Đình Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thờ hai bà Hoàng Thái hậu và Hoàng công chúa đời hậu An Dương Vương tham gia triều đại nhị vua Hai Bà Trưng Triều, âm phù Lý Thường Kiệt khi đi chinh phạt phương Nam.
Sau dân làng thờ phụng thêm Lý Thường Kiệt làm thành
hoàng. Đình còn thờ Cao Thiện Đại Vương.
Hai bà hoàng hậu còn được thờ ở Đền Trúc Ngũ Động Thi Sơn.
Đình Quyển Sơn thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng,
tỉnh Hà Nam là một trong những di tích truyền thống nổi bật của tỉnh Hà Nam.
Quyển Sơn có đền Trúc thờ Hoàng hậu và Công chúa từ lâu đời.
Lưu truyền điển tích rằng: Khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc
phương Nam vào năm 1069, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch
(nay là thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) thì gặp một trận gió lớn cho nên ông phải
cho thuyền ép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm
và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi.
Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân
núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Ông đặt
đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai
mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ông đánh giặc.
Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi Cuốn) và trại
Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn. Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã
chỉ huy đại quân thắng lớn. Sau chiến thắng, trên đường về kinh đô, khi qua
vùng núi cũ, nhớ lời cầu nguyện năm xưa, ông cho dừng quân, hạ trại bên rừng
trúc lễ tạ âm thần, giết trâu mổ bò làm lễ tạ trời đất và khao thưởng ba quân,
mở hội mừng chiến thắng, mời dân làng tham dự và xin Vua phong bà hàng nước là
Mẫu hậu, cô con gái là Công chúa và sửa sang lại đền thờ.
Có ân với dân làng nên khi Lý Thường Kiệt mất (năm 1105),
nhân dân Quyển Sơn đưa ông vào thờ ở đền Trúc rồi suy tôn ông là Thành hoàng
làng thờ tại đình vào thế kỷ thứ XVII.
Năm 1948, đình bị tàn phá do chiến tranh, chỉ còn lại 2 trụ
biểu cổ và 24 bộ đá tảng to lớn còn nguyên trên nền đình.
Từ năm 2001, được họa sỹ, nhà lịch sử mỹ thuật Nguyễn Văn
Chiến, họa sỹ khảo cổ học Nguyễn Sơn Ca cùng Ban Khôi phục xây dựng đình làng
sưu tầm những chứng tích và 33 sắc phong từ năm Vĩnh Tộ thứ 6 triều Vua Lê Thần
Tôn (năm 1624) đến năm thứ 9 Vua Khải Định (năm 1925) nhằm xây dựng lại đình.
Xây dựng đình mới
Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương đã cùng nhau
xây dựng, tôn tạo lại đình và hoàn thành vào cuối năm 2009, góp phần tạo nên
nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Làng Quyển Sơn có tục hát Dậm, một loại hình nghệ thuật độc
đáo
Tương truyền, ngày trước khi Lý Thường Kiệt đánh đuổi xong
quân xâm lược, khi qua dòng sông Đáy thơ mộng, ông cho quân dừng lại bên núi Cấm,
làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng (Hà Nam) mở tiệc khao quân.
Trong lúc cơm no rượu say, tức cảnh sinh tình ông đã sáng
tác ra làn điệu hát Dậm (gồm 30 tiết mục với hơn 1.000 câu thơ). Từ đó, nhân
dân trong vùng lập đền thờ Lý Thường Kiệt và truyền nhau câu hát mỗi khi diễn
ra lễ hội đền Trúc vào ngày mùng 10 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng Hai (Âm
lịch) tại núi Cấm.
Đây cũng là một trong những nghi lễ thiêng liêng của hội đền
Thánh Cả. Theo các cụ cao niên trong làng Quyển Sơn thì chính cái tên hát “Dậm”
hay hát “Dặm” cũng gây nhiều tranh cãi. Đa phần, ý kiến cho rằng hát “Dậm” là
chính xác cả về ngôn từ lẫn ý nghĩa. Vì trong hầu hết các làn điệu hát Dậm có
nhiều động tác được miêu tả bằng hành động đánh “dậm”.
Trải qua hàng trăm năm, hát Dậm Quyển Sơn được luyện tập
ngay ở sân đền Trúc, dưới chân núi Cấm. Một điều đặc biệt trong hát Dậm là chỉ
lựa chọn những người con gái chưa chồng hoặc góa phụ mới được tham gia. Vậy nên
ở làng Quyển Sơn, hàng năm làng đều tuyển chọn các cô gái thanh tân trong làng,
tuổi từ 12-20, có giọng hát hay, xinh xắn vào phường Dậm.
Phường hát Dậm có từ 30 người trở lên. Đứng đầu phường hát
là Cụ trùm, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài. Cụ trùm thuộc
lòng tất cả các làn điệu, trực tiếp điều khiển con Dậm thực hiện chương trình.
Khi diễn xướng, Cụ trùm mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các con
Dậm mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ,
váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc...
