Đình Quất Lưu, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thờ phụng vợ chồng danh tướng Đạm Xương, Tuấn Công và em trai bà Đạm Xương, danh tướng An Bình Lý, có công phò giúp nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán.
Đình Quất Lưu được tạo dựng từ thời Hậu Lê, thờ vợ chồng
danh tướng Đạm Xương, Tuấn Công và em trai bà Đạm Xương, danh tướng An Bình Lý.
Tam vị tướng đã phò giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán, giành được
độc lập trong hai năm. Khi các vị tướng hóa trong cuộc chiến không cân sức với
quân xâm lược, người dân địa phương, ghi nhớ công ơn các ngài đã lập đền đình
thờ phụng.
Đình Quất Lưu có qui mô trung bình, được xây dựng thời Hậu
Lê, thế kỉ 17. Đình tọa lạc trên khu đất thoáng đẹp, người dân địa phương gọi
là núi Sơn Tiêu. Đình quay hướng Nam nhìn thẳng ra cánh đồng.
Đình xưa kia được xây dựng theo kiến trúc nội công ngoại quốc.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hiện nay Đình chỉ còn tòa Đại đình 5 gian với
diện tích là 251m2. Kĩ thuật xây dựng theo kiểu vì kèo chạm rồng, tứ trụ lòng
truyền, cột đôi cánh se, khiến ngôi đình cao, bề thế và vững chắc.
Đại Đình được xây dựng với 6 hàng chân cột, tổng số có 48 cột
cái được đặt trên các tảng đá kê. Vật liệu xây dựng bằng gỗ lim, ngói mui, gạch
nung, có lợp điểm ngói sang cầu, kết cấu bằng vôi vữa. Trên mái đắp bờ nóc, bờ
chảy tạo thành 4 góc. Nhờ sử dụng các loại vật liệu được xử lý dân gian bền vững,
kỹ thuật xây dựng đỉnh cao, mộng sàm chặt khít,48 cột gỗ lim đã giúp đình làng vững
chắc, trường tồn qua hàng trăm năm, chống chọi với thử thách của thời gian cho
đến ngày nay.
Căn cứ vào kiến trúc nghệ thuật hiện tại của đình, có 8 đầu
rồng với râu, bờm đục chạm thành hoàng đao ngược phía sau; trong 18 đầu rồng,
có 8 đầu rồng đục chạm các cụm râu, bờm có hình đao móc, đặc biệt bộ cửa võng
thờ biểu hiện nghệ thuật thời Hậu Lê, khẳng định Đình Quất Lưu được xây dựng
vào thế kỉ 15.
Đặc trưng nổi bật của Đình Quất Lưu là các mảng chạm khắc
nghệ thuật mang đậm bản sắc của triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Các nghệ nhân ở
thế kỉ 15, 18, 19 và đầu thế kỉ 20 với tay nghề điêu luyện, kĩ thuật đục bóng
chạm nổi, chạm thủng, gắn ghép tinh vi thể hiện những chủ đề truyền thống trên
các đầu dư, đầu bẩy, cổn mê, kẻ là đầu rồng, rồng, long phượng, các cụm mây hoa
lá cách điệu.
Sự sắp xếp mang tính cân đối hài hòa, chấp hành luật đối xứng.
Qua đó, phản ánh được tâm lí truyền thống của cư dân Đồng bằng Trung du Bắc Bộ
cầu mong mưa thuận gió hòa, dân khang vật định – thể hiện đậm nét tín ngưỡng phồn
hoa của người Việt Cổ.
Các mảng chạm khắc trang trí thể hiện tập trung vào gian giữa
mà trọng điểm là võng đúc thượng cung. Các nghệ nhân đã tạo ra không gian ngôi
đình có phân khu vực tôn nghiêm, khu vực phụ trợ cho các hoạt động thường
xuyên, có giá trị mỹ thuật cao.
Các bức ván bưng với kĩ thuật đục bóng, chạm nổi, các nghệ
nhân thời Nguyễn đã tạo hình các bức tranh gỗ nổi tuyệt đẹp, đối xứng nhau, đỡ
từ và tứ linh, ví dụ như hai bức tranh khắc gỗ đối xứng nhau ở phía trong đình.
Mỗi bức có kích thước cao 6m50, mỗi bức được bố trí phần trên là phượng múa, phần
dưới là lẩn chầu, bên cạnh là đục chạm mây nước hóa rồng. bức bên phải có đề 4
chữ nho “Phượng hoàng lai tướng” Bức bên trái đề 4 chữ “Kì lân xuất chiêu”.
Chính diện của gác thượng cung là bộ cửa vàng gồm có ba cửa,
trên cùng treo bức tranh sơn son, thếp vàng có khắc 4 chữ “hồng lạc phân thùy”
khiến ngôi đình càng thêm trang nghiêm, thành kính.
Hiện Đình Quất Lưu còn giữ gìn được 12 hiện vật cổ có giá trị
bao gồm: một mâm sơn son, thếp vàng; một án thờ đục chạm tứ linh bằng gỗ; một
bát hương cổ bằng đồng; một bát hương sứ; hai con rùa bằng đá cho hạc thờ đứng.
Đặc biệt là bộ Kiệu rồng chế tác từ thời Hậu Lê, sơn son thiếp vàng lộng lẫy,
các đầu rồng được đục chạm rất đẹp.
Đình Quất Lưu không chỉ là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm
linh của người dân mà còn là một công trình kiến trúc đậm nét nghệ thuật điêu
khắc thời Hậu Lê và triều Nguyễn, có giá trị văn hóa lịch sử, mỹ thuật cao cần
được bảo tồn và phát huy. Đồng thời, đình cũng một địa chỉ giáo dục lòng yêu nước,
nêu cao ý chí đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc của các bậc tiền nhân.
Nguồn: Đài phát thanh và truyền hình Vĩnh Phúc