Đình Tây Mỗ 西姥, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội được xây dựng từ thế kỷ XVII, thờ: phụng Nhị vị thành hoàng là Long Hải Đại Vương và nữ tướng Ả Lã Nàng Đê triều Trưng.
Vùng phía tây kinh đô Đại Việt nổi tiếng về truyền thống
Nho học và thường được nhắc tới qua ngạn ngữ “Từ Liêm tứ quý, nhất Mỗ,
nhì La, thứ ba Canh Cót”. Mỗ là Thiên Mỗ, gồm 2 làng Tây Mỗ, Đại Mỗ. Nhiều hộ
dân ở đây ngoài nông nghiệp còn thạo nghề thủ công và buôn bán, làm ra
gạo tiền nuôi con em ăn học.
Từ thời nhà Lê đến nhà Nguyễn, riêng Tây Mỗ có tới 7 vị
đỗ đại khoa trong các kỳ thi do triều đình đứng ra tổ chức. Đó là: Nguyễn
Am (đỗ năm 1453), Hoàng Thiệu (1475), Nghiêm Hoàng Đạt (bảng nhãn 1583), Nguyễn
Đương Bao (1673), Nghiêm Bá Đĩnh (1733), Đỗ Huy Điển (phó bảng 1875), Nghiêm
Xuân Quảng (1895). Ngay trong hương ước do làng lập ra năm Chiêu Thống nguyên
niên (1787) đã có các quy định về việc tôn vinh và ban thưởng người nào đỗ
cao.
Sang thời Pháp thuộc, làng cũng trích một mẫu đất làm ruộng
giải điền để cho tiến sĩ các khoa tân học được hưởng hoa lợi suốt một năm.
Ngày nay, dù đã trở thành một phường thuộc quận Nam Từ Liêm nhưng Tây Mỗ
vẫn tiếp tục khuyến khích việc học hành.
Đình Tây Mỗ được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII, cho đến nay
trải qua gần 400 năm, nhiều lần đã bị hư hỏng, xuống cấp rồi lại sửa chữa,
tôn tạo. Đình tọa lạc giữa làng, trên một gò cao có thế đất hình “ngư long”
(cá chép hóa rồng).
Trong cung cấm đặt long ngai bài vị thờ thần Long Hải Đại
Vương, người dân địa phương thường đọc chệch Long thành Luông. Thành hoàng thứ
hai là Ả Lã Nàng Đê, bài vị đăth ở gian cuối nhà thiêu hương bên trái hậu
cung.
Theo thần tích, bà là con của ông Nguyễn Viên từ Châu Ái
ra Quốc Oai làm quan. Bà trở thành một nữ tướng và hy sinh sau khi Hai Bà
Trưng tuẫn tiết, được thờ ở nhiều làng ven sông Nhuệ.
Ngày 22-4-1992, đình Tây Mỗ được xếp hạng Di tích kiến trúc
nghệ thuật quốc gia.
Năm 2010, ngôi đình được trùng tu nhân dịp Đại lễ kỷ niệm
1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhìn chung vẫn giữ được dáng vẻ của di tích
cũ từ thời Nguyễn. Cổng chính xây 3 tầng, mái lợp ngói giả, mặt quay về
phía đông nam nhìn ra chợ. Đại bái quay về phía tây nam, mặt lại có
bức tường che, hai bên là cổng phụ mở ra sân đình trên đỉnh gò.
Toà đại bái rộng 3 gian 2 chái, để trống ba mặt, gian giữa
nối với hậu cung sâu 3 gian làm thành hình “chữ Đinh”. Từ hai chái của đại
bái kéo dài ra phía sau có 2 dãy thiêu hương gồm 3 gian nhỏ và song song với
hậu cung. Gian cuối thiêu hương bên trái là nơi đặt ban thờ Ả Lã Nàng Đê -
vị thành hoàng thứ hai.
Các mảng kết cấu gỗ trong di tích đình Tây Mỗ chủ yếu được
chạm khắc tỉ mỉ và trang trí với những đề tài tứ linh, tứ quý như rùa, lân,
rồng cuốn thuỷ, cá vượt vũ môn, phượng hàm thư, trúc hoá rồng,... mang phong
cách nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ở thế kỷ XIX.
Đình lưu giữ được 12 đạo sắc phong từ thế kỷ XVII đến XX và
một chiếc mũ thành hoàng mạ vàng tinh xảo được chế tạo vào thế kỷ XIX. Ngoài
ra còn có 1 bức đại tự, 2 quả chuông đồng, 3 bức cuốn thư, 1 hương án, 4 sập
thờ, 2 long ngai bài vị, 1 long đình và 2 cỗ kiệu mang phong cách nghệ thuật
từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn.
Hàng năm, dân làng vẫn tổ chức Lễ hội rước xôi vào mùng 8
tháng Giêng âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, gia đình yên ấm và tưởng nhớ,
tôn vinh công đức của 2 vị thành hoàng.
Đền Am nằm ở phía tây của làng, khu vực cánh đồng Mả. Theo thần tích đền được dựng để thờ Phúc Vương Tranh là con trai thứ 6 của vua Lê Thánh Tông. Là người có tài cao, học rộng, đức độ, khi mất được rước về đóng ở quê mẹ xứ đồng Hạnh Hoa Khê, trên mộ có dựng bia đá, nay đã mòn hết chữ.
Đền quay hướng đông, ở đầu làng xứ Hạnh Hoa thông ra phía ngoài là cổng mái cong, bên trong có vườn cây cổ thụ xum xuê. Trước đền có một bình phong xây chắn, trên các đầu cột xây trụ lồng đèn. Ngoài bình phong là ao nước rộng, nhiều cây si cổ thụ đổ bóng và tua xuống mặt nước bổng bềnh rất gợi cảm.
Từ bình phong vào đền qua một sân nhỏ. Kiến trúc của đền đơn giản, cửa bức bàn. Phía trước đền có hai trụ biểu ở hai cánh gà. Trên đầu mỗi trụ đắp một hình nghê ghép mảnh sứ hoa lam, hai nghê chầu đầu vào nhau. Ba mặt của trụ đề câu đối bằng chữ Hán. Mái đều lợp bằng ngói ta. Xung quanh xây tường gạch.
Theo bố cục kiến trúc, đình Tây Mỗ còn giữ được dáng vẻ của kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XIX thì kiến trúc đền Am muộn hơn nhiều.
Tòa Tiền tế là không gian sinh hoạt và nơi thực hành nghi lễ tế thần. Bên phải có ngai thờ Võ, ban bên trái đặt Long ngai thờ Văn. Trong Hậu cung phía trước đặt ngai thờ bá quan. Trong cùng là ngai thờ Phúc Vương Tranh. Hàng năm làng làm lễ tế Vương vào ngày giỗ mùng 6 tháng tám âm lịch.
Đình Tây Mỗ và đền Am đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Nguồn: Dân Việt