Nhạc cụ có cặp xênh do cụ trùm sử dụng để gõ nhịp. Một cặp
trống con có đường kính 23cm, chiều cao 10cm, tay cầm dài khoảng 20cm, do 2 con
Dậm vừa dùng làm đạo cụ, vừa là nhạc cụ diễn xướng.
Hát Dậm thuộc dạng ca - múa - nhạc tổng hợp. Hầu như bài nào
cũng có múa và diễn. Múa trong hát Dậm có nhiều tổ hợp động tác. Một số tổ hợp
động tác múa rất đẹp, duyên dáng có phong cách riêng. Đa phần bài, làn điệu hát
Dậm có diễn xướng và xô. Người xướng là cụ trùm. Người xô là các con Dậm. Kỹ
năng hát Dậm phải vang, rền.
Hát Dậm có khoảng 38 làn điệu, nhiều làn điệu về cơ bản có
âm điệu giống nhau, chỉ khác ở 1 - 2 nốt
nhạc. Sự khác nhau này do lời ca tạo nên. Chính vì thế cấu trúc của dân ca hát
Dậm khá đa dạng. Trong 38 làn điệu này, phường hát Dậm gần như nối liền với
nhau. Một số bài có cấu trúc khổ nhạc đơn, gồm 2 - 4 câu nhạc. Một số bài có cấu
trúc hai khổ nhạc đơn (phát triển trên cơ sở của khổ nhạc đơn). Có bài có cấu
trúc liên hoàn các khổ nhạc đơn (giống liên khúc).
Lời ca trong hát Dậm có các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, thơ tự do,
lục bát, lục bát biến thể, tứ tuyệt. Giai điệu các bài có nội dung cầu chúc thần
thánh thì trang nghiêm, thành kính. Những bài có nội dung về sinh hoạt lao động
và tâm tình nam nữ thì giai điệu tinh tế, trữ tình, trong sáng... Theo nghệ
nhân 91 tuổi Trịnh Thị Răm: “Khó nhất của hát Dậm chính là những người tham gia
hát Dậm chỉ là những người con gái chưa chồng hoặc goá phụ mới được tham gia.
Các cô gái trong phường đến tuổi đều lần lượt đi lấy chồng. Vì vậy mà hàng năm
phải lặn lội tới làng trên xóm dưới tìm người thay thế để luyện tập kịp thời, nếu
không sẽ lỡ dịp lễ hội mỗi khi xuân về…”.
Phục nguyên vốn quý
Hát Dậm làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng: từ đình
làng ra thế giới
Nghệ nhân Trịnh Thị Răm (91 tuổi), là cụ trùm đời thứ 4 phường
Dậm Quyển Sơn từ năm 1990 đến nay
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hát Dậm Quyển Sơn
dần bị phai nhạt. Dân làng không thể tổ chức lễ hội, phường Dậm cũng vì thế mà
dần tan rã.
Vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều đoàn
nghiên cứu văn hóa tìm về Quyển Sơn với ý định khôi phục làn điệu hát Dậm. Các
cụ, các bà ngày trước từng tham gia phường dậm được mời về Hà Nội biểu diễn. Những
buổi biểu diễn đó được ghi hình, nén vào băng để làm tư liệu nghiên cứu. Cũng
nhờ đó, phường Dậm được khôi phục.
Chừng ba năm sau, có một Việt Kiều tên Ensola Thủy đến tận
nhà mời cụ Trịnh Thị Răm sang nước ngoài biểu diễn hát Dậm. “Thoạt đầu tôi rất
lo lắng, tự nhiên ai lại mời mình đi chơi, lại còn Tây Tàu gì đó, mình biết cái
gì mà đi. Nhưng sau nghe cô Việt Kiều tâm sự tôi hiểu ra nên đồng ý”, cụ Răm nhớ
lại.
Trong chuyến đi đó, ngoài cụ Răm còn có 6 người khác quê ở tỉnh
Thái Bình. “Sang bên đó, bà con người Việt mình thân thiện mến khách lắm. Cả
Tây, ta chăm chú lắng nghe, vỗ tay ủng hộ rất hào hứng. Tuy cũng mệt nhưng mà
thấy vui, qua hát Dậm tôi có thể giới thiệu tới các nước bạn về một nét văn hóa
độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc”, cụ Răm tâm sự. Chuyến lưu diễn đó xuyên qua
nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Canada, Đan Mạch.
Hiện nay người cao tuổi nhất còn hiểu biết nhất về hát Dậm
chính là cụ Trịnh Thị Răm bà trùm đời thứ 4 phường Dậm Quyển Sơn từ năm 1990 đến
nay. Năm 2003 cụ Răm đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu
“Nghệ nhân dân gian”.
Chính cụ Răm là người
đem câu hát Dậm đi biểu diễn giới thiệu ở 16 quốc gia trên thế giới như: Mỹ,
Anh, Na Uy, Đan Mạch, Đức… Dù tuổi đã cao nhưng cụ và các nghệ nhân nơi đây sẽ
còn đem câu hát Dậm đi nhiều quốc gia khác trong nay mai.