Đình Sừng thuộc xã Lăng Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là một ngôi đình cổ, được xây dựng cách đây hơn 500 năm, thờ phụng thần Cao Sơn Cao Các. Đình Sừng là ngôi đình lớn có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Đình Sừng - Tên gọi gắn liền với tên đất, tên làng. Làng Quỳ
Lăng xưa có tên gọi Kẻ Sừng, là một ngôi làng cổ có những lợi thế phòng thủ
trong chiến tranh và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Kẻ Sừng
từ xa xưa đã sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa, chính
trị quan trọng của Châu Diễn.
Đình Sừng nhìn từ trên cao
Khi nhà Đường lấy huyện Hàm Hoan trong châu làm trung tâm
chính để đặt ra Diễn Châu làm thành một trong 12 châu của An Nam đô hộ Phủ năm
679, cho đến hết triều đại nhà Đinh 979, liên tục trong 3 thế kỷ, lỵ sở của Diễn
Châu luôn đóng ở Kẻ Sừng.
Trong sự phát triển dân cư và kinh tế, kết hợp với nền văn
hóa đang phát triển của vùng đất cổ. Tháng 11/1583 người dân làng Quỳ Lăng đã hợp
lực xây dựng một ngôi đình làm nơi hội họp và hoạt động văn hóa làng xã. Nguyên
xưa đình được làm bằng tranh tre, nứa lá. Cùng với sự phát triển kinh tế, người
dân đã xây dựng một ngôi đình vững chắc, bề thế để thờ phụng Thành hoàng làng, hai
vị nhân thần Cao Sơn, Cao Các.
Đình Sừng nằm giữa một quần cư trù phú, quanh đình có làng mạc,
cây đa, bến nước, có con sông Sừng uốn khúc. Những công trình kiến trúc cổ ấn
tượng như cầu đá, cổng làng xây cùng thời hình thành một ngôi làng truyền thống,
cùng làm sâu sắc thêm vẻ đẹp độc đáo, tinh túy của ngôi đình cổ.
Cá chép vượt vũ môn.
Những chiếc cột lim của Đình Sừng.
Năm 1797, làng dựng thêm tòa hậu cung để làm nơi thờ phụng
hai vị nhân thần Cao Sơn Cao Các là Thành hoàng làng. Trong quá trình tồn tại
và phát triển, đình được tu sửa vào các năm: 1637, 1677, 1787, 1913, đến năm
1929 đình được tu lý xây dựng lại to đẹp như hiện nay. Các văn bia cổ tại đình
đã ghi lại quá trình tu lý, xây dựng lại: Năm Đinh Mão 1927, nhân dân làng Quỳ
Lăng bắt tay vào việc chuẩn bị gỗ, tiền bạc, công sức.
Khối lượng gỗ cần thiết được chia đều cho 11 giáp trong
làng, chọn và khai thác loại gỗ lim tốt và to nhất trong các khu rừng của làng
Quỳ Lăng. Tiền bạc cho xây dựng, Làng giao cho thợ 5 ngàn quan, khoản tiền này
lấy từ nguồn thu bán chức sắc như Hiệu xạ, thần tổ của Làng và tiền thu bổ theo
đinh điền. Làng cũng tự lập ra tổ thợ sản xuất ngói, mở lò nung ngói theo khuôn
riêng tiêu chuẩn do Làng quy định.
Sau 3 năm chuẩn bị, đến năm 1929, bắt đầu khởi công tôn tạo,
xây dựng lại đình dưới quyền chỉ đạo của đốc Hoàng Doãn Cù, quê ở Diễn Châu. Đến
nay người dân địa phương còn lưu truyền bài vè mô tả không khí làm việc sôi nổi
của dân làng thuở đó:
“Dưới trên ai nấy thuận tình. Trống đánh dập dình, reo hát cả
ngày đêm. Ba năm kéo gỗ một miền. Đắp nền thuê thợ tức thì làm ngay”.
Các bậc cao niên ở xã Lăng Thành kể lại, quá trình dựng đình
thủa ấy như huyền thoại: Đình do 2 hiệp thợ thi công, nửa đình phía Đông do thợ
Diễn Châu đảm nhận, nửa phía Tây được giao cho hiệp thợ Yên Thành. Sau khi thống
nhất khuôn mẫu và kích thước, hai bên tiến hành làm trong khoản thời gian theo
quy định, nhưng phải giữ bí mật, không được trao đổi với nhau.
Các họa tiết trên đầu đốc mái Đình Sừng
Sau khi các vầy đình sàm đục xong, làng quyết định chọn ngày
dựng đình, mỗi hiệp thợ huy động khoảng 300 người, dùng dây chão tre bện lại với
nhau để kéo, khi có hiệu lệnh cả hai bên đều kéo vầy đình lên cùng lúc. Mặc dù
làm thủ công, nhưng khi dựng lên hai phần đình đều lắp khít với nhau, các cột
đình đều đứng chính giữa hòn đá tảng kê chân. Đây thực sự là một minh chứng cho
tay nghề đỉnh cao và khả năng tính toán chính xác của thợ xây dựng thời xưa.
Đến đầu năm 1930, quá trình tôn tạo, xây dựng lại đình được
hoàn thành. Đình có quy mô đồ sộ, dài 24,7m; rộng 11,2m. Toàn bộ bộ khung nhà
được chế tác bằng gỗ lim có đường kính lớn. 6 vì kèo đỡ mái liên kết với nhau bằng
đường thượng lương và hệ thống giằng cột, xà dọc, xà ngang đóng khít.
