Đình Sầm Khúc xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là nơi tôn thờ Thành hoàng làng Phổ Cứu Đại vương (thời vua Hùng Vương), có công âm phù giúp các vua dẹp giặc, thiết lập trật tự đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Đình Sầm Khúc (còn gọi là Đình Chằm) thuộc xã Việt Hưng, huyện
Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Căn cứ vào thần tích, sắc phong, bản kê khai của các
Hương lão và Lý dịch làng Sầm Khúc (xưa là làng Mỹ Trạch) do Viện Viễn Đông Bác
cổ thu thập vào năm 1938, hiện đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và
Thư viện tỉnh Hưng Yên và lời kể của các bậc cao niên trong thôn, đình Sầm Khúc
là nơi tôn thờ Thành hoàng làng Phổ Cứu Đại vương (thời vua Hùng Vương), có
công âm phù giúp các vua dẹp giặc, thiết lập trật tự đất nước, đem lại cuộc sống
ấm no cho nhân dân.
Trên câu đầu tòa Đại bái có ghi niên đại tuyệt đối năm dựng
đình “Duy Tân nhâm tý niên mùi nguyệt giáp dần nhật lương thời thụ trụ thượng
lương đại cát” (Ngày mùng 6 tháng 8 năm Nhâm Tý (1912) niên hiệu Duy Tân dựng
thượng lương tốt lành). Dựa vào các sắc phong hiện còn, trong đó có đạo sắc
phong sớm nhất vào năm Tự Đức thứ 10 (1856), có thể biết đình Sầm Khúc đã tồn tại
từ trước thời điểm đó.
Đình Sầm Khúc được khởi dựng trên một khu đất cao, thoáng, mặt
tiền quay hướng Tây Nam. Ngôi đình có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh. Nhìn từ
ngoài vào, trước mặt đình là hồ nước, giữa hồ nước và Nghi môn là con đường
làng chạy qua. Qua Nghi môn là một khoảng sân rộng, trong cùng là kiến trúc của
ngôi Đại đình bề thế, uy nghiêm và Hậu cung. Các cấu kiện và thành phần kiến
trúc đều được làm bằng gỗ tứ thiết mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn còn
đồng bộ, vững chắc.
Nghi môn được làm theo kiểu tứ trụ (lồng đèn) tạo thành 3 cửa
ra vào.
Tòa Đại bái là hạng mục có diện tích lớn nhất tại đình Sầm
Khúc gồm 05 gian được làm theo kiểu tường hồi bít đốc với kích thước dài 19,3m,
rộng 10,17m, cao 6,4m (tính từ nóc mái xuống nền đình). Bốn phía xung quanh nền
Đại bái đều được bó vỉa bằng gạch chỉ, cao 0,65m so với sân đình, phía ngoài phủ
vữa áo. Phần móng được gia cố vững chắc. Mặt nền lát gạch bát (30cm x 30cm), mạch
chữ công. Từ sân có bậc xây bằng gạch dẫn lên hiên Đại bái.
Kết cấu kiến trúc Đại bái gồm có 6 bộ vì, với 24 cột gỗ (12
cột cái, 12 cột quân), kiểu 4 hàng chân cột. Khoảng cách giữa cột cái trước với
cột cái sau là 4,22m, cột cái với cột quân là 2,05m. Các cột đứng trên chân tảng
bằng đá xanh không trang trí hoa văn. Nâng đỡ phần mái tòa Đại bái là các bộ vì
nóc và vì nách. Hệ thống vì nóc Đại bái đình Sầm Khúc đều được làm theo kiểu
“chồng rường trụ trốn”. Các vì nách tòa Đại bái đình được tạo tác theo hai dạng:
“bán chồng rường” ở các gian bên và “cốn mê” tại gian giữa.
Tòa Hậu cung là hạng mục gồm 03 gian, nằm song song với tòa
Đại bái, được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, có kích thước 7,9m x 7,1m (khoảng
cách giữa hai cột cái là 2,8m; cột cái đến cột quân 1,67m). Trung tâm Hậu cung
là nơi đặt ban thờ Thành hoàng làng Phổ Cứu Đại vương. Mặt nền lát gạch 20cm x
20cm, mạch chữ công. Móng được bó vỉa bằng gạch đỏ phủ vữa áo. Điều đặc biệt tại
Hậu cung đình làng Sầm Khúc hiện vẫn còn giữ lại được một phần kiến trúc ván
sàn gỗ của ngôi đình cổ xưa.
Hậu cung có kết cấu kiểu 4 hàng chân cột với 6 cột cái và 10
cột quân (cột cái có đường kính 300mm, cột quân có đường kính 250mm). Nâng đỡ
hoành mái là các bộ vì nóc, vì nách và hệ thống cột gỗ kê lên chân tảng. Hậu
cung có 03 bộ vì nóc làm kiểu “chồng rường”, không trang trí hoa văn.
Nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc
Các chạm khắc ở đây tập trung trên các thành phần cấu kiện
kiến trúc, làm nên vẻ đẹp hoàn mỹ của công trình, mang phong cách nghệ thuật chủ
đạo thời Nguyễn với nhiều đề tài trang trí khá phong phú, đa dạng làm cho ngôi
đình trở nên sinh động và đạt giá trị kiến trúc nghệ thuật đỉnh cao trong nền
nghệ thuật thời Nguyễn. Trong đó, hình tượng tứ linh với rồng là chủ đạo trong
các mảng chạm, ngoài ra còn có các trang trí như tứ linh hoá tứ quý, tứ quý
(tùng, cúc, trúc, mai), lá lật, vân mây, hoa văn chữ Thọ,…
Đình Sầm Khúc là một công trình kiến trúc độc đáo, nơi lưu
giữ được nhiều di vật quý giá cả về văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Hầu hết
trên tất cả các cấu kiện và thành phần kiến trúc đều chạm khắc dầy đặc các đề
tài trang trí phong phú, đa dạng thể hiện hình tượng các linh vật, hoa văn cây
cỏ trong trạng thái động.
Hiện đình Sầm Khúc còn lưu giữ được những di vật, cổ vật quý
hiểm, có giá trị tiêu biểu: thần tích, đại tự, cuốn thư, sắc phong, chuông đồng,
ngai và bài vị, cửa võng, kiệu,...
Ngoài các dấu tích vật chất có giá trị lịch sử và nghệ thuật,
đình Sầm Khúc còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân
nơi đây, phản ánh rõ nét tính cộng đồng làng xã đồng thời nêu cao đạo lý “uống
nước nhớ nguồn”. Những nghi thức sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội, những trò chơi
dân gian truyền thống đã phản ánh đời sống xã hội của cư dân nơi đây.
Với những giá trị trên, Đình Sầm Khúc, xã Việt Hưng, huyện
Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng
là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3078/QĐ-BVHTTDL
ngày 27/10/2020./.
Khánh
Chi
(Theo hồ sơ tư liệu Cục
Di sản văn hóa)