Đình Quảng Nguyên xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội xây năm 1841, thời Nguyễn. Thờ Tam vi vị đại vương là Đống Củ đại vương, danh tướng thời Đinh Tiên Hoàng, Không Đỗng tôn thần Đại tướng quân, Vĩnh Thái Kiều Trung đẳng thần, húy Phạm Tuấn Vỹ, danh tướng nhà Mạc và phối thờ Mỹ Anh phu nhân.
Xã Quảng Phú Cầu nằm ở phía đông bắc huyện Ứng Hòa, phía
đông giáp xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, phía tây và bắc giáp xã Hồng Dương huyện
Thanh Oai), phía tây và nam giáp 3 xã Hoa Sơn, Trường Thịnh, Liên Bạt thuộc huyện
Ứng Hòa.
Đình Quảng Nguyên. Photo ©NCCông 2022
Lược sử
Xã gồm 6 thôn: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng, Phú
Lương Hạ, Cầu Bầu, Đạo Tú. Thôn Quảng Nguyên tên nôm là Bưỡi Lũng. Hương ước Kẻ
Bưỡi còn ghi: “Trẻ em trong làng từ 8 tuổi trở lên đều phải đi học”. Đất này
sinh ra nhiều người tài: thời Lê có 24 vị đỗ cử nhân và tú tài, thời Nguyễn đỗ
18 vị. Đặc biệt danh y Nguyễn Huyền Diệu (1713-1780) tức Nguyễn Trọng Hầu làm ở
Thái y viện đã được phong tước hầu do chữa khỏi bệnh cho vua.
Đình Quảng Nguyên được xây dựng năm Thiệu Trị nguyên niên
(1841), là di tích nổi tiếng về giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Trong
cung cấm thờ Tam vị đại vương là Đống Củ đại vương, danh tướng triều vua Đinh
Tiên Hoàng, Không Đỗng tôn thần Đại tướng quân, Vĩnh Thái Kiều Trung đẳng thần,
húy Phạm Tuấn Vỹ, tướng nhà Mạc, và phối thờ bà Lê thị Mỹ Thái, tức Mỹ Anh phu
nhân.
Trong đình Quảng Nguyên. Photo ©NCCông 2022
Kiến trúc
Đình Quảng Nguyên nằm trên một khu đất rộng hình lưng rùa, mặt
nhìn qua sân và bức bình phong ra một hồ nước nhỏ ở phía tây nam. Hai bên sân
là dãy tả hữu vu gồm 5 gian bé. Cổng đình nội xây kiểu nghi môn tứ trụ, bên hữu
là con ngõ ngắn nối với chiếc cổng đình ngoại ở cạnh trạm dừng xe buýt trên đường
tỉnh lộ TL429A. Khuôn viên có cổ thụ và tường bao quanh.
Toà đại đình 3 gian 2 chái lớn, thềm cao, bốn mái chảy lợp
ngói ri. Các vì kèo chủ yếu làm theo kiểu “chồng rường con nhị”. Các cột trụ trốn
cao để các con rường cụt một đầu ăn mộng và một đầu vươn ra đỡ 10 dải hoành. Từ
cột cái đến cột quân có 5 dải hoành. Gian giữa có cốn làm theo kiểu “chồng rường”
không đấu để trang trí hoa văn lá lật, đục chạm kín dạng bong kênh các hình tứ
linh. Trên ván mê vì đốc chạm hổ phù ngậm “chữ Thọ”, v.v.. Các gian bên rất
sáng sủa vì chỉ có chấn song ở phía sân.
Chánh điện đình Quảng Nguyên. Photo ©NCCông 2022
Toà hậu cung 1 gian 2 chái rộng nằm song song đại đình thành
hình “chữ Nhị”. Các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường” có chạm hoa văn và các đề
tài tứ linh. Trên các cửa bức bàn treo 2 bức hoành phi đề chữ Hán “Thánh cung vạn
tuế” và “Mỹ tục khả phong”. Bức cuốn thư kê trên xà ghi niên hiệu Thiệu Trị thứ
9 (1850) là một nghi vấn vì đức vua này đã mất năm 1847.
Di sản lịch sử
Trong đình, ngoài các bức chạm khắc kể trên còn có các tạo
tác tinh xảo khác. Tại cung cấm thờ 5 cỗ long ngai và 3 tấm bài vị cũng mang dấu
ấn của nghệ thuật thời Nguyễn. Hằng năm vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, dân
làng trang trọng tổ chức lễ hội tế rước và dâng hương lên các vị thành hoàng.
Chạm khắc ở đình Quảng Nguyên. Photo ©NCCông 2022
Năm 1988, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình thôn Quảng
Nguyên là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Nguồn: 360.hncity