Đình, quán Thụy Ứng thuộc địa phận Thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, thờ phụng vị thần thời Hùng Vương thứ 18 là Tích Lịch Hoả Quang và tướng quân Lữ Gia thời vua Triệu Đà.
Đình Thụy Ứng
Vào khoảng thượng tuần tháng giêng năm Canh Thân, địa hạt
Đan Phượng bị thiên tai, dịch bệnh tràn lan. Được tin, vua Hùng Duệ Vương sai
quân sĩ lập đàn tràng làm lễ cáo tế trời đất, xin thượng thiên phù hộ để cứu nạn
dân.
Bỗng mây đen phủ kín, trời đất tối tăm, mưa lớn kéo đến ầm ầm.
Nhưng chỉ trong chớp mắt mưa tạnh trời sáng. Một cụ già râu tóc bạc phơ đi ngay
vào trong làng để chữa bệnh cho nhân dân. Chỉ trong 5 ngày nhiều người bệnh
tình đang nguy kịch đã sống lại, người mới mắc bệnh liền khỏi ngay.
Khi được hỏi thì cụ già báo thần hiệu là Tích Lịch, vì khi
thần xuất hiện đều đi kèm theo sấm chớp nên được vua Hùng sắc phong là Tích Lịch
Hỏa Quang tôn thần, truyền cho dân địa phương xây đền để tôn vinh công đức của
ngài, đời đời hương khói cung phụng.
Tướng quân Lữ Gia người xã Thiên Phúc, huyện Ninh Sơn, làm
quan triều Triệu Văn Đế. Khi Minh Vương lên ngôi, ông được ban chức Thái phó.
Lúc này Lữ Gia tuổi đã cao, làm Thừa tướng trải qua 3 triều nhà Triệu. Thủa ấy
vùng đất Thụy Ứng đầy hoang sơ vắng vẻ, hay bị giặc giã đến cướp bóc. Vua Triệu
đã phái Lữ Gia về vùng đất này chiêu mộ quân sĩ dẹp loạn. Khi thừa tướng Lữ Gia
đóng đồn trại tại đây đã biến mảnh đất hoang sơ thành một vùng đất trù phú.
Năm 113 TCN, ở Kinh thành loạn lạc, nội tình nhà Triệu rối
ren, thừa tướng Lữ Gia nhiều lần can ngăn thái tử không nên quy phục nhà Hán,
vì thế đã gây hiềm khích giữa nhà Hán với ngài. Nhiều lần hoàng hậu Cù Thị đã
sai ám sát ngài nhưng không thành. Dựa vào thời cơ đó Hán Vũ Đế cử đại tướng
Hàn Thiên Thu và em trai Hoàng hậu Cù Thị là Cù Lạc dẫn binh sang đất Việt.
Sau đó, Hàn Thiên Thu đem quân xâm lược nước Nam, Lữ Gia liền
mở đường và dẫn binh đóng quân, xây đồn luỹ đến tận Phiên Ngung chống lại quân
Hán, giết chết tướng Hán là Hàn Thiên Thu. Hán Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân dẫn
đại binh đánh chiếm các nơi hiểm yếu, sai Lộ Bác Đức, Dương Bộc đem 5 đạo quân
đến công phá thành luỹ. Quân Nam Việt thua trận, thừa tướng Lữ Gia chống cự quyết
liệt và đã hy sinh.
Đình, quán Thụy Ứng nằm sát nhau ven bờ sông Đáy. Theo văn
bia hiện còn ở chùa Thụy Ứng, thì xưa kia đình Thụy Ứng ở giáp chân đê đầu
làng, được xây dựng vào thời hậu Lê với 5 gian 2 dĩ 4 mái đạo công trên mặt bằng
4 hàng chân cột. Đình được xây dựng theo kiểu chữ “tam” gồm Đại bái, Trung
cung, Hậu cung, 2 bên là Tả hữu mạc.
Hiện tại, đình, quán đều có bố cục kiểu chữ “đinh”, nhìn
theo hướng đông nam. Ngoài ra quần thể di tích còn có giếng, Nghi môn, Đại bái,
Hậu cung, dãy nhà khách, sân lát gạch và vườn trồng cây ăn quả, tường bao
quanh.
Quán quay hướng đông nam, kiến trúc theo kiểu chữ “đỉnh”. Đại
bái được làm 3 gian 2 chái với 4 mái đao cong lợp ngói ri. Hậu cung làm kiểu
nhà dọc 2 gian, tường xây hồi bít đốc, kiểu “thượng chồng rường, hạ ván bưng”,
các bộ vì còn lại được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chống rường, hạ kẻ chuyền
xà nách”.
Đình, quán Thụy Ứng đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di
tích lịch sử - văn hoá năm 2004./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 02
Nguồn: Người Hà Nội