Đình Tảo Dương, xã Hồng Dương, thờ phụng 4 vị tướng thời Đinh: Hoàng Tế đại vương, chức Thái úy triều Đinh. Hoàng Hựu đại vương chức Điều sát binh sự tướng quân”. Trần Tuệ đại vương chức Thái phó đại tướng quân. Trần Minh đại vương chức “Tham tán binh sự tướng quân”.
Đình Tảo Dương là một ngôi đình cổ được kiến tạo năm 1545,
là nơi thờ tự tứ vị thành hoàng thời Đinh: Hoàng Tế đại vương, được vua Đinh
Tiên Hoàng phong làm quan Thái úy. Trần Tuệ đại vương con ông Trần Kính, được
vua Đinh phong làm “Thái phó đại tướng quân”. Trần Minh đại vương là anh em
sinh đôi của ông Trần Tuệ, được phong làm “Tham tán binh sự tướng quân”. Hoàng
Hựu đại vương (còn gọi là Nguyễn Hựu) là người Tảo Dương, con cụ Nguyễn Quang
và cụ Đặng Thị Minh được vua Đinh phong làm “Điều sát binh sự tướng quân”.
Hồng Dương là một xã nằm ven quốc lộ QL21B, quần tụ gần
một vạn dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề canh tác nông nghiệp và chăn
nuôi. Xã này ngày nay thuộc về huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, và gồm
có 7 thôn: Ba Dư, Hoàng Trung, Mạch Kì, Ngô Đồng, Ngọc Đình, Phương Nhị, Tảo
Dương.
Thôn Tảo Dương xưa tên là Cảo Dương. Danh nho Nguyễn Doãn Địch
sinh ra ở đó, sau trú tại làng Canh Hoạch bên cạnh. Ông đỗ Thám hoa khoa
Tân Sửu năm Hồng Đức thứ 12 (1481), làm quan đến chức Hữu thị lang dưới đời
vua Lê Thánh Tông. Doãn Địch có cháu nội là Nguyễn Thiến đỗ Trạng
nguyên khoa Nhâm Thìn (1532) đời Mạc, và một hậu duệ rất nổi tiếng là
đại thi hào Nguyễn Du.
Đình thôn Tảo Dương thờ 5 vị thành hoàng là:
Đức thượng đẳng phúc thần Đồng Vĩnh là người Khoái Châu,
Hưng Yên, được vua Hùng sắc phong chức Thái bảo nhiếp chính.
Hoàng Tế đại vương sinh ngày 12 tháng 3 âm lịch, được vua
Đinh Tiên Hoàng phong chức quan Thái úy.
Trần Tuệ đại vương: Ông sinh ngày 12 tháng 11 âm lịch, được
vua Đinh phong làm Thái phó đại tướng quân.
Trần Minh đại vương là anh em sinh đôi của ông Trần Tuệ, được
phong làm Tham tán binh sự tướng quân.
Hoàng Hựu đại vương (còn gọi Nguyễn Hựu) là người Tảo Dương,
sinh ngày 7 tháng 3 âm lịch, được vua Đinh phong làm Điều sát binh sự tướng
quân.
Tại đình làng Tảo Dương còn lưu được tư liệu cho biết
năm xây dựng là Quảng Hòa ngũ niên (1545), nhờ công đức cung tiến của bà
Nguyễn Thị Nguyệt - vợ vua Mạc Mậu Hợp. Sau đó đình đã trải qua nhiều lần
sửa chữa lớn vào các năm: Cảnh Hưng thứ 27 (1768), Cảnh Hưng thứ 48 (1787)
và trong thế kỷ XIX, XX.
Ngày 10-2-1967, Hồ Chủ tịch đã về thăm HTX nông nghiệp Tảo
Dương. Năm 1982 Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng đình là Di tích kiến trúc
- nghệ thuật quốc gia; tiếp theo còn có Quyết định số 165 ngày 21-12-1985
công nhận di tích lịch sử quốc gia. Đến đầu thế kỷ XXI, UBND xã Hồng Dương
đã được đầu tư để xây dựng ở phía sau cổng làng Tảo Dương một Nhà lưu
niệm Bác Hồ.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Tảo Dương
Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng và từ ngày 12 đến 15
tháng Ba âm lịch, làng tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân đã
có công dựng làng giữ nước.
Đình Tảo Dương có mái thấp thường thấy ở thời Mạc. Gần
đây đình được trùng tu tuy vẫn ở trên nền cũ nhưng không giữ được
nguyên vẹn kiến trúc. Từ nghi môn du khách đi vào sân, hai bên có tả hữu vu
5 gian, ở giữa là toà đại bái 5 gian kết nối với hậu cung theo hình
chuôi vồ, phía sau hậu cung là vườn cây.
Các đầu bẩy của đình đều được chạm khắc hoa văn mềm mại,
tinh xảo mang đậm nét kiến trúc, nghệ thuật thời Mạc. Các đầu cột được trang
trí những hoa văn họa tiết bay bướm, cầu kì. Các bức chạm trổ Long, Ly, Quy,
Phượng tại đình cũng rất công phu, tài hoa. Lại có tấm bia hậu bằng gỗ được
cụ Lê Quý Sáng (cha của bảng nhãn Lê Quý Đôn) khắc thảo.
Cửa hậu cung treo bức hoành phi ghi 4 chữ “Thiên Môn Tường
Phượng” (trước cửa trời nhìn rõ phượng bay). Ở phần đầu dư có họa tiết hoa văn
hình lá sen rất tinh xảo mang dấu ấn thời Lê. Đầu bẩy ngoài đòn mái có họa tiết
hoa văn cũng kiểu thời Lê.