Bộ khung đã chia tòa Đại Bái thành 5 gian rộng và 2 gian chái
với đầu hồi bít đốc. Mỗi vì có bốn cột, hai cột cái cao 5,63m, đường kính
0,42m; hai cột quân cao 4,33m, đường kính 0,4m. Toàn bộ tòa Đại Bái có 24 cột,
tất cả đều hình tròn kê trên tảng đá thanh có kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc giống
nhau.
Đình được trang trí bằng các mảng chạm khắc sống động, sắc
nét và tỷ mỉ. Các bộ phận kiến trúc của đình như bờ nóc, con xô, xà, hạ, kẻ,...đều
được các nghệ nhân tạo hình trang trí công phu, cho thấy tài nghệ điêu khắc, chạm
trổ gỗ đỉnh cao của nghệ nhân dân gian.
Trên bờ nóc, con xô và hai mảng tường bít đốc, bằng những chất
liệu cổ truyền như vôi vữa, cát và mật mía, các nghệ nhân tạo hình đã đắp nề các
mảng phù điêu như Rồng chầu, Phượng múa sinh động.
Nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân xưa tạo nên nét đẹp
riêng của Đình Sừng.
Các mảng chạm khắc trên cấu kiện gỗ được thể hiện theo những
chủ đề “Tứ Linh”, “Tứ Quý” rất sống động, hài hòa cân đối, tạo điểm nhấn thu
hút người xem.
Nổi bật là bốn mảng phù điêu chạm trên 4 bức cốn mê 4 góc của
tòa Đại bái được bài trí đăng đối, cân xứng với nghệ thuật chạm lộng tỷ mỷ, chi
tiết, mềm mại và sống động, thể hiện sắc sảo thần thái của 4 linh vật Long, Ly,
Quy,.
Trên tất cả các kẻ của tòa Đại bái đều được chạm khắc hai mặt
với các chủ đề xen kẽ nhau là “Phượng ngậm thư”, “Cá chép hóa rồng, “Tùng lộc”,
“Lưỡng long quán Nhật”. Chủ đề “Long vân” cũng được thể hiện trên các xà, đầu
dư, đuôi bẩy của đình với tài nghệ điêu khắc đỉnh cao, cảm giác như đang thấy rồng
ẩn hiện trong mây.
Một đặc điểm ấn tượng là đình do hai hiệp thợ làm theo một
thiết kế đã định sẵn, các mảng chạm trổ cùng một đề tài, nhưng phong cách, thần
thái, dáng điệu lại hoàn toàn khác nhau. Nhưng tất cả đều toát lên tính nhân
văn sâu sắc, thể hiện đức tính truyền thống của dân tộc Việt Nam, đó là sự
Thanh cao, tinh khiết, thủy chung, thuần hậu, kiên cường và tâm hồn hướng thiện,
hướng thượng, hiếu mỹ, lạc quan, có một cuộc sống thanh bình.
Rồng do thợ Diễn Châu điêu khắc.
Rồng do thợ Yên Thành điêu khắc.
Các mảng chạm khắc gỗ trang trí của đình Sừng
Bia đá đình Sừng
Ban thờ các vị thành hoàng và thủy tổ Làng
Trải qua bao biến động thăng trầm lịch sử, từ chiến tranh giặc
dã, sự khắc nghiệp của thời gian và phong hóa tự nhiên, nhưng đình vẫn giữ được
vẻ đẹp nguyên sơ gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất và người Quỳ
Lăng.
Trong những năm 1930-1931 đình Sừng là địa điểm họp bí mật của
chi bộ Đảng Quỳ Lăng, một trong những chi bộ đầu tiên ở huyện Yên Thành. Trong
khoảng thời gian 1932-1933, thực dân Pháp đã chiếm đình Sừng để đóng đồn trại.
Tại đây, kẻ thù đã giam cầm, bắt bớ tra tấn trên 100 cán bộ đảng viên.
Ngày 12/8/1945, tại ngôi đình cổ, quần chúng nhân dân Quỳ
Lăng đã tập trung lực lượng, dưới sự lãnh đạo của các cán bộ Cách mạng tổ chức
cướp chính quyền từ thực dân Pháp. Đình cũng là nơi tổ chức các cuộc vận động lớn
như: Tuần lễ vàng, tuần lễ vũ khí, công phiếu kháng chiến, công phiếu Quốc Gia,
đồng thời là trường học, kho chứa thóc gạo cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, một thời gian dài, đình là nơi triển
khai xưởng dệt may của Quân khu 4. Ngày nay, đình là trung tâm của các hoạt động
văn hóa tâm linh và văn hóa xã hội của địa phương: lễ hội, văn nghệ dân gian
như hát ả đào, ca trù, hát chèo, thể thao truyền thống như cờ người, vật cù lộ,
đồng thời cuãng là địa điểm tổ chức hội họp của các tổ chức đoàn thể địa phương.
Năm 2004, Đình Sừng được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp
Quốc gia. Năm 2010 được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã đầu
tư trùng tu nâng cấp một số hạng mục, nhằm bảo tồn, gìn giữ những tư liệu lịch
sử có giá trị cao, giúp cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật
kiến trúc của di sản văn hóa cổ, đồng thời giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử
của nhân dân địa phương cho các thế hệ mai sau.
Thái Dương - Nguyễn
Duy
Nguồn: Báo Dân Trí