Đình Sùng Văn là nơi thờ Linh Lang – tướng của vua Hùng Duệ Vương và hai tướng Cao Đê, Đãi Chân dưới triều vua An Dương Vương, những danh tướng có nhiều công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc ngay từ buổi đầu dựng nước.
Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 21 A đến gần nghĩa trang
Cầu Họ (cũ), rẽ tay phải vào đường rải đá, đi khoảng 1,5km nhìn sang bên phải
là một công trình kiến trúc cổ nằm ẩn mình dưới tán lá của những cây cổ thụ xum
xuê, bên cạnh hồ nước rộng trong xanh - Đó là đình Sùng Văn thuộc thôn Sùng
Văn, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc.
Căn cứ vào các tư liệu thành văn còn giữ được tại di tích
cùng với truyền thuyết ở địa phương thì đình Sùng Văn là nơi thờ Linh Lang – tướng
của vua Hùng Duệ Vương và hai tướng Cao Đê, Đãi Chân dưới triều vua An Dương
Vương. Đây là những danh tướng có nhiều công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại
xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc ngay từ buổi đầu dựng nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình
Sùng Văn là cơ sở tin cậy để cán bộ Việt Minh đi, về hoạt động bàn kế hoạch chỉ
đạo phong trào đấu tranh ở địa phương, tổ chức lực lượng chặn đánh những cuộc
càn quét của địch.
Thời kỳ chống giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đình Sùng
Văn được sử dụng làm kho tàng của Nhà nước, là cơ sở để một số cơ quan của tỉnh
sơ tán về làm việc.
Đình Sùng Văn thuộc thôn Sùng Văn, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc.
Ngoài giá trị về lịch sử, đình Sùng Văn còn là một công
trình về kiến trúc quy mô, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.
Ngôi đình tọa lạc trên một khu đất cao, rộng rãi, gần với đường liên thôn, tạo
điều kiện thuận lợi cho mọi người đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
Phía trước đình có hệ thống tam quan xây kiểu chồng diêm mái
cong. Từ tam quan vào đến đình là một sân rộng lát gạch, xung quanh xây tường
bao, tạo cho di tích một quy mô khép kín.
Đình Sùng Văn được xây dựng từ thời Hậu Lê, sang thời Nguyễn
tuy đã tu sửa một số lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét nghệ thuật của hai thế
kỷ XVII và XVIII. Công trình hiện nay gồm hai tòa, làm theo kiểu chữ đinh. Tòa
tiền đường có 5 gian, chiều dài 21m, rộng 11m với bộ mái đồ sộ, lợp ngói nam phẳng
phiu và cong đều về bốn góc.
Trên nóc mái xây đại bờ; các bờ dải, kìm nóc, đầu đao đắp đề
tài rồng chầu, phượng mớm, ly vờn cùng với học tiết lá lật cách điệu. Phía dưới
là hệ thống tàu đỡ mái bằng gỗ lim dày dặn, nhỏ ở giữa, to dần về phía hai đầu
để phù hợp với làn mái cong mềm mại.
Từ bốn hàng tàu này với kỹ thuật xàm mộng rất điêu luyện của
người thợ , đã tạo nên bốn đầu đao cong vút, vừa có giá trị về thẩm mĩ, lại có
tác dụng giằng kéo, khóa giữ chắc chắn cho giàn mái bên trên.
Do nội tâm tòa tiền đường quá lớn , nên công trình phải sử dụng
4 hàng cột gỗ lim, gồm 24 chiếc liên kết với nhau bởi các câu đầu, xà lòng, ,
xà nách tạo thành bộ khung gỗ đồ sộ, chắc chắn. Các cột cái có đường kính
0,60m, cột quân 0,45m tạo dáng kiểu búp đòng, được kê bằng các chân tảng đá
vuông, mặt chạm nổi gương tròn. Hệ thống xà lòng, xà nách, câu đầu đều soi ống
tơ, chỉ nổi. Hai bên xà nách ở gian chính giữa còn đục chạm cảnh rồng bay, phượng
múa, ly vờn ẩn hiện trong làn mây lá hỏa với đường nét, nhấn tỉa mạch lạc.
Tuy thiết kế 5 gian nhưng là dạng kiến trúc 4 mái cong, nên
tòa tiền đường chỉ có 4 bộ vì làm theo kiểu chồng rường, mê cốn , kẻ bẩy. Các
con rường trên 4 bộ vì đục chạm đề tài tứ linh, họa tiết lá lật, nên mặc dù
kích thước lớn lại xếp chồng lên nhau, nhưng vẫn tạo vẻ mềm mại, uyển chuyển.
Hệ thống bẩy, kẻ truyền được tạo dáng uốn lượn bên ngoài soi
chỉ, nhấn khung viền kiểu vành mai, bên trong đục chạm kênh bong các đề tài
“long hóa” , mây tản. Bằng đường nét chạm nổi, kênh bong cầu kì các nghệ nhân
xưa đã biến những khúc gỗ lim thô mộc, cứng nhắc trở thành những tác phẩm có đường
nét thanh thoát, hấp dẫn.
