Đình Quý Dương, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng thờ phụng Thành hoàng làng Ngũ Lang Đại vương, danh tướng có công phò giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh tan quân Tô Định.
Trải qua hàng trăm năm, đến nay đình Quý Dương, xã Tân Trường
(Cẩm Giàng) vẫn giữ được kiến trúc tương đối đồng bộ, là di sản quý cần được bảo
tồn, phát huy giá trị lịch sử.
Quang cảnh yên bình ở đình Quý Dương
Thờ vị tướng thời Nhị vua Hai Bà Trưng
Nằm ở trung tâm thôn Quý Dương, cách quốc lộ 5 chỉ vài trăm
mét, xung quanh là các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, thương mại, dịch vụ hiện
đại, sôi động, đình Quý Dương vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, thâm nghiêm.
Ngôi đình được xây dựng từ thời Lê, thờ Thành hoàng làng Ngũ
Lang Đại vương, vị tướng có công giúp Nhị vua Hai Bà Trưng đánh tan quân Tô Định.
Theo dư địa chí huyện Cẩm Giàng, Ngũ Lang Đại vương là con trai thứ năm của ông
Cao Danh Hành quê ở Tức Mặc (thuộc Nam Định ngày nay), mẹ là Đinh Thị Tuấn. Dưới
thời Tô Định làm Thái thú nước ta, ông Cao Danh Hành giữ chức Tri huyện Doãn (tức
Cẩm Giàng). Ông thường xuyên làm việc thiện nên được người dân yêu mến. Một lần
đi qua vùng đất Quý Dương, thấy nơi này phong cảnh hữu tình, ông liền đưa vợ và
4 người con trai đến đây sinh sống. Một thời gian sau, vợ ông sinh được người
con trai thứ năm đặt tên là Ngũ Lang.
Ngũ Lang lớn lên thông minh tuấn tú, võ nghệ giỏi giang, tiếng
tăm lừng lẫy một vùng. Tô Định nghe danh Ngũ Lang tỏ ý ngờ vực cha con ông có ý
làm phản, cho truyền Cao Danh Hành về triều để giết hại, lại cho quân về bắt
Ngũ Lang. Nhờ có người báo trước, Ngũ Lang trốn thoát.
Căm giận Tô Định giết hại cha, nghe tin Nhị vua Hai Bà Trưng
phất cờ khởi nghĩa, Ngũ Lang gia nhập nghĩa quân để báo thù. Bà Trưng phong cho
Ngũ Lang chức “Quân trung tham tán hành chiêu thảo đại sứ” rồi cho về chiêu mộ
binh sĩ.
Ông trở về phát lệnh đi khắp nơi để chiêu nạp hào kiệt, chỉ
trong 1 tuần đã chiêu nạp được hơn 2.000 người luyện tập, sau đó đem quân cùng Nhị
vua Hai Bà Trưng đánh Tô Định. Trải bao trận chiến ác liệt, Tô Định thua, Nhị
vua Hai Bà Trưng phong ông là “Ngũ Lang Đại vương”. Ông tạ ơn, rước sắc phong về
Quý Dương tìm mẹ thì mẹ đã mất, ông trở lại Mê Linh phò vua giúp nước.
Đất nước thanh bình được một thời gian, tướng Mã Viện đem
quân sang đánh nước ta, sức giặc mạnh, nghĩa quân tan vỡ, ông cùng một số quân
sĩ phá vòng vây, chạy về Quý Dương, ở lại đây giả làm điền chủ, đổi tên là Lỗi
Hứa cư sĩ.
Đến thời Sĩ Nghiệp làm Thái thú nước ta đã phong cho ông là
“Mỹ tự Đại vương” nhưng ông không nhận, các đời sau đều sắc phong cho ông. Cuối
đời, ông về Tức Mặc và mất ở đó. Sau khi ông mất, người dân thôn Quý Dương tôn
ông làm Thành hoàng, thờ tại đình làng. Hội làng từ ngày 12-15 tháng giêng với
nhiều trò chơi dân gian độc đáo như đấu vật, đánh cầu gỗ, cờ người...
Không chỉ là cơ sở thờ tự, đình Quý Dương còn là nơi ghi dấu
truyền thống anh dũng của người dân tỉnh Đông khi đối diện với sự hung tàn của
giặc Pháp. Phát hiện ngôi đình che giấu nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng,
giặc Pháp đã cho tập trung tất cả đồ tế tự để châm lửa đốt, chúng bắt 1 nhà sư
yêu nước cùng một số người khác quăng vào đống lửa cho chết cháy. Sau này, ngôi
đình là nơi tập trung nhân dân để chuẩn bị giành chính quyền năm 1945, nơi tổ
chức mít tinh thành lập chính quyền lâm thời xã, nơi sơ tán của Bảo tàng tỉnh...
Ngôi đình còn giữ được một số hiện vật quý giá
Di sản quý
Được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn ngôi đình được
trùng tu nên đến nay vẫn giữ được kiến trúc tương đối nguyên vẹn.
Đình làm theo kiểu chữ đinh, tòa tiền tế nối liền với hậu
cung, hai bên là hai giải vũ. Giải vũ mỗi bên gồm 5 gian xây gạch, mái cong lợp
ngói ta, bên trong kiến trúc đơn giản kiểu con chồng đấu sen, trang trí hoa văn
cài lá lật và chữ triện. Tòa tiền tế gồm 5 gian, lợp ngói ta, mái đình cong,
các đầu đao vút cong theo thế rồng chầu.
Từ đầu đao lên tới bờ nóc hai bên đều đắp nghê, phượng chầu
và con kìm há miệng đón bờ mái từ trên xuống. Bờ nóc trơn, hai đầu là hai con rồng
chầu. Các đầu bẩy phía trước chạm trổ tứ linh, tứ quý, trang trí hoa văn lá lật
với đường nét uyển chuyển, thể hiện kỹ thuật cao của nghệ thuật điêu khắc đương
thời.
Tòa tiền tế được dựng theo kiểu lòng thuyền tứ trụ, mỗi gian
có 4 cột lim, cả tòa có 24 cột với đường kính 30-50 cm. Ở các gian đều có con
dư đỡ câu đầu, trụ trên đỡ chồng nóc, kiểu con chồng đấu sen, trang trí tứ
linh, tứ quý, long, mã, ngư thủy... Đầu dư gian trung tâm gồm xà đinh trơn, đầu
trang trí lá lật. Gian trung tâm bên trên có treo bức đại tự sơn son thếp vàng
ghi 4 chữ "Công minh chính trực".
Đến nay ngôi đình còn giữ được một số hiện vật quý như tượng
Thành hoàng bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, ngồi trong ngọc lộ, 2bức đại tự sơn
son, 1 tấm bia thời Cảnh Hưng ghi lại lịch sử của Thành hoàng và nhiều hiện vật
có giá trị lịch sử khác, phần nào ghi nhận tầm vóc của ngôi đình trong lịch sử.
Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
công nhận là di tích lịch sử - văn hóa năm 1993.
Đến nay, ngôi đình đã bị xuống cấp một phần ở mái và một số
chi tiết nhỏ nhưng vẫn giữ được thế uy nghiêm với quy mô lớn, kiến trúc nghệ
thuật đồng bộ, các chi tiết kiến trúc gỗ được chạm khắc tinh tế, thể hiện lòng
thành kính với vị tướng có công lao với dân tộc.
VIỆT QUỲNH