán La, Xuân Tảo, Chèm Vẽ ngành khảo cổ
đã phát hiện nhiều mộ táng thời Hán và Lục triều.
Đình Quán La (Xuân La Tây Hồ, Hà Nội) tồi tại một cửa hang dẫn xuống hầm ngầm đầy bí ẩn, cũng không ai biết rõ hang ngầm này có từ bao giờ.
Hang ngầm nằm phía dưới lòng đất, sâu hơn 4m, có một cửa hang chính thông lên phía sau hậu cung đình Quán La. Các cụ trong làng đã làm một thang sắt để tiện cho việc lên xuống. Dưới hang có 3 ngách, theo các cụ truyền lại thì một ngách đi Hồ Tây, một ngách đi Xuân Đỉnh, một ngách đi sông Hồng. Mỗi ngách hầm rộng khoảng 1,5m, cao khoảng 1,6m.
"Cả ba cửa hầm hiện đã bị bịt kín từ thời Lý, đến nay không ai dám phá cửa đi sâu vào bên trong. Hôm nào trời nắng xuống bên dưới rất khó thở, người khỏe chỉ ở được 1 phút là phải lên. Thời điểm trước cây cối nhiều, dưới hầm nhiều rắn, rết, chuột bọ đào bới".
3 cửa hầm xây hình vòm bằng gạch, gạch được in các hoa văn rất đẹp. Cửa hầm đầu tiên sâu khoảng 3m, cửa hầm thứ hai dài khoảng 5m, cả hai đều bị bị kín.
Riêng mùa đông, có thể đứng phía dưới hang lâu mà không bị khó thở.
Bên trong hang, gạch được xếp hình múi bưởi, có nhiều hoa văn kỳ lạ. Một số chỗ đã hư hỏng, gạch bong ra rơi xuống nền hang.
Có nhiều đoàn khảo sát đã về tìm hiểu hang, muốn khai quật nhưng các cụ trong làng không đồng ý vì một ngách của hang đi ra Hồ Tây nằm dưới hậu cung, nếu đào bới rất có thể ảnh hưởng đến ngôi đình cổ.
Tả hữu mạc: nhà này kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường con
nhị bào trơn đóng bén, các cột cái được trốn chân, chỉ đứng trên xà đại bức
ngang lòng nhà. Liên kết giữa các gian đều có xà thượng, xà trung mang tư cách
xà đai chạy dọc theo nhà. Đây là nơi ngồi tế cho hai giáp trong thôn.
Xung quanh đình Quán La còn có 3 cây di sản hàng nghìn năm tuổi như cây thị, cây đa...
Đình Quán La cùng chùa Khai Nguyên có một bề dày lịch sử kéo
dài hàng thiên niên kỷ trong một vùng cổ đậm đặc những di tích của các làng cổ
ven đô: chùa Thiên Niên, chùa Võng Thị, chùa Vạn Niên, chùa Ức Niên... Trong một
vùng có truyền thống văn hóa và truyền thống chống giặc ngoại xâm lâu đời... có
nhiều giá trị về cổ sử, về lịch sử cách mạng kháng chiến và hiện đại, có giá trị
cao về kiến trúc nghệ thuật cùng với một cảnh quan thoáng đẹp đã hòa quyện vào
nhau, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, đình là nơi chứng kiến và
đóng góp cho lịch sử chung của dân tộc.
Với những giá trị hiện còn thì cụm di tích đình và chùa Quán
La Xã được xếp vào loại di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và thắng cảnh. Cụm
di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng ngày 31/1/1992.