Các bức mê cốn lại chạm khắc cảnh long, ly, quy, phượng đang
chầu, vờn nhau, cảnh rồng lấy nước có rùa, cá đang bơi. Đây là những tác phẩm độc
đáo, thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc của những nghệ nhân tài hoa
xưa. Các đầu dư là cấu kiện có chức năng đỡ câu đầu, xà lòng cũng được thể hiện
bằng hình ảnh rồng vuốt râu, họa tiết vân ám, lá hỏa với kỹ thuật chạm bong độc
đáo.
Thay thế vì kèo ở gian đầu hồi là các kẻ góc, xà đùi, trụ
non và con rường. Hai cặp kẻ góc từ câu đầu vươn xuống phía đưới làm điểm tựa
chắc chắn để đỡ các đầu đao. Mặc dù phải chịu một lực đè khá lớn, nhưng kẻ góc
vẫn được tạo dáng, ghép nối thành hình một con rồng uốn lượn mềm mại.
Chạm khắc trên xà đùi, trụ non, con rường, ván bưng là các đề
tài: “mẫu long giáo tử” (rồng mẹ dạy rồng con), ly con nép dưới ly mẹ, rồng chầu,
rồng vuốt râu, rồng ngậm đuôi ly v.v… tất cả đều được ẩn hiện trong tầng tầng
mây tản, cụm đao mác, lá hỏa.
Với kỹ thuật chạm bong cầu kỳ, tỉ mỉ ở từng đường nét, nghệ
nhân đã thổi luồng sinh khí vào tác phẩm của mình làm cho nó trở nên sống động,
có sức truyền cảm, hấp dẫn, cuốn hút mọi người.
Nối liền với tiền đường bằng kỹ thuật giao mái, bắt vần độc
đáo là tòa đệ nhị 3 gian có chiều dài 6,80m, lòng rộng 9m. Công trình này được
phân chia thành hai cung là chính tẩm và đệ nhị cung. Các cấu kiện kiến trúc ở
đây có kiểu dáng, tỉ lệ kích thước, độ cao tương ứng với tòa tiền đường.
Phần chạm khắc, trang trí chủ yếu tập trung trên vì kèo ở cửa
cung chính tẩm với các đề tài: long, ly, quy, phượng chầu hoa cúc, voi ngậm
đuôi rồng, rồng cuốn ly v.v… Bên cạnh đường nét chạm khắc cầu kỳ là lớp sơn son
thếp vàng lộng lẫy làm tăng vẻ đẹp của công trình.
Ðiều đáng chú ý của công trình này là cửa cấm. Tại đây ngoài
việc điêu khắc các đề tài tứ linh công phu còn sơn son thếp vàng rất lộng lẫy.
Các họa tiết ở phía trên xà nách có các cảnh voi ngậm đuôi rồng, rồng cuốn ly
là những hình tượng dân gian đan xen trữ tình, hóm hỉnh. Chính diện cửa cấm chạm
long, ly, quy, phượng chầu bông hoa cúc tượng trưng mặt nguyệt.
Trên cùng là đại tự có dáng như ba trái đào dính vào nhau.
Trong mỗi trái đào có một chữ lớn, ghép lại thành ba chữ "đức trường
lưu" (công đức còn lại mãi mãi). Phải chăng đây là tấm lòng của nhân dân địa
phương đối với ba vị thành hoàng của quê hương, gắn với sự mong ước trường tồn.
Ðình Sùng Văn từng thu hút nhiều danh nhân văn hóa. Tiến sĩ
Khiếu Năng Tĩnh (1833 - 1915) từng giữ chức Ðốc học Nam Ðịnh, Ðốc học Hà Nội, Tế
tửu Quốc Tử Giám (Huế) nhiều lần thăm đình và tiến cúng câu đối thờ nay vẫn được
lưu giữ trang trọng. Tam nguyên Yên Ðổ (Nguyễn Khuyến) cũng đã đề thơ.
Cùng với vẻ đẹp và quy mô về kiến trúc, đình Sùng Văn còn
lưu giữ được nhiều đồ thờ có giá trị như: nhang án, kiệu long đình, bát cống,
ngai thờ, đại tự, câu đối. Trong số những di vật ở đây có nhiều tác phẩm được
làm từ thời Hậu Lê; tất cả đều được sơn thếp rực rỡ làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm
nơi thờ tự.
Đình Sùng Văn là nơi thờ những người có công lao với dân với
nước, là công trình đồ sộ được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân
xưa. Từ những giá trị về lịch sử và độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, năm 1997
đình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công
nhận di tích lịch sử - nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.
Đình Sùng Văn được Nhà nước xếp hạng là nguồn cổ vũ lớn lao
để nhân dân địa phương tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp bảo tồn những di sản
văn hóa quý báu của cha ông xưa để lại.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định